Khắt khe với giáo viên xử lý học sinh vi phạm, có làm tăng bạo lực học đường?

08/11/2020 06:34
Sơn Quang Huyến
GDVN- Theo Điểm a Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, giáo viên vẫn được quyền nhắc nhở học trò khi học trò vi phạm nội quy trong giờ học.

Bắt đầu từ ngày 01/11/2020 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực. Dư luận cho rằng từ 01/11/2020 giáo viên không còn được phê bình học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trước lớp, trước trường khi học sinh vi phạm khuyết điểm.

Vậy trong tiết học, học sinh nói chuyện, quậy phá, sử dụng điện thoại ... giáo viên phải làm ngơ? Em này làm được, em khác nhìn thấy cũng học theo, lớp học trở thành ... cái chợ, vô quy, vô tắc, giáo viên có dạy được không?

Trong thực tế, người viết đã gặp không ít giáo viên bất lực trước sự ngang nhiên thách đố của học trò ngay cả khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT chưa ra đời.

Ảnh minh họa, nguồn: vtv.vn.

Ảnh minh họa, nguồn: vtv.vn.

Những giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, sử dụng thước đánh, tay tát, đã vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức nhà giáo và ... bị xử lý nhanh chóng nhất có thể.

Vì vậy không ít người đã “mắc kê nô”, dạy cho hết tiết, cho xong chuyện, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về ... học trò.

Có phải giáo viên tuyệt đối không được phê bình học sinh trước lớp sau ngày 01/11/2020?

Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: "Khen thưởng và kỷ luật

2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

b) Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo."

Như vậy, theo Điểm a Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, giáo viên vẫn được quyền nhắc nhở học trò khi học trò vi phạm nội quy, kỷ luật hay các hành vi xấu trong tiết học.

Nhắc nhở là một hình thức phê bình nhẹ. Vì vậy giáo viên vẫn được phê bình, nhưng nhẹ nhàng, nhân ái những học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật hay các hành vi xấu trong tiết học trước lớp.

Nếu nhắc nhở nhưng không có hiệu quả giáo viên mới cần dùng đến các bước khác của quy trình kỷ luật. Trong quy trình giáo dục kỷ luật có thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Phụ huynh muốn con cái tiến bộ phải phối hợp chặt chẽ với nhà trường, không thể khoán trắng cho thầy cô được, đằng sau giáo dục học trò là mối quan hệ thân ái giữa phụ huynh với giáo viên, giáo viên và học trò, các mối quan hệ này phải đa chiều.

Học sinh phải biết quyền và nghĩa vụ của mình, sự hiểu biết đó mới hài hòa, mới điều chỉnh hành vi cho đúng mực. Nếu học sinh chỉ nghe quyền lợi của mình mà thôi, học sinh sẽ ỉ lại, thách đố thầy cô giáo, lỗi đó hoàn toàn do người lớn chứ không phải học trò.

Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi cho học sinh, truyền thông cũng cần tuyên truyền các hành vi học trò không được làm.

Trong trường phải có các bảng ghi rõ Quyền của học sinh, Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh, Các hành vi học sinh không được làm, Khen thưởng và kỷ luật.

Giáo viên hạnh phúc khi được làm việc trong một môi trường vui vẻ nhưng có kỷ cương, có kỷ luật, có yêu thương. Môi trường vui vẻ nhưng có kỷ cương, có kỷ luật, có yêu thương phải được xây dựng ngay trong tập thể sư phạm nhà trường.

Muốn có kỷ cương, có kỷ luật, có yêu thương thì thưởng và phạt phải nghiêm minh. Giáo viên đừng ngại ngần khi nhắc nhở học sinh vi phạm, nhưng cần khen thưởng kịp thời học sinh với những tiến bộ nhỏ nhất.

Nhà trường là nơi hình thành và nuôi dưỡng điều thiện, sự tử tế bằng sự yêu thương của con người.

Dù học sinh có vi phạm kỷ luật như thế nào đi chăng nữa, thầy cô cứ “phê bình” bằng trái tim, trong gương mặt ương bướng, lì lợm là trái tim dễ vỡ, cứ gõ cữa là nó sẽ mở ra.

Nói dễ, làm khó, nhưng thầy cô quyết tâm thay đổi, hãy rèn luyện sự kiên nhẫn, lòng vị tha và tìm cách lý giải hành vi bất thường của trẻ trước khi phán xét, luận tội, chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

Sơn Quang Huyến