Thầy cô phải làm sao nếu gặp học sinh cá biệt, thách thức?

02/11/2020 06:48
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chẳng thầy cô giáo nào muốn phê bình, quở trách học trò làm gì nhưng một bộ phận học trò bây giờ không đơn giản chỉ nhắc nhở, động viên mà các em nghe lời...

Bắt đầu từ ngày 1/11/2020 này, khi mà Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thì giáo viên không còn được phê bình học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông trước lớp, trước trường khi học sinh vi phạm khuyết điểm.

Tuy nhiên, đây quả là một vấn đề nan giải cho những thầy cô đứng lớp và ngay cả với những thầy cô làm công tác quản lý nhà trường vì nếu không phê bình thì khi học sinh vi phạm khuyết điểm thầy cô giải quyết ra sao?

Chẳng lẽ giáo viên phải yên lặng trước những sai trái của học trò rồi đến cuối buổi học gặp riêng nhắc nhở hoặc điện thoại về cho phụ huynh thông báo sự việc để phối hợp giúp đỡ học trò khắc phục?

Trong khi, một số học trò ngày nay thường hiếu động, nghịch ngợm, quậy phá và thậm chí không thực hiện nhiệm vụ học tập khi thầy cô giao việc.

Thầy cô đều mong học trò của mình trưởng thành (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thầy cô đều mong học trò của mình trưởng thành (Ảnh minh họa: TTXVN)

Liệu giáo viên có bất lực khi đứng lớp?

Nếu như trước đây học sinh thường rất sợ thầy cô giáo nên học sinh không dám quậy phá và lo lắng học hành. Mỗi khi thầy cô chỉ cần dọa ghi tên vào sổ đầu bài hoặc cho lên gặp Ban giám hiệu là học sinh đã phải thay đổi.

Mỗi lần học sinh lên bảng làm bài tập không được, hay bị thầy cô gọi lên trả bài mà không thuộc xem như là một việc rất xấu hổ trước bạn bè cho nhiều ngày sau nữa. Vì thế, học sinh có nền nếp và lo lắng chuyện học hành hàng ngày của mình.

Bây giờ, vẫn rất nhiều em ngoan hiền, ý thức tốt trong việc học tập của mình nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều em xao nhãng chuyện học hành, có thái độ không phù hợp với thầy cô giáo.

Khi được thầy cô gọi làm bài tập, trả bài không được vẫn vô tư cười nói, nhiều em còn không lên bảng và có thái độ thách thức là thầy cô thích cho bao nhiêu điểm thì cho.

Có những em ngồi trong lớp không chú ý học bài, thường xuyên nói chuyện, chọc ghẹo bạn trong lớp mỗi khi thầy cô quay lên viết bảng.

Nhưng rồi thầy cô cũng phải làm lờ đi. Bởi, nếu không kiềm chế được cảm xúc thì dù chỉ đánh nhẹ học sinh một cái vào tay, mắng học trò vài câu vô thưởng vô phạt mà học trò nói với phụ huynh thì thầy cô lãnh đủ.

Giáo viên phải làm bản tường trình, phải xin lỗi phụ huynh, học sinh, nhà trường và đương nhiên khi xếp loại viên chức, thi đua cuối năm sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí còn bị kỷ luật như chơi.

Vì thế, một số thầy cô co về thế phòng thủ để khỏi liên lụy dù biết rằng như vậy sẽ cắn rứt lương tâm, có lỗi với những em học trò siêng năng và có ý thức học tập tốt.

Nhưng, với áp lực dư luận như hiện nay thì nhiều thầy cô phải lựa chọn sự yên ổn, không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của mình.

Hàng loạt thầy cô bị đuổi việc, đình chỉ dạy, phạt tiền, bị kỷ luật trong những năm qua khi thiếu kiềm chế trong giảng dạy đủ cho nhiều giáo viên khác phải co mình lại trước sai trái của học trò.

Bây giờ, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ra đời và có hiệu lực thì giáo viên còn không được phê bình học trò vi phạm khuyết điểm trước lớp, trước trường…

Theo hướng dẫn của Thông tư này thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, hay thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Vẫn biết, những nội dung mới này cho dù nhân văn nhưng nó sẽ phát huy mặt trái vốn dĩ đã phát sinh từ lâu nay, đó là tình trạng học sinh không còn sợ thầy cô, không còn sợ kỷ luật, không còn sợ bị đuổi học nữa.

Một khi học sinh được “kỷ luật tích cực” thì tương lai sẽ có nhiều hạn chế đi kèm. Bởi, sai trái nào của học sinh cũng được bỏ qua, cũng được chiếu cố…khi hình thức đuổi học học sinh 1 tuần, 1 năm giờ đây cũng không còn nữa.

Hướng dẫn nghe rất hay nhưng thực tế không hề dễ dàng như vậy

Theo quy định hiện hành thì cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có 45 học trò/ 1 lớp- chừng ấy học trò, chừng ấy tính cách không phải lúc nào học trò cũng ngồi yên lặng nghe thầy cô giảng dạy, nhất là những tiết cuối, những tiết mà lâu nay học sinh xem là môn…phụ.

Nhưng, nếu các em nói chuyện, các em dùng điện thoại trong lớp khi thầy cô không cho phép, các em quay cóp trong giờ kiểm tra, thậm chí đánh nhau thì giáo viên cũng không có quyền gì hết.

Phê bình, lớn tiếng trước lớp về những vi phạm của học trò đương nhiên là thầy cô vi phạm quy định của Thông tư 32.

Trong khi, cấp trung học cơ sở có nhiều học sinh rất khó uốn nắn vì lứa tuổi các em đang phát triển về mọi mặt nên nhiều em ương ngạnh và chưa ý thức tốt trong học tập.

Việc cấm giáo viên phê bình học sinh trước lớp, trước trường rõ ràng nó không thực tế với tất cả các lớp, các nhà trường, không phải là phương pháp giáo dục tích cực.

Phê bình nhưng không xúc phạm, phê bình để học sinh nhìn thấy cái sai, cái hạn chế của mình để tiến bộ mới là điều tích cực mà giáo dục cần hướng tới.

Phê bình em này để em khác thấy mà tự sửa mình, tự răn mình còn nếu không được phê bình sẽ đồng nghĩa với việc giáo viên im lặng, buông bỏ tất cả, lớp học sẽ không còn nền nếp, trật tự. Một em hư, quậy phá sẽ kéo theo nhiều em hư theo, hệ lụy sẽ rất lớn về sau.

Vậy nhưng, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và từ nay nếu giáo viên phê bình học sinh trước lớp, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phê bình học trò trước toàn trường thì đều vi phạm Thông tư này.

Nói thì đơn giản vô cùng nhưng vào lớp mà học sinh mất trật tự, giao nhiệm vụ học tập mà học sinh không thực hiện chẳng lẽ giáo viên…vẫn cười, vẫn vui vẻ?

Chẳng thầy cô giáo nào muốn phê bình, quở trách học trò làm gì cho mệt thân nhưng một bộ phận học trò bây giờ không đơn giản chỉ nhắc nhở, động viên mà các em nghe lời…

Nhưng bây giờ, giáo viên lấy quyền gì để phê bình học trò trước lớp, trước trường?

NGUYỄN CAO