“Là nhà giáo nên tôi thường khuyên con cháu theo nghề, ngay như trong gia đình tôi cũng đã hướng được cho con trai và con dâu từ nghề khác chuyển sang nghề giáo.
Tại sao như vậy? Xuất phát từ tình yêu đối với nghề, với hơn 50 năm giảng dạy cống hiến trong ngành giáo dục và tôi cũng đã thành công, tôi tự hào về điều đó.
Đặc biệt với các em học sinh cấp III, nếu nhìn thấy các thầy cô là những tấm gương để học tập, thật sự là những người hạnh phúc thì đó cũng là động lực để hướng các em theo ngành sư phạm”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền: “Là một nhà giáo nên tôi cũng rất muốn khuyên con cháu theo nghề, ngay như trong gia đình tôi cũng đã hướng được cho con trai và con dâu từ nghề khác chuyển sang nghề giáo". Ảnh: TD. |
Quan trọng là tư duy đào tạo
Theo cô Hiền: “Thực tế hiện nay sinh viên theo học ngành sư phạm ra sao? Chúng ta vẫn luôn luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chúng ta đã thực hiện đúng việc đó hay chưa?
Từ cơ chế, chính sách, rồi những người thực hiện… đã thực hiện đúng coi giáo dục là quốc sách chưa, đã coi giáo dục là nền tảng để làm cho kinh tế đất nước phát triển hay không?
Bởi vì sao? Giáo dục với nhiệm vụ đào tạo ra con người mà bất cứ một quốc gia nào, một tổ chức nào, một doanh nghiệp nào thì con người là yếu tố số 1 quyết định sự thành công.
Vậy ai là người chịu trách nhiệm đào tạo những con người đó? Đó chính là giáo dục. Nhưng vai trò giáo dục của chúng ta hiện nay chưa được đặt đúng chỗ, chưa khuyến khích các thế hệ sau thích vào ngành giáo dục, muốn được làm thầy cô giáo.
Chúng ta mới chỉ nói là nghề giáo là nghề cao quý, nhưng trong thực tế chúng ta đã đặt đúng cái địa vị cao quý của nghề hay chưa, hay chúng ta mới chỉ nói mà không thực hiện?
Tại sao tôi nói thế? Những chính sách đưa ra đã tạo cho chúng tôi nhiều áp lực về công việc, và nếu để lựa chọn thì sẽ không ai chọn cho mình một nghề áp lực, nguy hiểm cả trong khi chính sách chưa được thoải mái.
Có thể nói chúng ta chưa thực hiện được quốc sách hàng đầu, chưa thực hiện được chính sách, chưa đặt giáo dục đúng với vị trí của nó đào tạo ra con người là nền tảng của đất nước”.
Theo cô Hiền: "Chúng ta mới chỉ nói là nghề giáo là nghề cao quý, nhưng trong thực tế chúng ta đã đặt đúng cái địa vị cao quý của nghề hay chưa, hay chúng ta mới chỉ nói mà không thực hiện?". Ảnh: TD. |
Cô Hiền cho biết: “Một lý do nữa là các trường sư phạm của chúng ta hiện nay chưa đổi mới, chưa tạo được sự gắn kết với các trường phổ thông, các trường chuyên trong cả nước.
Tôi đã đi học hỏi ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới thì sinh viên sư phạm của họ được đào tạo thực tế rất kỹ, sinh viên luôn được gắn kết với các cơ sở giáo dục để thực hành, học hỏi, trải nghiệm…trong suốt quá trình học.
Bản thân tôi học sư phạm và thời chúng tôi được đi thực tập rất nhiều, từ ngắn hạn, đến dài hạn, rồi kiến tập, đi thực tế… cùng với sự gắn kết của các trường sư phạm với các trường phổ thông rất chặt chẽ.
Sự gắn kết đó có thể hiểu như một sự đảm bảo "kép", sinh viên vừa được học trong trường sư phạm nhưng cũng đồng thời cũng được đào tạo thực tế ở các trường phổ thông.
Khi sinh viên sư phạm ra trường thì gần như đã trở thành một giáo viên thực thụ, giỏi về chuyên môn lại nhiều kinh nghiệm thực tế và đó là yêu cầu quan trọng của các nghề nói chung và nghề giáo nói riêng.
Yêu cầu hiện nay không còn chuyện giáo viên chỉ dạy theo kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, mà các thầy cô cần phải dạy theo hướng phát triển tư duy, khơi dậy và phát huy tố chất, thế mạnh của từng học sinh.
Bản thân các em học sinh hiện nay cũng có sự phân hóa, mức độ tiếp thu kiến thức và nhu cầu được học tập cũng khác nhau. Nếu thầy cô không đổi mới, không được đào tạo trang bị kiến thức sư phạm thực tế, hiện đại thì sẽ không thể theo kịp.
Ngay như trường chúng tôi tuyển được giáo viên trẻ mới ra trường đã khó nhưng việc đào tạo lại họ trong 2 năm tiếp theo là việc còn khó hơn, có đào tạo lại như vậy thì giáo viên đó mới đủ trình độ để tự tin đứng trên bục giảng.
Bản thân các sinh viên sư phạm cũng nhận thấy mình chỉ được đào tạo lý thuyết và rất ít thực hành, điều này cũng làm giảm lòng yêu nghề giáo của không ít sinh viên đang có ý định theo nghề sư phạm.
Các lứa sinh viên sư phạm khoa tiểu học khi về trường tôi thực tập thì thấy rõ là các em rất yêu nghề, nhiều em cho biết ở đây mới cảm thấy được đào tạo, được học hỏi, được sống trong môi trường sư phạm thật sự.
Một môi trường tạo mọi điều kiện cho các em được phát triển, được thực hành, được tìm hiểu gần gũi học sinh và thật sự được sống với nghề.
Hơn nữa muốn về trường tôi công tác thì các em không phải “chạy chọt, xin xỏ” gì cả, các em tự đứng bằng đôi chân của chính mình, qua thi tuyển và nếu giỏi sẽ được trọng dụng, đãi ngộ tốt”.
Cô Hiền chia sẻ: “Tại sao có em lại sợ theo nghề? Một lý do nữa là khi các sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường thì quy trình tuyển dụng vào các trường công lập rất phức tạp, khá nhiêu khê nếu như không nói thái độ của các nhà tuyển dụng là dửng dưng, không cần.
Có tiêu cực hay không thì tôi không biết, nhưng dư luận xã hội phản ánh là phải mất nhiều tiền mới vào được trường nọ, trường kia để giảng dạy? Việc này là không thể đối với sinh viên và càng khó khăn hơn đối với sinh viên ở các tỉnh, địa bàn vùng sâu, vùng xa nếu tốt nghiệp sư phạm”.
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: TD. |
Có phải mức đãi ngộ nghề giáo còn thấp?
Cô Hiền nói: “Từng nhà trường chúng ta nên xây dựng hình ảnh những thầy cô mẫu mực, những thầy cô coi mỗi ngày đến trường là một ngày vui, hiểu và tôn trọng học sinh, biết lắng nghe và chia sẻ, là chỗ “dựa” cho các con ở trường…các con nếu thấy thầy cô hạnh phúc với nghề như vậy thì cũng sẽ tự hỏi tạo sao mình không theo ngành sư phạm?
Mọi người cho rằng nhiều sinh viên không theo học sư phạm bởi sự đãi ngộ của nghề rất thấp, không đủ nuôi sống gia đình? Tôi thì lại cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính.
Ngày xưa chúng tôi đi dạy học cũng nghèo khổ đấy thôi, hầu như thầy cô nào cũng có thêm nghề phụ để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi gia đình vì đồng lương eo hẹp.
Đãi ngộ thấp như vậy lại phải làm thêm đủ việc vất vả nhưng chúng tôi vẫn yêu nghề. Nếu phân tích sâu hơn tôi thấy ngành nghề nào của chúng ta hiện nay thì cũng có mức lương và mức đãi ngộ khó khăn.
Nếu chúng ta vẫn giữ chính sách và cơ chế như hiện nay thì tôi thấy rất khó khuyến khích được sinh viên theo học ngành sư phạm, và cứ như vậy thì trong một tương lai gần chúng ta sẽ có khủng hoảng về nguồn nhân lực đối với ngành giáo dục.
Rất may mắn là hệ thống các trường tư thục phát triển mạnh, việc này sẽ thu hút và giải quyết được đầu ra rất nhiều cho các sinh viên tốt nghiệp sư phạm nhưng các em phải thật sự giỏi và có năng lực, yêu nghề.
Cách tuyển chọn giáo viên của các trường tư thục hiện nay cũng làm cho các em thấy yên tâm khi chọn và theo học ngành sư phạm, yên tâm học xong sẽ về trường này, trường kia với mức đãi ngộ tốt và nếu giỏi thật sự sẽ được bố trí công việc ngay, không phải “chạy chọt”.
Mục tiêu của việc đặt hàng đó sẽ khuyến khích sinh viên theo học và các em cũng yên tâm khi nhìn thấy tương lai của mình sau khi học xong, từ đó sẽ phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân.
Tôi cho đây là việc làm cần thiết của các nhà quản lý các trường sư phạm, nếu tư duy đào tạo vẫn theo kiểu ai cần thì vào học, đào tạo toàn lý thuyết, đầu ra không xác định… thì rất khó thu hút, khuyến khích được sinh viên theo ngành sư phạm”.