Những ai, cơ quan nào đang “vấy bẩn vào nền giáo dục”? (2)

04/12/2020 06:09
Xuân Dương
GDVN- Xử lý nhẹ các sai phạm, không công khai danh tính kẻ vi phạm chính là dung dưỡng những cây sâu để phá nát cả cánh rừng.

(Tiếp theo kỳ 1)

II. Có hay không sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng?

Cơ quan được giao trách nhiệm quản lý văn bằng, chứng chỉ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là Cục Quản lý chất lượng.

Chức năng của cơ quan này là “Giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; thi và đánh giá chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Cùng với Cục Quản lý chất lượng còn Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan này có nhiệm vụ:

“Thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”.

Nghị định số 42/2013/NĐ-CP quy định:

“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra giáo dục chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó”…

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Đại học Đông Đô, nhiều bài báo nêu tên hai đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học, tuy nhiên mới đây, một vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Cơ quan điều tra chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Vì đã có nhiều bài viết nêu tên hai đơn vị là Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học trong vụ việc mua bán văn bằng tại Đại học Đông Đô nên xin nói thêm về vai trò của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từng có đơn tố cáo gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc một số lãnh đạo Đại học Chu Văn An sử dụng bằng tiến sĩ “rởm” hoặc mạo nhận học vị thạc sĩ.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi xác minh đã ban hành “Kết luận thanh tra số 1147/KL-TTr” (Kết luận 1147) do Phó Chánh thanh tra Phạm Ngọc Trúc ký.

Hai trong ba người bị tố cáo được Thanh tra xác nhận trong Kết luận 1147 là “tố cáo không có cơ sở”, rằng văn bằng của họ là hợp chuẩn.

Bản kết luận này bị dư luận phản đối dữ dội, nhiều bài báo đã đưa ra các dẫn chứng và quy định pháp luật để chứng minh việc sử dụng bằng “rởm” và mạo nhận học vị của hai người này là hoàn toàn chính xác. [2], [3], [4]

Tiếp thu ý kiến phản biện, chín tháng sau, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã ký ban hành văn bản số 816/KL-BGDĐT, kết luận của Bộ đã phủ định kết luận của Thanh tra bộ và khẳng định việc sử dụng bằng “rởm” và mạo nhận học vị của hai lãnh đạo Đại học Chu Văn An là thật.

Mặc dù vậy, không thấy công bố kỷ luật những cá nhân thuộc Thanh tra bộ liên quan đến sai phạm trong Kết luận 1147.

Báo Hanoimoi.com.vn trong một bài viết có đoạn: “Trường Cao đẳng ASEAN đã khởi kiện Thanh tra Bộ GD-ĐT và Bộ GD-ĐT sau khi bị xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng và bị dừng tuyển sinh năm 2013”. [5]

(Ảnh minh họa trên Báo cand.com.vn)

(Ảnh minh họa trên Báo cand.com.vn)

Liên quan đến sự kiện này, báo Thanhtra.com.vn trong bài: “Có “bất thường” khi thanh tra tại Trường Cao đẳng ASEAN?” nêu nghi vấn: “Có hay không sự bất thường trong cuộc thanh tra nêu trên? Đặc biệt, có chuyện thanh tra để đóng cửa một ngôi trường vừa mới tuyển sinh được 2 mùa bởi những động cơ cá nhân? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này”. [6]

Báo Vietnamnet.vn trong bài “Vì sao họ phải kéo nhau ra tòa?” đã phân tích khá kỹ vụ việc Cao đẳng Asean kiện Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. [7]

Gần nhất là những ồn ào xung quanh câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ dự định kỷ luật một số cán bộ liên quan đến kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh miền núi phía bắc.

Trở lại vụ việc tại Đại học Đông Đô, báo Toquoc.vn trong bài “Đại học Đông Đô cấp 626 bằng giả tiếng Anh: Vụ Kế hoạch Tài chính- Bộ GDĐT liên quan thế nào?” có đoạn:

“Vụ này ra thông báo số 136, xác nhận cho trường tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của Đại học Đông Đô ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính ký.

Cả 3 văn bản trên đều ghi rõ nơi nhận gồm: Đại học Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GDĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GDĐT”.

Có thể thấy Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được báo cáo về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tại Đại học Đông Đô. Vấn đề là vì sao với chức năng nhiệm vụ “Thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục đào tạo” cơ quan này không phát hiện ra sai phạm?

Theo quy định tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP thì “Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra giáo dục chuyển đến”, nhưng câu chuyện tại Đại học Đông Đô lại hoàn toàn ngược lại, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án còn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng:

“Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm”. [8]

Một số dẫn chứng nêu trên liệu đã đủ để đưa ra kết luận, rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo buông lỏng quản lý công tác thanh tra, còn cơ quan thanh tra buông lỏng quản lý hoạt động của cơ sở giáo dục đại học?

Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và tổng kết năm học các trường đại học, cao đẳng tổ chức ngày 28/12/2013, một vị lãnh đạo Chính phủ nêu ý kiến: “Nếu muốn có một khâu đột phá thì cùng với đổi mới thi cử trước hết phải đột phá ở quản lý, đổi mới ngay tại Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [9]

III. Đạo đức cán bộ

Phải khẳng định không theo học, không thi cử, dùng tiền mua bằng (thật) để hoàn thiện hồ sơ (thi nghiên cứu sinh, thi tuyển công chức, nâng ngạch thanh tra viên,…) là vi phạm pháp luật, riêng với đảng viên còn vi phạm một trong các điều thuộc Quy định số 102-QĐ/TW.

Mục d, khoản 3, điều 11, Quy định số 102-QĐ/TW quy định khai trừ khỏi Đảng với đảng viên có hành vi: “Làm giả hồ sơ để được xét đi học, tiếp nhận, tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức”.

Những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mua bán, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả đã được báo chí nêu đích danh không hề ít và phải chăng số người này đã góp phần hình thành “Nhóm lợi ích bằng giả”?

Cần phải thấy rằng hình thức kỷ luật “Khai trừ khỏi Đảng” là hình thức kỷ luật cao nhất trong bốn hình thức “khiển trách, cánh cáo, cách chức, khai trừ”.

Những cán bộ, đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng thường sẽ bị xử lý hình sự như các ông Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trương Minh Tuấn, bà Hồ Thị Kim Thoa,…

Những người “Làm giả hồ sơ để được xét đi học, tiếp nhận, tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức” không chỉ thấp kém về tài năng mà còn suy đồi về đạo đức, vậy vì sao pháp luật lại phải nương nhẹ, chưa (hoặc không) xử lý hình sự, chưa (hoặc không) công khai danh tính?

Dư luận có lý do nghi ngờ có rào cản nào đó khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật xử lý vấn nạn bằng cấp giả mạo. Đồng thời liệu có tồn tại một lực lượng nào đó có đủ sức mạnh ngăn cản cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm khắc những người vi phạm?

Nếu những nghi ngờ nêu trên là không có cơ sở thì vì sao gần như chưa thấy vụ xử lý hình sự nào với cán bộ, đảng viên sử dụng văn bằng giả và cũng chưa thấy công khai danh tính những người vi phạm?

Cho đến nay, việc không công khai danh tính không ít người mua điểm cho con, em trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 hoặc những người mua và sử dụng bằng giả, bằng thật chất lượng giả tại Đại học Đông Đô cho thấy có xu hướng xem nhẹ loại tội phạm này.

Báo Cand.com.vn khẳng định: “Mua bằng giả để 'chui' vào cơ quan Nhà nước”. [10]

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói thẳng: “Người học giả, sử dụng bằng giả chỉ có thể "chui" vào các cơ quan nhà nước chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. [11]

Một ý kiến là từ tờ báo của ngành Công an, ý kiến còn lại từ chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có đủ cơ sở để đưa đến kết luận, rằng một số cơ quan nhà nước đang bị biến thành nơi dung dưỡng những kẻ bất tài, vô đạo đức?

Nếu kết luận này là không đúng thì phải lý giải thế nào về phát biểu của ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: “Trong số 1,7 triệu văn bản Cục tiếp nhận, kiểm tra trong thời gian qua, đã phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau”. [12]

Hơn 5 vạn văn bản sai trái đã bị xử lý chắc chắn chỉ do cơ quan nhà nước ban hành bởi đây là “văn bản quy phạm pháp luật”. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật phải do một nhóm chuyên viên soạn thảo và ít nhất một thủ trưởng phê duyệt, vậy hơn 5 vạn văn bản sai trái là sản phẩm của bao nhiêu người?

Và trong số những người đó phải chăng không có ai sử dụng bằng giả để tiến thân?

Phát biểu kết luận buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Vừa qua, một số trường hợp bị kỷ luật, rất đau xót nhưng không thể không làm, xử một vài người để cứu muôn người. Bác Hồ nói, chặt một cây sâu để cứu cả rừng cây”. [13]

Hồ Chủ tịch còn nói:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”.

Nếu không chịu “đau đớn” một lần, nếu không cho bằng rởm vào “giã” thì làm sao bảo đảm hệ thống chính trị “trắng tựa bông”?

Xử lý nhẹ các sai phạm, không công khai danh tính kẻ vi phạm chính là dung dưỡng những cây sâu để phá nát cả cánh rừng.

Thực hiện di huấn của Hồ Chủ tịch và ý kiến chỉ đạo của vị lãnh đạo cao nhất hệ thống chính trị liệu có cần phải quá nhiều thời gian chuẩn bị?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/phong-chong-tham-nhung/can-cong-khai-danh-tinh-nhung-nguoi-mua-bang-gia-cua-dai-hoc-dong-do-98304.html

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoa-hau-chui-tien-si-chui-phap-luat-va-nghe-thuat-to-he-post140598.gd

[3]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui-158767.html

[4]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/bang-rom-cao-cap-phap-luat-chao-thua-132263.html

[5] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/614107/bi-dung-tuyen-sinh-cao-dang-asean-kien-bo-giao-duc-ra-toa

[6] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/xu-ly-sau-thanh-tra/Co-bat-thuong-khi-thanh-tra-tai-Truong-Cao-dang-ASEAN-58673.html

[7]http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-08-20-vi-sao-ho-phai-keo-nhau-ra-toa-

[8] https://www.tienphong.vn/giao-duc/bo-gddt-tran-tinh-ve-sai-pham-tai-truong-dh-dong-do-1756918.tpo

[9] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ptt-vu-duc-dam-doi-moi-giao-duc-phai-ngay-tu-bo-gd-dt-post136367.gd

[10] http://cand.com.vn/Phap-luat/Ngan-chan-nan-mua-ban-su-dung-van-bang-gia-359393/

[11] https://vnexpress.net/bang-gia-chi-co-the-chui-vao-co-quan-nha-nuoc-2956309.html

[12] http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/616107/phat-hien-hon-50000-van-ban-co-bieu-hien-trai-luat

[13] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-ky-luat-can-bo-rat-dau-xot-nhung-khong-the-khong-lam-1716176.tpo

Xuân Dương