Những ai, cơ quan nào đang “vấy bẩn vào nền giáo dục”? (1)

03/12/2020 06:04
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ 18 năm trước, vấn nạn mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc văn bằng thật nhưng chất lượng giả đã được báo động qua vụ phát hiện tới 10 nghìn bằng giả.

Báo điện tử Vov.vn trong bài “Nhiều chứng chỉ, văn bằng giả được sử dụng công khai” viết: “Mới đây, chia sẻ trên báo chí, GS Phạm Minh Hạc cho hay, những năm 2002, ngành giáo dục phát động phong trào chống bằng giả. Riêng trong năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả hiện nay không có phong trào sâu rộng như khi đó”.

Như vậy ít nhất từ 18 năm trước, vấn nạn mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc văn bằng thật nhưng chất lượng giả đã được báo động qua vụ phát hiện tới 10 nghìn bằng giả.

Sau 18 năm, tình trạng này có vẻ còn nghiêm trọng hơn bởi đối tượng mua, bán đều thuộc diện “có học”, có vị trí nào đó trong hệ thống công quyền và đoàn thể xã hội.

Việc không xử lý nghiêm những người dùng bằng giả, bằng bất hợp pháp sẽ tạo nguy hiểm cho xã hội bởi những người sử dụng bằng giả để thăng tiến vào các vị trí lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng đường lối, chính sách, đến công tác cán bộ, điều hành kinh tế, gây nguy hại quốc phòng, an ninh quốc gia, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị.

Báo Baovephapsluat.vn, cơ quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đăng lời ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan đến vụ nhiều người được Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh hệ đại học chính quy không hợp pháp:

Ông Lê Như Tiến đề nghị: “Nêu danh tính những người gian dối đó để làm gương cho các thế hệ sau. Đó là những người đang vấy bẩn vào nền giáo dục thì không có lý do gì không công khai”. [1]

Cơ quan điều tra đã xác minh có 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng tiếng Anh không thông qua tuyển sinh, đào tạo, hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng.

Trong số này 60 người đã sử dụng văn bằng cho các mục đích khác nhau: 55 người dùng bằng được cấp để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. 5 trường hợp còn lại một người làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một người thi nâng ngạch thanh tra viên, một người thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ.

Tại Học viện khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) trong số 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển (đợt tháng 4/2019), có 7 người sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh hệ đại học chính quy của Đại học Đông Đô.

Trường Đại học Đông Đô để xảy ra không ít bê bối. (Ảnh minh họa: Vũ Phương)

Trường Đại học Đông Đô để xảy ra không ít bê bối. (Ảnh minh họa: Vũ Phương)

Có ba nguyên nhân khiến nạn mua bán văn bằng, chứng chỉ giả tồn tại nhiều năm qua:

- Pháp luật không nghiêm;

- Vai trò quản lý của cơ quan chức năng;

- Đạo đức cán bộ.

I. Về quy định pháp luật?

Điều 341, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, Văn bản Hợp nhất số 01/VBHN-VPQH) “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định:

“Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tù tới 7 năm.

Quy định trong luật có một khoảng dung sai rất lớn với đối tượng “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Hình phạt thấp nhất cho tội này là phạt tiền 30 triệu đồng, cao nhất là phạt tù 7 năm.

Những trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì thực hiện theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” (Nghị định 138).

Ngày 20/03/2020 Chính phủ đã công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 138.

Khoản 5, điều 9 Nghị định 138 quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai man, giả mạo giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển”.

Cũng khoản 5, điều 9 Dự thảo Nghị định ghi: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển”.

Mục d, khoản 3, điều 20 trong Dự thảo Nghị định ghi:

“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ sau đây: Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ”.

Như vậy các đối tượng mua bằng tiếng Anh tại Đại học Đông Đô sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, nếu sử dụng thi đầu vào và trúng tuyển thì bị phạt tiếp từ 10-20 triệu đồng.

Phải chăng Nghị định của Chính phủ không tạo nên sức răn đe cần có cho các hành vi vi phạm pháp luật bởi mức phạt tối đa chỉ là 60 triệu đồng.

Vậy khi nào những đối tượng có được văn bằng, chứng chỉ bằng cách bất hợp pháp bị xử lý hình sự chứ không phải là phạt hành chính?

Nhận xét:

1. Quy định không nhất quán

Tuy mức phạt tăng lên gấp đôi song cụm từ “Giả mạo” trong Nghị định 138 được thay thế bởi cụm từ “Sửa chữa” trong Dự thảo Nghị định không cho thấy đây là bước tiến của cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Hình sự quy định tội “sử dụng tài liệu giả”, Nghị định 138 và Dự thảo Nghị định cùng xem xét hành vi “khai man, sửa chữa giấy tờ” và Dự thảo Nghị định lại thêm hành vi “gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ”.

Những rắc rối không nên có trong các thuật ngữ, những quy định chồng chéo trong Luật và văn bản dưới luật sẽ tạo ra vô số “cách hiểu” của người thực thi công vụ khi xử lý sai phạm.

Việc hàng trăm người dùng tiền để mua bằng tiếng Anh tại Đại học Đông Đô theo Dự thảo Nghị định chỉ là hành vi “gian lận” và như vậy chỉ cần nộp phạt là xong?

Có thể thấy mức các mức hình phạt quy định tại Luật Hình sự, Nghị định 138 và Dự thảo Nghị định không những tương đối nhẹ so với các tội giả mạo khác như tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (quy định tại điều 193) mà còn tạo kẽ hở cho việc vận dụng khi xử lý vi phạm.

2. Quy định không rõ ràng

Các quy định pháp luật về tội làm giả hoặc mua bán, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội gian lận bằng cấp, chứng chỉ đang tồn tại những mâu thuẫn và dễ bị lợi dụng.

Thứ nhất, thế nào là “tài liệu giả”?

Các tài liệu giả, cụ thể là văn bằng, chứng chỉ giả được hiểu là sử dụng các phôi không do cơ quan có thẩm quyền cung cấp hoặc phôi bằng thật nhưng con dấu đóng trên phôi là giả.

Bằng cấp mà Đại học Đông Đô cấp cho người có nhu cầu không phải là bằng giả mà là bằng thật, dấu đóng trên bằng là dấu được cơ quan chức năng xác nhận, phôi bằng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn y, điều giả dối nằm ở chất lượng đào tạo chứ không phải tấm bằng.

Để chặt chẽ, các văn bản quy phạm pháp luật cần có phần giải thích từ ngữ, đặc biệt là Luật Hình sự, chẳng hạn phải giải thích thế nào là “Tài liệu giả”.

Trường hợp luật không quy định rõ ràng thì các văn bản dưới luật như Nghị định số 138/2013/NĐ-CP cần phải bổ sung cụ thể.

Thứ hai, các quy định giữa Luật Hình sự và Nghị định 138/2013/NĐ-CP có sự mâu thuẫn, Luật hình sự được áp dụng khi đối tượng “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tuy nhiên nếu mua văn bằng - tức là giả mạo giấy tờ - và sử dụng “trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển” thì chỉ bị phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng.

Nếu cơ quan chức năng không áp dụng Luật Hình sự mà là Nghị định 138 với những người mua bằng tiếng Anh của Đại học Đông Đô (để thi đầu vào nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ) thì họ chỉ bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng.

Cùng một tội nhưng được chế tài bởi hai văn bản quy phạm pháp luật, vậy khi xử lý, cơ quan hữu quan sẽ dựa vào Luật, Nghị định hay dựa vào cảm tính?

Đây có phải là lỗ hổng pháp luật mà người xử lý và đối tượng vi phạm có thể lợi dụng?

(Còn nữa)

Xuân Dương