Thiếu giáo viên thừa giáo sinh, hãy trả việc tuyển dụng về ngành giáo dục

07/12/2020 06:07
BÙI NAM
GDVN- Việc thiếu giáo viên gây khó khăn cho các trường trong việc sắp xếp, hỗ trợ công việc giảng dạy, ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Không chỉ thiếu giáo viên mầm non mà tình trạng thiếu giáo viên còn phổ biến hầu như ở tất cả các cấp học, bậc học.

Việc thiếu giáo viên gây khó khăn cho các trường trong việc sắp xếp, hỗ trợ công việc giảng dạy, ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Để các trường thực hiện sứ mệnh dạy học, giáo dục thì việc giải bài toán thiếu giáo viên phải được đưa lên hàng đầu.

Bài viết “Cả nước thiếu hơn 70.000 giáo viên mầm non, phổ thông” đăng trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh thực trạng trên.

Theo nội dung bài viết, hiện nay toàn quốc thiếu 71.941 giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó giáo dục mầm non thiếu 45.242 giáo viên (đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non), tiểu học thiếu 12.450 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 4.486 giáo viên, trung học phổ thông thiếu 9.763 giáo viên.

Đây là con số tương đối lớn, tuy nhiên việc thiếu giáo viên không đồng đều, ở các vùng khó khăn tình trạng thiếu giáo viên sẽ nhiều hơn.

Với cách quản lý, tuyển dụng, ưu đãi,… đối với nhà giáo như hiện nay dự báo trong thời gian sắp tới việc tuyển dụng vẫn sẽ rất khó khăn.

Việc tuyển đủ giáo viên trong thời gian tới là một bài toán hết sức nan giải nếu không có giải pháp quyết liệt từ các nhà lãnh đạo, quản lý chuyên ngành.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được phân tích nguyên nhân của việc tình trạng thiếu giáo viên sẽ còn là một bài toán nan giải và xin phép kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn do việc thiếu giáo viên.

Làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giải quyết việc thiếu giáo viên sẽ vẫn là bài toán nan giải

Theo tôi, việc thiếu giáo viên ở phía trước vẫn là một bài toán rất khó, trong bối cảnh hiện nay trong 5 - 10 năm tới chưa thể giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên nếu không có giải pháp quyết liệt, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Việc thiếu giáo viên trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, theo quan điểm cá nhân tôi tập trung ở ba nguyên nhân sau:

Thứ nhất, giáo viên sẽ nghỉ hưu rất nhiều trong thời gian tới.

Hiện nay tại các trường mầm non đến phổ thông, những giáo viên sinh các năm 1960 – 1965 (cả nam và nữ) khá nhiều, do vậy sẽ có khá nhiều giáo viên sẽ nghỉ hưu các năm tiếp theo, tuy Thủ tướng đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐCP về lộ trình tăng tuổi hưu nhưng việc tăng tuổi hưu cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non không phải là giải pháp hay.

Có thể ngoài giáo viên nghỉ hưu sẽ có nhiều giáo viên sẽ xin nghỉ hưu trước tuổi.

Do đó, trong thời gian tới sẽ có nhiều người nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi, giáo viên mới thì khó tuyển nên sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục thiếu giáo viên.

Ngay cả nơi tôi công tác, một ngôi trường nhỏ chỉ khoảng 30 lớp nhưng đã thiếu đến hơn 10 giáo viên, nhân viên trên tổng số biên chế quy định, và tôi biết các trường lân cận, nơi nào cũng thiếu giáo viên giống như cơ quan tôi.

Nhiều năm liền, phòng Nội vụ đăng thông báo tuyển dụng giáo viên cho trường tôi và các trường khác, nhưng việc tuyển dụng vô cùng khó khăn, nhỏ giọt.

Theo thống kê, dự kiến nghỉ hưu ở các đơn vị các năm học 2021, 2022 vẫn sẽ có rất nhiều,… nên viễn cảnh thiếu giáo viên sẽ còn dài.

Bên cạnh việc thực hiện theo Thông tư 16/2017/BGDĐT về vị trí việc làm, thì khi tuyển dụng kèm theo đề án tinh giản biên chế 10% nên việc tuyển dụng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Thứ hai, ngành sư phạm còn đang thiếu sức hút đủ lớn.

Có thể nói, giai đoạn hoàng kim của ngành sư phạm đã đi qua không chỉ ở việc năm nay có một số trường sư phạm điểm đầu vào thấp mà còn ở mặt khác như quy định mới không còn miễn học phí sinh viên sư phạm, chỉ còn hình thức hỗ trợ học phí và nếu ra trường công tác trong một thời gian quy định thì sẽ được miễn hoàn trả, nhưng việc tuyển dụng hiện nay khó khăn, nếu sinh viên ra trường không tìm được việc làm thì phải gánh một khoản nợ không hề nhỏ.

Trước đây việc tuyển dụng giáo viên được Sở Giáo dục tuyển dụng sau đó giao về các phòng giáo dục, nhiệm vụ của phòng giáo dục là bố trí công tác, do đó đa số tuyển dụng đủ giáo viên.

Nhưng những năm gần đây, việc tuyển dụng giao cho các địa phương theo chỉ tiêu, tuy nhiên cách tuyển dụng hiện nay bộc lộ nhiều bất cập.

Tôi ví dụ, như tại huyện X tuyển dụng giáo viên Toán cho 3 trường A, B, C (mỗi trường tuyển dụng 1 giáo viên), có 3 giáo viên dự thi theo quy chế trước đây thì mỗi trường sẽ tuyển dụng 1 giáo viên, đảm bảo yêu cầu.

Còn hiện nay, vì trường A có điều kiện thuận lợi nên cả 3 thí sinh đều đăng ký tuyển dụng vào trường A, nên sẽ có 1 thí sinh đạt, còn 2 thí sinh kia sẽ bị loại nhưng 2 trường B, C thì lại thiếu giáo viên.

Giáo viên thì thiếu, tuy nhiên lại có nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp phải đi làm công nhân hay làm công việc khác quả là bất cập quá lớn.

Như vậy, giáo viên thì thiếu, sinh viên sư phạm thì thất nghiệp, lương và chế độ đãi ngộ chưa cao,… nên ngành sư phạm hiện nay đang thiếu sức hút đủ lớn.

Trước đây, muốn trúng tuyển vào ngành sư phạm phải là những học sinh rất giỏi, khi đậu trường sư phạm không chỉ cá nhân sinh viên, gia đình mà cả xóm, làng phải tự hào, còn hiện nay nó đã không còn.

Một điều khiến cho không ít học sinh không chọn thi vào ngành sư phạm ngoài việc khó được tuyển dụng mà còn ở việc là sinh viên sư phạm nếu ra trường không được làm ở trường sư phạm thì rất khó tìm được việc làm ở các ngành khác, nên có tình trạng nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp chạy xe grap, bán hàng online, giao hàng (shipper), làm công nhân,…

Thứ ba, nghề giáo đang giảm sức hấp dẫn trong mắt học trò cũng như xã hội.

Một thực tế đã tồn tại nhiều năm nay: những lần cải cách, đổi mới diễn ra liên tục; bệnh thành tích, hình thức, đối phó; dạy thêm - học thêm; bạo lực học đường; lạm thu trong nhà trường; đời sống giáo viên quá chật vật nhưng không ít người phải bỏ khoản tiền không nhỏ ra để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp; rồi thăng hạng,...

Bên cạnh đó, hiện nay ngoài làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy, giáo viên còn chịu áp lực phải thu tiền học phí và các khoản tiền khác, tham gia các hoạt động phong trào lẫn chuyên môn, áp lực hồ sơ sổ sách, chỉ tiêu thi đua,… đã khiến nhiều giáo viên chán nản, giảm bớt lòng yêu nghề.

Người cả trong và ngoài ngành nhìn vào vị thế, hình ảnh của giáo viên không còn được như ngày xưa.

Trước đây, người thầy là biểu tượng của tri thức, của đạo đức, được phụ huynh, học sinh đặt trọn niềm tin.

Giá trị cao đẹp ấy là niềm tự hào của đội ngũ nhà giáo, là động lực để họ tiếp tục trau dồi năng lực, phẩm chất, để họ luôn đúng mực trong quan hệ ứng xử với phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp.

Lớp trẻ không ít người tâm niệm học giỏi để được làm thầy để được đứng trên bục giảng, để được mọi người kình trọng gọi là “thầy” là vì thế.

Hiện nay, hình ảnh người thầy có phần sứt mẻ do các yếu tố trên và còn do nguyên nhân là tự bản thân một số ít giáo viên đã tự làm hoen ố, mất giá trị của thầy như: Bạo lực, hành hung học sinh; có thầy, cô còn vi phạm pháp luật, ép buộc học sinh thu tiền, tham lam,… đánh mất hình ảnh cao quý của người thầy, làm mất đi giá trị cao quý người thầy.

Có một bộ phận giáo viên làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc kiểu đối phó,… khiến cho chất lượng và đạo đức ngày càng đi xuống.

Hình ảnh cao quý của người thầy hiện nay đã không còn được như ngày xưa, hay nói đúng hơn giá trị đã bị giảm đi nhiều.

Gần đây, các thông tư mới ban hành điều lệ trường học thì quyền của giáo viên lại bị hạn chế ở vấn đề xử lý học sinh, học sinh không còn tôn trọng giáo viên như ngày xưa nên ngày càng ít học sinh chọn ngành sư phạm.

Đâu là giải pháp hiện nay

Theo tôi để khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên hiện nay có thể tập trung vào các giải pháp cấp bách sau:

Thứ nhất, giao Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên.

Hiện nay, việc giáo viên thừa, thiếu cục bộ rất nhiều chính là do việc giáo cho địa phương tuyển dụng, các địa phương tuyển dụng đã không đạt được yêu cầu, làm cho tình trạng thiếu giáo viên phức tạp hơn.

Nên giao việc tuyển dụng về cho các Sở Giáo dục, các cơ quan tham mưu gởi nhu cầu tuyển dụng về Sở, Sở tuyển dụng và giao địa phương bố trí, thì có như thế mới đãm bảo các sinh viên đều có cơ hội đi dạy, các trường tuyển đủ giáo viên, hạn chế việc thiếu giáo viên trong thời gian sắp tới.

Nếu cơ hội làm việc của sinh viên sư phạm tăng cao, thì sẽ hạn chế sinh viên sư phạm thất nghiệp, thì đương nhiên sẽ có nhiều em học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm. Trường sư phạm sẽ dần dần có sức hút trở lại.

Bên cạnh đó, nếu cơ hội việc làm tăng cao, các em được đi làm thì sẽ được miễn trả khoản hỗ trợ thời sinh viên, sẽ khiến các em có động lực đi làm giáo viên hơn, tốt hơn cho ngành sư phạm.

Thứ hai, cải thiện môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ giáo viên tốt hơn.

Mọi người nhìn nhận, ngành sư phạm có quá nhiều “nguy hiểm” nhiều trường hợp giáo viên bị bắt nạt, hành hung nhưng không có cơ quan bảo vệ.

Hãy xử lý thích đáng giáo viên vi phạm và bảo vệ giáo viên đúng. Hãy trả lại môi trường làm việc lành mạnh không áp lực thành tích cũng như hành chính cho giáo viên

Bên cạnh đó, việc tăng lương nhà giáo phải là ngành đặc thù, phải có chế độ đãi ngộ tương xứng với vai trò, vị thế của nghề giáo, tương xứng với “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Tại sao nhiều sinh viên sư phạm học giỏi, khi thi tuyển thì trúng tuyển rất háo hức, hào hứng nhưng khi công tác một thời gian ngắn thì họ lại bỏ nghề vì họ không thể sống được khi mức lương chưa đến 3 triệu đồng mỗi tháng khi áp lực công việc quá nhiều.

Trong khi đó họ chỉ cần bán hàng, làm công nhân hoặc chăn nuôi nhỏ,… là thu nhập ít nhất trên 5 triệu đồng mỗi tháng, giáo viên phải công tác ít nhất 10 năm mới được 5 triệu đồng, thực tế này khó có thể chấp nhận.

Việc không còn miễn học phí sinh viên sư phạm thay vào đó là hỗ trợ chi phí và nếu sinh viên trở thành giáo viên trong khoảng thời gian theo quy định thì được miễn trả khoản hỗ trợ, đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ để tránh tình trạng sinh viên học sư phạm sau đó đi công tác trong ngành, nghề khác.

Nhưng phải có cơ quan bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm ra trường, không thể để sinh viên sư phạm mới ra trường còn rất bỡ ngỡ, lại phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm việc như hiện nay.

Vấn đề quan trọng nhất là cải thiện môi trường làm việc, nâng cao vai trò vị thế người thầy, người thầy được thực hiện quyền của mình, làm sao để nhân dân tin tưởng, phụ huynh học sinh tôn trọng giáo viên đó là điều mà mọi giáo viên đang mong chờ.

Nếu không cải thiện được các điều trên, thì việc các học sinh giỏi không vào sư phạm dẫn đến thiếu giáo viên giỏi, hay các học sinh “sợ” ngành sư phạm, “sợ” làm thầy, cô giáo sẽ còn rất dài ở phía trước.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng trường tư thục, dân lập.

Đây chính là giải pháp tối ưu, giảm nhẹ gánh nặng cho nhà nước về ngân sách, giảm quá tải cho các trường, việc thiếu giáo viên sẽ giảm bớt so với hiện nay.

Việc mở rộng trường dân lập, tư thục đồng nghĩa với việc cạnh tranh lành mạnh, học sinh sẽ được lựa chọn ngôi trường học tốt hơn, giáo viên sẽ dạy tốt hơn, học sinh học tốt hơn.

Việc mở rộng trên cũng đồng nghĩa việc sinh viên sư phạm ra trường có nhiều cơ hội việc làm hơn nên sẽ giảm bớt tình trạng thất nghiệp.

Bài toán thiếu giáo viên sẽ được giải quyết triệt để nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

BÙI NAM