Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về đề án chuyển Trường Đại học Quảng Nam trở thành trường thành viên của Đại học Đà Nẵng và một số vấn đề liên quan đến triển khai dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý (Đà Nẵng) - Điện Ngọc (Điện Bàn).
Ba phương án để Trường Đại học Quảng Nam sáp nhập về Đại học Đà Nẵng. Ảnh: AN |
Trước đó, Quảng Nam cũng đã có đề án: “chuyển Trường Đại học Quảng Nam trở thành trường thành viên của Đại học Đà Nẵng”.
Trong đó, xác định, Trường Đại học Quảng Nam cần có một hướng đi mới để vượt qua khó khăn hiện nay, nâng tầm và phát triển nhà trường trong giai đoạn đến.
Việc xây dựng đề án chuyển Trường Đại học Quảng Nam trở thành trường thành viên của Đại học Đà Nẵng là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học và đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tại công văn ngày 13/3/2020.
Do đó, tỉnh thống nhất lộ trình chuyển Trường Đại học Quảng Nam trở thành trường thành viên của Đại học Đà Nẵng trong đề án chia thành hai giai đoạn gồm: trước và sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu của đề án lần này nhằm góp phần giúp Trường Đại học Quảng Nam nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Lộ trình Trường Đại học Quảng Nam gia nhập, trở thành thành viên của Đại học Đà Nẵng vào năm 2023.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Đại học Đà Nẵng đã đưa ra 3 phương án về vấn đề sáp nhập Trường Đại học Quảng Nam.
Bao gồm: Trường Đại học Quảng Nam là trường thành viên, hoặc trở thành phân hiệu, hoặc trường đại học chuyên ngành.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, trong ba phương án trên thì phương án nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, việc tự chủ trong đó có tự chủ về tài chính là một thách thức đối với Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Quảng Nam.
Do đó, thầy Vũ đề nghị tỉnh Quảng Nam ủng hộ chủ trương Đại học Đà Nẵng trở thành đại học quốc gia sẽ giải quyết được những khó khăn trên, nhất là nguồn ngân sách nhà nước.
Đồng thời, phía Đại học Đà Nẵng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục cấp kinh phí chi thường xuyên cho Trường Đại học Quảng Nam để ổn định, phát triển trong giai đoạn đầu sau khi sáp nhập.
Cho đến khi đủ điều kiện thực hiện tự chủ tài chính và tiếp tục hỗ trợ các hoạt động đào tạo của Trường Đại học Quảng Nam.
Tại buổi làm việc, phía Đại học Đà Nẵng cũng đã nêu lên những khó khăn trong việc triển khai dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc.
Bởi phần diện tích thuộc Quảng Nam rộng 190ha, mật độ dân cư đông đúc vì thế kinh phí giải phóng mặt bằng là rất lớn.
Nguồn vốn này vượt xa khả năng cân đối từ hạn mức thuộc kế hoạch trung hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiện tại vẫn chưa có cam kết về vốn của Trung ương cho việc triển khai dự án thuộc khu vực tỉnh Quảng Nam.
Công tác tái định cư phục vụ giải tỏa dự án Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều vướng mắc, khó khăn; Nhu cầu bố trí tái định cư rất lớn ( khoảng 3.155 lô đất ).
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị Đại học Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu và đưa ra lựa chọn phương án chính thức (việc sáp nhập trường) để tỉnh có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, về triển khai dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, trong thời gian tới tỉnh sẽ cùng với Đại học Đà Nẵng đưa ra phương hướng mới để tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân trong vùng bị giải tỏa.