Nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho giáo viên rất cần, nhưng làm thế nào?

19/12/2020 06:27
NHẬT KHOA
GDVN- Đảm bảo 100% học có kiến thức ngoại ngữ, tin học đáp ứng việc chuyển đổi số trong giáo dục là mục tiêu đầu tiên trong các năng lực cần đạt của học sinh hiện nay.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Xác định Công nghệ thông tin và tiếng Anh là 2 mảng quan trọng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học các môn học này và đưa vào học rất sớm - ngay từ lớp 3.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đề án này hiện đang được ngành Giáo dục tích cực triển khai thực hiện.

Sự ra đời của cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số trong giáo dục

Cho đến nay, nhân loại đã chứng kiến 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn:

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên từ năm 1784 được bắt đầu bằng việc phát minh ra động cơ hơi nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên sản xuất cơ khí.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm thập niên 1960 con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau: Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số.

Ngày nay chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nó được đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi trí tuệ nhân tạo…

Năm 2013, thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" bắt đầu nổi lên trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội.

Người máy có khả năng làm việc, ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi.

Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến lực lượng lao động thủ công dồi dào của chúng ta.

Chuyển đổi số trong giáo dục là một thay đổi trong đó có áp dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh sinh viên... (Ảnh minh họa: Vtv.vn)

Chuyển đổi số trong giáo dục là một thay đổi trong đó có áp dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh sinh viên... (Ảnh minh họa: Vtv.vn)

Chuyển đổi số trong giáo dục là một thay đổi trong đó có áp dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh sinh viên, giảng viên và các trường học; tạo ra một môi trường học tập nơi mà mọi thứ được kết nối.

Đây là một hệ sinh thái kết hợp công nghệ, dịch vụ và bảo mật để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số; tạo ra trải nghiệm học tập hợp tác, tương tác và cá nhân hóa.

Giáo viên và học sinh có thể cùng nhau tiếp cận thư viện số, cộng đồng học tập trao đổi kiến thức không chỉ bạn bè trong nước mà cả bạn bè quốc tế, tiếp cận kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo,…

Chuyển đổi số (Digital transformation) có thể nói chung đó là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng.

Sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội đang làm thay đổi căn bản và toàn diện cách chúng ta sống, làm việc, liên hệ với nhau.

Vai trò của ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên và học sinh trong cuộc cách mạng công nghệ số

Chắc chắn để đáp ứng nhu cầu công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chuyển đổi số trong giáo dục thì vai trò của tin học và ngoại ngữ là không thể thiếu được, thậm chí nó rất quan trọng, nếu không nắm vững 2 nền tảng trên thì khó đạt mục tiêu, ý nghĩa mà nhân loại đang hướng tới.

Về nhân lực số, ở bậc phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tin học, Ngoại ngữ sẽ được đưa vào giảng dạy bắt buộc ngay từ lớp 3; giáo dục STEM được lồng ghép trong các môn học, gắn việc học của học sinh thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán và hiện tượng trong cuộc sống.

Do đó, vai trò của ngoại ngữ, tin học là vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi số trong giáo dục. Nơi nào giáo viên và học sinh còn yếu ngoại ngữ, tin học thì không thể có việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Một số giải pháp hiện thực việc chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay

Thực trạng hiện nay, hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính, camera, máy in, máy quyét), đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn – còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy - học).

Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức giữa học sinh sinh viên ở các vùng miền, các nhà trường.

Cũng là rào cản thực hiện đồng bộ các mục tiêu chuyển đổi số giáo dục cho tất cả các vùng miền trong tương lai.

Bên cạnh đó, thực trạng nhân lực trong nhà trường còn rất hạn chế, rất ít giáo viên tại các trường phổ thông nắm bắt và vận dụng của công nghệ số vào dạy học trong giai đoạn hiện nay, việc dạy kiểu truyền thống, dạy thụ động đã được áp dụng nhiều năm, việc thay đổi mới gặp nhiều khó khăn, thử thách.

Từ những thực trạng trên, tôi xin đề ra những giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu tuổi nghỉ hưu giáo viên cho phù hợp.

Thực tế để áp dụng thành công việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 vào giáo dục và đào tạo hiệu quả phải thực hiện đồng bộ cả cấp học từ mầm non đến đại học, và các mặt của cuộc sống.

Giáo viên và học sinh phải nắm bắt kịp thời những cái mới, những cái tiến bộ của việc chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, học sinh phải được giáo viên truyền đạt những cái mới, cái hay, cái tiến bộ,… từ đó mới có thể yêu thích, vận dụng, nghiên cứu vào dạy và học hiệu quả.

Để thực hiện tốt các điều trên thì đội ngũ giáo viên cơ bản là những viên trẻ, hiểu biết ngoại ngữ, tin học tốt và có khả năng vận dụng ngoại ngữ, tin học vào việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Giáo viên lớn tuổi, không sử dụng được công nghệ khó mà đạt được mục tiêu, yêu cầu của việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Do đó, để việc trên thành công thì trẻ hóa đội ngũ giáo viên là một tất yếu, yêu cầu quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Nên việc nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên, lực lượng đặc thù trong thời gian tới là một tất yếu, cần thiết.

Thứ hai, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và học sinh.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông tin về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên sắp tới không có nghĩa là bỏ việc sử dụng ngoại ngữ, tin học mà là chuyển từ kiểu quản lý từ có chứng chỉ sang biết sử dụng, ứng dụng hiệu quả hơn.

Do đó, ngay từ bây giờ lực lượng giáo viên phải học tập, nghiên cứu sâu rộng về ngoại ngữ, tin học để có thể áp dụng, vận dụng, tìm kiếm,… những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ số, cách mạng công nghệ 4.0 trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để có thể ứng dụng hiệu quả thì phải dạy học sinh tinh thần tự học, tự nghiên cứu, và phải và phải học thật tốt 2 môn tin học, ngoại ngữ, nó là tiền đề của hội nhập và ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục.

Đảm bảo 100% học có kiến thức ngoại ngữ, tin học đáp ứng việc chuyển đổi số trong giáo dục, đó là mục tiêu đầu tiên trong các năng lực cần đạt của học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên là một việc làm cấp thiết trước yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập toàn cầu hiện nay.

Thứ ba, nội dung giáo dục về chuyển đổi số quốc gia phải được thực hiện đồng bộ các cấp học, bậc học.

Những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 phải đưa vào giảng dạy trong nhà trường một cách phù hợp ở tất cả các cấp học, bậc học từ mầm non đến bậc đại học, không thể để việc thực hiện rời rạc, thiếu liên kết, đồng bộ.

Học sinh từ bậc mầm non, tiểu học cũng nên biết về những ứng dụng hiệu quả của việc chuyển đổi số, những thành tựu của cuộc cách mạng số đem lại, đó là việc tạo cho học sinh niềm đam mê công nghệ, yêu thích khoa học trong tương lai.

Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, thì học sinh phải biết về vai trò, thành tựu của việc chuyển đổi số trong giáo dục, ứng dụng toàn diện, sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ tư, thực hiện số hóa triệt để, sử dụng văn bản điện tử, sổ sách, học bạ, sổ điểm, giáo án điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy hiện nay; hoạt động chỉ đạo, điều hành, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng,… mọi vấn đề được thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ số.

Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục. Dạy học, kiểm tra, đánh giá,… áp dụng ứng dụng thành tựu công nghệ số.

Cuối cùng, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng việc chuyển đổi số trong giáo dục. Hướng đến mỗi học sinh được học trên máy vi tính, internet,… việc này hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu Chính phủ đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục.

Từ những thực tế trên, việc giáo viên và học sinh sử dụng ngoại ngữ, tin học trong giáo dục là điều bắt buộc, nó là điều kiện đầu tiên để thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong giáo dục trong thời gian tới.

Không có ngoại ngữ, tin học thì không có chuyển đổi số trong giáo dục, không nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục.

NHẬT KHOA