Bộ Giáo dục có bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thầy cô càng phải học nghiêm túc

11/12/2020 09:41
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thời gian hiện nay và sắp tới việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục hoặc thi thăng hạng viên chức vẫn phải cần có trình độ hiểu biết về ngoại ngữ, tin học

Gần đây thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian sắp tới khiến nhiều giáo viên vui mừng.

Tuy nhiên, mọi giáo viên nên hiểu rõ việc không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không có nghĩa là bỏ hẳn không sử dụng tin học, ngoại ngữ mà giáo viên phải tự rèn luyện, cố gắng học tập chuyển từ việc có chứng chỉ sang kiểu biết sử dụng ngoại ngữ, tin học phù hợp đặc điểm môn học, vị trí việc làm, công việc đảm nhận.

Hiên nay, việc áp dụng tin học, ngoại ngữ vẫn rất cần thiết trong thời gian tới.

Cụ thể, trong thời gian hiện nay và sắp tới việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục hoặc thi thăng hạng viên chức vẫn phải cần có trình độ hiểu biết về ngoại ngữ, tin học.

Sắp tới thi tuyển giáo viên, xét thăng hạng giáo viên vẫn cần ngoại ngữ, tin học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sắp tới thi tuyển giáo viên, xét thăng hạng giáo viên vẫn cần ngoại ngữ, tin học. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đó có rất nhiều quy định về việc tuyển dụng, sử dụng viên chức trong đó có giáo viên.

Nghị định có hiệu lực từ 29/9/2020.

Thi tuyển giáo viên có môn ngoại ngữ, tin học

Tại Điều 9. Hình thức, nội dung và thời gian thi của Mục 2. thi tuyển viên chức

Việc thi tuyển viên chức trong đó có giáo viên được thực hiện theo 2 vòng thi như sau:

Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức chung

Nội dung thi gồm 3 phần, thời gian thi như sau:

Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Thời gian thi 60 phút.

Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định. Thời gian thi 30 phút.

Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.

Quy định miễn thi ngoại ngữ, tin học đối với người tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, tin học.

Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành phải căn cứ vào nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức và phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Thời gian thi: Thi phỏng vấn 30 phút (trước khi thi phỏng vấn, thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị); thi viết 180 phút (không kể thời gian chép đề); thời gian thi thực hành do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển.

Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng có môn ngoại ngữ, tin học

Tại Điều 39. Hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp gồm 4 môn

Môn kiến thức chung: 60 câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về ngành, lĩnh vực sự nghiệp, pháp luật về viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi; thời gian thi: 60 phút.

Môn ngoại ngữ: 30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định; thời gian thi: 30 phút.

Môn tin học: 30 câu hỏi theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi; thời gian thi: 30 phút.

Môn nghiệp vụ chuyên ngành:

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I: Thi viết đề án, thời gian 08 tiếng và thi bảo vệ đề án, thời gian tối đa 30 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi. Thi viết đề án và thi bảo vệ đề án được chấm với thang điểm 100 cho mỗi bài thi;

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II: Thi viết, thời gian 180 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi, thang điểm 100;

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III và hạng IV: Thi viết, thời gian 120 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi, thang điểm 100.

Việc miễn thi môn ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

Viên chức tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác;

Viên chức có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số;

Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi;

Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học hoặc có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

Miễn thi môn tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.

Như vậy trong việc thi tuyển, thăng hạng giáo viên thì mọi giáo viên vẫn phải có trình độ hiểu biết cơ bản về ngoại ngữ, tin học.

Có thể hiểu rằng sắp tới trong các quy định về ngoại ngữ, tin học không cần chứng chỉ nhưng giáo viên phải biết sử dụng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo: Nghị định 115/2020/NĐCP http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=201085

BÙI NAM