Toà soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Long đến độc giả.
Một trường đại học muốn phát triển thì vai trò của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là những người có bằng tiến sĩ, là rất quan trọng. Hay nói cách khác, đội ngũ giảng viên phải là linh hồn của trường đại học. Tuy nhiên, nếu chỉ có đội ngũ giảng viên thì chưa đủ, không khác nào một người muốn vỗ tay mà chỉ có một bàn tay.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Các sinh viên, giảng viên, lãnh đạo trường, hay nhiều chủ thể khác luôn cần các dịch vụ hỗ trợ để đảm bảo rằng các nhu cầu của họ được thoả mãn. Các dịch vụ hỗ trợ này được cung cấp bởi các phòng ban trong trường đại học, và nếu thiếu, trường đại học không thể thành công.
Xã hội luôn hướng tới sự văn minh, bình đẳng, và công bằng. Trường đại học cũng là một mắt xích của xã hội, nên đương nhiên cũng phải hướng tới sự văn minh, bình đẳng, và công bằng.
Khái niệm văn minh thì không quá khó để hiểu, có thể nôm na là tôn trọng nhau, việc ai người đó làm, cống hiến hết mình, để hướng tới hoàn thành các mục tiêu của cá nhân, đơn vị, và cao hơn là sứ mệnh của trường. Tuy nhiên, thế nào là bình đẳng và công bằng lại là một vấn đề gây tranh luận.
Để giải quyết vấn đề gây tranh luận này, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật đó là hầu như tất cả các trường đại học ở Việt Nam đã làm không hiệu quả trong việc bố trí nhân sự ở các phòng ban.
Nên nhớ, chức năng chính của các phòng ban là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Vậy có cần thiết không, khi ở các phòng ban tồn tại không ít nhân viên có bằng tiến sĩ, thậm chí được phong cả phó giáo sư hay giáo sư?
Câu trả lời là “không cần thiết”. Một nguồn lực đáng kể, mà chủ yếu là tiền học phí của sinh viên đang được sử dụng lãng phí để trả lương thưởng cho những nhân viên phòng ban tiến sĩ, phó giáo sư, hay giáo sư này.
Hơn nữa, ở nhiều trường đại học, tôi thấy các cơ chế phân chia lợi ích có vẻ ưu ái đội ngũ nhân sự của các phòng ban hơn đội ngũ giảng viên. Có nhiều lý do, nhưng nổi bật có thể là do đội ngũ phòng ban luôn gần cận hàng ngày hàng giờ với các sếp, nên được ưu ái hơn.
Cần phải thay đổi tư duy này, thay đổi phải triệt để, đặc biệt khi các trường đang hướng tới tự chủ đại học. Trong bất cứ tình huống nào, phải luôn xác định rõ rằng: Giảng viên là linh hồn của trường; và nhân viên phòng ban là các chủ thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Những gì là câu chuyện của quá khứ thì cùng nhau tôn trọng lịch sử, những gì có thể thay đổi để hợp quy luật và tốt hơn thì phải làm.
Từ nay, các trường đại học ở Việt Nam nên tuyển nhân viên trong các phòng ban với bằng cấp cao nhất là đại học; một số phòng ban đòi hỏi lãnh đạo có bằng tiến sĩ thì phải tuyển, nhưng trên tinh thần chung thì đại đa số lãnh đạo các phòng ban, không nhất thiết phải là tiến sĩ, phó giáo sư, hay giáo sư.
Cá nhân tôi cho rằng, rất nhiều các dịch vụ hỗ trợ ở các trường đại học, chỉ cần người có bằng cao đẳng hay các sinh viên đang học trong trường mà muốn làm thêm, đều có thể làm rất tốt.
Toàn bộ những nhân viên phòng ban có bằng tiến sĩ, phó giáo sư, hay giáo sư, phải được bố trí về các khoa chuyên môn để trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu.
Không thể để một bộ phận không nhỏ những nhân viên phòng ban có bằng cấp hay chuyên môn này vừa làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hỗ trợ, lại vừa kiêm giảng được; chất lượng công việc sẽ không tốt, và lãng phí nguồn lực vô cùng.
Đến đây, khái niệm bình đẳng và công bằng đã rõ. Những công việc không đòi hỏi có bằng tiến sĩ, phó giáo sư, hay giáo sư thì không thể trả lương cao; còn đội ngũ giảng viên đang trực tiếp giảng dạy, có bằng tiến sĩ, phó giáo sư, hay giáo sư, thì lương đương nhiên phải cao hơn.
Quan trọng hơn là vị trí công việc nào cần trả lương xứng đáng cho vị trí công việc đó, với những yêu cầu công việc được quy định cụ thể trong hợp đồng lao động.
Trên bước đường hướng tới tự chủ giáo dục đại học, trong giai đoạn hiên nay, nguồn thu chủ yếu của các trường đại học là học phí, do đó để đảm bảo “lợi nhuận” hay “lợi ích ròng” của các trường đủ lớn, thì đòi hỏi phải cắt giảm chi phí.
Tái cấu trúc triệt để các phòng ban trên tinh thần các nhân viên chỉ cần bằng từ đại học trở xuống, hay thậm chí tuyển dụng bán thời gian các sinh viên đại học đang học ở trường, sẽ giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều, vì tiền lương được trả cho đúng công việc, đúng vị trí.
Hơn nữa, phải đưa hết đội ngũ nhân viên phòng ban có bằng tiến sĩ, phó giáo sư, hay giáo sư về các khoa chuyên môn để trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu. Chỉ một số rất ít các phòng ban, lãnh đạo nên có bằng tiến sĩ mà thôi. Về chiến lược, có thể loại bỏ một số phòng ban không tham gia đóng góp tạo ra giá trị gia tăng cho trường.
Nghiêm cấm các phòng ban, ví dụ như khoa/viện sau đại học thành lập các chương trình đào tạo của riêng mình, để rồi nhân viên vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm công việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ, vừa giảng dạy trực tiếp.
Làm như thế chỉ có thất thoát nguồn lực mà thôi, chứ trường và các giảng viên nói chung không có lợi ích gì, và quan trọng hơn phải hiểu phòng ban là phòng ban, không được phép biến phòng, ban thành khoa chuyên môn.
Hy vọng với những tín hiệu khuyến khích của lãnh đạo Đảng và Nhà Nước về tự chủ giáo dục đại học, tái cấu trúc triệt để các phòng ban sẽ góp phần đáng kể làm cho “lợi nhuận” hay “lợi ích ròng” đủ lớn, để rồi đem chia một phần không nhỏ cái bánh này cho toàn bộ các thành viên của trường. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều!