Tự chủ đại học và nhóm người yếu thế

15/12/2020 06:48
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu để các cơ sở giáo dục đại học tự tính toán và với tình trạng “tù mù” về trách nhiệm giải trình, liệu học phí có trở thành rào cản với nhóm người yếu thế?

Báo cáo “Phát triển con người cho tất cả mọi người” do UNDP (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc) trình bày tại một cuộc hội thảo tại Hà Nội đã liệt kê những nhóm người yếu thế trong xã hội:

“Phụ nữ và trẻ em gái, người dân nông thôn, người bản địa, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư,…”.

Những nhóm người này là những nhóm đối tượng “Phải đối mặt với các rào cản mang tính hệ thống, không đơn thuần về mặt kinh tế, mà cả về chính trị, xã hội và văn hóa,…”.

Đố với nhóm cư dân sinh sống tại khu vực nông thôn, UNDP nêu ví dụ cụ thể về rào cản đối với học sinh: “Trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo khó khi đến trường thường có ít cơ hội được học đọc, học viết và làm toán hơn”. [1]

Một bài viết trên Nhandan.com.vn cho biết Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam được xếp ở mức trung bình, hạng 115 trên tổng số 188 quốc gia”. [1]

Báo cáo của UNDP chỉ rõ hai nhóm người bị thiệt thòi là những người di cư và những người sống ở nông thôn.

Trên bình diện quốc tế, “di cư” được hiểu là dòng người chạy từ quốc gia này sang quốc gia khác, trong mỗi quốc gia “di cư” thường là từ nông thôn, miền núi, các khu vực nghèo khó đến các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung,…

Có hai nhận xét qua báo cáo của UNDP:

Một là đánh giá của UNDP “Trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo khó khi đến trường thường có ít cơ hội” chỉ mới phản ánh sự bất bình đẳng trong giáo dục phổ thông chứ không phải giáo dục đại học.

Hai là UNDP chưa đề cập đến một hiện tượng mang tính đặc thù của Việt Nam, đó là nhóm người “di cư ngược”, cụ thể là đội ngũ nhà giáo, một số công chức, viên chức từ các tỉnh miền xuôi, trung du được phân công làm việc tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi hoặc hải đảo.

Với những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông - họ không còn là trẻ em hay học sinh - có hay không sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục?

Giáo dục sau trung học phổ thông bao gồm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, bài viết này tập trung vào mảng giáo dục đại học.

(Ảnh minh họa: Laodong.vn)

(Ảnh minh họa: Laodong.vn)

Trong ba nền tảng của tự chủ đại học: “Tự chủ về chuyên môn; Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; Tự chủ tài chính, tài sản”, có vẻ như “Tự chủ về tài chính” nhận được sự quan tâm nhiều nhất không chỉ từ phía người dân mà cả chuyên gia và cơ quan hữu quan.

Baochinhphu.vn trích ý kiến chuyên gia cho rằng: “Tự chủ đại học chính là “hơi thở”, là “cuộc sống” của các cơ sở đào tạo đại học vì bảo đảm được xu hướng tự do trong huy động các nguồn lực về nhân sự và tài chính tốt nhất nhằm phát triển học thuật hiệu quả”. [2]

Ý kiến trên không biết có phải là quan điểm phổ biến của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học khi cho rằng muốn “phát triển học thuật hiệu quả” thì cùng với “tự do huy động nguồn lực về nhân sự” còn phải “tự do trong huy động tài chính”?

Vậy phải hiểu thế nào về “tự do trong huy động tài chính”?

Và quyền “tự do” này giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục có gì giống hoặc khác nhau?

Theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW thì các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) “tự chủ” sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nghĩa là “lời ăn, lỗ chịu”.

Hiện tại, nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và học phí, đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập chủ yếu dựa vào học phí.

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nhà tài trợ còn rất hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: “So với nhiều nước trên thế giới, phần học phí các gia đình Việt Nam đang phải đóng góp chiếm khoảng hơn 50%; là một trong những nước người học và gia đình phải đóng góp học phí nhiều nhất trong các nước khảo sát. Trong khi đó, rất nhiều nước, nhà nước trả gần hết cùng với có sự đóng góp của xã hội”. [3]

Mặt trái của tự chủ đại học ít nhất cũng thể hiện ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, các trường công lập khối nông, lâm, ngư, một số ngành ít thu hút được sự quan tâm của người học tại các cơ sở giáo dục đại học khác không thể tăng học phí như các trường khối sức khỏe, ngoại thương,… Với mức thu học phí không cao (10-15 triệu đồng/năm/sinh viên) liệu có thể bù đắp được chi phí đào tạo?

Để khắc phục, biện pháp mà một vị lãnh đạo khối trường này để xuất là nhà nước tiếp tục cung cấp kinh phí dưới hình thức “đặt hàng”. [4]

Tuy nhiên, Đại học Tôn Đức Thắng trong thời gian qua không nhận khoản đầu tư nào từ ngân sách nhưng lại lọt vào top xuất sắc nhất Việt Nam – theo đánh giá của nước ngoài.

Ngay cả một vài trường dự kiến học phí khoảng 50-80 triệu đồng/năm/sinh viên cũng vẫn dự kiến mức tăng hàng năm vào khoảng 10%, vậy đâu là điểm dừng?

Đến đây thì xuất hiện câu hỏi là Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên ban hành một quy trình tính suất đầu tư cho giáo dục đại học làm cơ sở để các trường quy định mức học phí?

Nếu để các cơ sở giáo dục đại học tự tính toán và với tình trạng “tù mù” về trách nhiệm giải trình như hiện nay, liệu học phí có trở thành rào cản với nhóm người yếu thế?

Thứ hai, báo chí đã có nhiều bài viết về chuyện đỗ đại học nhưng nhà nghèo không có tiền đi học. Vậy phải chăng tự do trong huy động tài chính sẽ đóng lại cánh cửa ước mơ của người nghèo?

Nói cách khác, tự chủ đại học chỉ có tác dụng với người giàu, người khá giả vì con em họ sẽ được học tập trong môi trường tốt hơn, tiếp cận những ngành nghề dễ tìm việc hơn còn con nhà nghèo không thể theo học đại học hoặc chỉ có thể theo học những ngành “chân lấm tay bùn”?

Hiện tại học phí trên mỗi sinh viên ngành Y các trường phía Bắc khoảng gần 15 triệu đồng/năm trong khi các trường phía Nam có ngành tới 88 triệu đồng/năm.

Một thống kê đăng trên báo Sài gòn giải phóng (sggp.org.vn) cho thấy gần đây “Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,1 triệu đồng, lao động nữ là 4,3 triệu đồng; lao động ở khu vực thành thị là 6,7 triệu đồng, lao động ở khu vực nông thôn là 4,5 triệu đồng”. [5]

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, tổng chi tiêu cho đời sống bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng là 2.015.700 đồng. một gia đình bốn nhân khẩu một năm cần 96 triệu đồng. Từ năm 2006 đến 2016 tốc độ tăng chi tiêu là 4,4 lần. [6]

Tạm lấy số liệu chi tiêu năm 2016, với thu nhập 2019 của hai lao động nông thôn là 108 triệu đồng, trừ đi chi phí sinh hoạt (96 triệu) còn lại là 12 triệu đồng.

Số tiền này không đủ đóng học phí cho những cơ sở giáo dục đại học top giữa và chắc chắn người lao động nông thôn không thể kham nổi khoản học phí từ 50 triệu đến gần 90 triệu một năm cho con theo học ngành Y?

Chính sách của nhà nước cho sinh viên vay tiền trong thời gian học tập góp phần giúp sinh viên nghèo giải quyết khó khăn song liệu họ có thể trả khoản tiền đã vay nếu tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm?

Số liệu thống kê cho thấy năm 2019, cả nước có gần 19 vạn cử nhân thất nghiệp. [7]

Tự chủ đại học được đề xuất như là cứu cánh duy nhất cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học song với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đời sống người dân vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, liệu tự chủ đại học có phải là cứu cánh cho người nghèo?

Nếu để cho đại học mặc sức “tự chủ”, con đường học vấn của nhóm người yếu thế phải chăng sẽ tiếp tục mờ mịt như những gì đã xảy ra trong quá khứ?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cac-nhom-yeu-the-van-tut-hau-trong-cac-uu-tien-phat-trien-291399/

[2] http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Tu-chu-tai-chinh-la-nen-tang-tu-chu-dai-hoc/415419.vgp

[3] https://laodong.vn/giao-duc/sinh-vien-viet-nam-dong-hoc-phi-cao-nhat-trong-nhieu-nuoc-duoc-khao-sat-625742.ldo

[4] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/khong-nang-cao-chat-luong-giao-duc-doi-song-giang-vien-tu-chu-co-y-nghia-gi-post214122.gd

[5] https://www.sggp.org.vn/khoang-176-trieu-nguoi-bi-giam-thu-nhap-tuong-duong-573-luc-luong-lao-dong-672144.html

[6] http://consosukien.vn/vai-net-ve-tong-chi-tieu-ho-gia-dinh-trong-khao-sat-muc-song-dan-cu.htm

[7]http://daidoanket.vn/xa-hoi/gan-19-van-cu-nhan-that-nghiep-tintuc441624#:~:text=Qu%C3%BD%20I%2D2019%2C%20c%E1%BA%A3%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc,c%E1%BA%A5p%20ngh%E1%BB%81%20l%C3%A0%2018.100%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di.

Xuân Dương