Điểm khác biệt duy nhất giữa người thành công và kẻ thất bại

03/01/2021 06:19
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
GDVN- Solomon là vị vua nổi tiếng nhất trong Kinh thánh vì trí tuệ của ông. Trong các vị vua, ông đã hiến tế cho Chúa và thỉnh cầu sự khôn ngoan.

LTS: Gửi đến bài viết số 119 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Bí quyết thành công của Solomon" của tác giả Robert Jeffress.

Robert Jeffress sinh ngày 29 tháng 11 năm 1955. Ông là một mục sư, tác giả và người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình người Mỹ. Các bài giảng của ông được phát trên hơn 1.200 đài truyền hình ở Hoa Kỳ và 28 quốc gia khác.

Cuốn “Bí quyết thành công của Solomon” được Nhà xuất bản Hồng Đức và VănlangBooks phát hành với bản dịch của Ngọc Tuấn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuốn “Bí quyết thành công của Solomon” được Nhà xuất bản Hồng Đức và VănlangBooks phát hành với bản dịch của Ngọc Tuấn.

Cuốn “Bí quyết thành công của Solomon” được Nhà xuất bản Hồng Đức và VănlangBooks phát hành với bản dịch của Ngọc Tuấn.

- Solomon là vị vua nổi tiếng nhất trong Kinh thánh vì trí tuệ của ông. Trong các vị vua, ông đã hiến tế cho Chúa và thỉnh cầu sự khôn ngoan.

Chúa đã hồi đáp lời thỉnh cầu của ông, hứa ban cho ông một trí tuệ vĩ đại vì ông đã không đòi hỏi những phần thưởng tư lợi như một cuộc sống trường thọ hoặc cái chết của kẻ thù.

Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về trí tuệ của ông chính là Phán quyết của Solomon: có hai người phụ nữ cùng khẳng định mình là mẹ của cùng một đứa trẻ. Solomon dễ dàng giải quyết tranh chấp bằng cách ra lệnh cắt đôi đứa trẻ và chia cho cả hai.

Một người lập tức từ bỏ tranh chấp, chứng tỏ rằng cô thà từ bỏ con mình còn hơn nhìn thấy nó bị giết chết. Solomon tuyên bố rằng người phụ nữ ấy, người đã tỏ lòng trắc ẩn chính là mẹ của đứa trẻ.

- Nếu có thể vận dụng 10 bí quyết từ quyển sách này: Bạn sẽ có nhiều đảm bảo về tài chính hơn những gì bạn hình dung. Đạt được nhiều thành quả trong sự nghiệp hơn những gì bạn nghĩ. Trải nghiệm hạnh phúc gia đình và bằng hữu sâu sắc hơn những gì bạn hy vọng. Hiện thực hóa nhiều giấc mơ hơn những gì bạn tưởng tượng.

- Bí quyết 1: Nếu không biết đi đâu, bạn sẽ dừng lại một nơi nào đó: Ước mơ nếu không có kế hoạch chỉ là mong muốn. Cuộc đời của Solomon tràn ngập nhiều thành tựu đáng kể, bao gồm một bức tường Jerusalem, xây công sự quanh hai thành phố Hazor và Megiddo, tổ chức lại quốc gia thành 12 khu vực, phát triển vô số nguồn tài lực của quốc gia.

- Ước mơ thực sự quan trọng tới cách sống tốt. Tuy ước mơ quan trọng nhưng phát triển kế hoạch thực hiện ước mơ ấy còn quan trọng hơn. Nên nhớ rằng không hành động chính là cái giá phải trả. Kế đến, hãy giữ ước mơ cho riêng mình. Đôi khi, chia sẻ ước mơ với người khác có thể thúc đẩy bạn hành động, Thế nhưng, theo lẽ thường tình, người khác dù vô tình hay cố ý sẽ bàn ra.

- Theo tôi, ba từ sau đã giúp tôi biến ước mơ thành hiện thực: ý định, đối tượng mục tiêu. Ý định giống như đèn hiệu chỉ hướng trong cuộc sống của bạn. Nó giúp trả lời câu hỏi: Tại sao tôi tồn tại? Trước hết, ý định phải liên quan tới điều gì đó khiến bạn đam mê. Bạn cần biết cách phát triển đối tượng kết nối với ý định vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong khi câu trả lời Tại sao tôi tồn tại đối tượng sẽ giúp giải đáp câu Tôi muốn làm gì, muốn như thế nào?

Khi biết mình đang ở đâu, bạn sẽ thiết lập được đối tượng đưa bạn đến mục tiêu mong muốn. Mục tiêu là phương tiện giúp chúng ta hiện thực hóa ước mơ. Nếu có ý định đáng giá, thiết lập các đối tượng rõ rệt mục tiêu cụ thể, bạn sẽ đặt chân tới mục tiêu hằng khao khát.

Michelangelo đã bỏ ra 4 năm đứng trên giàn giáo khổng lồ của nhà nguyện Sistine tuyệt đẹp ở Rome để vẽ trên trần của nhà nguyện. Mỗi ngày ông vẽ một phần của trần nhà, đường kính vài inch. Ngày hôm sau, ông di chuyển vài inch, vẽ tiếp phần khác.

Thế nhưng, tuy cần cù với công việc mỗi ngày nhưng ông không đánh mất tầm nhìn cho mục đích cuối cùng. Sau 4 năm dài làm việc, ông hoàn thành tuyệt tác làm ngạc nhiên du khách hơn 400 năm sau (1 inch= 25,4mm).

- Bí quyết 2: Thất bại nhiều, thành công lớn

- Thomas Edison nói đúng khi cho rằng: Những người thất bại trong cuộc sống là những người không nhận thấy họ gần đạt thành công vào lúc họ bỏ cuộc. Sau hơn 20 năm lao động miệt mài, Langley từ bỏ ước mơ những chuyến bay có người lái. Chỉ vài ngày sau đó, hai thợ sửa xe đạp vô danh họ nhà Wright lái chiếc Flyer One qua những đụn cát ở Kitty Hawk, Bắc Carolina.

- Điểm khác biệt duy nhất giữa người thành công và kẻ thất bại là sự kiên trì. Không có thứ gì trên thế giới có thể thay thế được lòng kiên trì. Kiên trì và quyết định có sức mạnh vượt trội.

Thượng đế đã thiết lập một kế hoạch cho Joshua chinh phục thành phố Jericho của dân Canaan. Người ra lệnh cho dân Do Thái đi vòng quanh thành phố rộng 9 mẫu trong 6 ngày, mỗi ngày 1 lần.

Vào ngày thứ bảy, họ phải đi vòng quanh thành phố 7 lần. Đến vòng thứ bảy, các giáo sĩ thổi kèn và người dân la hét. Thượng đế hứa chỉ cần làm như thế bức tường Jericho sẽ sụp đổ.

Nếu dừng lại vào ngày thứ sáu hoặc thậm chí vào vòng thứ sáu của ngày thứ bảy, họ sẽ không bao giờ nhìn thấy trở ngại khổng lồ ấy đột nhiên sụp đổ thành đống gạch vụn như họ đã nhìn thấy ngay trước mắt họ.

- Vua Solomon đã nhận xét: Lòng kẻ biếng nhác mong ước mà chẳng có gì hết. Còn lòng người siêng năng sẽ được no nê. Vì có mùa đông kẻ biếng nhác chẳng cày ruộng. Qua mùa gặt nó sẽ xin ăn nhưng chẳng được gì hết.

Bạn không cần phải nhiều năng lực, tiền của, bạn bè hoặc may mắn mới có thể thành đạt. Bạn chỉ cần một thứ duy nhất: Kiên trì.

- Ở độ tuổi 83, kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright được hỏi công trình nào quan trọng nhất trong cuộc đời, ông đáp: Công trình kế tiếp.

- Edison là người biết tạm gác thất bại vì mất trắng do trận cháy, thay vào đó, ông luôn nghĩ đến các bước tiếp theo để hoàn thành mục tiêu.

- Muốn tạm gác lại hào quang quá khứ, bạn phải chắc rằng mình đã thưởng công cho bản thân xứng đáng vì thành quả ấy.

- Solomon viết: Người khôn ngoan biết học hỏi lúc còn thời gian. Họ biết kẻ lười biếng không có chút đam mê và người bình thường luôn viện cớ, hay khước từ và hẹn lần, hẹn lữa.

- Thomas Edison thất bại 1800 lần trước khi chế tạo thành công bóng đèn. 15 nhà xuất bản và 30 đại lý từ chối tác phẩm đầu tay Thời điểm để kết liễu của John Grisham. Giờ đây, hơn 60 triệu bản của quyển sách ấy được in ấn.

- Solomon thuật lại quyết định phái đoàn tàu ra nước ngoài để đem về nhiều thực phẩm và những kho tàng vô giá. Ông không nghĩ chúng sẽ quay về trống không.

- Solomon dành cả đời kiên trì và hưởng được thành công hơn bất cứ ai trên thế gian này.

- Abraham Lincoln từng nói: Chẳng thà tôi thất bại trong sự nghiệp nhưng thành công trong cuộc sống hơn là thành công trong sự nghiệp nhưng cuối cùng thất bại trong cuộc sống. Solomon cũng bày tỏ giống như thế.

- Bí quyết 3: Tiêu dùng ít hơn kiếm được

Solomon nói: Hễ của cải thêm nhiều chừng nào, kẻ ăn cũng thêm nhiều chừng ấy. Người khôn ngoan hiểu cơ hội hiếm khi xuất hiện và phải cật lực làm việc để tối đa hóa chúng.

- Solomon, người giàu nhất của thời đại ấy, chắc chắn hiểu được giá trị thực tế của giàu có nhưng cũng biết tiền bạc dễ mất, có thể tạo ra căng thẳng và cướp mất hạnh phúc của cuộc sống. Ông khuyên chúng ta nên xây dựng điều kiện an toàn cân đối: để dành một phần thu nhập cho nhu cầu trong tương lai.

- Tự do, an toàn và niềm vui - đó là những lợi ích khi có khoảng đệm tài chính. Nguyên tắc cơ bản để tạo ra khoảng đệm là điều chỉnh chi tiêu thấp hơn thu nhập và liên tục tiết kiệm một phần thu nhập. Không có gì có thể nuốt trọn khoảng đệm tài chính nhanh hơn nợ. Solomon viết: Người giàu cai quản người nghèo. Kẻ nào mượn là tôi tớ kẻ cho mượn.

- Nếu một công nhân 20 tuổi gửi vào tài khoản về hưu cá nhân 100 USD mỗi tháng, sẽ rút ra được hơn 3,9 triệu USD khi 72 tuổi (theo lãi suất trung bình của thế kỷ trước). Cần phân chia khoản đầu tư thành nhiều nhóm: chứng khoán, trái phiếu, tiền mặt. Solomon viết: Không biết tai nạn nào sẽ xảy ra trên trái đất.

-Bí quyết 4: Lắng nghe những “phút yếu lòng” trong cuộc đời:

Solomon viết: Ai từ chối sự khuyên dạy sẽ bị nghèo khổ và sỉ nhục. Những kẻ nào tiếp nhận lời quở trách sẽ được tôn trọng.

Theo ông, khiển trách có ích cho chúng ta nếu chúng ta dẹp bỏ tự ái và lưu ý nhiều hơn lỗi lầm. Mọi người không thích sửa sai vì nó đòi hỏi phải thay đổi. Muốn thay đổi bạn phải nỗ lực.

Solomon viết: Người nào bị quở trách lại cứng cổ mình, sẽ bị bại hoại thình lình, vô phương cứu chữa… Vì Đức Chúa Trời yêu thương ai thì trách phạt kẻ ấy. Như người cha đến cùng con trai yêu dấu của mình.

- Bí quyết 5: Gặt hái cánh đồng của mình

Solomon mô tả 4 bí quyết thành công: Thiết lập mục tiêu cụ thể cho cuộc đời. Bền chí khi thất bại. Xây dựng điều kiện tài chính an toàn. Lắng nghe lời chỉ trích.

- Solomon cho thấy khi xem thường biển báo dừng lại của Thượng Đế về thói phóng đãng, cuộc đời bạn sẽ bị hủy hoại.

Cảnh báo ấy được áp dụng cho bất cứ ai hoạt động tình dục ngoài hôn nhân, bao gồm gian dâm, ấu dâm, thú dâm (quan hệ tình dục với thú) hoặc khiêu dâm.

Solomon hiểu được sức hủy hoại của thói ngoại tình đối với trí tưởng tượng và năng lực tinh thần, cảm xúc của chúng ta. Solomon giải thích 5 ngụy biện chết người tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta là nguyên nhân của phóng đãng và ngoại tình:

- Không bao giờ xảy đến với tôi: Muốn tránh được cú va chạm chết người với phóng đãng, đầu tiên bạn phải cam kết tránh xa bất cứ tội lỗi nào dù là tưởng tượng.

Ranh giới giữa tốt và xấu đang tồn tại trong từng trái tim của mọi người. Hãy nhớ rằng, vào thời điểm thích hợp, bạn và tôi đều có khả năng phạm bất cứ tội lỗi nào.

Solomon nhắc nhở: Há có người nào để lửa trong lòng mình mà áo chẳng bị cháy sao? Đôi môi của người tình thoạt đầu như mật ngọt, nhưng cuối cùng đắng như ngải cứu.

- Với sợi dây dài quấn quanh cổ tay 1 vòng, chỉ cần lắc nhẹ đã dễ dàng thoát khỏi, nếu quấn nhiều vòng thì không thể nào gỡ ra được. Solomon cho biết Đức Chúa Trời luôn dõi theo các con đường của loài người.

- Bí quyết 6: Đừng bao giờ giải thích những gì mình không nói

Kinh Thánh tràn ngập các cảnh báo về sự hủy diệt của lời nói đối với cả người nói lẫn người nghe. Solomon tin rằng lời nói tác động trực tiếp đến thành công trong cuộc đời. Ông định nghĩa nói dối qua 3 hình thức phổ biến: tâng bốc, xuyên tạc và cường điệu.

Ông còn lên án những kẻ nói lời ly gián, đặc biệt là kẻ thích vu khống. Ông khuyên: Nếu bạn muốn thuyết phục ai thì hãy để mọi người tranh luận trước, người nói cuối cùng sẽ chiếm được ưu thế.

Phát ngôn nhân Nhà Trắng Larry Speaks đã khuyên Marlin Fitzwater, người vừa thế chỗ: Hãy nhớ đừng bao giờ giải thích những gì bạn không nói.

- Một người có ý phục hồi sẽ trò chuyện riêng tư với người phạm tội, còn kẻ muốn kết tội sẽ bày tỏ công khai.

- Có 3 bộ lọc để kiểm soát từ ngữ của ta: Có thật không? Có cần không? Có tốt không? Lời nói của chúng ta một ngày nào đó sẽ quay trở lại để Thượng Đế phán xét. Mình chỉ nên nói những lời yêu thương, chân thật, hướng thiện và làm hài lòng Thượng Đế.

- Bí quyết 7: No mất ngon, giận mất khôn

Solomon nói: Kẻ nhạo báng châm lửa cho thành thiêu cháy, nhưng người khôn ngoan làm nguôi cơn giận.

Đôi khi cơn giận bắt nguồn từ nguồn tin còn thiếu xót. Thịnh nộ là phản ứng có điều kiện của cảm giác thất vọng, qua đó bạn sẽ hành xử theo nhiều cách đúng ra không nên làm. Một kẻ có ác ý sẽ tranh thủ mọi cơ hội tấn công đối phương bằng lời lẽ hay hành động.

- Cơn giận bị kìm hãm cũng nguy hiểm không khác gì cơn giận được bộc phát, vì sẽ tàn phá người ngăn chặn nó để tìm lối thoát.

Giống như quả bom không nổ, cơn giận bị dồn nén sẽ ăn mòn rồi phá hủy chậm cảm xúc, thể xác và tinh thần của chúng ta.

Solomon liên tục khuyên chúng ta nên làm chậm đi cơn giận: Kẻ nào chậm nóng giận sẽ thông sáng hơn.Người chậm nóng giận mạnh hơn dũng sĩ… Khôn ngoan của bạn khiến cho bạn chậm nóng giận.

- Biết bỏ qua, người hưởng lợi là bạn, chứ không phải đối phương. Nếu nhìn thấy một người có hành vi sai phạm, bạn nên sẵn lòng chỉnh sửa họ để phục hồi, chứ không phải trừng phạt.

- Lắng nghe giúp bạn có cơ hội thu thập thông tin quan trọng. Bạn có thể khám phá cơn giận bắt nguồn từ thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác.

Solomon nói: Ghen ghét xui điều cãi lộn, song lòng thương yêu lấp hết tội lỗi… Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận… Chớ vội giận. Vì cơn giận ở trong lòng kẻ ngu muội.

- Bí quyết 8: Không có kế thừa, thành công sẽ trở thành thất bại

Cha mẹ thành công biết xem con cái là quà tặng của Thượng Đế, có giá trị thật sự, món quà chúng ta phải chịu trách nhiệm giữ gìn và phát triển trong khoảng thời gian ngắn.

Cha mẹ thành công là người hiểu, chấp nhận và phát triển năng khiếu và sở thích của con cái hơn là uốn nắn chúng thành mẫu người chúng vốn không thích.

-Solomon viết: Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo. Dẫu khi nó già cũng không lìa khỏi con đường đó.

- Hãy khám phá, chấp nhận và tối ưu hóa năng khiếu bẩm sinh của con mình thay vì tìm mọi cách thay đổi chúng!

- John Maxwell đề nghị 10 câu hỏi giúp cha mẹ có thể trả lời về con mình: Điều gì làm nó vui mừng? Anh hung của nó là ai? Nó sợ gì nhất? Hoạt động nào giúp nó có năng lượng? Điều gì làm nó bị kiệt sức? Nếu được chọn kỳ nghỉ, nó thích đi đâu? Nếu được chọn công việc cùng làm với cha mẹ, nó chọn công việc gì? Nó thích nhạc gì? Nếu không đến trường hay ngủ, mỗi tuần nó dành nhiều thời gian nhất làm gì? Nó muốn làm gì khi trưởng thành?

- Chúng ta phải dạy cho con mình tình yêu đối với chân, thiện, mỹ. Chúng ta không chỉ nói mà phải hành động để chúng thấy.

- Các lời khuyên của Solomon đối với con cái có thể đúc kết thành ba nguyên tắc: Nên rèn luyện con vào giai đoạn đầu đời. Rèn luyện phải phù hợp với đứa trẻ và mức độ vi phạm. Rèn luyện phải xuất phát từ tình yêu.

- Bí quyết 9: Trèo cao sẽ ngã đau

Solomon hiểu được nguyên tắc: Thực sự nhún nhường là yếu tố cơ bản để thành công. Ông viết: Kiêu ngạo sẽ hạ bạn xuống. Khiêm nhường sẽ được tôn vinh.

- Tự cao là hành vi tán dương thành công của mình và chê trách thất bại của kẻ khác. Kẻ kiêu căng, ngạo mạn luôn đánh giá rất cao về bản thân, dù trên thực tế không đúng như vậy.

- Nhún nhường liên quan tới ba yếu tố: Tự đánh giá chính xác ưu, khuyết điểm. Biết cảm kích. Quyền hạn bị lệ thuộc.

Chúng ta không hạ thấp phẩm giá xem mình vô dụng, cũng như luôn nhắc nhở không bao giờ hoàn thiện nên cần đến những người xung quanh.

Tài năng là do Thượng Đế ban, hãy nhún nhường; Danh tiếng là do con người tặng, hãy biết ơn; Tự mãn là do mình tưởng tượng, hãy cẩn thận.

Bản chất của nhún nhường là tự nguyện gác bỏ mọi quyền lợi cá nhân để đạt được mục tiêu cao cả hơn trong cuộc sống.

- Solomon viết: Người nào giấu tội lỗi của mình sẽ không được may mắn. Còn ai xưng nó ra và lìa bỏ sẽ được thương xót.

-Thành tựu vĩ đại nhất của Solomon là xây dựng đền thờ Thượng Đế. Đó là dự án khổng lồ huy động hang ngàn công nhân. Thế nhưng, đến ngày khánh thành Solomon không giành hết vinh quang về mình. Thay vào đó, ông trao hết vinh quang ấy cho Đấng Sáng Tạo, người chịu trách nhiệm cao nhất của dự án.

- Solomon viết: Để người khác khen ngợi con, miệng con chẳng nên làm. Để người khác tán dương con, môi con đừng làm

- Bí quyết 10: Biết sợ là tốt

- Kinh Thánh khuyến khích chúng ta phải biết sợ Thượng Đế và dạy trẻ con như thế. Solomon viết: Kính sợ Thượng Đế là bước đầu của khôn ngoan. Nhìn biết Đấng Linh Thiêng là thông sáng.

- Khi có lòng tin, chúng ta trở thành một đứa con của Thượng Đế. Solomon viết: Khả kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài, ấy là tròn phận sự. Vì Ngài sẽ phán xét các công việc, mọi thứ dù được giấu kín, thiện hoặc ác.

- Điểm khởi đầu và kết thúc của mọi thành công trong cuộc sống là biết kính sợ Đấng Toàn Năng vô hình nhưng thấu suốt tất cả và tình yêu sâu sắc dành cho lẽ phải và các giá trị tinh thần.

- Theo cách nói của Solomon, kính sợ Thượng Đế là khởi đầu của minh triết và cũng là bí quyết cơ bản để trải nghiệm những thành công phi thường (Đừng quên tác giả là mục sư và Solomon là vị vua nổi tiếng nhất trong Kinh thánh).

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng