Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Muốn thành công phải phá vỡ lối mòn tư duy

28/12/2020 06:29
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những người thành công thật sự luôn luôn cảm thấy mình bình thường hoặc kém hơn cả mức bình thường - ý niệm này thúc đẩy họ cải thiện bản thân nhiều hơn nữa.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi đến bạn đọc bài viết số 118 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Đây là những điều Giáo sư tâm đắc trong cuốn sách "Phá vỡ lối mòn tư duy" của tác giả Steven Schuster.

Steven Schuster sinh ra trong một gia đình nhập cư. Ông hiểu rõ nhất cuộc đấu tranh của con người và đã dành cả cuộc đời để tìm ra giải pháp cho chúng. Ông là một nhà nghiên cứu tâm lý con người, và như ông nói đó là suối nguồn của tuổi trẻ.

Cuốn "Phá vỡ lối mòn tư duy" được Nhà xuất bản Thế giới và 1988Books phát hành với bản dịch của Lê Hồng Phương Hạ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng bạn đọc.

- Bạn có quyền chọn cách phớt lờ sự nhàm chán, vô vị của cuộc sống nhưng chúng sẽ ở xung quanh bạn cho dù bạn có lựa chọn chú ý đến chúng hay không.

Nhận thức không làm bạn tốn kém điều gì cả nhưng đó có thể là câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống.

Việc thay đổi thói quen tư duy của bạn sẽ không làm thay đổi thế giới nhưng dù sao đi nữa, tốt hơn là bạn nên chấp nhận và học cách cảm thấy dễ chịu về nó.

- Bạn không phải là con người do sự giận dữ tạo nên. Bạn chỉ bị cảm xúc đó hủy hoại. Chuyển đổi được suy nghĩ nho nhỏ này, bạn sẽ tự giải phóng bản thân khỏi cảm giác khó chịu.

- Trong đa số trường hợp, hành động của chúng ta không phải do suy nghĩ chi phối mà do cảm xúc.

- Cường độ dữ dội, mãnh liệt của một cảm xúc không kéo dài quá vài giây. Chẳng hạn, khi bạn giận dữ đến mức có thể đập tan bức tường đá, chỉ vài giây sau cơn tức giận bốc đồng ấy sẽ suy giảm sức mạnh. Nếu yếu tố làm bùng nổ xúc cảm được lặp đi lặp lại, bạn sẽ ở trong tâm trạng đó lâu hơn rất nhiều.

- Kiểm soát ý nghĩ sẽ đưa đến việc kiểm soát tâm trạng tốt hơn. Cảm xúc không thể bị lý trí sáng suốt chiếm quyền để ngăn chặn nhưng ảnh hưởng và thời gian tồn tại của chúng có thể được giảm bớt.

- Bạn không thể loại bỏ một cảm xúc nào đó nhưng với lòng kiên nhẫn và ý thức, bạn có thể thấu hiểu cảm xúc ấy, tại sao, khi nào nó xuất hiện điều gì kích thích nó và loại suy nghĩ nào có khả năng làm giảm bớt tổn thương do nó gây ra. Bộ não chỉ có thể suy nghĩ về một thứ trong một thời điểm và bạn đang tận dụng đặc điểm đó.

Cuốn "Phá vỡ lối mòn tư duy" được Nhà xuất bản Thế giới và 1988Books phát hành với bản dịch của Lê Hồng Phương Hạ. (Ảnh: docsach24.com)

Cuốn "Phá vỡ lối mòn tư duy" được Nhà xuất bản Thế giới và 1988Books phát hành với bản dịch của Lê Hồng Phương Hạ. (Ảnh: docsach24.com)

- Suy nghĩ tích cực càng không liên quan đến vấn đề gây bực tức bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu.

- Đừng trách móc hay đổ lỗi bản thân. Vấn đề mấu chốt là thấu hiểu cảm xúc bắt nguồn từ đâu và giải quyết nó chứ không phải tạo ra mức độ tự chán ghét mới.

- Đừng chồng chất tất cả mọi việc làm cho bạn khó chịu, bởi vì rốt cuộc bạn sẽ cho mình là người dễ cáu kỉnh, xấu tính hơn rất nhiều so với con người thật sự của bạn.

- Việc cụ thể hóa trong khen ngợi cũng quan trọng không kém trong phê bình. Tuyên dương không cụ thể, chung chung có thể dẫn đến tự nhận thức sai lầm và tự mãn.

- Người có tính cách thích nghi không ổn định sẽ chọn cách không ngỏ lời hẹn hò với người yêu vì sợ bị từ chối. Việc thích nghi không ổn định một cách không có ý thức thường dẫn đến tự ngược đãi bản thân.

- Những điều chúng ta tập trung suy nghĩ nhiều nhất chính là những thứ khiến chúng ta lo lắng, trăn trở hơn cả.

- Bạn sẽ học nhanh chóng và có hiệu quả hơn rất nhiều nếu dồn toàn bộ sức mạnh trí óc trong khoảng thời gian giàu động lực và trí tuệ hoạt động tích cực nhất.

- Càng luyện tập nhiều thì càng có nhiều liên kết thần kinh mạnh mẽ hơn được kết nối. Những liên kết mạnh mẽ chính là tác nhân đột phá trong sự thay đổi của não bộ.

- Tốt hơn hết bạn hãy chú tâm vào nguồn gốc gây ra nỗi lo sợ, chấp nhận và khắc phục chúng.

- Bạn càng sử dụng bộ não thường xuyên bao nhiêu nó sẽ càng liên kết hiệu quả và năng động bấy nhiêu.

- Ba thói quen trong kế hoạch ngắn hạn 30 ngày: Một là, tự nấu ăn theo phương hướng dinh dưỡng lành mạnh. Hai là, giao tiếp nhiều hơn với bạn bè. Ba là, dành thời gian ở một mình- khoảng 1 giờ mỗi ngày (có thể là đọc sách).

Cuộc sống là một loạt mục tiêu nhỏ kết nối với nhau thành một chuỗi. Chuỗi ấy được duy trì nếu được củng cố bằng các thói quen thích hợp.

- Bạn càng giỏi trong công việc mình làm bạn càng say mê nó. Đam mê đến từ sự tích lũy kiến thức, tự tin và thành công bằng việc góp nhặt lao động cần mẫn trong công việc hiện tại.

- Luyện tập thiền nhuần nhuyễn rất khó, nhưng một khi làm được nó sẽ trở thành công cụ định hướng và thay đổi tâm trí dễ dàng nhất.

Có thể chỉ cần 10 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Tìm một nơi yên tĩnh. Ngồi xuống. Hít thở sâu và đếm hơi thở. Hít vào 4 nhịp, thở ra 4 nhịp. Làm lại. Bình ổn tâm trí. Thực hiện từ 10 đến 20 phút.

Lần tiếp theo vào ngày mai, ngồi khoanh chân lại. Thẳng lưng lên. Đặt hai tay lên đầu gối, chụm các ngón tay và hướng lên trên. Thở ra và giải phóng mọi suy nghĩ theo hơi thở. Hít vào chậm rãi, cảm thấy không khí lan từ lồng ngực xuống dạ dày.

Hãy hít thở bằng bụng. Đếm từ 1 đến 6 trong lúc hít vào. Nín thở 1-2 giây sau đó từ từ thở ra. Bạn có thể mất vài tháng để học thở một cách đúng đắn (ổn định tâm trí trong 15 phút liên tục không gián đoạn.

- Thiền giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, nhịp tim ổn định, ngủ ngon hơn. Nó làm giảm bớt lo âu, căng thẳng, xoa dịu thần kinh, cải thiện trí nhớ ngắn hạn lẫn dài hạn. Bạn sẽ cân bằng tốt hơn, không dễ nổi nóng, cảm xúc ổn định hơn. Chỉ cần 5 phút mỗi ngày và bạn sẽ có một khởi đầu tốt.

- Đừng vận mọi chuyện vào mình. Bạn chỉ quan trọng giống như vị trí của bất kỳ người nào khác trên Trái đất này. Suy nghĩ ấy có thể nhấc rất nhiều gánh nặng kỳ vọng ra khỏi đôi vai bạn.

- Bạn có quyền thay đổi quan điểm và mở mang hiểu biết. Thật đáng sợ khi chất vấn niềm tin của chính mình, nhưng đôi khi bạn phải làm điều đó nếu muốn tiến lên phía trước thay vì giậm chân tại chỗ. Nghi ngờ, chất vấn, cảm thấy thoải mái buông bỏ và cuối cùng là thay đổi niềm tin là một công cụ mạnh mẽ giúp cải thiện cuộc sống.

- Đừng xem sức khỏe, gia đình, tiền bạc hay sự tự do của bạn là những thứ hiển nhiên có được. Bạn sẽ thấy trân trọng từng điều một hơn rất nhiều nếu thừa nhận rằng chúng có thể ra đi ngay trong khoảnh khắc tiếp theo.

- Nếu không có nỗi đau, loài người thậm chí sẽ không tồn tại. Bất kể là nỗi đau thể xác hay tinh thần, nó đều phục vụ cho một mục đích cực kỳ quan trọng - mục đích học cách sinh tồn.

- Nếu thỉnh thoảng không trải qua cảm giác đau khổ thì tính cách chúng ta sẽ không thể định hình hoàn thiện hơn. Có những điều tồi tệ mà chúng ta nên trải nghiệm, đơn giản chỉ vì chúng có ích.

- Đừng nghĩ về tương lai không thể đoán định như một thứ hãi hùng mà hãy cho đó là điều thú vị. Việc sợ hãi tương lai bắt nguồn từ một mầm mống duy nhất: kỳ vọng quá mức. Yếu tố rủi ro tăng theo tỷ lệ thuận với kỳ vọng. Nếu bạn học cách hạ bớt kỳ vọng xuống, tương lai khó đoán trước sẽ trở nên ít đáng sợ hơn.

- Hãy xem việc chuẩn bị tinh thần cho kết quả tồi tệ nhất như sự bảo hiểm cho nhận thức. Bạn không phải kiểm tra mỗi ngày nhưng khi chuyện không hay xảy ra, bạn đã có bảo hiểm.

- Chỉ sở hữu những thứ cần thiết. Càng ít càng tốt. Dù thế nào đi nữa, vật chất không làm cho bạn hạnh phúc. Sở hữu càng ít, bạn càng ít bị lệ thuộc.

- Chấp nhận rằng thất bại, bi kịch và những biến cố là không thể tránh được. Chúng sẽ đến. Bạn không phải hoảng sợ mà chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng.

- Hãy mở cửa đón chào các cơ hội. Tương lai sẽ bớt đáng sợ nếu bạn biết mình có những phương án lựa chọn khác khi kế hoạch A thất bại. Đừng lên những kế hoạch cứng nhắc. Vì bạn không biết tương lai sẽ ra sao hoặc bạn thân sẽ muốn gì trong 5 năm tới.

Hãy biết rõ những gì bạn muốn làm trong ngày hôm nay nhưng để mở lựa chọn cho tương lai tự quyết định khi nào thời điểm chín muồi.

- Tất cả chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Nhưng xét đến cùng, với đa số mọi việc chúng ta làm, hầu hết đều ở mức khá bình thường. Và điều đó hoàn toàn ổn. Nỗ lực tiến lên trong cuộc sống với mục tiêu tầm thường sẽ không đủ thách thức nhưng chấp nhận một kết quả bình thường thì không có gì không tốt.

- Cứ mỗi một Picasso, Dostoyesky thì sẽ có hàng trăm triệu người như... chúng ta. Bất kể chúng ta vất vả thế nào thì nhiều người vẫn không đạt đến trình độ ấy. Điều này không có nghĩa là cuộc sống của chúng ta vô ích hoặc thiếu thốn niềm vui. Thật ra nó có nghĩa là chúng ta là những con người bình thường.

- Đừng lo lắng khi thừa nhận rằng cuộc sống của bạn (và của mọi người) đa phần là bình thường. Những người đạt đến mức trên trung bình hay xuất sắc cũng là người bình thường, chỉ là họ tập trung cao độ. Họ không nghĩ rằng bản thân mình đặc biệt; họ chỉ bị ám ảnh về một điều gì đó sâu sắc hơn chúng ta và sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời vì mục đích đấy.

- Những người thành công thật sự luôn luôn cảm thấy mình bình thường hoặc kém hơn cả mức bình thường - ý niệm này thúc đẩy họ cải thiện bản thân nhiều hơn nữa.

- Dần dần bạn sẽ học được cách trân trọng những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống, chẳng hạn như sự an toàn của một tình bạn tốt, làm cho ai đó hạnh phúc, giúp đỡ một người gặp khó khăn, cười đùa với người yêu của bạn, đọc một điều gì đó thú vị hay ăn món kem Ý ngon tuyệt vời.

Tất cả việc ấy là những điều chúng ta xem là bình thường, nhưng cuộc sống có ý nghĩa nhất chính là trong những khoảnh khắc này.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng