Từ ngày 11-13/1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh miền Tây đó là Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Báo cáo về tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo ngành Giáo dục trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trước mắt là đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Toàn tỉnh hiện có 118 trường tiểu học và 3 trường phổ thông có cấp tiểu học với 74.611 học sinh/2.334 lớp; có 2.215 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố là 1.552, bình quân 0,95 phòng học/lớp. Số học sinh được học 2 buổi/ngày là 52.711 em, tỷ lệ 70,64%. Trong đó, số học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày là 14.761 em, đạt tỷ lệ 100%.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. |
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường và các trường tiểu học có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường, trường tiểu học có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã bố trí nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học đảm bảo nhu cầu tối thiểu các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1.
Khó khăn của tỉnh Bạc Liêu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh còn thiếu, thậm chí không có ở một số môn mới, môn ghép và các hoạt động giáo dục. Cũng do ngân sách khó khăn nên năm 2020, tỉnh chưa bố trí được kinh phí để triển khai hoạt động bồi dưỡng đại trà cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Để đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định, dự kiến tỉnh Bạc Liêu cần nguồn kinh phí gần 1.820 tỷ đồng để đầu tư xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện cấp tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi làm việc, nhiều câu hỏi, kiến nghị của địa phương đã được đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi, giải đáp và hướng dẫn. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như phát triển đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; xây dựng tài liệu giáo dục địa phương; định hướng phát triển Trường Đại học Bạc Liêu…
Đối với 2 điều kiện căn cốt là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu để rà soát, hoàn thiện 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2025. Riêng đề án về đội ngũ giáo viên, theo Bộ trưởng cần gắn với nâng cao năng lực đào tạo của Trường Đại học Bạc Liêu.
Từ những kết quả đã đạt được trong triển khai chương trình lớp 1, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát huy cho những năm tiếp theo. Trong đó, trước mắt cần chỉ đạo tốt việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; kiện toàn nhóm biên soạn tài liệu giáo dục địa phương để sớm hoàn thiện tài liệu địa phương lớp 1 và các lớp tiếp theo.
“Đây không chỉ là tài liệu dạy học mà còn là công trình văn hóa của địa phương nên phải được thực hiện công phu, chuẩn về nội dung, đẹp về hình thức”, Bộ trưởng nói.
Để dư luận nhân dân hiểu rõ về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những kết quả thực hiện chương trình lớp 1 thời gian vừa qua, Bộ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Đồng thời, chú trọng công tác phối hợp, thường xuyên kết nối với các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng trao đổi, “gỡ khó” cho quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tới kiểm tra thực tế việc triển khai chương trình lớp 1 tại Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, thành phố Bạc Liêu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi các em học sinh Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm |
Báo cáo với đoàn công tác, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm có 6 lớp 1 với 263 học sinh. Để triển khai chương trình mới, nhà trường đã chuẩn bị rất kỹ về đội ngũ giáo viên, giáo viên được lựa chọn dạy lớp 1 là những người có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều năm kinh nghiệm.
Ngay từ năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm đã tổ chức cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày; đến năm học 2020-2021 không chỉ lớp 1 mà khối lớp 2 cũng đã được bố trí học 2 buổi/ngày. Các phòng học đều được trang bị tivi để phục vụ cho việc giảng dạy.
Sau 6 tháng triển khai chương trình mới, các giáo viên đang giảng dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm đều có chung chia sẻ là đã vượt qua được những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu và đã mạnh dạn, linh hoạt để làm chủ hoạt động dạy học.
Nhắc lại giai đoạn đầu thực hiện chương trình, cô giáo Tường Vy cho biết, giáo viên phải huy động cả phụ huynh vào cuộc để hỗ trợ giảng dạy cho học sinh tại nhà. Đầu năm khi nhận lớp, lớp của cô có tới 15/49 học sinh thuộc diện yếu. Nhưng với nỗ lực của giáo viên, sự bắt nhịp nhanh chóng của học sinh, kết thúc học kỳ I, lớp 1 do cô Tường Vy chủ nhiệm chỉ còn 2 học sinh yếu.
Cho biết, lớp 1 do mình chủ nhiệm chỉ còn 1/47 học sinh chưa theo kịp chương trình sau khi kết thúc học kỳ I, cô giáo Lê Nguyệt Ánh, giáo viên Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm cho rằng, đó là nhờ có sự hợp tác chặt chẽ của phụ huynh.
Cô giáo Lê Nguyệt Ánh |
Cô Ánh cho hay, ngay từ đầu năm học, cô đã thiết lập trên zalo nhóm phụ huynh của lớp để lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cùng đồng hành với con trong quá trình học tập theo chương trình mới. “Nhờ đó mà đến này, phụ huynh không còn than con học khó nữa”, cô Nguyệt Ánh chia sẻ.
Sát sao, đồng hành với giáo viên trong quá trình triển khai chương trình mới, ông Huỳnh Chí Hiếu, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bạc Liêu thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo xây dựng 5 tổ sinh hoạt chuyên môn thường xuyên tổ chức các cuộc sinh hoạt, trao đổi. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức 5 đợt dự giờ giáo viên lớp 1. “Chúng tôi dự giờ ở đây không phải để đánh giá giáo viên mà để cùng “gỡ khó” với giáo viên”, ông Hiếu nói.
“An tâm, chất lượng học sinh lớp 1 ổn hơn so với năm trước, trong đó nhiều trường có tiến bộ rõ rệt” là chia sẻ của Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bạc Liêu sau nửa chặng đường triển khai chương trình lớp 1. Ông Hiếu cũng cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ triển khai sơ kết trong tuần sau để đưa ra giải pháp thực hiện học kỳ II.
Lắng nghe chia sẻ của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận sự vào cuộc rất nhanh của các thầy cô giáo và bày tỏ sự vui mừng trước kết quả đánh giá học sinh sau học kỳ I.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, đây mới là trên báo cáo, cần phải khảo sát và kiểm tra thêm để có đánh giá sát thực. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý về việc đảm bảo sỹ số học sinh trên lớp, bởi sỹ số học sinh như hiện nay của Trường Tiểu học Phùng Văn Liêm là quá đông, gây áp lực cho giáo viên và ảnh hưởng tới chất lượng triển khai chương trình mới.
Với mong muốn đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị, mỗi giáo viên Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc xây dựng các clip bài giảng điện tử để đóng góp vào hệ thống bài giảng chung của giáo viên cả nước.
Tổ chức rà soát, tổng kết triển khai chương trình lớp 1
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi, giải đáp nhiều nội dung nhằm “gỡ khó” cho địa phương trong quá trình chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng, cũng như phát triển giáo dục và đào tạo nói chung.
Một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp cho giai đoạn 5 năm (2021-2026). Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tỉnh Trà Vinh cần rà soát nhu cầu về đội ngũ để thấy rõ thực tế thừa thiếu, căn cứ lộ trình đổi mới và các quy định để xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, từ đó có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, xác định nguồn kinh phí đào tạo cho từng năm.
Trong điều kiện một tỉnh còn nhiều khó khăn, các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, Bộ trưởng cho rằng, đề án đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp sẽ giúp cho việc đầu tư của địa phương bài bản, có lộ trình, chia sẻ được các nguồn lực khác nhau, từ đầu tư công, đến các nguồn đề án, dự án và nguồn xã hội hóa.
Với 2 đề án này, Bộ trưởng gợi mở, tỉnh Trà Vinh nên có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện. Đồng thời khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đồng hành, hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai 2 đề án.
Đến thời điểm này, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã bước sang học kỳ II, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các nhà trường rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện, nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu, rút ra những bài học kinh nghiệm cho triển khai đối với lớp 2.
“Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là một chủ trương lớn, năm nay lại là năm đầu tiên thực hiện nên rất cần tổng kết. Những gì còn hạn chế cần rút kinh nghiệm và mạnh dạn thay đổi”, Bộ trưởng nêu rõ và cho biết, từ báo cáo của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có tổng kết chung.
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Trà Vinh về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất triển khai hai lớp này trong năm học tiếp theo và chuẩn bị, sớm ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Để dư luận nhân dân hiểu, đồng thuận với các chủ trương đổi mới, ngành Giáo dục Trà Vinh cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông, trước mắt là thông tin, làm rõ kết quả triển khai đối với lớp 1.
Tại tỉnh Trà Vinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm và trò chuyện với các giáo viên đang dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Trà Vinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Trà Vinh |
Chia sẻ với Bộ trưởng về những thay đổi tích cực của cả thầy và trò sau một học kỳ thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới, các giáo viên ở đây cho biết, với chương trình mới, các em học sinh tiến bộ rất nhanh; giáo viên thời gian đầu có phần bỡ ngỡ nhưng sau đó đã bắt nhịp.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám có 8 lớp 1, 100% học sinh lớp 1 của nhà trường được học 2 buổi/ngày, tất cả trang thiết bị dạy học đối với lớp 1 đều được trang bị đầy đủ. Với kết quả triển khai sau học kỳ I, thầy Phạm Trung Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 của Trường Tiểu học Lê Văn Tám sẽ đạt được các mục tiêu đề ra. Nhà trường cũng đang tích chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 2.
Ghi nhận nỗ lực của các thầy cô giáo, đánh giá cao kết quả triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 của nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin tưởng, Trường Tiểu học Lê Văn Tám sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đi đầu trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở các lớp tiếp theo.
Tín hiệu tốt từ triển khai chương trình lớp 1
Còn tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong điều kiện chung của một năm khó khăn nhưng các công việc triển khai chương trình lớp 1 đã được địa phương thực hiện đúng tiến độ.
“Qua kiểm tra thực tế ở một số lớp học và trao đổi với một số học sinh, giáo viên, bước đầu cho thấy sự cố gắng, độ vào cuộc và tín hiệu tốt từ việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới của tỉnh Sóc Trăng”, Bộ trưởng nhận định.
Để chuẩn bị cho việc triển khai các lớp tiếp theo, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Sóc Trăng sớm tổ chức rà soát, tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai chương trình lớp 1.
Đồng thời, quan tâm tới việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, đảm bảo đúng quy định, phát huy tính dân chủ, minh bạch trong chọn sách. Việc xây dựng, ban hành tài liệu giáo dục địa phương phải được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ, chất lượng, tránh để xảy ra các sai sót.
Đối với 2 điều kiện quan trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Bộ trưởng cho rằng, cần phải được nhìn dài hơi, có bước đi, lộ trình bài bản, phù hợp.
Trong đó, tỉnh Sóc Trăng nên tính toán đến việc xây dựng và triển khai 2 đề án cụ thể về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất cho giai đoạn 5 năm tới. Đồng thời, ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện các nội dung này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra việc đọc chữ của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng |
Ngay tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã giao cơ quan chuyên môn của tỉnh tham mưu xây dựng Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, giao ngành Giáo dục tham mưu xây dựng đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đề án đầu tư cơ sở vật chất triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2026.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tiếp thu và chỉ đạo triển khai các đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay tại buổi làm việc |
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học 2 buổi/ngày đối với lớp 1. Tuy nhiên, ở các năm tiếp theo cần phải xây dựng bổ sung phòng học để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày cho cấp tiểu học.
Toàn tỉnh Sóc Trăng có 1.451 giáo viên dạy lớp 1, đội ngũ này cơ bản đáp ứng yêu cầu cho triển khai chương trình năm học 2020-2021. Tuy nhiên, cần phải có kế hoạch để đào tạo đội ngũ kế thừa, trẻ hóa đội ngũ giáo viên lớp 1; giáo viên các bộ môn Âm nhạc, Thể dục, Ngoại ngữ cần phải được bồi dưỡng, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.