Từ ngày 28-29/11/2020, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã diễn ra hội thảo khoa học "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới" và sinh hoạt thường niên Câu lạc bộ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phía Nam năm 2020.
Chương trình do Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk tổ chức. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trước yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông; phân tích, đánh giá thực trạng và đưa ra những kiến nghị về chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, đặc biệt là trước yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều giáo viên lo lắng về môn tích hợp, dạy tích hợp
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), cho rằng một trong những điểm mới là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, giáo viên chủ yếu dạy chuyên sâu 1 môn học, việc tích hợp nhiều môn học đòi hỏi giáo viên phải có năng lực hiểu sâu và rộng mọi lĩnh vực và đây chính là thách thức lớn đối với giáo viên và nhà trường.
Về những băn khoăn trong việc triển khai dạy tích hợp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin: Vấn đề này sẽ được thực hiện theo lộ trình từ đơn môn đến liên môn rồi mới tiến tới tích hợp.
Trong quá trình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường sư phạm thay đổi hình thức đào tạo, mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn để thầy cô nâng cao năng lực chuyên môn.
"Hiện nay, một số thầy cô đang cảm thấy băn khoăn về việc lấy đâu ra giáo viên dạy tích hợp nhưng thực tế không phải như thế mà có lộ trình.
Chúng ta không quyết tâm từ bây giờ thì không bao giờ có giáo viên dạy tích hợp, mà tích hợp là xu hướng quốc tế" - ông Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải thích, tuy nhiên đội ngũ giáo viên vẫn rất băn khoăn, lo lắng về môn tích hợp trong thời gian tới khi mà việc thực hiện môn tích hợp đang ở rất gần, bắt đầu thực hiện từ năm 2021 – 2022 ở lớp 6.
Liệu việc chuẩn bị về nhân lực (đội ngũ giáo viên tích hợp, quản lý,…), vật lực (cơ sở vật chất, phòng bộ môn, đồ dùng dạy học,..), trí lực (năng lực, trí tuệ.,..) sắp tới có đảm bảo để dạy môn tích hợp trong thời gian tới.
Việc dạy học tích hợp, liên môn trong chương trình mới như thế nào? (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có “nặng”?
Muốn biết nó “nặng” hay không phải dựa vào các tiêu chí: thứ nhất việc thiết kế chương trình, sách giáo khoa, yêu cầu/hướng dẫn thi và kiểm tra có hợp lý; thứ hai là giáo viên đáp ứng được điều kiện giảng dạy; thứ ba là phương tiện dạy học có đáp ứng được yêu cầu chương trình; thứ tư là lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên đủ tầm.
Trong các điều kiện trên tiêu chí thứ nhất chưa được công khai rõ ràng, còn 3 tiêu chí còn lại hiện nay rất khó đạt được, nên khi triển khai tôi cho rằng sẽ rất “nặng” và khó triển khai.
Với quan điểm cả nhân, tôi cho rằng 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ rất “nặng”, việc “nặng” này không phải do chương trình mà do khi triển khai hiện nay sẽ không có giáo viên đủ trình độ để dạy.
Vì cho đến hiện nay, chưa nhìn thấy mặt mũi cuốn sách giáo khoa 2 môn mới này, giáo viên chúng tôi không hình dung được Khoa học tự nhiên là 1 môn mới, hay thực tế chỉ là 3 môn hiện hành dồn vào 1 sách? Là môn mới thì chưa được đào tạo, chưa biết sách giáo khoa viết ra sao. Nếu 3 môn dồn vào 1 sách như hiện nay thì càng khó khăn hơn.
Thực tiễn những hạt sạn trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới, từ bộ Cánh Diều đến những bộ còn lại, đã khiến dư luận giáo giới chúng tôi không khỏi băn khoăn về 2 môn có tên gọi "mới toanh".
Dù Bộ trưởng đã trả lời, nhưng giáo viên chưa biết liệu ở năm học tới một thầy dạy ba môn hay một môn hoàn toàn mới? Nếu 1 môn mới thay thế 3 môn cũ, 2 giáo viên kia sẽ đi đâu và làm gì?
Nếu một môn 3 thầy dạy thì sẽ như thế nào trong việc phân công, ra đề kiểm tra, đánh giá, chấm bài, nhận xét, ai là người chịu trách nhiệm môn Khoa học tự nhiên,…
Hiện nay trình độ giáo viên đã được thực hiện theo Luật Giáo dục mới 2019, giáo viên trung học cơ sở phải có trình độ đại học, mà đại học thì hiện nay chỉ có giáo viên đơn môn, không còn môn ghép ở bậc cao đẳng như những năm về trước.
Nếu vậy đối với môn Khoa học tự nhiên, mỗi giáo viên sẽ cần một khoảng thời gian tương đối dài để đào tạo thêm 2 môn còn lại để được giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên.
Một giáo viên dạy môn Sinh 20 năm hoặc hơn thì rất khó thể nào học thêm, nắm vững kiến thức môn Lý, Hóa để giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.
Nguyên tắc của việc dạy học là học “biết 10 dạy 1”. Tôi tin rằng rất khó để có ai mà có thể nắm vững kiến thức chuyên sâu của cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh để dạy môn Khoa học tự nhiên hay nắm vững kiến thức chuyên sâu môn Sử, Địa để dạy được môn Sử và Địa.
Nhất là các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, môn Sử và Địa sẽ khó khăn hơn.
Vấn đề sắp xếp tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên, Sử và Địa cũng tương đối khó khăn, việc sắp xếp tổ trưởng nắm vững các môn trên cũng rất khó.
Bên cạnh còn việc sử dụng dụng cụ, đồ dùng dạy học, phòng bộ môn,… để đáp ứng cả 3 môn vẫn sẽ rất khó.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc trên đây mà tôi tin rằng không chỉ riêng mình, nhiều đồng nghiệp đang đứng lớp đều có chung những câu hỏi này.