Giáo viên cả nước chung 1 mẫu giáo án, sáng tạo vào đâu?

27/01/2021 07:10
Phan Tuyết
GDVN- Nếu bắt buộc giáo viên phải lên kế hoạch bài dạy theo mẫu chung lại chẳng khác gì học sinh học văn mà thầy cô bắt phải thuộc văn mẫu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, theo đó thiết kế bài dạy của giáo viên đã được đổi tên thành kế hoạch bài dạy với khá nhiều quy định mới.

Hình ảnh minh họa thuvientailieu.edu.vn

Hình ảnh minh họa thuvientailieu.edu.vn

Nếu như một thiết kế bài dạy trước đây, giáo viên soạn nhiều nhất cũng chỉ đủ một trang giấy A4 thì với kế hoạch bài dạy sắp tới, các thầy cô giáo phải soạn tới chục trang giấy hoặc nhiều hơn thế nữa.

Từng hoạt động có nên bắt buộc ghi cụ thể mục tiêu?

Ngoài mục tiêu chính của bài học phải ghi rõ đầy đủ 3 phần như kiến thức, năng lực, phẩm chất thì Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH yêu cầu mỗi hoạt động trong bài học giáo viên phải ghi cụ thể mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, mỗi bài học có ít nhất 3 hoạt động, có những bài dạy lên tới 7 hoạt động. Nếu quy định từng hoạt động phải ghi cụ thể những mục như thế thì kế hoạch bài dạy sẽ rất dài.

Đó là chưa nói đến việc, các mục tiêu của bài dạy, mục tiêu của các hoạt động cũng đã được in trong sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy. Việc quy định phải ghi cụ thể mục tiêu ra kế hoạch bài dạy có cần thiết không?

Kế hoạch bài dạy có nhất định phải soạn theo mẫu chung?

Kế hoạch bài dạy được hiểu là dàn ý bài giảng của giáo viên được soạn trước ra giấy để tiến hành dạy học trên lớp.

Nội dung của kế hoạch bài dạy bao gồm đề tài của giờ lên lớp, mục đích giáo dục và giáo dưỡng, nội dung, phương pháp, thiết bị, những hoạt động cụ thể của thầy và trò, khâu kiểm tra đánh giá... Tất cả được ghi ngắn gọn theo trình tự thực tế sẽ diễn ra trong giờ lên lớp.

Nói một cách khác, kế hoạch bài dạy là bản thiết kế cho tiến trình một tiết học, là bản kế hoạch mà người giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp trên nhóm đối tượng học sinh nào đó.

Với một bài học nào đó, với những đối tượng học sinh khác nhau, với những giáo viên khác nhau thì sẽ có những bản kế hoạch dạy học khác nhau.

Kế hoạch bài dạy được hiểu là dàn ý bài giảng của giáo viên được soạn trước, là sản phẩm trí tuệ của mỗi người. Trước mỗi bài học, mỗi giáo viên có cách triển khai bài dạy khác nhau miễn sao học sinh sẽ hiểu và tiếp thu bài tốt.

Vậy nên, soạn thế nào? Ghi các bước lên lớp ra sao? Sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học nào cho hiệu quả?

Các thầy cô giáo phải được toàn quyền quyết định trong bài soạn của mình. Vậy, tại sao lại có mẫu chung để buộc thầy cô phải theo đó thực hiện?

Có nên quy định giáo viên phải soạn theo một mẫu chung? Một mẫu thống nhất từ bên trên áp về?

Nếu bắt buộc giáo viên phải lên kế hoạch bài dạy theo mẫu chung lại chẳng khác gì học sinh học văn mà thầy cô bắt phải thuộc văn mẫu.

Hậu quả là cả lớp có chung một bài văn giống nhau đến từng dấu phẩy. Giáo viên vẫn thường chấm bài bắt gặp những tình huống này. Điểm giỏi không thể cho nhưng điểm yếu cũng không thể phạt. Thế rồi cả lớp đều được nhận những con điểm chung ở mức khá như nhau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho giáo viên quyền sáng tạo trong dạy học, được quyền lựa chọn phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học sao cho phù hợp nhất với học sinh của mình thì tại sao còn bắt buộc giáo viên khi soạn bài phải tuân theo một mẫu bài soạn cố định?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết