Mẫu kế hoạch bài dạy 5512 quá dài dòng vô bổ, nhiều thày cô chỉ soạn đối phó

24/01/2021 07:05
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần bỏ ngay việc kiểm tra hồ sơ sổ sách mà nên tập trung vào việc kiểm tra chất lượng giờ dạy, kiểm tra chất lượng học sinh là chính xác nhất.

Giáo án lên lớp của giáo viên đã được đổi tên đến vài lần, nào là đổi thành thiết kế bài dạy, nào là kế hoạch bài dạy. Mỗi lần đổi tên cũng kèm theo đổi luôn hình thức, cách soạn một bài dạy lên lớp.

(Ảnh minh họa: Tailieugiangday.com)(Ảnh minh họa: Tailieugiangday.com)

Tuy nhiên, nhìn quy định soạn một kế hoạch bài dạy mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, nhiều giáo viên đã thật sự “choáng”.

Chúng tôi “choáng” vì nếu soạn đúng theo tinh thần của công văn thì mỗi kế hoạch bài dạy sẽ có độ dài hàng chục trang giấy, “choáng” vì lo ngại sẽ lấy thời gian đâu để mà soạn, “choáng” vì mỗi ngày nếu dạy 5 tiết mà có tới 5 kế hoạch bài dạy dài hàng dăm chục trang như thế sẽ thế nào?

Những quy định máy móc, hình thức và dài dòng

Đầu tiên phần mục tiêu, yêu cầu giáo viên phải ghi đầy đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất mà mục nào cũng quy định nêu cụ thể nội dung kiến thức học sinh cần học trong bài, nêu cụ thể yêu cầu học sinh làm được gì, nêu cụ thể yêu cầu về hành vi, thái độ…

Phần thiết bị dạy học và học liệu cũng yêu cầu nêu cụ thể các thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng trong bài dạy.

Phần tiến trình dạy học gồm các hoạt động dạy học trên lớp, từng hoạt động đều có mục tiêu riêng, nội dung, sản phẩm, cách tổ chức hoạt động. Cụ thể:

Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động)

a) Mục tiêu: Nêu mục tiêu giúp học sinh xác định được vấn đề/nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học hoặc xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động tiếp theo của bài học.

b) Nội dung: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể mà học sinh phải thực hiện (xử lí tình huống, câu hỏi, bài tập, thí nghiệm, thực hành…) để xác định vấn đề cần giải quyết/nhiệm vụ học tập cần thực hiện và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề/cách thức thực hiện nhiệm vụ.

c) Sản phẩm: Trình bày cụ thể yêu cầu về nội dung và hình thức của sản phẩm hoạt động theo nội dung yêu cầu/nhiệm vụ mà học sinh phải hoàn thành: kết quả xử lí tình huống; đáp án của câu hỏi, bài tập; kết quả thí nghiệm, thực hành; trình bày, mô tả được vấn đề cần giải quyết hoặc nhiệm vụ học tập phải thực hiện tiếp theo và đề xuất giải pháp thực hiện.

d) Tổ chức thực hiện: Trình bày cụ thể các bước tổ chức hoạt động học cho học sinh từ chuyển giao nhiệm vụ, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua sản phẩm học tập.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1 (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động).

a) Mục tiêu: Nêu mục tiêu giúp học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập để chiếm lĩnh kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1.

b) Nội dung: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể của học sinh làm việc với sách giáo khoa, thiết bị dạy học, học liệu cụ thể (đọc/xem/nghe/nói/làm) để chiếm lĩnh/vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề/nhiệm vụ học tập đã đặt ra từ Hoạt động 1.

c) Sản phẩm: Trình bày cụ thể về kiến thức mới/kết quả giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ học tập mà học sinh cần viết ra, trình bày được.

d) Tổ chức thực hiện: Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện hoạt động của học sinh.

3. Hoạt động 3: Luyện tập

a) Mục tiêu: Nêu rõ mục tiêu vận dụng kiến thức đã học và yêu cầu phát triển các kĩ năng vận dụng kiến thức cho học sinh.

b) Nội dung: Nêu rõ nội dung cụ thể của hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm giao cho học sinh thực hiện.

c) Sản phẩm: Đáp án, lời giải của các câu hỏi, bài tập; các bài thực hành, thí nghiệm do học sinh thực hiện, viết báo cáo, thuyết trình.

d) Tổ chức thực hiện: Nêu rõ cách thức giao nhiệm vụ cho học sinh; hướng dẫn hỗ trợ học sinh thực hiện; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

4. Hoạt động 4: Vận dụng

a) Mục tiêu: Nêu rõ mục tiêu phát triển năng lực của học sinh thông qua nhiệm vụ/yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn (theo từng bài hoặc nhóm bài có nội dung phù hợp).

b) Nội dung: Mô tả rõ yêu cầu học sinh phát hiện/đề xuất các vấn đề/tình huống trong thực tiễn gắn với nội dung bài học và vận dụng kiến thức mới học để giải quyết.

c) Sản phẩm: Nêu rõ yêu cầu về nội dung và hình thức báo cáo phát hiện và giải quyết tình huống/vấn đề trong thực tiễn.

d) Tổ chức thực hiện: Giao cho học sinh thực hiện ngoài giờ học trên lớp và nộp báo cáo để trao đổi, chia sẻ và đánh giá vào các thời điểm phù hợp trong kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục của giáo viên.

Giáo án dài lê thê, chỉ lo cho việc soạn thì thời gian nào nghiên cứu bài dạy?

Nếu theo đúng những yêu cầu về cách thiết kế một kế hoạch bài dạy trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì một thiết kế hoàn chỉnh sẽ có độ dài hơn 10 trang giấy.

Cô giáo Thanh Tâm bức xúc: “Chỉ một hoạt động mà đã soạn không dưới 2 trang giấy, một tiết dạy không dưới 10 trang, một ngày 5 tiết sẽ ra sao, còn thời gian chấm bài nữa hay không?”.

Chưa nói đến tự soạn mà chỉ copy, sao chép một lúc dăm chục trang kế hoạch cũng chẳng đủ sức để làm.

Bạn Phạm Hoan thắc mắc: “Rất máy móc khi yêu cầu giáo án phải chung một mẫu giáo án. Có cần thiết phải ghi tên trường, tổ chuyên môn, tên giáo viên trong mỗi bài soạn không?

Có nhất thiết hoạt động nào cũng yêu cầu nêu mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện hay không?

Đã có rất nhiều giáo viên nói soạn theo công văn 5512 chỉ để kiểm tra (tức là đối phó) còn thực tế trên lớp không ai làm như vậy. Thời gian 45 phút mà thực hiện các hoạt động đó trong khi học sinh không có sự chuẩn bị bài thì chỉ giỏi lắm được 1/3 yêu cầu”.

Bao nhiêu giáo viên đi dạy phải nhìn giáo án?

Bạn Vũ Thị Hạnh nói rằng: “Bản thân mình dạy không bao giờ xem giáo án. Nó chỉ là thứ để kiểm tra. Cái quan trọng là bàn xem với kiểu bài này, với kiểu học sinh này thì sẽ dạy thế nào? Đừng đưa ra lý thuyết hàn lâm rồi thầy cô cứ gò mình ra ép các bài dạy trên giấy cho nó giống với lý thuyết ấy làm gì?”

Bạn Kim Phạm nói: “Tôi nghĩ là làm sao cho các em học sinh nắm kiến thức cơ bản, ngắn gọn, dễ nhớ nhất và vận dụng vào chính đời sống thực tế của học sinh là đã thành công chứ bày ra soạn giáo án theo chủ đề dài lê thê mà giáo viên lên lớp cũng không rập khuôn như kế hoạch bài dạy được.

Trong mỗi lớp có nhiều đối tượng khác nhau nên phương pháp truyền tải kiến thức cũng rất khác nhau trong mỗi lớp”.

Bạn Đỗ Hoàng Giang cho biết: “Tôi 27 năm công tác lên lớp gần như không cần giáo án, soạn chỉ để kiểm tra, quan trọng là học sinh nắm được gì chúng có thích mình dạy không?” .

Những kiến nghị của giáo viên

Bạn Nguyễn Nhàn bày tỏ: “Thật ra giáo án cũng chỉ hình thức, nó không thể phù hợp hết tất cả học sinh và hầu như mình thấy chưa thầy cô nào dạy theo giáo án. Chỉ thấy tốn giấy mực mỗi khi kiểm tra xong rồi vứt đó”.

Bạn Trần Văn Thanh: “Tôi đồng tình với quan điểm "quan trọng nhất không phải hồ sơ như thế nào mà là giáo viên dạy như thế nào trên lớp".

Đối với một giáo viên đã có kinh nghiệm (khoảng 5 năm trở lên) việc soạn một giáo án quá chi tiết, quá dài dòng chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc (giấy mực) chứ chẳng mang lại hiệu quả gì cho giáo viên và học sinh”.

Bạn Lê Hồng Quân đề nghị: “Hãy để giáo viên được tự chủ trong việc chuẩn bị kế hoạch bài giảng của riêng mình. Không nhất thiết phải đồng phục, quy chuẩn, miễn sao giáo viên thực hiện tốt tiết lên lớp của mình là được.

Thiết nghĩ ngành giáo dục nên cởi trói cho giáo viên, quản lý bằng kết quả đáp ứng chuẩn đầu ra chứ đừng đánh giá quá trình”.

Nếu không có kế hoạch bài dạy, nhà trường sẽ kiểm tra giáo viên thế nào?

Cần bỏ ngay việc kiểm tra hồ sơ sổ sách mà nên tập trung vào việc kiểm tra chất lượng giờ dạy, kiểm tra chất lượng học sinh là chính xác nhất.

Nhưng muốn việc đánh giá chính xác giáo viên dạy như thế nào? Học sinh học ra sao thì thầy cô giáo phải được quyền sát hạch đầu vào để xác nhận chất lượng học sinh.

Từ đó, các thầy cô giáo sẽ đảm bảo bằng chất lượng đầu ra cho mỗi lớp. Có thế, giáo viên mới thật sự nỗ lực trong mỗi giờ dạy chứ không phải kiểu giảng dạy đối phó (dạy thì lớt phớt mà chăm sóc hồ sơ kỹ càng để xếp loại tốt) như hiện nay.

Phan Tuyết