Có dịp về quê, gặp gỡ nhiều bạn bè hiện cũng là đồng nghiệp được nghe họ kể về chuyện đi Tết sếp vào mỗi dịp lễ, tết (dịp 20/11, Tết Nguyên đán) mà thấy thương đồng nghiệp của mình.
Thương vì với đồng lương ít ỏi, tằn tiện chi tiêu cho cuộc sống chưa đủ còn phải dành ra một khoản tiền làm quà cáp mới được yên. Thương vì họ bị cuốn vào vòng xoáy quà cáp mà không dám tự tách mình ra vì sợ phải gặp biết bao phiền toái, rắc rối vào thân.
Giáo viên trường chúng tôi luôn chăm lo cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: Phan Tuyết) |
Người có thu nhập tăng thêm từ dạy thêm thì quà cáp bao nhiêu cũng chẳng vấn đề gì. Nhưng phần lớn giáo viên chỉ sống bằng nghề mà luôn phải lo chuyện quà cáp quả là một gánh nặng.
Có lẽ vì để hạn chế những phiền toán, khổ sở từ quà cáp, cứ mỗi dịp Tết về, lãnh đạo bộ và một số sở giáo dục lại phải ra văn bản yêu cầu các nhà trường, cá nhân “không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức…”.
Đó là chuyện địa phương nơi khác, còn với chúng tôi cũng chẳng bao giờ quan tâm đến lệnh cấm kia bởi phần đông giáo viên trong này, ít người đi tết quà sếp và ban giám hiệu cũng không có thói quen nhận quà.
Từ ngày về trường chúng tôi chưa khi nào biếu quà Tết lãnh đạo
Không riêng gì bản thân, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở địa phương cũng cho biết chưa bao giờ, hoặc rất ít khi đi biếu quà Tết nhà sếp (chỉ đi chúc Tết, không đi quà cáp).
Thế nhưng trong giảng dạy, giáo viên chúng tôi không bị làm khó mà luôn được đối xử công bằng giữa mọi thành viên trong nhà trường.
Đã không đi biếu quà Tết, không đến nhà chúc Tết lãnh đạo của mình mà nơi địa phương chúng tôi còn có chuyện “ngược đời” luôn xảy ra.
Đó là việc, năm nào hiệu trưởng của chúng tôi cũng đi chúc Tết nhiều giáo viên trong trường, còn giáo viên lại tất tả lo quà chúc Tết cho học sinh của mình.
Như đã thành thông lệ, Tết năm nào chúng tôi cũng có một ngày theo chân sếp đi chúc Tết giáo viên trong trường. Đầu tiên, thầy hiệu trưởng sẽ đến chúc Tết nhà một giáo viên gần nhất. Theo quy ước, hiệu trưởng đến nhà nào thì thầy cô nhà đó phải đi theo.
Và, đoàn đi chúc Tết sẽ ngày một đông thêm đồng nghĩa với bấy nhiêu gia đình đã được thầy hiệu trưởng đến thăm.
Mỗi nhà, đoàn chúng tôi chỉ ngồi chừng 10 phút đủ để hỏi vài ba câu thăm hỏi và chúc gia chủ sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt trong năm mới.
Nhà nọ rồi đến nhà kia (do giáo viên trong trường đông, nhiều nhà cách xa nhau nên cũng chẳng thể đi hết) có khi đến tối mới kết thúc cuộc hành trình.
Bao giờ cũng thế, điểm cuối cùng chúng tôi thường tập trung là tại nhà thầy hiệu trưởng để ăn uống, nghỉ ngơi và chuyện trò khá lâu mới giải tán ra về.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường luôn được nhà trường tặng quà Tết. Khi thì 300 đến 500 ngàn đồng/em, khi thì nhu yếu phẩm, khi thì quần áo, giày dép…
Để có được những phần quà này, giáo viên nhà trường phải nỗ lực rất nhiều. Người tìm nguồn tài trợ bằng bạn bè quen thân, người kết nối với các Mạnh Thường Quân, riêng nhà trường tổ chức giao lưu văn nghệ, số tiền quyên được từ phụ huynh ủng hộ sẽ dành mua quà để tặng cho các em.
Nhờ thế, nhiều học sinh nghèo, khó khăn của nhà trường đã có được những món quà Tết vô cùng ý nghĩa.