Tết đến xuân về ai cũng mong muốn có thật nhiều sức khỏe, thêm niềm vui trong cuộc sống, và người thầy cũng không ngoại lệ.
Thế nhưng, bất đắc dĩ chúng tôi phải viết ra “những điều trông thấy” về chuyện giáo viên (bao gồm cả lãnh đạo) “đi Tết” nhằm phản ánh những điều chướng tai gai mắt trong ngành Giáo dục vào dịp Tết Nguyên đán.
Qua bài viết, chúng tôi mong muốn giáo viên hãy sống tử tế nhằm giữ hình ảnh người thầy thật đẹp, đúng với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” mà cha ông ta đã dày công vun đắp.
“Đi Tết” - những điều trông thấy
Chúng tôi trò chuyện với đồng nghiệp ở một tỉnh phía Bắc thì được biết, Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay giáo viên trường cô được thưởng 1,5 triệu đồng.
Chúng tôi chúc mừng cô giáo bởi tiền thưởng Tết tuy không nhiều nhưng như thế là lãnh đạo cũng đã quan tâm đến cuộc sống giáo viên lúc xuân về.
Bỗng cô giáo chùng giọng nói, tôi “đi Tết” cho lãnh đạo gần hết số tiền đó, nhưng chấp nhận được vì không phải lấy… tiền lương.
Tặng quà Tết cho lãnh đạo khiến hình ảnh người thầy xấu đi. (Ảnh minh họa: Baophapluat.vn) |
Nghe cô giáo kể chúng tôi rất bất ngờ bởi bản thân và nhiều đồng nghiệp chưa bao giờ tặng quà cho lãnh đạo như thế.
Tò mò, chúng tôi hỏi cô giáo tặng quà cho những ai, tặng gì và tặng lúc nào thì được biết: cô giáo tặng… “phong bì” cho Hiệu trưởng (500 ngàn đồng), hai Hiệu phó (mỗi người 300 ngàn đồng) vào ngày cuối cùng trường kết thúc năm học.
“Tôi không có điều kiện nên chỉ tặng có mỗi thế thôi, nhiều giáo viên còn hơn thế. Năm nào tôi cũng tặng phong bì cho lãnh đạo và không ai từ chối cả”, cô giáo không hề giấu diếm.
Chúng tôi hỏi thêm đồng nghiệp dạy ở một tỉnh bắc miền Trung về tình hình thưởng Tết năm nay thế nào, có đi Tết cho lãnh đạo không thì cô giáo này cho biết “không ăn thua nhưng phải làm “thủ tục””.
Cô giáo chia sẻ, trường cô ở miền núi, Tết năm nay giáo viên/nhân viên được thưởng 1 kg đường, 1 chai dầu ăn và 1 hộp bánh nhỏ.
“Tôi chẳng có gì, chỉ tặng “sếp” (Hiệu trưởng – tác giả) con gà nhà nuôi ăn tất niên”, cô giáo nói tự nhiên.
Mới đây, chúng tôi có công việc nên gọi điện tìm gặp cô Chủ tịch Công đoàn nơi trường đang công tác. Cô nói rằng, cô và nhiều nhân viên văn phòng đang “lên Sở”, có gì ngày mai gặp.
Chúng tôi thừa hiểu nghĩa hàm ẩn của cụm từ “lên Sở” nên chất vấn, Giám đốc Sở (xin không nêu tên tỉnh/thành) vừa kí văn bản chưa ráo mực “cấm tổ chức chúc Tết, tặng hoa, quà cho lãnh đạo” cơ mà?
“Trường mình lên đó (Sở Giáo dục và Đào tạo) những 5 người mới đi hết các phòng ban đó em”, cô giáo nói gọn.
Nỗi buồn đọng lại…
Giáo viên không có thưởng, nhưng nhà trường không thể quên Tết lãnh đạo |
Chúng tôi từng thỉnh giảng cho một số trường trung học phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh nên không lạ gì chuyện “lên Sở”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu như trường công lập thường “lên Sở” vào dịp Tết Nguyên đán thì những trường tư thục, các trung tâm (ngoại ngữ, tin học) còn “lên đó” nhiều dịp khác như các ngày 30/4, 20/11, Tết dương lịch…
Chủ trường (trường tư thục) hay Hiệu trưởng/Giám đốc trung tâm (trường công lập) “lên Sở” với “vật” bất li thân là nhiều cái “phong bì” với độ dày mỏng khác nhau.
Người nào ưu tiên số một thì phong bì “nặng” nhất, và cứ thế cho đến vị nào có số thấp nhất thì phong bì “nhẹ” hơn.
Và ai cũng hiểu rằng, họ “lên Sở” để “trả ơn”, với mong muốn được Sở “ban ơn” hoặc “chiếu cố” cho mỗi khi đơn vị làm việc… chưa đúng “quy trình” (mà đơn vị nào chẳng sai, quan trọng là sai nhiều hay ít vì con người làm việc khác với Rô-bốt được lập trình sẵn).
Một đồng nghiệp (xin không nêu các thông tin kèm theo) tiết lộ bí mật với chúng tôi, năm ngoái (2018) trường bạn bị cắt giảm tiền Tết vì tần suất lãnh đạo “lên Sở” nhiều và “nặng”.
Thì ra, trường này chỉ trong một năm nhưng được “lên báo” nghe đâu cả chục lần (toàn chuyện không hay…) nên Hiệu trưởng phải “lên Sở” nhiều lần.
Nghe đâu trường này vẫn “ổn” vì từ lãnh đạo đến giáo viên/nhân viên cuối năm đều được đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được giao.
Và cũng nghe đâu, “trường người ta” đang làm hồ sơ ra tận “ngoài kia” để xin nhận bằng khen vì (đại khái) có nhiều thành tích trong lao động.
Còn giáo viên “đi Tết” cho lãnh đạo nhằm mục đích gì?
Có thể nhận thấy, bản thân họ muốn được an yên, muốn được “sếp” chiếu cố hoặc “để mắt” tới.
Với giáo viên yếu kém chuyên môn, họ nghĩ “đi Tết” cho “sếp” sẽ được yên ổn trong công việc. Nhưng giáo viên vững chuyên môn cũng “đi Tết” “sếp” vì ước mong sẽ thăng tiến trên con đường quan lộ.
Khổ nỗi, người “đi Tết” luôn lặp đi lặp lại cái vòng luẩn quẩn không lối thoát là phải mặc định tặng quà cho lãnh đạo mỗi khi đất trời vào xuân (mặc dù lòng người chưa chắc đã xuân).
Bởi, năm này họ đi Tết “sếp” thì năm sau cũng không thể quên thủ tục này vì lo sợ “sếp”… “nhớ” (mà thường hay nhớ). Mà mỗi khí “sếp” đã “nhớ” thì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Rồi lại khổ vô cùng!
Thực lòng mà nói, bản chất quà tặng là không xấu. Cái xấu ở chỗ nằm ở những con người toan tính (người thầy) mượn chuyện tặng quà để mưu cầu danh lợi.
Và người nhận quà nếu biết được bản chất của lòng người tặng quà nhưng vẫn thản nhiên nhận lấy thì đó là dấu hiệu của sự bất minh, thiếu chính trực, kém tự trọng và coi thường kỉ cương phép tắc.
Cho nên, tặng quà Tết cho lãnh đạo khi Tết đến xuân về khiến hình ảnh người thầy xấu đi là thế!