Chất lượng học tập của học sinh là do lương tâm thầy cô giảng dạy không thể quy định giáo viên làm 8 tiếng/ngày là đạt chất lượng giáo dục như ý. (Ảnh minh họa tre Giaoduc.net.vn) |
Người đề xuất ý tưởng giáo viên làm việc tại trường 8 tiếng/ngày và cho rằng như vậy mới nâng cao chất lượng dạy học, mới hạn chế được bạo lực học đường xảy ra…
Nhưng đa phần các ý kiến đều phản đối vì nghề giáo là nghề đặc thù, để có được những tiết dạy trên lớp theo quy định thì giáo viên phải có sự chuẩn bị rất nhiều đằng sau đó.
Chúng tôi thấy rằng dù là giải pháp nào (quản lý chất lượng tiết dạy hay giáo viên làm việc giờ hành chính) thì mục đích cuối cùng hướng tới vẫn là nâng cao chất lượng thực chất của học sinh.
Khi quản lý giáo viên bằng giờ hành chính
Khi trường học quản lý giáo viên bằng giờ hành chính (giáo viên sẽ có mặt trên trường suốt 8 tiếng đồng hồ dù các tiết dạy trên lớp đã hết) thì chắc chắn một điều những công việc như hồ sơ sổ sách (cụ thể như giáo án, sổ kế hoạch, sổ báo giảng, sổ điểm, học bạ) sẽ được làm kịp thời, đúng quy định.
Ngoài ra, những công việc như chấm bài học sinh, ghi phê rõ ràng trên mỗi bài làm, đồ dùng dạy học, đồ dùng học tập cho mỗi tiết học cũng được chuẩn bị đầy đủ.
Những công việc này, nhà trường có thể kiểm tra và thấy được nhưng chất lượng tiết dạy trên lớp, chất lượng học sinh của lớp như thế nào nhà trường sẽ khó quản lý.
Một giáo viên có hồ sơ sổ sách đẹp không đồng nghĩa là giáo viên ấy sẽ dạy tốt mỗi giờ dạy trên lớp và chất lượng học tập của học sinh sẽ hơn hẳn những giáo viên khác. Điều này thì nhà trường không thể quản lý và nắm chắc được.
Trong thực tế, đã xảy ra khá nhiều tình trạng giáo viên có những bộ hồ sơ sổ sách đẹp, hoàn hảo nhưng lên lớp dạy không nhiệt tình, không hết lòng vì học sinh dẫn đến chất lượng thật sự của lớp ấy, bộ môn ấy không tốt.
Khi nhà trường quản lý giáo viên bằng giờ hành chính thì cứ đúng giờ giáo viên vào lớp và hết tiết thầy cô về phòng hội đồng. Khi ra khỏi trường, giáo viên đã xong nhiệm vụ một ngày và mọi công việc ngoài giờ hành chính cứ để ngày mai đến trường giải quyết.
Trong khi, có biết bao công việc thầy cô phải làm như giải quyết thắc mắc cho phụ huynh, hỗ trợ bài vở khi học sinh, phụ huynh cần lúc ấy.
Dạy theo giờ hành chính, học sinh học ra sao, học thế nào? Giáo viên cũng chẳng cần phải có trách nhiệm để kèm thêm, phụ đạo thêm ngoài giờ mà không ai có thể bắt bẻ được.
Nên đánh giá giáo viên bằng chất lượng học sinh
Không bắt buộc giáo viên ngồi đúng 8 tiếng ở trường, các thầy cô giáo dạy đúng tiêu chuẩn của mình có quyền ra về, họ muốn soạn bài lúc nào? Làm hồ sơ sổ sách ra sao thì tùy. Nhà trường chỉ cần quan tâm đến chất lượng học sinh lớp ấy ở mức nào là đủ.
Khi cột trách nhiệm giáo viên bằng chất lượng đầu ra, mỗi giáo viên đương nhiên phải tự nỗ lực hết mình. Bởi, đây không chỉ vì uy tín mà vì công việc của bản thân, giáo viên nào cũng phải nỗ lực bản thân để giảng dạy thật tốt.
Trong thực tế, lớp có nhiều học sinh yếu giáo viên đã dành thời gian của mình để phụ đạo không công. Có thầy cô giáo còn chở học sinh về nhà để kèm cặp thêm vào các buổi tối mà không nhận thù lao.
Những học sinh khá giỏi cũng được giáo viên gom lại bồi dưỡng. Nhờ đó, tình trạng học sinh có lực học yếu kém được cải thiện, chất lượng học sinh khá, giỏi cũng được nâng lên rõ rệt.
Một vài ví dụ nêu trên để thấy được việc quản lý chất lượng học sinh ưu việt hơn hẳn việc quản lý giáo viên bằng giờ hành chính như đề xuất của tác giả Bùi Nam trong nhiều bài viết.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.