Loạt bài “Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường”, “Giáo viên bức xúc với so sánh viên chức làm 8 tiếng/ngày!”, “Đề xuất giáo viên làm 8 tiếng ở trường, không mang việc về nhà rất đáng xem xét” đăng tải trên Tạp chí Giáo dục điện tử Việt Nam đã thu hút rất nhiều bạn đọc, có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này là lẽ đương nhiên, vì nó quá mới, quá táo bạo.
Trong khi từ trước tới nay, giáo viên chỉ thực hiện định mức lao động được quy định bằng số tiết dạy phải thực hiện, thay vì ngày 8 giờ hành chính như viên chức, công chức ở các cơ quan sự nghiệp hành chính khác.
Giáo viên làm việc 8 tiếng ở trường có khả thi? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến) |
Giáo viên ngày lên trường 8 tiếng có thực thi được không?
Người viết đã thăm dò ý kiến của nhiều thầy cô, 100% giáo viên đang trực tiếp giảng dạy đều trả lời không thể thực hiện.
Lý do thứ nhất: Không có cơ sở vật chất để giáo viên ngồi làm việc (phòng làm việc, bàn làm việc, máy tính v.v…).
Thứ do thứ hai: Công việc của giáo viên không mang tính chất trải đều trong thời gian công tác, có thể hôm nay cấp tập nhưng ngày mai lại thảnh thơi.
Ví dụ, vào tuần có kiểm tra định kì thì giáo viên phải chấm bài, thời gian có thể gấp 10 lần tuần không có kiểm tra và ngược lại.
Nếu làm việc theo giờ hành chính, thì thời gian kết thúc học kì, năm học không thể sơ kết hay tổng kết được.
Thứ ba: Nói lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương, nhưng thực tế giáo viên vẫn chưa sống được bằng lương của mình, họ còn phải làm thêm nghề khác để nuôi nghề giáo.
Có thể với viên chức ở vị trí khác lương thấp hơn, ngày làm 8 tiếng, nhưng họ sống “khỏe” hơn nghề giáo vì họ có thu nhập “ngoài lương” lớn hơn lương họ nhận; còn nghề giáo không thể có khoản thu nhập “ngoài lương” đó.
Ngay những trường tư thục có chế độ trả lương cao cho giáo viên, người viết cũng không thấy đơn vị nào thực hiện quy định giáo viên mỗi ngày lên trường 8 tiếng.
Thứ tư: Nghề giáo là nghề đòi hỏi sự sáng tạo mới đạt được hiệu quả công việc tốt nhất. Muốn sáng tạo phải có sự tự do, phóng khoáng, nếu ngày lên trường 8 tiếng chỉ sinh ra … thợ dạy, “robot” dạy học.
Không thể tập trung nhạc sĩ, nhà thơ vào một chỗ quản lý theo giờ hành chính để viết được những bản nhạc hay, bài hát để đời; với giáo viên cũng vậy.
Thứ 5: Ngày lên trường 8 tiếng đi ngược lại xu thế xã hội. Hiện nay thế giới đang có xu thế “nhân viên không văn phòng”, người ta cho nhân viên có thể làm việc bất cứ đâu, miễn là công việc đạt yêu cầu. Chính cung cách quản lý như thế mới có ý tưởng sáng tạo.
Việc tập trung giáo viên lên trường sẽ tạo ra một thế hệ giáo viên đối phó, ù lì, làm cho qua chuyện, vì sản phẩm của họ không có gì có thể kiểm định ngay được trong thời gian ngắn cả số lượng và chất lượng sản phẩm.
Theo người viết, tập trung giáo viên lên trường quản lý 8 giờ/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh hiện nay là lợi bất cập hại, không muốn nói là “tối kiến”.
Tập trung giáo viên lên trường quản lý 8 giờ/ngày chẳng khác nào cách quản lý thời bao cấp, đánh kẻng ghi tên.
Việc tăng lương cho giáo viên hiện nay, có thể nói là không thể khi dịch bệnh đang hoành hành, thế nhưng cũng không phải không có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, xóa bỏ tiêu cực trong giáo dục, mà chúng ta có thể làm được.
Chất lượng giáo dục không phải là tỷ lệ % về học sinh khá giỏi, số giải học sinh giỏi các cấp mà chất lượng giáo dục phải đo bằng hạnh phúc của học sinh, phẩm chất và kĩ năng người học tiếp thu được, trưởng thành hơn chính mình hôm qua.
Đơn giản nhất, chúng ta bỏ hẳn việc đăng kí chỉ tiêu đầu năm, coi trọng bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho học trò, thay vì chăm chăm đánh giá bằng điểm số.
Bỏ hẳn các cuộc thi học sinh giỏi vô bổ hiện nay, thay vào đó là hệ thống thi học sinh giỏi tự nguyện, không giới hạn điều kiện, số lượng, từ trực tuyến giai đoạn đầu đến trực tiếp giai đoạn sau, như những nước có nền giáo dục tiên tiến đã và đang làm.
Đất nước ta đạt được đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử hôm nay, chính là nhờ sự dũng cảm của Đảng trong “khoán 10” của giai đoạn đầu đổi mới cơ chế quản lý. Chúng ta không thể quay lại cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong quản lý giáo dục như mấy chục năm về trước.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.