Ngày 24/2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản số 368/SGDDT-MNTH gửi các phòng giáo dục huyện, thị xã, thành phố về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ 01/3/2021 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1.
Ảnh minh họa, nguồn: Khánh Chi / Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Theo đó, học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 được học phòng học riêng, giáo viên dạy phụ đạo tập trung cho các em.
Công văn còn nêu rõ: Các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu.
Có lẽ, không nhiều địa phương hiện nay dám thẳng thắn nhìn vào sự thật còn nhiều học sinh lớp 1 chưa đạt về kỹ năng đọc, viết, tính toán và kết quả năm học 2018-2019 và 2019-2020, tỷ lệ học sinh lớp 1 xếp loại chưa hoàn thành ngày càng tăng để đưa ra biện pháp khắc phục công khai như thế.
Cũng không nhiều địa phương nhìn nhận đúng nguyên do học sinh mầm non 5 tuổi chưa được chuẩn bị tốt tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phần lớn các địa phương trong cả nước đều cho rằng lớp có học sinh yếu là do giáo viên, do nhà trường chưa dạy đúng phương pháp.
Trông người mà ngẫm đến ta
Trong cuộc họp tổng kết thi đua năm học 2019-2020 vừa diễn ra mới đây ở địa phương, những trường học có tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành học tập, hiệu trưởng đã bị mời đứng lên để giải trình giữa hội nghị: Vì sao còn nhiều học sinh chưa đạt?; Nêu giải pháp khắc phục trong thời gian tới…
Và trường nào giải trình xong cũng bị cấp trên nhắc nhở, nào là do giáo viên giảng dạy chưa nhiệt tình; do giáo viên chưa có biện pháp tích cực đối với học sinh; do Ban giám hiệu chưa sâu sát…vân vân và vân vân.
Bên cạnh đó, cấp trên nêu gương những đơn vị trường học không hoặc ít có học sinh chưa đạt để chia sẻ biện pháp giáo dục hay đã mang lại hiệu quả tốt.
Nghe thì nghe thế chứ ai chẳng hiểu chất lượng giáo dục của lớp, của trường trong các báo cáo và thực tế là hoàn toàn khác nhau. Trường đánh giá trung thực tỷ lệ học sinh yếu kém đương nhiên nhiều.
Trường vì thành tích tỷ lệ học sinh yếu sẽ không còn trong báo cáo nhưng trong thực tế lại không hề ít.
Cũng vì những trường có nhiều học sinh yếu bị cấp trên “truy” giữa cuộc họp và có hiệu trường đã về trường đổ hết lên đầu giáo viên nên nhiều thầy cô nói rằng muốn đánh giá học sinh đạt để lùa lên lớp thì dễ, nếu cứ bị áp lực thế này sẽ cho lên lớp hết, chẳng dại gì đánh giá chưa đạt để mang tội vào thân.
Nếu địa phương nào cũng có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ ngày một ít đi học sinh ngồi nhầm lớp.
Cần nhìn thẳng sự thật, dù giáo viên có nhiệt tình, tận tâm thế nào, dù giáo viên có nhiều biện pháp giúp đỡ học sinh hằng ngày ra sao, dù nhà trường có sâu sát chuyên môn đến mức nào thì trong một lớp không thể tránh khỏi có học sinh yếu kém.
Đặc biệt 2 năm gần đây do dịch Covid, học sinh phải nghỉ học thời gian dài nên nhiều em không thể theo kịp chương trình cũng là điều dễ hiểu.
Đó là chưa nói đến những trường học vùng khó khăn với những trường học vùng thuận lợi chất lượng giáo dục càng chênh lệch nhau.
Thay vì nhìn nhận rõ vấn đề để có biện pháp phụ đạo giúp đỡ học sinh yếu, kém như Bà Rịa - Vũng Tàu thì không ít địa phương cứ dồn áp lực lên nhà trường và giáo viên.
Cấp trên gây áp lực với hiệu trưởng thì đương nhiên hiệu trưởng sẽ tạo áp lực lên giáo viên.
Có trường, hiệu trưởng đưa chất lượng giáo dục học sinh vào khống chế xếp loại thi đua. Giáo viên cũng vì mình, vì cả gia đình phía sau cho dù không muốn cũng buộc phải “đánh giá học sinh theo ý sếp”. Thế là, học sinh ngày càng ít có cơ hội được ở lại lớp.
Khác với nhiều tỉnh thành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhìn thẳng sự thật và đưa biện pháp dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 tại trường.
Đây được coi là điểm sáng để ngành giáo dục nhiều địa phương học tập. Học sinh yếu kém do rất nhiều nguyên nhân như thể lực, trí lực bản thân các em không đáp ứng được, do gia đình ít quan tâm, do các em quá lười học…để cùng chung tay giúp các em cân bằng lại kiến thức.
Đừng vì thành tích để chỉ trích và đổ trách nhiệm vào đầu thầy cô vì bản thân họ cũng đã nỗ lực hết mình nhưng đôi khi cũng đành bất lực. Khi thầy cô không còn cách nào có thể giúp những học sinh yếu tiến bộ hơn thì chính họ sẽ khiến học sinh trở thành nạn nhân và lãnh hậu quả buồn nhất.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-hoc-sinh-lop-1-chua-dat-ba-ria-vung-tau-yeu-cau-cac-truong-day-phu-dao-post215887.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.