Chuyện tình của “cặp đôi diệt Covid” tại tâm dịch Chí Linh

09/03/2021 06:20
Đình Hùng
GDVN- Anh Thắng xúc động chia sẻ: “Nga có mặc quần áo bảo hộ kín mít thì tôi vẫn nhận ra. Nhiều lúc phải quay vào trong thật nhanh để không chạy lại ôm người yêu".

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Nga tranh thủ giờ giải lao nói chuyện qua điện thoại với bạn trai. Trên khuôn mặt hai anh chị vẫn còn hằn đỏ do phải đeo khẩu trang cả ngày. Đã hơn một tháng, hai người không được gặp nhau.

Anh Đỗ Văn Thắng (sinh năm 1992) là bác sĩ của khoa Hồi sức Cấp cứu, còn chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1995) là điều dưỡng viên của Khoa Khám bệnh. Cả hai đều làm việc tại Trung tâm Y tế Chí Linh (Hải Dương) ngay từ những ngày đầu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Quen nhau từ đợt dịch thứ 2 (tháng 8 năm 2020), sau một thời gian nói chuyện tìm hiểu, đến nay, cặp đôi này đã yêu nhau được gần 5 tháng. Nếu không có đợt dịch thứ 3, Tết Nguyên đán năm 2021 vừa rồi, hai anh chị sẽ dẫn nhau về ra mắt gia đình đôi bên.

Hôm 28/1, thành phố Chí Linh (Hải Dương) quyết định thành lập bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế Chí Linh để tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

15h chiều ngày 27/1, bác sĩ Thắng đang đưa điều dưỡng Nga đi chơi thì nhận được cuộc điện thoại của Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Chí Linh, nói rằng Chí Linh đã có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã sang Nhật trước đó.

Ngay sau đó, cả hai nhanh chóng trở về nhà lấy đồ đạc để chuẩn bị cho một cuộc chiến cam go, đòi hỏi sự dũng cảm và kiên trì đang chờ phía trước.

“Lúc đó, gia đình rất lo lắng cho tôi. Tôi trấn an họ rằng: con chọn nghề này là để tiến lên vào những lúc thế này”, điều dưỡng Nga chia sẻ.

Điều dưỡng Nga cùng đội đi lấy mẫu cho người dân trong cộng đồng. Họ làm việc không kể ngày đêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Điều dưỡng Nga cùng đội đi lấy mẫu cho người dân trong cộng đồng. Họ làm việc không kể ngày đêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiệm vụ khó khăn hơn những gì mà điều dưỡng Nga hình dung. Mỗi ngày, chị phải mặc bộ quần áo bảo hộ nặng nề, nóng bức đi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong cộng đồng.

Việc phải đeo khẩu trang và kính bảo hộ kéo dài khiến khuôn mặt của điều dưỡng Nga hằn đỏ. Sau một đêm, những vết hằn trên sống mũi, dưới mắt vẫn không giảm và chị lại tiếp tục công việc vào hôm sau.

“Mỗi ngày, đội lấy mẫu của chúng tôi phải xuống cộng đồng để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Có những hôm chúng tôi phải lấy hơn 1000 mẫu bệnh phẩm. Thế nên, việc phải làm việc từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya là điều thường xuyên trong những ngày này.

Khi đã mặc quần áo bảo hộ vào rồi thì chúng tôi phải hạn chế uống nước. Có những hôm trời nóng, vì mặc đồ bảo hộ lâu quá, mồ hôi chảy ra thấm ngược trở lại khiến nhiều đồng nghiệp của tôi bị cảm”.

Đối với bác sĩ Thắng, những ngày này anh được học nhiều kiến thức, kĩ năng mới trong việc chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối với bác sĩ Thắng, những ngày này anh được học nhiều kiến thức, kĩ năng mới trong việc chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với bác sĩ Thắng, những ngày vừa qua đã giúp anh học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng mới:

“Chúng tôi đã cùng nhau trải qua đợt dịch thứ 2 (Tháng 8/2020) rồi nhưng lần ấy Chí Linh (Hải Dương) không phải là tâm dịch.

Bước vào đợt dịch thứ 3 này, tình hình đã thay đổi, Chí Linh (Hải Dương) xuất hiện chủng Covid-19 mới và trở thành tâm dịch của cả nước. Mặc dù đã có kinh nghiệm từ những lần trước nhưng chúng tôi vẫn không tránh khỏi tâm lý lo lắng.

Bên cạnh đó, tôi là bác sĩ của Khoa Hồi sức Cấp cứu cho nên với những bệnh truyền nhiễm tôi chưa có nhiều kinh nghiệm.

Mọi thứ diễn ra trong một khoảng thời gian quá gấp gáp. Chúng tôi phải làm việc với một cường độ gần như quá tải so với ngày thường. Số lượng bệnh nhân đông mà lại là bệnh nhân Covid-19 nên khoảng thời gian đầu cũng khá căng thẳng.

Khó khăn là vậy nhưng nhờ sự hướng dẫn, tổ chức tập huấn của các chuyên gia Bộ Y tế, chúng tôi đã nhanh chóng ổn định tâm lý và xác định được những việc gì phải làm đầu tiên”.

Đã hơn 1 tháng, tuy làm việc chung trong một bệnh viện nhưng cặp đôi trẻ chưa một lần được gặp nhau trực tiếp.

Những ngày qua, ngoài những lúc nhận niềm vui về các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh thì cuộc sống của bác sĩ Thắng và điều dưỡng Nga vẫn hoà nhịp với cuộc chiến đấu chung với Covid-19 của hàng nghìn đồng nghiệp tại tâm dịch Hải Dương.

Tôi hỏi chị Nga: “Thế nhớ nhau phải làm thế nào?”. Chị Nga ngượng ngùng đáp: “Anh đã có người yêu chưa? Đấy! Nhớ nhau da diết nhưng phải “nhịn nhớ” để đảm bảo an toàn trước Covid-19 thì khó tả lắm”.

Tất cả niềm thương nhớ đều được gửi gắm qua zalo, facetime. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tất cả niềm thương nhớ đều được gửi gắm qua zalo, facetime. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Thắng xúc động: “Nga có mặc quần áo bảo hộ kín mít thì tôi vẫn nhận ra. Nhiều lúc phải quay vào trong thật nhanh để không chạy lại ôm người yêu. Tất cả niềm thương chúng tôi đành phải gửi gắm cho nhau thông qua zalo, facetime”.

Sau hơn 1 tháng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hải Dương đã chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện dã chiến số 1 Hải Dương được đặt tại Trung tâm Y tế Chí Linh đã chính thức được giải thể theo quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, cặp đôi trẻ vẫn quyết định gác lại chuyện tình cảm cá nhân để tập trung cho cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.

Bác sĩ Thắng tiếp tục xung phong sang làm việc tại bệnh viện dã chiến số 3 (đặt tại Đại học Sao Đỏ cơ sở 2), điều dưỡng Nga tiếp tục tham gia vào công tác phòng, chống Covid-19 tại Trung tâm Y tế Chí Linh.

“Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại quê hương Hải Dương yêu dấu. Khi quê hương còn đang gồng mình chống dịch thì chúng tôi còn gác lại hạnh phúc cá nhân để chiến đấu, bảo về quê hương”, cả hai nhấn mạnh.

Những ngày qua, ở quê hương Hải Dương anh hùng này, nhiều đôi trai gái, nhiều cặp vợ chồng phải tạm chia xa để tham gia vào "cuộc chiến không thuốc súng". Trong giờ phút nguy nan, các cá nhân đều đặt hạnh phúc của mình sau việc cứu người, chống dịch, nhưng cũng vì thế tình yêu của họ thêm đẹp.

Đình Hùng