Bộ Giáo dục thêm lựa chọn tiếng Hàn cho học sinh là đúng, sao phải lo lắng!

12/03/2021 06:50
Đình Hùng
GDVN- Sử dụng được thêm một ngoại ngữ cũng như trang bị thêm một phương tiện đi lại cho cuộc sống hằng ngày, có thêm công cụ chỉ tốt thêm, chứ không có gì xấu đi cả.

Câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thí điểm dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 cho học sinh từ lớp 3 đã thu hút nhiều sự chú ý quan tâm của dư luận

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt-Hàn Katana, Trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo về vấn đề này.

Thạc sĩ Lê Huy Khoa cho rằng, việc đưa thêm tiếng Hàn thành “ngoại ngữ 1” là hợp lý nếu nhìn ở phương diện tính cần thiết. Việc học một ngoại ngữ cũng như trang bị một công cụ để làm việc.

Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt - Hàn Katana, trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt - Hàn Katana, trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Đại đa số người Việt học tiếng Hàn đều có một trong các mục đích như sau: đi làm ở công ty Hàn Quốc, du học Hàn Quốc, làm ăn với Hàn Quốc, định cư, lao động tại Hàn Quốc,…

Hàn Quốc là đối tác chiến lược của Việt Nam. Hàn Quốc đang là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, với khoảng 9000 doanh nghiệp đang đầu tư, 200 ngàn người dân Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Hàn Quốc là đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam. Hàn Quốc là nền kinh tế thứ 11 trên thế giới, có rất nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ cũng có nhiều điểm tương đồng vì có nhiều âm Hán Việt, việc học tiếng Hàn cũng có nhiều thuận lợi.

Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có thí điểm hay không thì sự thật là nhu cầu học tiếng Hàn vẫn tồn tại từ lâu.

Chúng ta có 28 trường đại học đang đào tạo khoảng gần 1600 ngàn sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn, chưa kể hàng trăm trung tâm tiếng Hàn đang đào tạo hàng chục ngàn người học tiếng Hàn, hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam mỗi năm sang Hàn Quốc du học. Số khách du lịch Hàn Quốc sang Việt Nam ngày càng đông… Chỉ nói thế để biết rằng nhu cầu học tiếng Hàn của người dân Việt Nam là có thật”, Thạc sĩ Lê Huy Khoa nhấn mạnh.

Trước băn khoăn về việc nếu lựa chọn ngôn ngữ nào làm “ngoại ngữ 1” thì nên căn cứ vào tỉ lệ dân số thế giới sử dụng ngôn ngữ đó, Thạc sĩ Lê Huy Khoa cho rằng điều này đúng nhưng không đủ:

“Nếu cho rằng chỉ học ngôn ngữ nào có số người sử dụng đông chúng ta mới học thì chỉ đúng một phần hoặc điều này đúng nhưng không đủ. Học ngoại ngữ có hai định hướng, cho tương lai và cho nhu cầu thực tế hiện tại. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, nói gì thì cũng sẽ phải học. Còn nếu chúng ta xác định học một ngôn ngữ là để phục vụ cho công việc, công việc cần công cụ nào thì chúng ta trang bị công cụ ấy thì tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc đáp ứng được tiêu chí này”.

Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Sang năm chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn. Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009. Với tất cả những điều đó, việc học tiếng Hàn sẽ giúp cho người học trang bị được công cụ để giải quyết vấn đề việc làm, để nghiên cứu,học tập…

Có ý kiến cho rằng, trước đây thí điểm tiếng Nga cũng thất bại rồi, giờ lại tiếng Hàn nữa, liệu có đi vào vết xe đổ như tiếng Nga không? Về điều này, Thạc sĩ Lê Huy Khoa khẳng định chọn tiếng Hàn vào “ngoại ngữ 1” là đúng, tuy nhiên còn phải xem cách làm như thế nào thì mới thành công được:

“Tại sao thất bại? Có rất nhiều nguyên nhân: mục tiêu quá đồ sộ, quá xa vời, thiếu thực tế, khâu chuẩn bị và đào tạo giáo viên thiếu, không chuẩn bị đầy đủ giáo trình, giáo án, nhu cầu không có,…

Để tránh thất bại chúng ta cần phải điều tra kỹ, tham vấn nhiều nguồn để xác định những nội dung trên và phải chuẩn bị. Tôi đã đọc đề án của Bộ. Tôi cho rằng còn nhiều việc để làm: lấy nguồn giáo viên đâu ra, tiêu chí giảng dạy là gì? Giáo trình đã phát triển xong chưa, đã thí điểm dạy giáo trình đó hay chưa? Phương thức giảng dạy nào ? Thực hiện theo mô hình xã hội hóa như tiếng Anh hay không?

Khi nhu cầu là có thật thì vấn đề bây giờ của tiếng Hàn không phải là chỉ định hay không chỉ định, mà là xây dựng kế hoạch làm thế nào để thực hiện cho tốt thì tôi vẫn chưa thấy kế hoạch này. Một điều nữa là cần phải điều tiết cung và cầu cho hợp lý, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, thậm chí tránh tình trạng người Việt học tiếng Hàn quá nhiều, gây lãng phí thời gian và công sức, học theo tâm lý đám đông, thiếu định hướng.

Bộ bây giờ mới thí điểm tiếng Hàn làm “ngoại ngữ 1” học ở phổ thông, còn tôi thì lại đang lo là 16000 sinh viên chuyên ngành tiếng Hàn học ở các trường đại học hiện nay thì chất lượng đã đáp ứng yêu cầu chưa”.

Để giúp cho việc học tiếng Hàn thu được kết quả tốt cũng như góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai, Thạc sĩ Lê Huy Khoa đưa ra một số lời khuyên cho phụ huynh và học sinh:

“Thứ nhất, xin khẳng định rằng đây chỉ là mở rộng sự lựa chọn phạm vi, không phải là bắt buộc, vì thế phụ huynh cũng không cần phải lo lắng.

Thứ hai, tôi cho rằng hãy nhìn thoáng ra một chút, sử dụng được thêm một ngoại ngữ cũng như trang bị thêm một phương tiện đi lại cho cuộc sống hằng ngày, có thêm công cụ chỉ tốt thêm, chứ không có gì xấu đi cả. Tôi vẫn cho rằng học thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời, 60% học sinh học tiếng Hàn ở trung tâm của tôi đều đã biết tiếng Anh, hoặc đã biết ngôn ngữ khác.

Thứ ba, các bậc cha mẹ cần tham vấn chính xác cho các cháu học ngoại ngữ: sau khi có thêm tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1”, các học sinh có thể sẽ chọn tiếng Hàn để học theo cảm hứng, ngẫu hứng, chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần định hướng cho các con là nên học ngoại ngữ gì, ví dụ không thể học ngoại ngữ chỉ vì thích "oppa" hay phim Hàn Quốc.

Thứ tư, nếu Việt Nam muốn toàn cầu hóa thì có lẽ chúng ta phải giỏi hai ngôn ngữ, tiếng Anh là cơ bản, và có thể là một ngôn ngữ châu Á khác, các nước khác trong châu Á cũng đang làm điều này, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Thứ năm, không nên cho rằng học tiếng Hàn thì không học tiếng Anh và ngược lại, sẽ đến lúc chúng ta cần sử dụng 2-3 ngôn ngữ, các ngôn ngữ này không loại trừ nhau, mỗi ngôn ngữ sẽ mang lại cho chúng ta các cơ hội khác nhau”.

Đình Hùng