Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không có chuyện tiếng Hàn, tiếng Đức là môn học bắt buộc mà đây là 2 trong 7 “ngoại ngữ 1” để lựa chọn giảng dạy trong trường phổ thông. Các trường sẽ bắt buộc chọn 1 trong 7 “ngoại ngữ 1” đó.
Đối với “ngoại ngữ 2” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân - Phó chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam - Giám đốc đối ngoại Naver Việt Nam về việc tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào thí điểm
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân - Phó chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Theo cô, việc lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là một trong những “ngoại ngữ 1” có hợp lý không?
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Tôi nghĩ là hợp lý, vì thêm lựa chọn cho học sinh, hỗ trợ tối đa cho các gia đình có nguyện vọng, định hướng cho con cái theo học những ngành nghề liên quan, hay muốn du học ở Hàn Quốc, Đức.
Đứng ở góc độ phụ huynh, tôi thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 712 là một quyết định chứng tỏ sự quan tâm sâu sát của Bộ trước nhu cầu thực tế, được khảo sát sau thời gian triển khai thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương.
Có quan điểm cho rằng, nếu lựa chọn tiếng nước ngoài nào là “ngoại ngữ số 1” giảng dạy trong trường phổ thông thì nên căn cứ vào tỉ lệ dân số thế giới sử dụng ngoại ngữ đó. Quan điểm của cô như thế nào?
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Với Hàn Quốc, chúng ta trở thành đối tác chiến lược từ năm 2009, với Đức từ 2011. Đến nay, Việt Nam có 17 nước là đối tác chiến lược và kết quả hợp tác với 17 quốc gia này trên nhiều lĩnh vực, đều cho thấy những lợi ích, cơ hội cụ thể để tạo đà đưa đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế...
Theo tôi, tập trung phổ cập ngoại ngữ mà đông dân số thế giới sử dụng nhất cũng tốt. Tuy nhiên, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng, phục vụ mục đích giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị nên việc bổ sung thêm tiếng Hàn và tiếng Đức trong chương trình giáo dục phổ thông là rất hợp lý.
Thêm nữa, ta phải nhìn thực tế, cân nhắc những cơ hội cụ thể, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của chính công dân nước mình. Ví dụ nhỏ, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đương nhiên cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức của Hàn sẽ rất lớn.
Không phủ nhận nếu ai cũng học và giỏi tiếng Anh là điều quá mỹ mãn nhưng rõ ràng, nếu cần 1 lực lượng lao động đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Hàn Quốc, mà ở đó, phần lớn họ sử dụng tiếng Hàn thì giỏi tiếng Anh chắc chắn không thuận lợi như nói thành thạo tiếng Hàn.
Tính đến thời điểm trước tháng 3/2020, có khoảng hơn 210 nghìn công dân Hàn Quốc sống và làm việc tại Việt Nam. Gần bằng con số này, khoảng 190 ngàn người Việt Nam sống và học tập, làm việc tại Hàn Quốc.
Với lực lượng đông như vậy ở hai đầu, dễ dàng nhận thấy nhu cầu học để biết, để giỏi, để có thể thành công nhờ vững ngôn ngữ tiếng Hàn là rất cụ thể.
Có quan điểm cho rằng: “Bộ đưa 7 “ngoại ngữ 1” để các cháu lựa chọn là điều quá tốt. Tuy nhiên, chắc chắn 1 điều là các cháu không có quyền lựa chọn vì ở trường chỉ dạy duy nhất một ngoại ngữ”. Cô nghĩ sao về quan điểm này?
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Tôi nghĩ, sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở 1 số địa phương cho thấy đạt hiệu quả, chính các trường cũng xác định được nhu cầu học 2 ngôn ngữ này là có và ngày một gia tăng.
Xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh mong muốn có thêm tiếng Hàn, tiếng Đức, bên cạnh 5 “ngoại ngữ 1” đã có, chắc chắn các trường sẽ tự biết cân đối, quyết định chọn dạy tiếng nước nào thì phù hợp và mang lại hiệu quả cần thiết nhất cho các con.
Việc phụ huynh lo lắng học sinh “không có quyền lực chọn vì trường chỉ dạy duy nhất một ngoại ngữ”, tôi nghĩ sẽ khó xảy ra vì những học sinh quyết định chọn học ngoại ngữ nào, thì đó là “chân ái” của các con rồi. Các bạn sẽ tập trung học, thoải mái đầu tư thời gian cho ngoại ngữ mình cần chứ không phải vất vả học để “trả bài” cho “ngoại ngữ 1” còn thứ tiếng mình cần, dù vẫn phải “bò” ra học nhưng lại chỉ là kiểu phải nỗ lực gấp đôi để học thêm 1 ngôn ngữ nữa.
Ngoài ra, việc có tới 7 thứ tiếng để nhà trường và học sinh lựa chọn, thì theo tôi, sẽ khó có chuyện mỗi trường chỉ dạy duy nhất 1 ngoại ngữ. Chắc sẽ vẫn phân ra, lớp Anh, lớp Nhật, lớp Hàn, lớp Đức,... để giúp học sinh thoải mái chọn theo năng lực, nhu cầu. Điều này quá tốt, với thế hệ tôi thì đây là điều kiện mơ mà không có đấy!
Có quan điểm cho rằng: “Cứ học tiếng Anh cho hiệu quả vào, người Hàn còn phải học tiếng Anh để giao tiếp cơ mà”. Cô nghĩ sao về quan điểm này?
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Tôi không đồng tình với quan điểm này, nếu xét trên góc độ là người tuyển dụng nhân sự. Mặc dù bây giờ thanh niên Hàn Quốc nói tiếng Anh khá tốt, nhưng không phải tất cả những người nói tiếng Anh giỏi đều có cơ hội tìm việc làm chỉ nhờ biết tiếng Anh.
Giỏi tiếng Anh là một lợi thế, nhưng ví dụ một doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng nhân sự sang Việt Nam làm việc, đương nhiên ứng viên giỏi tiếng Việt, không biết tiếng Anh cơ hội vẫn nhiều hơn ứng viên giỏi tiếng Anh nhưng không thể nói tiếng Việt, nếu các tiêu chuẩn khác như trình độ chuyên môn, bề dày kinh nghiệm... tương đương nhau.
Không phải ngẫu nhiên từ nhiều năm nay, tiếng Việt đã trở thành ngoại ngữ 2, được rất nhiều học sinh ở Hàn Quốc lựa chọn.
Học tiếng Việt, trở thành nhu cầu rõ rệt cũng như nếu biết tiếng Việt, thì cơ hội có việc làm ổn định, thu nhập tốt được rất nhiều học sinh, sinh viên Hàn Quốc thông suốt nên nhiều gia đình còn lựa chọn sang Việt Nam định cư, để con có môi trường học thêm tiếng Việt cho thật tốt, sau đó quay về Hàn Quốc học Đại học, hoặc có thể ở lại du học luôn tại Việt Nam với niềm tin Việt Nam và tiếng Việt Nam mang lại cho con cái họ nhiều cơ hội hơn.
Còn ở Việt Nam, thử bàn đến cơ hội trong tương lai của các học sinh ở những tỉnh như Bình Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh,... là khu vực đang thu hút đầu tư mạnh của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Sẽ không quá khó, để nhiều phụ huynh nhận thấy, con em họ nếu học tiếng Hàn từ nhỏ, đọc thông viết thạo tiếng Hàn, chắc chắn tìm việc làm tại các thành phố công nghiệp này là không hề khó.
Giỏi tiếng Anh, đương nhiên có nhiều lựa chọn hơn so với việc chỉ giỏi duy nhất tiếng Hàn. Nhưng sẽ không hoàn toàn đúng, khi khẳng định đến người Hàn còn phải "cày" tiếng Anh thì mình cũng "cày" tiếng Anh thôi là đủ.
Có ý kiến cho rằng, trước đây thí điểm tiếng Nga cũng thất bại rồi, giờ lại tiếng Hàn nữa, liệu có đi vào vết xe đổ như tiếng Nga không. Cô nghĩ sao về quan điểm này?
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Không ai nói trước được việc “sau này”, nếu ngay bây giờ ba bề bốn phía chỉ thấy toàn thuận lợi. Thực tế đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam thế nào, bản thân đất nước Hàn Quốc vẫn đang phát triển ra sao, đa số phụ huynh quan tâm đến việc học của con sẽ đều dễ dàng nhận biết.
Suốt nhiều năm nay, điểm chuẩn để đỗ vào ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Hàn Quốc học... luôn ở top đầu tại hệ thống 25 cơ sở đào tạo chuyên ngành này trên cả nước.
Sinh viên năm thứ 1 đã có nhiều cơ hội thực tập, đi làm thêm. Mới học năm 3, đã có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc trải sẵn thảm đỏ để mời tham gia tuyển dụng.
Học tiếng Hàn ra, rất ít sinh viên thất nghiệp. Hơn thế, so với mặt bằng chung của sinh viên mới ra trường, chắc chắn lương khởi điểm của sinh viên ngành Hàn cao hơn hẳn sinh viên học chuyên ngành ngoại ngữ khác.
Với những tín hiệu tốt đẹp, bền vững từ quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực, cùng sự quan tâm kịp thời, hiệu quả của các cơ quan hữu quan, chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế và nhu cầu thực tế, việc “thí điểm” này có lẽ là sự chuẩn bị an toàn, từng bước hỗ trợ cung đáp ứng cầu chứ không phải một cuộc thử nghiệm thiếu căn cứ.
Hy vọng vô vàn thành tựu trải dài suốt 29 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, sẽ giúp phụ huynh dần tin tưởng vào những cơ hội mới, mở thêm cho các con nếu tự nhiên lại giỏi tiếng Hàn.
Trong việc lựa chọn tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1”, cô có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh và các em học sinh không?
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Đứng ở vị trí người đi trước, tôi thấy học sinh bây giờ có quá nhiều điều kiện thuận lợi để học tốt môn tiếng Hàn.
Ngoài những ưu điểm về khả năng cạnh tranh, tìm việc làm ít hơn ngoại ngữ khác không chỉ ở Việt Nam hay Hàn Quốc mà hơn thế, biết thêm tiếng Hàn, thế hệ trẻ còn thêm nhiều cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, vươn ra thế giới khi nhiều quốc gia cũng phát triển hợp tác cùng Hàn Quốc trong đa lĩnh vực.
Hiện giáo trình dành cho các em được xây dựng bởi đội ngũ giảng viên đại học tinh tú nhất làng Hàn Quốc học, dựa trên những nghiên cứu, đóng góp tích cực từ phía Hàn Quốc. Trực tiếp giảng dạy các em, đa số là giảng viên tâm huyết.
Nhiều người sẵn sàng từ chối cơ hội lương cao hơn, công việc nhàn hơn, để trụ lại với nghề giáo, lựa chọn làm cầu nối, là người truyền lửa giúp học sinh, sinh viên đến với tiếng Hàn.
Chắc chắn khởi đầu sẽ vẫn còn một vài hạn chế, cần thêm thời gian để cả giáo viên, học sinh và phụ huynh làm quen với việc tiếng Hàn Quốc vốn là 1 ngành "hot" nhưng quy mô khiêm tốn, tuổi đời của ngành còn non trẻ, tự nhiên được mở rộng, thu hút sự quan tâm, kỳ vọng, thậm chí cả đánh giá khắt khe, thiếu tin tưởng của mọi người.
Lựa chọn nào cũng sẽ tốt, nếu người chọn lựa có mục đích, quyết tâm hoặc đơn giản nhất, là yêu thích.
Trân trọng cám ơn Tiến sĩ!