Bỏ thâm niên nhà giáo không ai vui, nhưng cần thiết để trả lương theo công việc

16/03/2021 06:45
Tùng Dương
GDVN- Theo tôi việc được trả lương theo năng lực, theo tính chất công việc đang làm cũng là một động lực tốt thúc đẩy các giáo viên ở mọi lứa tuổi cống hiến hết mình.

“Đứng về quan điểm cá nhân thì tôi hay bất cứ thầy cô nào có tuổi cũng vậy, đã có khá nhiều năm công tác trong nghề thì đương nhiên chúng tôi cũng cảm thấy không vui lắm. Thực sự là phải nói như vậy vì đang hưởng mức phụ cấp thâm niên như vậy mà bây giờ không còn nữa thì không ai vui cả.

Nhưng chúng ta cũng nên nghĩ rộng ra một chút. Theo tôi việc được trả lương theo năng lực, theo tính chất công việc đang làm đó cũng là một động lực tốt thúc đẩy các giáo viên ở mọi lứa tuổi cống hiến”, nhà giáo Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam trong tà áo dài duyên dáng. Ảnh minh họa: H.A.

Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam trong tà áo dài duyên dáng. Ảnh minh họa: H.A.

Theo cô Dương: “Người xưa vẫn nói rằng thầy giáo già con hát trẻ, điều này có nghĩa để trở thành một giáo viên nhiều kinh nghiệm thì đương nhiên cần một bề dầy tích lũy sau nhiều năm giảng dạy. Việc này quả thật tôi cũng có trải nghiệm với mấy chục năm trong nghề.

Tuổi trẻ có sự năng động, sáng tạo tâm huyết của tuổi trẻ nhưng để có kinh nghiệm thì chúng ta không thể có ngay trong 1 – 2 năm công tác được. Nhưng mặt khác cũng cần phải khuyến khích động viên bởi nếu thầy cô với công việc tạm gọi là như nhau, hưởng cùng mức lương thì tôi chắc không có ai thích làm thêm việc.

Nhiều thầy cô làm thêm công việc kiêm nhiệm, tổ trưởng chuyên môn…rõ ràng họ vất vả hơn về công việc đồng thời chịu trách nhiệm chính trước ban giám hiệu nhà trường về công tác chuyên môn của tổ mình.

Ngoài ra những thầy cô làm về công việc đoàn thể, ví dụ Bí thư Đoàn trường, Bí thư chi Đoàn giáo viên và những hoạt động phong trào đó có đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của một nhà trường. Công việc mọi người thường nói là “không tên” nhưng việc ghi nhận cho các thầy cô đó hầu hết là ở mặt tinh thần, có giấy khen, bằng khen còn về vật chất mới chỉ gọi là có.

Nhưng thầy cô phụ trách công đoàn lo cho cuộc sống của anh chị em giáo viên và đây là việc vô cùng cần thiết, chúng ta là một tập thể, một môi trường sư phạm thì ngoài chuyên môn ra cũng cần phải có những hoạt động khác nữa.

Vậy rõ ràng tôi thấy nếu như có một cơ chế để trả lương các thầy cô theo năng lực chuyên môn, cũng như là nhiệm vụ công việc kiêm nghiệm thì đó là điều rất đáng mừng. Chúng ta sẽ có nhiều người với chuyên môn tốt sẵn sàng cống hiến, chứ nếu cứ cào bằng thì tôi e rằng mọi người thiên về làm đúng nhiệm vụ của mình mà thôi.

Ở đây tôi không nói đến lứa tuổi và tôi không có ý định phân biệt về tuổi, cũng có rất nhiều thầy cô ở lứa tuổi đáng kính nhưng phụ trách việc Công đoàn vô cùng tốt, đôi khi thế hệ trẻ chưa theo được. Ở đây chúng ta khuyến khích về công việc, về chuyên môn, về năng lực hoạt động…

Đôi khi cũng có những bạn trẻ ở đâu đó và cũng là số ít có tư tưởng khi được vào biên chế, chắc chân rồi là yên tâm và cứ đúng việc thì làm, hết giờ thì về. Vậy để nhà trường ép những giáo viên này phải tham gia thêm nhiều hoạt động thì rất là khó.

Vậy nên quan điểm cá nhân tôi ủng hộ phương án bỏ phụ cấp thâm niên và nói đúng hơn là trả lương theo công việc. Tuy nhiên tôi nghĩ các cấp quản lý sẽ có những nghiên cứu để làm sao hợp lý, điều hòa giúp cho quy định chặt chẽ hơn”.

Nhiều ý kiến của giáo viên cho rằng thời gian dạy số tiết trong tuần như nhau, có không ít giáo viên già lâu năm nhưng đóng góp của họ vào công việc không hiệu quả. Nhưng những giáo viên trẻ, có năng lực muốn công hiến thì lại rất ủng hộ chính sách này.

Cô Dương cho biết: “Nếu như chúng ta có thể kết hợp cả 2 ở mức nào đó, có nghĩa cũng có khuyến khích độ thâm niên, mức độ đóng góp của các thầy cô nhưng ở mức được hưởng thế nào thì chúng ta phải tính kỹ, chứ không phải càng lâu năm lại phải cộng phụ cấp rất nhiều trong khi giáo viên trẻ cứ ngồi chờ.

Ngược lại khi chúng ta tính cơ chế cho các giáo viên kiêm nghiệm, trả lương theo nhiệm vụ, theo năng lực và tính chất công việc…thì mức đãi ngộ đó cũng không hề kém so với mức phụ cấp của giáo viên lâu năm. Vấn đề ở đây là công bằng, theo công việc thì chính xác hơn, còn theo thâm niên thì cũng nên có chút gì đó để khuyến khích, ghi nhận”.

Giờ Chào cờ đầu tuần tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Tùng Dương

Giờ Chào cờ đầu tuần tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Tùng Dương

Có nên bỏ biên chế hay không?

Cô Dương nêu quan điểm: “Bất cứ một phương án nào bao giờ cũng có mặt khó khăn và thuận lợi, tuy nhiên cũng cần phải đưa ra để cân nhắc phương án nào có nhiều thuận lợi hơn khi thực hiện.

Biên chế thì cũng có cái ràng buộc đối với các thầy cô, họ cần phải được đánh giá theo năm, họ sẽ có quyền lợi phát triển về sự nghiệp và những người có năng lực thật sự sẽ được cất nhắc bổ nhiệm lên vị trí cao hơn, có thể làm quản lý nhà trường. Đó cũng là điều các thầy cô đang phấn đấu và cũng là động lực để gắn chặt họ vào công việc.

Còn nếu như bỏ hoàn toàn biên chế thì cũng có khả năng dẫn đến việc các thầy cô đi dạy chỉ vì lương. Như vậy sự cạnh tranh giữa các trường sẽ mạnh hơn và trường nào lương cao, đãi ngộ tốt thì sẽ thu hút được nhiều giáo viên giỏi. Việc giữ chân người tài sẽ rất áp lực và có thể sang một hình thức như các trường tư thục, hơi khó có sự ổn định lâu dài của giáo viên. Đây là một bài toán rất khó.

Vẫn rất cần có một cơ chế để giữ chân được giáo viên nói chung và đặc biệt là giáo viên giỏi. Có thể không biên chế cả đời nhưng cần phải có những đợt đánh giá lại giáo viên sau 3 đến 5 năm công tác, nó sẽ như một cái mốc để giáo viên nhìn nhận lại bản thân, tự phấn đấu không ngừng.

Chúng ta không nên dựa vào cảm tính riêng của người lãnh đạo, cũng không dựa vào đánh giá của các đồng nghiệp trong trường mà phải là đánh giá của học sinh, của phụ huynh các em. Nếu như một giáo viên được trên 80% các lớp đều khen và thích người đó dạy thì đương nhiên kết quả đó có độ chính xác cao.

Còn với giáo viên khi vào dạy mà lớp nào cũng trăn trở, lớp nào cũng “chưa quen” với cách dạy đó, phong cách dạy có thể nói chưa quen thì chỉ 1 năm là quá đủ, chứ còn 5 năm mà vẫn chưa quen thì chắc chắn giáo viên đó có vấn đề về chuyên môn. Vậy nên rất cần có cơ chế đánh giá để giáo viên nhìn nhận lại bản thân.

Cũng rất cần những chế tài, ví dụ sau 5 năm mà mức độ đánh giá của học sinh vẫn không đạt, không được tín nhiệm cao thì phải có điều chuyển sang bộ phận khác”.

Cô Dương chia sẻ thêm: “Phản ứng của con người thường rất tự nhiên, bởi vì lâu rồi chúng ta theo một cái “nếp” như vậy và tự nhiên đùng một cái nói bỏ đi thì cũng rất khó. Vậy theo tôi vẫn cần có một chút gì đó ghi nhận công lao, đánh giá của các thầy cô trong ngần đó năm công tác chứ không nên bỏ hẳn, mức độ nào thì các nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ.

Còn chúng ta vẫn rất cần khuyến khích động viên không cứ phải là thế hệ trẻ, có thể là trung tuổi nhưng họ có đóng góp nhiều, quan trọng là việc đóng góp của họ. Rất cần sự đánh giá theo năng lực công việc, theo đóng góp và các nhiệm vụ họ thực hiện, không phân biệt lứa tuổi”.

Tùng Dương