Bao giờ trò được đánh giá thầy, nhà giáo sống được bằng lương?

06/02/2021 06:20
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức lương để giáo viên hoàn toàn yên tâm công tác thì điều này thuộc về mô hình các trường bán công, trường tư thục, nơi họ được tự chủ về tài chính, tuyển dụng.

“Các thầy cô ở trường ngoài dạy đủ số tiết theo quy định thì còn tham gia một số công tác như tổ trưởng chuyên môn, công đoàn hoặc giáo viên chủ nhiệm…Những tiết như vậy được tính theo hệ số và các trường đều tính theo quy định chung như vậy.

Nhiều thầy cô nhiệt huyết, có năng lực làm việc tốt kiêm nhiệm rất nhiều công tác, đây là những giáo viên luôn được phụ huynh học sinh quý mến, được phiếu tín nhiệm cao bởi các thành viên trong tổ.

Theo tôi biết có một số trường quốc tế, một số trường bán công ở Hà Nội, hay ở các nước mà tôi đã có dịp tham quan học tập thì họ đều có mô hình giáo viên làm việc ở trường 8 tiếng một ngày và hoàn toàn không mang việc về nhà làm.

Nhưng để đạt được mục tiêu như vậy thì nhà trường sẽ phải hoàn thiện rất nhiều về cơ sở vật chất, phòng tổ chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, hệ thống thư viện số…có nghĩa phải tạo ra được một không gian làm việc tối ưu để các thầy cô có đủ điều kiện làm việc ở trường.

Với điều kiện của chúng ta hiện nay tôi e là việc này hơi khó thực hiện, không phải trường nào cũng đảm bảo để các thầy cô có phòng bộ môn theo đúng nghĩa. Hơn nữa việc đãi ngộ chưa tương xứng với công việc nên cũng khó khuyến khích.

Ngay như tổ Toán của chúng tôi hiện nay với biên chế gần 20 thầy cô, chúng tôi có phòng nhưng mới chỉ đáp ứng đủ để các thầy cô ngồi họp, còn chưa đạt để làm việc có tính chất nghiên cứu”.

Nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Tôi mong muốn mỗi học kỳ kết thúc đều có phiếu đánh giá tín nhiệm của học sinh đối với giáo viên, các em chính là người nhận xét xác thực nhất về thầy cô của mình". Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Tôi mong muốn mỗi học kỳ kết thúc đều có phiếu đánh giá tín nhiệm của học sinh đối với giáo viên, các em chính là người nhận xét xác thực nhất về thầy cô của mình". Ảnh: Tùng Dương.

Theo cô Dương: “Việc gì chúng ta cũng phải nhìn cả 2 mặt của một vấn đề, thứ nhất là mức lương của giáo viên hiện nay được chi trả theo quy định và thực ra là còn nhiều khó khăn.

Việc các thầy cô có công việc làm thêm hợp pháp không liên quan đến chuyên môn thì xã hội cũng không thể cấm được vì đó là nguyện vọng chính đáng.

Điều mà chúng ta phản đối và cố gắng ngăn chặn là việc dạy thêm tràn lan, ép học sinh phải học thêm. Tôi cũng đã bày tỏ quan điểm về việc phụ đạo thêm cho học sinh, phụ huynh các em mong muốn được thầy cô giỏi kèm cặp thì đó là nhu cầu hoàn toàn đúng đắn.

Còn nếu trả lương ở mức cho giáo viên hoàn toàn yên tâm công tác thì điều này thuộc về mô hình của các trường bán công hoặc trường tư thục, nơi họ được tự chủ về tài chính, về tuyển dụng và trả lương theo năng lực, theo công việc..

Ví dụ như các đồng nghiệp của tôi ở Trường Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội khi nhận được một mức lương thỏa đáng thì họ phải có trách nhiệm cao nhất với giờ dạy của mình, cũng như uy tín của giáo viên đối với học sinh. Nếu có cơ chế trả lương như vậy tôi tin chắc giáo viên sẽ hoàn toàn tâm huyết với nhà trường”.

Cô Dương cho biết: “Trường chúng tôi là trường công và hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách của nhà nước, thường cuối năm bộ phận tài vụ kế toán sẽ cân đối ngoài việc trả lương cho giáo viên, chi thường xuyên trong 12 tháng…tiết kiệm được bao nhiêu rồi còn lại sẽ chia cho các giáo viên nhưng thật sự cũng không đáng kể so với thời giá hiện nay, có thể nói đây là việc rất khó đối với các nhà quản lý trường công lập.

Nếu có thể được thì không riêng cá nhân tôi mà còn rất nhiều thầy cô ở cương vị quản lý khác đều có mong muốn được tuyển dụng giáo viên, được loại khi các thầy cô không đáp ứng được yêu cầu, cũng như được quyết định trả lương giáo viên theo năng lực và công việc.

Chúng ta đều biết học sinh cũng phải thi tuyển đầu vào, rồi thỉnh thoảng có bài kiểm tra để chọn lớp…tôi cho đó là việc khuyến khích học sinh phải phấn đấu và nỗ lực.

Giáo viên cũng vậy, đương nhiên khi thi vào ngành thì các thầy cô cũng giỏi nhưng kiến thức không được cập nhật thường xuyên thì rất dễ bị mai một.

Nếu được theo tôi nên có hình thức chọn lọc, đánh giá giáo viên để tạo động lực các thầy cô không ngừng phấn đấu, làm mới và hoàn thiện mình. Tôi không phủ nhận có rất nhiều thầy cô tâm huyết, có uy tín với học sinh đến ngày các thầy cô nghỉ hưu và lúc nào học sinh cũng muốn được học thầy cô đó.

Nhưng đây đó ít thôi có một số giáo viên tự hài lòng với bản thân, khi đã là giáo viên trường A trường B… rồi là cứ ung dung đến ngày nghỉ hưu, việc này không có động lực để khuyến khích giáo dục phát triển, nó tạo ra sự ỷ lại.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Cũng có ý kiến cho rằng càng nhiều tổ hợp thì học sinh phải học thêm nhiều? Tôi nghĩ là không. Học sinh học bổ trợ thì không nên cấm, lúc đó sẽ tạo nên sự cân bằng đáng kể trong xã hội". Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Cũng có ý kiến cho rằng càng nhiều tổ hợp thì học sinh phải học thêm nhiều? Tôi nghĩ là không. Học sinh học bổ trợ thì không nên cấm, lúc đó sẽ tạo nên sự cân bằng đáng kể trong xã hội". Ảnh: Tùng Dương.

Việc cạnh tranh ở các trường bán công hay trường tư thục cũng là một nhân tố rất hay để đội ngũ giáo viên luôn luôn phấn đấu, khẳng định bản thân, kể cả các nhà quản lý.

Tôi mong muốn mỗi học kỳ kết thúc đều có phiếu đánh giá tín nhiệm của học sinh đối với giáo viên, các em chính là người nhận xét xác thực nhất về thầy cô của mình và việc này cần được triển khai làm đều khắp ở các trường học trong cả nước.

Hơn nữa từ 3 đến 5 năm các trường nên có sát hạch lại, việc này thúc đẩy giáo viên nâng cao ý thức rèn luyện, và thầy cô hiểu rằng đến một cái đích nào đó thì cũng cần phải được xem xét lại năng lực chuyên môn.

Chứ việc xét hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên như hiện nay quá chung chung không sát với thực tế. Nếu có một giáo viên liên tục không đạt chất lượng giảng dạy, nhà trường theo nguyên tắc sẽ có báo cáo lên phòng Tổ chức cán bộ và giáo viên này sẽ không thể ở lại trường, tuy nhiên trên thực tế tôi chưa thấy việc này xảy ra ở những nơi tôi đã công tác.

Muốn thực chất thì cần dựa trên sự phản hồi của phụ huynh và học sinh, đó là những thước đo gần như chính xác nhất. Khi một giáo viên đứng 5 lớp mà cả 5 lớp đều khen và quý thì đó là điều tuyệt vời. Còn có giáo viên vào đâu cũng thấy học sinh băn khoăn, trăn trở thì đúng là nhà trường cần phải xem xét lại”.

Dạy thêm tạo ra sự bất công bằng đối với các giáo viên?

Cô Dương chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần có ý kiến về việc dạy thêm ở một số trung tâm có thầy A, cô B dạy với lời quảng cáo là sẽ đỗ tỷ lệ cao, tôi cho đó là kinh doanh giáo dục, nhưng đây là kinh doanh không lành mạnh, không đóng thuế. Tôi và rất nhiều thầy cô khác không ủng hộ việc này.

Mà thực tế việc dạy thêm này chỉ rơi vào một số môn được coi là môn chính. Hình thức môn chính, phụ này tồn tại bởi trong các tổ hợp môn thi luôn xuất hiện những môn đó.

Chúng ta hãy quan sát một số nước có nền giáo dục phát triển và họ không có khái niệm môn chính hay phụ bởi với ngành này cần môn tổ hợp xã hội này, môn kia lại cần tổ hợp khác, nó phụ thuộc vào sự lựa chọn của học sinh.

Có lẽ ý tưởng môn chính, phụ dẫn tới việc học sinh đi học thêm và đường nhiên là có cầu thì sẽ có cung. Giáo viên dạy thêm những môn gọi là chính thì theo tôi tìm hiểu sẽ có mức thu nhập khá hơn rất nhiều so với những thầy cô dạy môn phụ. Vậy nên có nhiều ý kiến giáo viên nó rằng họ cần mức lương tối thiểu khoảng 20 triệu đồng cho 1 tháng thì họ sẽ cống hiến hết mình.

Việc kinh doanh giáo dục để làm giàu nhanh chóng, tạo nên sự bất bình đẳng, vậy cần có cơ chế để giảm thiểu sự bất bình đẳng đó bằng các tổ hợp môn thi, có thể học tập phương pháp của một số nước quanh ta.

Có nhiều thầy cô mong để đạt mức 15 triệu đồng 1 tháng đã là vui lắm rồi, họ sẽ yên tâm công tác, và có những người thì việc dạy thêm thu nhập gấp 15 lần số lương mà giáo viên kia mong ước, chính vì vậy cũng phần nào không khuyến khích sinh viên vào sư phạm, hoặc có vào thì chỉ chọn theo học những môn được coi là môn chính.

Cũng có ý kiến cho rằng càng nhiều tổ hợp thì học sinh phải học thêm nhiều? Tôi nghĩ là không. Học sinh học bổ trợ thì không nên cấm, lúc đó sẽ tạo nên sự cân bằng đáng kể trong xã hội. Chúng ta luôn hướng tới đào tạo học sinh toàn diện, nhưng những gì hiện nay đang diễn ra thì e rằng mới chỉ trên lý thuyết, họ vẫn phân biệt môn chính, môn phụ”.

Tùng Dương