Nhiều giáo viên cho rằng, thật là vô lý khi họ đã đi dạy hàng chục năm thì giờ đây vẫn phải đi học để có được 1 tấm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để giữ hạng hoặc là thăng hạng.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bằng cử nhân sư phạm là học vị dành cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo bậc đại học các chuyên ngành đào tạo giáo viên.
Chứng chỉ chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên là chứng chỉ được cấp cho giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng theo đúng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng của 2 loại văn bằng chứng chỉ này hoàn toàn khác nhau.
“Một bên (bằng cử nhân) phản ánh trình độ đào tạo, còn chứng chỉ phản ánh cá nhân đáp ứng đủ điều kiện vị trí việc làm giáo viên.
Trong ngạch giáo viên có các vị trí việc làm, và ở mỗi vị trí việc làm có những quy định cụ thể về các điều kiện, do đó, nếu giáo viên muốn thăng tiến, làm việc ở các vị trí việc làm cao hơn thì buộc phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm đó.
Ví dụ, nếu giáo viên muốn được giữ vị trí giáo viên hạng II thì ngoài năng lực, kỹ năng sư phạm,… thì cần phải đảm bảo những kiến thức, năng lực khác như năng lực lãnh đạo quản lý tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên cốt cán, hay tham gia biên soạn sách giáo khoa, chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Thông tư 01, 02, 03, 04 không phải chỉ dựa vào Luật Viên chức hay Luật Giáo dục mà còn bám vào thực tiễn đặt ra đối với sự thay đổi của giáo dục cũng như yêu cầu về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Phó Giáo sư. Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trước ý kiến cho rằng, việc học chứng chỉ hạng cao hơn thì không phải học chứng chỉ hạng thấp hơn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà khẳng định điều này là bất khả thi vì chẳng nhẽ cứ học bằng tiến sĩ thì không phải học bằng cử nhân:
“Mỗi vị trí việc làm thì sẽ có những yêu cầu của vị trí việc làm đó. Không thể nói rằng tôi đã học ở vị trí cao hơn thì tôi sẽ làm được ở vị trí thấp hơn. Người học tiến sĩ thì không có nghĩa anh ta sẽ làm được công việc của một giáo viên tiểu học”.
Luật Viên chức áp dụng cho tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp của viên chức và ngành giáo dục là một trong những lĩnh vực nghề nghiệp bị chi phối bởi Luật Viên chức.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cho rằng đây chính là sự công bằng giữa các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau:
“Không thể nói rằng giáo viên được đào tạo đúng ngành, đúng nghề thì không phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học giáo dục, có rất nhiều những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các trường sư phạm chưa thể có chuyên ngành đào tạo ngay để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Chính vì vậy, có một thực tế là những môn học như ngoại ngữ, tin học, công nghệ,… đang rất thiếu giáo viên, trong khi các trường sư phạm chưa cung cấp đủ buộc nhà trường phải sử dụng những người được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng không thuộc ngành đào tạo giáo viên.
Những giáo viên này cũng cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của vị trí việc làm giống như những giáo viên được đào tạo trong các trường sư phạm.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sư phạm, không thể nói rằng cứ học xong bằng đại học ra trường là trở thành một giáo viên mà cá nhân cần phải đáp ứng các điều kiện khác nhau của vị trí.
Không thể đánh đồng giáo viên mới ra trường được xếp lương và nhiệm vụ giống như những giáo viên đã làm việc lâu năm, và đã đáp ứng đủ các điều kiện của vị trí việc làm.
Giáo viên có quyền giữ hạng mà không cần phải học tập, rèn luyện, bồi dưỡng để được thăng hạng cao hơn.
Với điều này, giáo viên phải chấp nhận mức lương thấp hơn và đảm nhiệm các vị trí ít quan trọng hơn.
Rõ ràng, việc quy định các hạng trong vị trí việc làm sẽ là động lực để người giáo viên nỗ lực, cố gắng hơn trong chuyên môn, nghiệp vụ, chịu khó hơn trong việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất nhà giáo.
Ngành giáo viên cũng giống như bao ngành nghề khác trong xã hội, người làm nghề phải chấp hành các quy định của pháp luật, do đó không thể nói bỏ các quy định về chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong khi nghề khác thì không”.
Để đạt được các hạng khác nhau đòi hỏi người giáo viên phải trang bị những kiến thức, kỹ năng khác nhau. Vì vậy, không có chuyện nội dung những kiến thức, kỹ năng này là trùng lặp, mặc dù về tên gọi có thể giống nhau:
“Trong các chương trình bồi dưỡng giáo viên các hạng 1,2,3, các nội dung bồi dưỡng được quy định rất rõ trong các thông tư 21, 22/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nội dung bồi dưỡng này hướng đến cung cấp cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất phù hợp với vị trí việc làm, và không có chuyện trùng lặp về kiến thức.
Cũng cần phân biệt các kiến thức và kỹ năng mà giáo viên tham gia bồi dưỡng thường xuyên hàng năm và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Theo đó, giáo viên chỉ phải học 1 lần và được sử dụng chứng chỉ đó trong suốt thời gian giữ hạng, trong khi đối với bồi dưỡng thường xuyên, các kiến thức sẽ được cập nhật, bổ sung hàng năm và giáo viên tham gia để nâng cao hơn nữa năng lực và kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Trước luồng quan điểm cho rằng, sao Nhà nước không phát tài liệu cho giáo viên tự ôn ở nhà, sau đó tổ chức các lớp thi để cho giáo viên đăng ký thi trên tinh thần tự nguyện Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà khẳng định điều này là vi phạm những quy định về văn bằng, chứng chỉ:
“Trong thông tư 19/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rất chặt chẽ đến việc tổ chức đào tạo, cấp phát, quản lý văn bằng chứng chỉ.
Theo đó, cá nhân muốn được cấp văn bằng, chứng chỉ, cần phải đăng ký và theo học tại các cơ sở giáo dục được cấp phép và phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập trong khoảng thời gian quy định và đạt điều kiện qua các kỳ thi thì mới được cấp văn bằng, chứng chỉ phù hợp với thời gian đào tạo.
Do vậy, nếu giáo viên không tham gia các khóa học thì không đủ cơ sở để các cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ đạt điều kiện”.
Đầu năm 2021, Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ đã đạt được một sự thống nhất đó là giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ tin học.
Việc bỏ 2 chứng chỉ này chính là sự lắng nghe cũng như dựa vào thực tiễn của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ khi mà hiện nay, các trường đại học đã xây dựng được các chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học.
Tuy nhiên, việc giáo viên tiếp tục đòi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là không hợp lý và không công bằng so với những ngành nghề khác: “Những kiến thức như phẩm chất nhà giáo nếu bây giờ không học thì không cập nhật được ở đâu.
Việc đòi hỏi như vậy là giáo viên đang yêu cầu thay đổi luật pháp cho phù hợp với riêng mình. Như vậy là không công bằng so với những ngành nghề khác”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.