Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, mã số, bổ nhiệm và xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông đã nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên cả nước.
Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ban hành ngày 12/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non và phổ thông công lập cũng đã giải đáp phần nào câu hỏi của các nhà giáo.
Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có rất nhiều bài viết, những bài phân tích và những bài tư vấn của một số tác giả khá chi tiết về những trường hợp được bổ nhiệm, chuyển xếp lương theo các Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 20/3 tới.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các Thông tư và hướng dẫn của Bộ, theo dõi các bài viết của các tác giả thì tôi thấy vẫn còn một số vấn đề chưa rõ, một số quy định trong các văn bản chưa có hướng dẫn, một số điều Bộ giải thích chưa hợp lý xin được gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, mong 2 Bộ giải thích rõ để giáo viên yên tâm công tác.
(Ảnh minh họa trên Baochinhphu.vn) |
Thứ nhất, các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 20/3/2021, theo chúng tôi hiểu là từ 20/3 tới sẽ tiến hành bổ nhiệm và giáo viên được hưởng lương theo Thông tư mới.
Tuy nhiên tại Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành thì trước ngày 30/6/2021 các tỉnh phải gửi phương án để thực hiện bổ nhiệm, xếp lương và trước 31/12/2021 phải báo cáo việc bổ nhiệm, xếp lương mới.
Với việc bổ nhiệm từ sau ngày 30/6/2021 và trước ngày 31/12/2021, trong quyết định bổ nhiệm có ghi ngày được bổ nhiệm, chuyển xếp lương từ 20/3 không? Giáo viên có được truy lĩnh phần chênh lệch cho thời gian chưa được hưởng tiền lương mới không?
Theo lộ trình từ 01/7/2022 việc xếp lương sẽ trả theo vị trí việc làm, sẽ bãi bỏ hệ số lương, lương cơ sở và được trả lương mới. Như vậy mục đích chính của việc tăng lương theo các Thông tư mới là gì, khi thời gian tồn tại của nó quá ngắn?
Thứ hai, các giáo viên nếu chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng hiện giữ thì chuyển “xuống hạng” như thế nào?
Khi thực hiện các Thông tư mới không chỉ có giáo viên được chuyển hạng tương đương (tăng hệ số) mà còn có trường hợp giảm/xuống hạng (giảm hệ số lương).
Việc tăng hạng, tăng hệ số lương đã được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 02/2007/BNV, tuy nhiên trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, tôi chưa tìm thấy có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc “xuống hạng”.
Ví dụ 1: Một giáo viên mầm non đang giữ giáo viên mầm non hạng II cũ có hệ số lương từ 2,34 – 4,98, nay do thiếu tiêu chuẩn, điều kiện giáo viên hạng II mới thì bị xếp giáo viên hạng III mới có hệ số lương 2,1 đến 4,89. Vậy việc chuyển “xuống hạng” này được thực hiện như thế nào?
Ví dụ 2: Một giáo viên trung học phổ thông được xếp lương giáo viên hạng II cũ có hệ số lương 4,0 đến 6,38, nay do thiếu tiêu chuẩn hạng II mới nên bị xếp vào giáo viên hạng III mới có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98. Việc chuyển xếp này thực hiện ra sao?
Ví dụ 3: Một giáo viên trung học phổ thông được xếp hạng I có hệ số lương 4,4 đến 6,78, nay không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện giáo viên trung học phổ thông hạng I hay hạng II thì được chuyển xếp lương như thế nào?
Ví dụ 4: Một giáo viên trung học cơ sở được xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng I có hệ số lương 4,0 đến 6,38, nay không có bằng thạc sỹ, không đủ tiêu chuẩn giáo viên hạng II thì có thể chuyển xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng III mới có hệ số lương 2,34 đến 4,98. Việc chuyển xếp này ra sao?
Mong hai Bộ ban hành quy định cụ thể các trường hợp “xuống hạng” này.
Thứ ba, việc chuyển xếp lương có hệ số lương gần nhất cụ thể là như thế nào?
Việc chuyển xếp lương theo Thông tư 02/2007/TT-BNV có nhiều giáo viên thắc mắc khi được xếp từ hạng II cũ có hệ số lương 2,34 đến 4,98 sang hạng II mới có hệ số lương 4,0 đến 6,38.
Xem như giáo viên đủ tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện để được chuyển xếp giáo viên hạng II. Mong Bộ giải đáp cụ thể các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Giáo viên A hạng II cũ có hệ số lương 3,0 được chuyển xếp sang hạng II mới có hệ số lương bao nhiêu?
Trường hợp 2: Giáo viên B hạng II cũ có hệ số lương 3,33 được chuyển xếp sang hạng II mới có hệ số lương bao nhiêu?
Trường hợp 3: Giáo viên C hạng II cũ có hệ số lương 3,66 được chuyển xếp sang hạng II mới có hệ số lương bao nhiêu?
Trường hợp 4: Giáo viên D hạng II cũ có hệ số lương 3,99 được chuyển xếp sang hạng II mới có hệ số lương 4,0? Có phải giáo viên D khi chuyển sang lương mới sẽ hưởng lương giống giáo viên A, B, C khi thời gian công tác hơn từ 3 – 9 năm.
Thứ tư, tại sao giáo viên mầm non, tiểu học từ hạng IV cũ hay các hạng khác chuyển sang giáo viên mầm non, tiểu học hạng III mới không cần chứng chỉ chức danh hạng III, còn giáo viên mầm non, tiểu học hạng III cũ khi chuyển sang hạng III mới lại yêu cầu chứng chỉ hạng III?
Trong khi đó, ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông giáo viên hạng III đều không yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III. Tại sao lại có sự phân biệt đối xử giữa giáo viên các bậc học như vậy?
Giáo viên hạng III của mầm non, tiểu học rất bức xúc mong Bộ giải đáp. Nhiều người đã tốt nghiệp đại học rất lâu, đủ các tiêu chuẩn đã chịu thiệt thời nay lại phải chuyển hạng thấp, lại phải học chứng chỉ hạng III nữa thì quá bất công. Mong hai Bộ nghiên cứu bỏ chứng chỉ hạng III ở tất cả cấp học, bậc học.
Thứ năm, nhiều giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã tốt nghiệp đại học từ 2012 đến nay vẫn không được chuyển hưởng lương đại học nên chỉ xếp lương giáo viên hạng IV (mầm non, tiểu học), hạng III (tiểu học, mầm non, trung học cơ sở), nhiều người đã có rất nhiều thành tích, nhiều người là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,…
Trước năm 2011, giáo viên chỉ cần có bằng đại học từ xa đã chuyển hưởng lương đại học, còn những giáo viên trên đã chịu rất nhiều thiệt thòi, nay theo Thông tư mới họ lại tiếp tục xếp ở những hạng thấp nhất trong bảng lương thì quả thật rất bất công, chua chát.
Xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách gì cho những đối tượng trên?
Trên đây là các câu hỏi thắc mắc của giáo viên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất để giáo viên yên tâm công tác, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.