Quy chế đào tạo đại học mới sẽ nhiều điểm có lợi cho sinh viên

25/03/2021 07:11
Thùy Linh
GDVN- Việc dự thảo cho phép công nhận tín chỉ tích luỹ lại là điểm được ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ghi nhận.

Nhìn từ góc độ quyền lợi của sinh viên, đánh giá về dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học, chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một trong các tinh thần chủ đạo của dự thảo Quy chế đào tạo mới này là hướng đến quyền lợi của người học.

Trên thực tế, có những sinh viên đôi khi chưa xác định rõ ngành học phù hợp nhất. “Dự thảo Quy chế mới này mở ra cơ hội chuyển ngành, chuyển trường cho các em. Tuy nhiên, không phải chuyển ngành, chuyển trường, chuyển nơi học, chuyển hình thức học một cách tuỳ tiện”, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết.

Cụ thể, Điều 16 của dự thảo Quy chế quy định rõ các điều kiện để sinh viên được xem xét: chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo (hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính); chuyển trường; chuyển từ hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Dự thảo không cho phép chuyển từ hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa sang hình thức chính quy.

Quy chế của cơ sở đào tạo nêu chi tiết thẩm quyền, điều kiện, thủ tục chuyển chương trình, ngành đào tạo, chuyển nơi học, chuyển trường hoặc chuyển hình thức học; việc công nhận kết quả học tập hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy đối với sinh viên thuộc các trường hợp này.

Ông Triệu nói thêm, cơ chế mở ra cơ hội định hướng lại ngành nghề cho sinh viên phù hợp với thực tiễn. Theo đó, sinh viên được xem xét chuyển ngành, chuyển trường, chuyển nơi học, ngoại trừ sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa. Về mốc thời gian này, ông Triệu phân tích, phải đến năm thứ hai, sinh viên mới thực sự đủ độ chín để xác định ngành học phù hợp nhất với bản thân.

Điều này còn đảm bảo quyền lợi của các em vì năm thứ nhất, sinh viên chủ yếu học các môn đại cương, các ngành có sự tương đồng, nhờ đó, việc học tập ở ngành mới, trường mới từ năm thứ hai sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Trong khi đó việc dự thảo cho phép công nhận tín chỉ tích luỹ lại là điểm được ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ghi nhận.

Theo đó, những tín chỉ đã được tích lũy thuộc về kỹ năng, năng lực chuyên môn người học đã có thì trong quy chế này cho phép các trường được xem xét, công nhận, thay vì phải bắt đầu lại từ con số không nếu sinh viên chuyển ngành, chuyển trường hay thi lại.

“Đối với các trường, đây là điểm đáng mừng vì chúng tôi cũng thực sự mong muốn như vậy. Không ai muốn khắc nghiệt với người học. Quy chế có tính nhân văn, đã cân nhắc trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người học mà vẫn đảm bảo những quy định chung”, ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng có điều kiện thời gian, trong quá trình học tập mà hoàn thành đúng thời hạn. Thực tế đào tạo cho thấy có những sinh viên gặp vướng mắc trong quá trình học tập, như vấn đề đời sống cá nhân, vất vả trong cuộc sống, có những lúc phải tạm dừng việc học. Dự thảo Quy chế đã cho phép những phần liên quan đến khối kỹ năng thì thời gian để hoàn thành được phép mở rộng hơn.

Cụ thể, dự thảo quy định: Sinh viên chưa hoàn thành học phần Giáo dục quốc phòng-an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nhưng đã hết thời gian tối đa được phép học, trong thời hạn 3 năm tính từ ngày thôi học được trở về cơ sở đào tạo trả nợ để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

“Về vấn đề chuyên môn không ảnh hưởng, còn kỹ năng hoàn toàn cho phép các bạn thêm thời gian để trau dồi, đáp ứng quy định về đảm bảo chất lượng. Tôi nghĩ đây là tính nhân văn mà rõ ràng ai cũng có thể thấy”, ông Tùng đánh giá.

Cũng nhìn vào bổ sung quy định về việc tổ chức dạy học trực tuyến vào dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học, ông Nguyễn Xuân Tùng - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, quy chế mang tính hiện đại và cập nhật.

Cụ thể, trong dự thảo thì tổ chức giảng dạy và học tập, cơ sở đào tạo có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến theo quy định hiện hành được tổ chức các lớp học trực tuyến hoặc lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp, trong đó thời lượng giảng dạy trực tuyến đóng góp không quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo đối với các hình thức đào tạo chính quy và vừa làm vừa học. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về hình thức đào tạo, đối với đào tạo chính quy, các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo.

Đối với đào tạo vừa làm vừa học, các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở được liên kết theo quy định, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo.

Cùng với các vấn đề khác, hình thức dạy và học (trực tiếp hoặc trực tuyến) phải được cơ sở đào tạo đưa vào kế hoạch học kỳ và được công bố kịp thời với đầy đủ thông tin cần thiết, đảm bảo thuận tiện cho sinh viên xây dựng kế hoạch học tập và đăng ký học tập.

Về quy định về đánh giá và tính điểm học phần, dự thảo nêu rõ, đối với hoạt động dạy và học trực tuyến, trọng số của các hình thức đánh giá trực tiếp không thấp hơn 50%. Dự thảo cũng sẽ bổ sung thêm các điều khoản về bảo vệ luận văn, đồ án tốt nghiệp trực tuyến.

Trước đó, vào cuối tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn việc đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19 năm 2021.

Động thái này của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp các trường bảo đảm tiến độ học tập và tốt nghiệp của sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh (gọi chung là người học) không bị gián đoạn cho dù dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Theo đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định cho phép người học bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến trong trường hợp không tổ chức được bảo vệ tốt nghiệp tập trung tại cơ sở đào tạo, khi người học đáp ứng đủ các điều kiện bảo vệ đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp theo quy định của quy chế đào tạo hiện hành.

Việc tổ chức bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn, như tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu và số lượng thành viên hội đồng đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp. Diễn biến của buổi bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến được cơ sở đào tạo ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ kèm theo hồ sơ của người học.

Thùy Linh