Sinh viên hệ đào tạo không chính quy lười học, giảng viên lo chất lượng

15/11/2016 07:25
An Nguyên
(GDVN) - Chất lượng đào tạo sinh viên hệ không chính quy còn thấp do hình thức đào tạo không ổn định, tuyển sinh ồ ạt, quản lý sinh viên thiếu chặt chẽ.

Đó là thực trạng đáng buồn đang xảy ra ở nhiều cơ sở đào tạo không chính quy (gồm: vừa làm vừa học, từ xa, liên kết...) mà nhiều chuyên gia về giáo dục vừa nêu ra tại hội nghị các đơn vị liên kết đào tạo năm 2016 do Đại học Mở Hà Nội tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11 vừa qua.

“Sinh viên ý thức học kém”

TS. Nguyễn Thị Thúy – Đại học Luật Hà Nội nêu lên thực tế, người học hệ không chính quy đa số là sinh viên vừa làm vừa học nên bên cạnh mặt tích cực cũng có những hạn chế nhất định.

Nhiều đại biểu tham gia hội nghị bày tỏ lo lắng chất lượng đào tạo của hệ không chính quy. (Ảnh: ĐH Mở Hà Nội)
Nhiều đại biểu tham gia hội nghị bày tỏ lo lắng chất lượng đào tạo của hệ không chính quy. (Ảnh: ĐH Mở Hà Nội)

Cụ thể là trình độ không đồng đều, dẫn đến sự chênh lệch về khả năng nhận thức giữa các sinh viên. “Do không được đào tạo liên tục về thời gian mà sắp xếp theo môn học và lịch trình nhất định nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của quá trình học” bà Thúy nói.

Sinh viên hệ đào tạo không chính quy lười học, giảng viên lo chất lượng  ảnh 2Vì sao cả danh tiếng, chất lượng đào tạo tại chức đều bị chê là kém?

(GDVN) - Các nhà quản lý Giáo dục thừa biết chất lượng đào tạo hệ tại chức từ lâu đã tụt dốc nhưng vẫn cố tình phớt lờ, cho mở lớp tràn lan vì gắn với lợi ích

Bên cạnh đó, sinh viên hệ không chính quy phần nhiều chưa chủ động học tập, không đam mê tự học và chưa có ý thức tự học.

Một đại biểu khác lấy dẫn chứng, có lớp đại học chuyên nghành kế toán (hệ vừa làm vừa học) sĩ số lên đến 80 người nhưng đi học không được 1/3.

Nhưng đến giờ kiểm tra hoặc thi cuối kỳ thì mới rủ nhau đến làm bài.

“Có sinh viên đi học một học kỳ chỉ vài ba buổi nhưng vẫn tốt nghiệp, vẫn nhận được bằng.

Các cơ sở đào tạo như vậy thì làm sao xã hội còn tin tưởng vào chất lượng của hệ đào tạo hệ không chính quy” vị này nói tiếp.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng phân tích, mổ xẻ những bất cập trong công tác quản lý cũng  ảnh hưởng không nhỏ đối với hệ đào tạo không chính quy tại Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng, các quy định, quy chế về chức năng, nhiệm vụ của nhà trường còn bị chồng chéo dẫn đến các đơn vị chưa thực sự chủ động thực hiện.

Ngoài ra, hiệu lực quản lý của nhà trường về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục đào tạo đối với hệ không chính quy còn chưa cao. Các quy chế, văn bản về quản lý bảo đảm chất lượng đào tạo đối với từng đơn vị chưa được ban hành rõ ràng.

Vô tư mở lớp, thu tiền vô tội vạ

Ông Trần Văn Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa đặt vấn đề, tại sao nhiều cơ sở không có chức năng đào tạo, không đủ điều kiện cơ sở vật chất và không được phép vẫn tham gia đào tạo?

Việc đào tạo tràn lan này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường, các cơ sở đào tạo. “Một số cơ sở vô tư mở lớp, rồi tổ chức học chui, thu tiền vô tội vạ. Họ tìm đủ cách để trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Khi lớp này bị phát hiện, xử lý thì có lớp khác bù vào” ông Hạnh nói.

Sinh viên hệ đào tạo không chính quy lười học, giảng viên lo chất lượng  ảnh 3Hết cửa đào tạo liên thông "biến tướng"

Trao đổi với PV, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ sẽ ban hành quy chế mới để lập lại kỷ cương, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo.

Nội dung

Cũng theo ông Hạnh, nhiều đơn vị chủ trì đào tạo cùng tham gia tuyển sinh một ngành, một nghề dẫn đến chồng chéo. Trong khi hình thức tuyển sinh, mức thu học phí, lệ phí của từng đơn vị có nhiều khác biệt.

Hình thức tổ chức đào tạo, kế hoạch đào tạo của một số đơn vị chủ trì không được ổn định và thay đổi liên tục nên gây khó khăn cho đơn vị liên kết và người học.

Nhiều chuyên gia góp ý các cơ sở đào tạo hệ không chính quy cần có đội ngũ chuyên gia tuyển sinh năng động, sáng tạo. Đồng thời, các đơn vị chủ trì đào tạo phải chủ động về chương trình dạy và cấp chứng chỉ chuyển đổi ngành nghề tương đương giúp người học đủ điều kiện học liên thông và có chương trình giảm tải phù hợp.

Nếu làm được như vậy mới thu hút được người học. “Các đơn vị cần thiết kế thời điểm thi (xét) tuyển sinh liên tục và hợp lý, có kế hoạch thuận tiện cho sinh học bù, thi hết môn bù để tạo điều kiện cho người học” ông Hạnh chia sẻ.

Đồng quan điểm này, ông Lê Anh Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, các đơn vị cần đa dạng hóa hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh để thu hút người học.

“Việc liên kết với các đơn vị khác nhằm có thêm ngành đào tạo mới thay thế những ngành mà nhu cầu việc làm đã bão hòa là thực sự cần thiết hiện nay” ông Cường nói.

An Nguyên