Kinh nghiệm ôn và làm bài thi Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội

29/03/2021 07:01
Tùng Dương
GDVN- Môn Văn khác những môn khác, ngoài cảm hứng các em lưu ý cách trình bầy, diễn đạt câu trả lời để người đọc dễ hiểu rõ ý, đặc biệt không được viết tắt, viết ẩu.

“Tôi đã có hơn 20 dạy môn Ngữ văn lớp 9 nên có thể nói khá quen với cấu trúc đề thi vào lớp 10 hàng năm của Hà Nội, tất nhiên là hiện nay cũng có nhiều thay đổi và ngữ liệu của đề thi cũng mở rộng hơn so với trước, các dạng câu hỏi thiên về kiểm tra kỹ năng kết hợp với kiến thức.

Cấu trúc đề gồm hai phần, là câu hỏi trả lời đọc hiểu và câu hỏi tạo lập văn bản. Phần đọc hiểu trong các ngữ liệu của văn bản trong chương trình lớp 9. Còn một phần mở ra có thể sẽ sử dụng các ngữ liệu ở ngoài chương trình lớp 9.

Đối với phần này thì học sinh có thuận lợi bởi theo mục tiêu giáo dục là chúng ta giáo dục kỹ năng, bởi vậy dù là ngữ liệu nào đi nữa thì vẫn là kiến thức trong chương trình các con đã được học.

Mọi kỹ năng các con đều được rèn luyện từ năm lớp 6 theo trục xoáy trôn ốc nên càng lên lớp cao kỹ năng đó càng thuần thục hơn”, cô Vũ Thị Tuyết Nga - Giáo viên chủ nhiệm dạy môn Ngữ văn lớp 9 Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội đã cho biết.

Cô Nga chia sẻ: “Đối với các văn bản trong sách giáo khoa không nhất thiết các con phải học thuộc mà nên luyện về các kỹ năng như viết đoạn văn, kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu, kỹ năng khai thác văn bản. Ảnh: Tùng Dương.
Cô Nga chia sẻ: “Đối với các văn bản trong sách giáo khoa không nhất thiết các con phải học thuộc mà nên luyện về các kỹ năng như viết đoạn văn, kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu, kỹ năng khai thác văn bản. Ảnh: Tùng Dương.

Theo cô Nga: “Bài tạo lập văn bản về nghị luận văn học, có nghĩa viết đoạn văn cảm nhận về một nhân vật, hay cảm nhận về một đoạn thơ, cảm nhận về một chi tiết trong tác phẩm truyện. Một phần các con sẽ được tạo lập văn bản về nghị luận xã hội, trình bầy ý kiến của mình về một hiện tượng nào đó, hay một vấn đề nào đó đang rất nổi bật, hoặc vấn đề đó giúp định hướng về mặt tư tưởng, hành vi cho học sinh.

Tôi thấy đề nghị luận xã hội phát huy được sự sáng tạo của học sinh bởi các con được trình bầy ý kiến của mình, đặc biệt phom đề của Hà Nội cũng như gợi ý đáp án chấm điểm bao giờ cũng khuyến khích học sinh có khả năng sáng tạo trong việc trình bầy quan điểm của mình về một vấn đề hoặc hiện tượng xã hội, tư tưởng đạo lý…nên có thể nói là đề rất mở cho học sinh”.

Lưu ý phần tự ôn tập Ngữ văn

Cô Nga chia sẻ: “Đối với các văn bản trong sách giáo khoa không nhất thiết các con phải học thuộc mà nên luyện về các kỹ năng như viết đoạn văn, kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu, kỹ năng khai thác văn bản.

Với tất cả các văn bản phải nắm vững được phần kiến thức cơ bản như thông tin về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác, những thông tin về nội dung, về nghệ thuật, những thông tin về nhan đề và đặc biệt là các bài học liên hệ từ văn bản đó. Các văn bản chuyện cần nắm được đặc điểm của nhân vật, từ nhân vật đó chúng ta cảm nhận được những bài học gì ở trong cuộc sống, cũng như liên hệ được vấn đề nào.

Đối với các văn bản thơ, học sinh cần nắm bắt được những tín hiệu nghệ thuật trong văn bản thơ đó. Ví dụ khi phân tích văn bản “Mùa xuân nho nhỏ” thì ở ngay khổ đầu của bài này là “Mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc, ơi con chim chiền chiện, hót chi mà vang trời…”, nội dung của khổ thơ này là bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong nguồn cảm hứng của tác giả. Như vậy học sinh phải nắm được tín hiệu là những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân.

Hay là những biện pháp tu từ và phải nắm được cấu trúc tạo lập văn bản, khi tạo lập văn bản dưới dạng các đoạn văn theo các phép lập luận quy nạp, diễn dịch, tổng hợp phân tích…Vậy đối với đoạn quy nạp đó học sinh phải mở đoạn hay kết đoạn ra sao.

Đặc biệt là ở chương trình Trung học cơ sở cũng như phom đề thi vào lớp 10 của Hà Nội thường có một câu tích hợp về kiến thức Tiếng Việt, đó là: Trong đoạn văn đấy học sinh phải chú thích được phép liên kết hay sử dụng một câu ghép, câu phủ định hay sử dụng một câu bị động, hay một thành phần biệt lập, hay một khởi ngữ. Tất cả những phần đó học sinh phải rèn luyện để đặt được những kiểu câu có những yêu cầu Tiếng Việt đó. Nhưng lưu ý câu văn đó phải phù hợp với nội dung của đoạn văn mà các em đã tạo lập.

Việc thao tác này thuộc về kỹ năng, ví dụ ở đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch thì câu mở đoạn phải giới thiệu được vấn đề, giới thiệu được tác giả tác phẩm, phải đưa ra được bình luận của mình về vấn đề đó một cách khái quát nhất.

Đối với đoạn quy nạp thì câu chủ đề nằm cuối đoạn thì bao giờ học sinh cũng dùng những từ mang tính chất tổng hợp khái quát như: Tóm lại.

Còn đối với câu tích hợp Tiếng Việt khi làm bài học sinh phải gạch chân vào các từ khóa ở đề bài. Khi ôn tập các con phải tự đặt ra được cho mình đối với đề này có thể tích hợp những câu, những kiến thức Tiếng Việt nào…và phải tự đặt những câu đó.

Ở trong bất kỳ một đề bài nào học sinh phải tìm được những từ khóa, phải xác định được đề bài đó liên quan đến ngữ liệu trong văn bản nào, phải hình dung ra được kiến thức trong văn bản đó. Có như vậy học sinh mới có thể tự ôn tập tốt”.

Các giáo viên Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh của nhà trường. Ảnh minh họa: N.B.K.
Các giáo viên Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh của nhà trường. Ảnh minh họa: N.B.K.

Cô Nga phân tích: “Tôi thường khuyên học sinh đối với các văn bản trong phần nghị luận văn học, nếu muốn ôn tập ở nhà thì hãy mở sách giáo khoa đọc văn bản đó và hình dung tất cả những đơn vị kiến thức của văn bản đấy. Sau đó gấp sách rồi tự nhớ lại, nếu em nào có khả năng tập trung cao sẽ nhớ lại được tất cả những thông tin đó, còn em nào không có khả năng thì hãy viết ra giấy, đó là quá trình viết và tự ghi nhớ.

Phần nghị luận xã hội cũng rất đơn giản và thường có “công thức”, để ôn tập được dạng bài này với 2 điểm trong đề bài, các con phải ghi nhớ được những luận điểm chính ở trong văn bản nghị luận xã hội đó. Ví dụ các con muốn làm gì, muốn trình bày gì thì đầu tiên phải giới thiệu được vấn đề để người nghe công nhận ý kiến của mình về vấn đề đó, để người ta hiểu được. Học sinh cần giải thích và nêu biểu hiện, rồi sau đó “mổ xẻ” trình bầy quan điểm của mình.

Đối với vấn đề nào học sinh cũng cần có một mô tuýp chung như vậy. Đã có “công thức” chung rất rõ như thế thì bất cứ đề nào cũng có thể làm được, vấn đề nào cũng “mổ xẻ” như vậy. Điều quan trong nhất với nghị luận xã hội là phải chú ý đưa ra những dẫn chứng, nhưng đó không phải là những dẫn chứng mà học sinh cảm thấy hay mà phải có đủ “sức nặng” thuyết phục, phải tiêu biểu, phải khái quát nhiều người biết đến.

Suy cho cùng học Ngữ văn là học làm người, vậy nên đối với vấn đề nghị luận khi trình bày học sinh phải liên hệ được, trình bầy về một vấn đề như tinh thần vượt khó, hay tinh thần dân tộc trong thời dịch Covid…tinh thần dân tộc từ vấn đề đó học sinh phải rút cho mình được bài học gì, phải liên hệ mình sẽ làm gì để thể hiện vấn đề khi mình trong hoàn cảnh đó.

Với những bài thi như vậy bao giờ cũng được đánh giá cao hơn, tất nhiên gọi là “công thức” nhưng công thức đó chỉ là ý chính, là sườn bài, còn lại rất cần sự sáng tạo trong cách diễn đạt, lập luận của học sinh. Vậy nên nói là “công thức” nhưng không bài nào giống bài nào. Đó chính là sự tôn trọng cá nhân của học sinh”.

Tuyệt đối không hấp tấp khi làm bài

Cô Nga chia sẻ thêm: “Khi nhận đề thi, các con phải dành thời gian đọc kỹ từ đầu đến cuối, nếu chỉ đọc 1 câu thôi sẽ không hình dung ra tính thống nhất cũng như sự liên kết của các câu trong đề bài. Câu tạo lập văn bản cũng là câu cuối của mỗi phần, vậy nên những câu hỏi ở phần trên câu 2, câu 3 có thể là những gợi ý “tế nhị” cho phần tạo lập văn bản.

Ví dụ đề bài yêu cầu phân tích một ngữ liệu, một tín hiệu nghệ thuật hay biện pháp tu từ ở trong khổ thơ mà học sinh chuẩn bị phải bàn luận, vô hình những câu 1 - 2 -3 trong phần đọc hiểu sẽ có những “tín hiệu” giúp học sinh làm bài tạo lập văn bản một cách hoàn chỉnh hơn.

Theo cô Nga: "Tôi thấy đề nghị luận xã hội nó phát huy được sự sáng tạo của học sinh bởi các con được trình bầy ý kiến của mình, đặc biệt phom đề của Hà Nội cũng như gợi ý đáp án chấm điểm bao giờ cũng khuyến khích học sinh có khả năng sáng tạo trong việc trình bầy quan điểm của mình về một vấn đề hoặc hiện tượng xã hội, tư tưởng đạo lý…nên có thể nói là đề rất mở cho học sinh”. Ảnh: N.B.K.
Theo cô Nga: "Tôi thấy đề nghị luận xã hội nó phát huy được sự sáng tạo của học sinh bởi các con được trình bầy ý kiến của mình, đặc biệt phom đề của Hà Nội cũng như gợi ý đáp án chấm điểm bao giờ cũng khuyến khích học sinh có khả năng sáng tạo trong việc trình bầy quan điểm của mình về một vấn đề hoặc hiện tượng xã hội, tư tưởng đạo lý…nên có thể nói là đề rất mở cho học sinh”. Ảnh: N.B.K.

Thứ II, khi đọc đề bài xong nhất định phải tìm và khoanh được các từ khóa, những từ đó sẽ “bật mí” phạm vi kiến thức và cách trình bầy. Đôi khi cũng hỏi về nhan đề nhưng học sinh hiểu về nhan đề như thế nào thì kiến thức về nhan đề đó lại được trình bầy khác. Còn nhan đề đó có ý nghĩ thế nào thì lại phải trình bầy khác, hoặc đặc điểm của nhan đề là gì thì cũng lại khác nữa.

Khi đã xác định được từ khóa, xác định được đơn vị kiến thức để trả lời câu hỏi rồi thì cũng phải xác định được cách trình bầy câu trả lời trong bài thi. Đó là điều rất quan trọng và tất cả những điều đó bắt buộc phải làm nháp những ý chính, khi viết nháp đồng nghĩa với đang nghĩ. Riêng phần tạo lập văn bản các em phải ghi ra được hệ thống ý chính như ở giấy nháp, như vậy không bị lộn xộn, không bị làm sót câu nào.

Một lưu ý nữa với các yêu cầu Tiếng Việt, học sinh cần thực hiện trước ra giấy nháp, rồi cùng với đoạn văn đó học sinh “lắp ráp” vào đoạn văn của mình trong bài. Nếu không thực hiện yêu cầu Tiếng Việt thì các em dễ viết theo đoạn văn, lúc “chèn” yêu cầu Tiếng Việt vào thì cả đoạn văn không ăn khớp, khập khiễng.

Cần phải để ý đến dung lượng câu trả lời, ví dụ đoạn văn dài từ 10 đến 12 câu thì nhớ không được viết quá dài, nếu viết dài quá dẫn đến lan man, thừa ý này nhưng lại thiếu ý kia. Nhưng nếu các em chú ý đến dung lượng của đoạn văn tạo lập văn bản trong câu hỏi để từ đó điều chỉnh ý nào nên viết nhiều và ý nào là đủ. Có như vậy mới không thiếu thời gian và đạt yêu cầu khi làm bài, không bị mất điểm hình thức khi trình bầy.

Thứ III nhất định các em phải đọc lại bài sau khi đã làm, theo kinh nghiệm của tôi khi đi chấm thi đã có trường hợp những câu dễ lại bị các em bỏ sót, quên không làm. Thường trong đề hay có những câu cuối như: Hãy kể tên một tác phẩm cùng đề tài, hoặc kể tên một tác phẩm cùng năm sáng tác, những câu này rất dễ và vì thế các em lại say mê làm những câu khó, rồi vô tình bỏ quên câu dễ không làm. Rất đáng tiếc.

Làm Văn khác với những môn khác, ngoài cảm hứng ra các em phải lưu ý đến cách trình bầy, cách diễn đạt câu trả lời để người đọc dễ hiểu rõ ý, đặc biệt không được viết tắt, viết ẩu. Có nhiều em viết nội dung rất tốt nhưng vì viết ngoáy nhanh quá khiến cho các thầy cô chấm bài không đọc được ý, dẫn đến hiểu sai và đương nhiên bị trừ điểm.

Còn phần lưu ý nữa là đối với đề thi vào lớp 10 ở phần tạo lập văn bản, có nghĩa chỉ tạo lập một đoạn văn và đã là đoạn văn thì trong suốt quá trình diễn đạt đoạn văn đó các em không được chấm xuống dòng, bởi khi đã chấm xuống dòng là tách thành 2 đoạn rồi, việc này sẽ bị mất điểm hình thức”.

Tùng Dương