Cách đạt điểm cao môn Ngữ văn vào lớp 10

25/04/2020 06:22
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Học sinh cần xác định mục tiêu là không học tủ, không khoanh vùng mà cần có kiến thức tổng quát, tích hợp ngang, dọc với bộ môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở.

Để giúp các em học sinh đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm nay có được phương pháp, cách ôn tập trọng tâm cũng như những lưu ý khi làm bài thi để đạt được kết quả tốt.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, thầy giáo Lê Hoài Quân - Tổ trưởng Tổ Văn Sử, Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: “Trong kỳ thì vào lớp 10 trung học phổ thông, Ngữ văn là môn học có lượng kiến thức lớn, đòi hỏi khả năng tư duy, cách ghi nhớ và sự sáng tạo của học sinh.

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 thường dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, cũng như kỹ năng của chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở hiện hành.

Chủ yếu đề thi đều thuộc về các bài trong sách giáo khoa lớp 9 và có cấu trúc gồm hai phần: Trích dẫn dữ liệu thơ và văn xuôi trong sách giáo khoa, hệ thống câu hỏi sẽ được xây dựng theo 3 mức độ là nhận biết, thông hiểu và vận dụng trong kỹ năng đọc hiểu.

Đề bài có thể yêu cầu viết một đoạn, hoặc bài văn nghị luận và nghị luận xã hội ngắn. Phần này yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức Tiếng Việt, do đó để bài thi môn Ngữ văn đạt hiệu quả cao, các em cần nắm vững hệ thống kiến thức và kỹ năng cơ bản".

Thầy giáo Lê Hoài Quân: "Trước hết cần xác định mục tiêu là không học tủ, không khoanh vùng mà cần có kiến thức tổng quát, cần tích hợp ngang, dọc với bộ môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thầy giáo Lê Hoài Quân: "Trước hết cần xác định mục tiêu là không học tủ, không khoanh vùng mà cần có kiến thức tổng quát, cần tích hợp ngang, dọc với bộ môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Quân cho biết: "Học sinh cần tìm hiểu, phân tích các đơn vị kiến thức thật chi tiết và cụ thể với nhiều cách như: Hệ thống hóa kiến thức bằng vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống từ khóa, dàn ý sơ lược… để hiểu kỹ nội dung kiến thức cơ bản.

Ngoài ra, ôn tập theo chuyên đề hoặc nhóm bài có cùng đề tài, cùng thể loại hay cùng thời điểm sáng tác…sẽ giúp các em khái quát được các mảng kiến thức trọng tâm.

Cần tăng cường thời gian tự học, tự luyện đề mẫu hoặc các đề thi hàng năm và hoạt động này được gọi là quá trình “tự lắng kiến thức”, nghĩa là biến các đơn vị nội dung kiến thức từ sách giáo khoa, từ giáo viên, từ những đề thi thử thành kiến thức của chính mình. Cách làm này sẽ giúp học sinh dễ nhớ và hiệu quả khi làm bài”.

Xác định cách ôn tập

Theo thầy Quân: “Trước hết cần xác định mục tiêu là không học tủ, không khoanh vùng mà cần có kiến thức tổng quát, cần tích hợp ngang, dọc với bộ môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh phân mảng kiến thức rõ ràng phù hợp với cấu trúc của đề thi.

Phần văn bản (phát hiện, đọc hiểu, cảm thụ), cần chú trọng vào việc phân tích tác phẩm văn xuôi như hiểu nhân vật, tình huống truyện, ngôi kể....

Với tác phẩm thơ phải nắm được mạch cảm xúc, ý nghĩa nhan đề và biết khai thác các tín hiệu nghệ thuật trong từng câu, từng khổ thơ.

Phần Tiếng Việt (phát hiện, phân tích tác dụng, vận dụng đặt câu…), cần nắm vững khái niệm, các kiểu, biết phân tích tác dụng của biện pháp tu từ, các dạng câu... biết vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo trong khi viết đoạn văn.

Viết đoạn văn nghị luận văn chương và nghị luận xã hội, các em cần xác định chính xác nội dung và yêu cầu nghị luận, từ đó có cách lập luận phù hợp, đồng thời vận dụng linh hoạt các kỹ năng để làm sáng tỏ vấn đề.

Vậy nên không thể quên những phần kiến thức về Tiếng Việt gồm từ vựng, ngữ pháp, liên kết câu, cách trình bày đoạn văn, phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt...

Muốn phân tích tác phẩm văn học, thí sinh cần hiểu giá trị tu từ, chi tiết, hình ảnh, nghĩa hàm ngôn và tường minh của từ ngữ cùng với các biện pháp nghệ thuật...

Muốn viết xong bài tự luận thì các em không thể bỏ qua các bước phân tích đề, lập dàn ý sơ lược, viết bài và đọc lại rồi hoàn thiện.

Xu hướng đề thi vào lớp 10 trung học phổ thông là thường đề cao năng lực hiểu, và trình bày ý hiểu trong bài luận bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, vậy nên học sinh cần bám sát cách học và thi mới này.

Từ bỏ lối học thuộc văn mẫu và bài ghi chép, thoát khỏi lối viết lệ thuộc vào tài liệu mà hãy đọc văn bản, tìm hiểu theo câu hỏi gợi ý để từng bước hiểu chi tiết, hình ảnh.

Đọc một câu thơ, đọc tác phẩm truyện rồi hãy suy ngẫm xem mình hiểu chi tiết này, hình ảnh này thế nào, câu chữ viết về ai, về việc gì và có cách hiểu nào khác nữa, nhân vật này được miêu tả thế nào?

Những suy nghĩ, hành động ấy giúp hiểu gì về tâm hồn và tình cảm của nhân vật? Hãy viết thành câu, thành đoạn văn những điều mình hiểu, và khi viết cần chú ý chọn lựa từ dùng, chính tả chuẩn xác, sử dụng các dấu câu, dấu phảy.

Luyện đọc và viết nhiều sẽ giúp các em tự tin vào suy nghĩ và hiểu biết, đánh giá của mình về vấn đề đặt ra trong đề bài. Về kiến thức cần ôn kỹ, học đều, chắc kỹ năng, rõ phương pháp, cách làm”.

Sơ đồ tư duy môn Ngữ văn. Ảnh minh họa: T.D.
Sơ đồ tư duy môn Ngữ văn. Ảnh minh họa: T.D.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh minh họa: Nhân vật cung cấp.

Khi làm bài thi

Thầy Quân lưu ý: “Khi vào phòng thi các em nên tạo cho mình một tâm thế tốt nhất, luôn bình tĩnh, tự tin để làm bài, không nên quá lo lắng, cần đọc kĩ đề thi.

Đọc lần thứ nhất để khoanh vùng các vấn đề, nội dung cần trả lời. Tiếp tục đọc lần thứ 2 để đánh dấu phân loại những câu hỏi dễ hoặc khó theo khả năng bản thân mình.

Đọc lần thứ ba để đi vào trả lời chi tiết từng câu hỏi trong bài thi, tránh bỏ sót các câu hỏi nhỏ, nên viết vào nháp dàn ý khái quát, sơ đồ hoá kiến thức, tìm từ khóa quan trọng cho mỗi câu trả lời.

Cách đạt điểm cao môn Ngữ văn vào lớp 10 ảnh 4

Để thi tốt môn Tiếng anh vào lớp 10

Phân bổ thời gian hợp lý, nên ưu tiên làm trước các phần mà bản thân cảm thấy tự tin, cố gắng làm trọn vẹn từng phần một, tránh trả lời lẫn lộn các câu hỏi giữa các phần khác nhau.

Đọc kỹ đề và đánh dấu từ khóa, ghi nhanh ra nháp những ý cơ bản cần phải làm và không ghi quá chi tiết vì việc này rất mất thời gian.

Cần tập trung làm hết những phần đọc hiểu để tránh bị điểm liệt, đây là những câu dễ và rất dễ đạt được điểm tuyệt đối. Phần đọc hiểu này đề bài sẽ cho ngữ liệu một đoạn văn hoặc là một văn bản, kèm theo là từ 3 đến 4 câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc hiểu văn bản.

Vận dụng các kiến thức đã học về Tiếng Việt, văn học và làm văn, các câu hỏi này được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết thông hiểu đến vận dụng.

Với câu này thì gần như để học sinh không bị điểm liệt, vậy nên các em cứ làm tuần tự từ các ý nhỏ, cố gắng không để bị mất điểm ở câu đọc hiểu này, không cần phải viết quá dài dòng mà cần rõ ràng, rành mạch đủ ý.

Chú ý cách trình bày các phần, các câu rõ ràng, khoa học, sạch đẹp mạch lạc, sáng tạo, không gạch xóa.

Bình tĩnh thực hiện tốt các bước như: Đọc kỹ để hiểu đúng đề bài, câu dễ làm trước. Không vội vàng, cẩu thả phần Tiếng Việt, lập dàn ý sơ lược, gạch các nội dung chính bài nghị luận văn học.

Luôn tự hỏi và tìm cách trả lời: Ai, cái gì, vấn đề gì, hiểu thế nào, có cách hiểu khác không, tại sao? Viết bài, viết đoạn văn thận trọng chọn từ, viết câu, chính tả thật chính xác.

Và cuối cùng là trước khi nộp bài, các em cần soát lại tất cả một lượt xem có đánh dấu nhầm câu trả lời, hoặc thiếu thông tin cá nhân hay không để tránh bị trừ điểm hay phạm lỗi”.

Tùng Dương