Học trò lớp 1 hỏi cô giáo: “Ông con làm hiệu trưởng đấy, cô biết không?”

03/04/2021 06:19
Tùng Dương
GDVN-Ngày đầu đi học, Mi Chin nói: “Con đã hứa với cô là ngoan đến 4 giờ. Bây giờ con đi về với ba con đây. Mai con không đến nữa đâu, con không học trường này nữa...".

“Hạnh phúc của nghề giáo là gì? Câu hỏi đó luôn văng vẳng trong đầu từ khi tôi mới bước vào nghề. Rồi tôi tìm thấy câu trả lời không phải ở đâu xa xôi mà ở ngay trong lớp học của mình. Những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng, những đứa trẻ hiếu động, cá tính, thông minh và cũng rất tình cảm đã cho tôi hưởng niềm hạnh phúc mỗi ngày", cô Lê Thị Tâm - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu câu chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Tâm chia sẻ: "Mỗi đứa trẻ thông minh có cá tính riêng và rất đáng yêu". Ảnh: Tùng Dương.

Cô Tâm chia sẻ: "Mỗi đứa trẻ thông minh có cá tính riêng và rất đáng yêu". Ảnh: Tùng Dương.

Đứa trẻ rất thông minh, nhưng sẵn sàng "nổi loạn"

Cô Tâm kể lại: “Tôi nhớ ngày đầu tiên đón học sinh là vào một sáng mùa thu đẹp trời, chọn một bộ áo dài thật đẹp mang theo niềm vui chào đón các con. Một bác phụ huynh lớn tuổi dắt cô cháu gái xinh xắn vào lớp, tôi tươi cười cúi chào phụ huynh và nhanh chóng tiến về phía hai ông cháu, định dắt con vào lớp.

Bỗng cô bé chạy rất nhanh ra sân trường khiến tôi sững người. Chưa kịp định thần, cô Hiệu phó tiến đến chào bác phụ huynh và giới thiệu với tôi: Đây là thầy hiệu trưởng của một ngôi trường lớn ở Hà Nội. Thầy đã tin tưởng trường của chúng ta và đưa cháu nội vào học.

Tôi chào đáp lại và xin phép ra sân trường đón con vào. Thầy vui vẻ nói: "Tôi rất hiểu cháu gái, cô chủ nhiệm sẽ thấy thú vị. Nhưng tôi biết nó cũng mang đến không ít khó khăn cho cô đó. Tôi tin tưởng ở nhà trường, ở cô giáo chủ nhiệm". Câu nói đó khiến tôi khựng lại một chút!

Tôi tiến lại phía cô bé lúc đang đứng ở giữa sân khấu của trường. Cô bé xinh xắn, nhưng không nói câu nào. Tôi bắt đầu làm quen, thật sự khó khăn và chợt nhận ra con rất cá tính, thông minh hơn tuổi vào lớp 1.

Cuộc đối thoại giữa hai cô trò kéo dài gần mười phút, thật may đây là buổi đầu tiên đón học sinh nên tôi có thời gian, quyết tâm “thu phục” cô bé.

- Cô chào con! Con tên là gì?... Cô bé quay mặt đi, không trả lời.

- Nếu con không nói, cô trò mình sẽ cứ đứng ở đây đó. Con có muốn đi cùng cô vào lớp với các bạn không nào?

Cô bé thản nhiên đáp: Tại sao con lại phải đi với cô? Ông con làm hiệu trưởng đấy, cô biết không?

- Con nói chuyện với cô rồi đúng không? Vậy con phải nhìn thẳng về phía cô. Hãy thử nhìn vào mắt cô xem nào.

Con nói: Cô này khó tính quá!

Tôi vờ như không nghe thấy: "Không, cô không biết ông con làm hiệu trưởng. Cô chỉ biết có một bạn gái xinh đẹp đang đứng trước mặt cô, 6 tuổi cũng bằng tuổi các bạn học sinh trong lớp 1A2 của cô. Các bạn đang sẵn sàng học những điều thú vị tại ngôi trường này và còn rất nhiều trò chơi trong lớp nữa nhé. Con có muốn thử không? Nếu muốn thì đưa tay cô dẫn vào.

Cô bé vẫn khăng khăn: "Con không đi đâu. Con nhắc lại đầy đủ câu với cô nhé: Con không đi đâu ạ!".

Tôi lại nói tiếp: “Vậy thì một là con cứ đứng ở đây đến chiều gia đình đón. Hai là theo cô vào lớp để chơi trò chơi. Chỉ những bạn học kém hoặc sợ thua mới không chơi thôi. Nghe đến đây con nhìn thẳng vào mắt tôi, sau đó đưa tay ra và đồng ý để tôi dẫn vào lớp".

Cô bé có cá tính rất mạnh và chắc chắn sẽ không muốn bị chê kém, không sợ thua bạn!

Trong lớp các con chơi trò chơi tự giới thiệu tên và những điều yêu thích của mình. Tôi bắt đầu cho học sinh tự ra câu đố với các bạn trong lớp và thật bất ngờ con nói trôi chảy: “Tôi đố các bạn biết con gì là chúa tể rừng xanh? Con gì có 4 chân mà lại thích ăn cà rốt?”… Các bạn trong lớp thích thú giơ tay trả lời cô bé.

Tôi im lặng quan sát và tự nhủ cô bé này thực sự rất thú vị!

Tôi đã nhớ tên con là "Mi Chin", đây là biệt danh ở nhà, tôi cũng gọi vậy để được gần gũi với con hơn. Vừa ổn định chỗ ngồi, bỗng tôi nghe thấy tiếng con nói bên dưới:

- Thưa cô, con có ý kiến. Cô cho con hỏi mấy giờ tan học ạ?

- 4 giờ chiều, con gái ạ.

- Thế con chỉ học ngoan đến 4 giờ chiều thôi đấy nhé!

Tôi liền đồng ý ngay!

Và rồi tiếng chuông tan học cũng vang lên, bé Mi Chin được ba đón, con quay lại nói với tôi: “Con đã hứa với cô là ngoan đến 4 giờ. Bây giờ con đi về luôn với ba con đây. Mai con không đến nữa đâu, con không học trường này nữa, con sẽ học trường khác”.

Ba của Mi Chin như đã biết trước được sự việc nên tươi cười đón con gái và không quên quay lại chào tôi rồi hẹn mai sẽ đưa con đến. Tối đó, tôi đã nghĩ rất nhiều về từ “ngoan” và "ngày mai con không đến lớp nữa đâu".

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong giờ ngoại khóa. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong giờ ngoại khóa. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cô Tâm chia sẻ thêm: "Buổi học thứ hai cũng đến, nhưng 9h30 con mới xuất hiện tại cửa lớp. Con chào cô và nói “Con chỉ học thêm nốt hôm nay thôi”. Trẻ con thật đáng yêu! Tôi biết con đang muốn được trải nghiệm và đây cũng là cơ hội cho tôi.

Những tiết làm quen chữ viết, tôi lại có thêm thử thách bởi con là người duy nhất trong lớp viết tay trái. Sau khi hướng dẫn cho cả lớp, tôi lại nhanh chóng đến chỗ con hướng dẫn cách cầm bút, viết sao cho đúng, cho đẹp.

Tôi động viên con rồi cứ như vậy cô trò tôi gần gũi nhau hơn. Và tiếng chuông hết giờ lại vang lên, tôi nghĩ nếu con lại nói “Con học nốt hôm nay thôi nhé” thì thật đáng tiếc. Nhưng không, cô bé vui vẻ ra về. Tôi thầm nghĩ như vậy bước đầu đã thành công.

Sau 3 buổi học, tôi có trao đổi với gia đình và được biết sau buổi thứ nhất con nói với mẹ: “Cô gì mà ác như cọp vậy”!

Sau buổi thứ hai, con không nói gì nhưng chấp nhận cho mẹ đưa đến lớp.

Sau buổi thứ ba, mẹ hỏi hôm nay con đến lớp thế nào? Con bảo: "Con thích đến lớp và con yêu cô Tâm".

Vẫn chưa hết những khó khăn

Khó khăn mới lại mở ra khi Mi Chin quen bạn, quen lớp. Con bắt đầu muốn mình là trung tâm của sự chú ý. Con xin ra ngoài lớp và đi lòng vòng mãi không về, khiến cô phó chủ nhiệm phải đi tìm.

Khi vào lớp tôi hỏi con sao ra ngoài lâu thế thì bao giờ con cũng trả lời rất đáng yêu "trường mình nhiều hoa đẹp quá nên con mải ngắm", hay "con cần rửa tay kỹ nên lâu".

Không ngồi lâu trong lớp, được một lúc con xin đi vệ sinh. Tôi nói “Cô cũng đang muốn đi vậy cô trò mình cùng đi”. Hai cô trò đi ra cửa, sau đó con nói “Thôi con không muốn đi nữa cô ạ”. Và con còn nói nhỏ “Cô gì mà dữ như hổ!”.

Lần khác con nói đi uống nước giữa buổi trưa, tôi cũng đi cùng. Tôi hướng dẫn con cách lấy đủ nước cần uống… dần dần con hiểu là cô muốn những điều tốt cho con. Con không cần tạo sự chú ý mà cô vẫn yêu quý!

Một lần khác, khi các bạn xếp hàng để vào phòng ngủ bỗng nghe tiếng Mi Chin như hét lên:

- Tại sao các cô có thể mách phụ huynh mà chúng con lại không thể mách cô?

Tôi quay ra và hỏi: Có chuyện gì vậy con?

Con bắt đầu cao giọng: “Con thưa cô, bạn Nguyên này trêu Hạt Dẻ (bạn thân của Mi Chin). Con mách cô Lan mà cô chẳng nói gì. Con thấy bực mình lắm”.

Tôi cười và nói “Con nói xong rồi đúng không”. Bây giờ nghe cô nói nhé, thứ nhất đây là chuyện bạn Hạt Dẻ bị trêu thì bạn ấy sẽ là người thưa cô đúng không?

- Mi Chin: Vâng ạ!

Thứ hai là các cô không bao giờ mách phụ huynh mà chỉ trao đổi tình hình của các con. Vậy ai là người vô lí nhỉ?

- Con nói nhỏ: Con ạ!

Tôi tiếp lời: “Như vậy theo phép lịch sự con nên xin lỗi cô Lan vì đã nói to với cô ấy đúng không?".

Nhận ra lỗi, con bẽn lẽn nói nhỏ: "Con xin lỗi cô!”.

Cô Tâm tìm thấy hạnh phúc của nghề giáo ở ngay trong chính lớp học của mình. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Cô Tâm tìm thấy hạnh phúc của nghề giáo ở ngay trong chính lớp học của mình. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Lại thêm những rắc rối mới

Cô Tâm kể tiếp: “Mọi chuyện như đã đúng của một lớp học hạnh phúc, thế nhưng sau gần 3 tháng lại xảy ra một chuyện khiến tôi đau đầu hơn rất nhiều vì nó liên quan tới cả phụ huynh. Trong nhóm lớp, phụ huynh bắt đầu truyền nhau những nhận xét không hay về bé Mi Chin, nào là “Con em về kể bị bạn Mi Chin đẩy ngã”, “Con em bị đòi phải mang kẹo đi cho bạn thì mới được chơi cùng…”.

Trưởng ban phụ huynh cuống cuồng chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, tìm hiểu sự việc. Một số cô bác, phụ huynh đã phản ánh chuyện con trêu trọc các bạn lên lãnh đạo trường.

Thầy Chủ tịch rất băn khoăn và đã trực tiếp đến tận lớp 1A2 vào sáng hôm sau để chia sẻ với các con về sự bình đẳng, đoàn kết trong lớp học. Thầy nêu vấn đề và học sinh tự tin giơ tay nêu ý kiến “Thưa thầy, các bạn trong lớp cần yêu quý nhau”, “Các bạn trong lớp nên giúp đỡ nhau ạ”.

Thầy khen các con và nói “Vậy lớp mình còn bạn nào trêu đùa nhau nữa không?".

Có bạn mạnh dạn thưa “Con thưa thầy, bạn Mi Chin trước đây đánh con khi con không cho bạn đồ chơi”.

- “À, thì ra đó là chuyện trước đây, thế bây giờ bạn có trêu con nữa không?”, thầy hỏi.

- Dạ không ạ!

Thầy lại tiếp: “Đó là chuyện đầu năm, chúng ta góp ý với bạn. Bạn thay đổi rồi thì chúng mình cùng chơi vui với bạn nhé. Nếu các con đồng ý thì vỗ tay to nào”.

Tiếng vỗ tay rào rào cùng những nụ cười tươi, hồn nhiên của lũ trẻ khiến lòng tôi ngập tràn niềm vui, những giọt nước mắt hạnh phúc trào ra lúc nào không hay.

Giờ đây, Mi Chin đã thay đổi hoàn toàn rồi, bằng lời nói và hành động tích cực, con luôn chủ động chào hỏi các thầy cô giáo, thân thiện, hòa đồng với các bạn cùng lớp. Đặc biệt, con rất lễ phép với các cô, bác lao công, không còn "lỡ tay" làm đổ nước ra sàn nữa.

Con tích cực tham gia hoạt động nhóm, giúp cô trong giờ bán trú, hỗ trợ bạn khi tham gia hoạt động tập thể. Con thông minh và nhanh nhẹn lắm, tự quay video bài đọc trong sách giáo khoa rồi gửi cô.

Cô Tâm chia sẻ: “Tình yêu thương học sinh bằng cả trái tim, sự kiên trì của thày cô giáo sẽ cảm hóa được học sinh tưởng như rất bướng bỉnh, khó thay đổi. Tình yêu thương sẽ giúp các con phát huy hết điểm mạnh của bản thân, rồi lan tỏa yêu thương tới nhiều người”.

Đó là cảm giác thật sự hạnh phúc!

Tùng Dương