Lôi kéo học trò nói xấu giáo viên là hành vi vô đạo đức!

31/03/2021 09:53
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tôi chỉ quan tâm tới việc một số người lớn đã lôi học trò vào việc 'đấu tố' cô giáo đang dạy mình. Vậy truyền thống tôn sư trọng đạo ở đâu?", thầy Ngọc nói.

Dư luận xã hội những ngày này đang “dậy sóng” khi cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tố cáo bị lãnh đạo trường trù dập, bị học sinh cư xử hỗn láo...

Dư luận cũng băn khoăn vì sao sự việc lại xảy ra với cô Tuất (đã có 30 năm kinh nghiệm dạy học), nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, từng đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Cơ quan thanh tra đã vào cuộc làm rõ những khuất tất, bởi minh bạch là điều duy nhất để khép lại những điều không hay đang xảy ra ở ngôi trường này.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về sự việc này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Tôi hoàn toàn không có ý định đánh giá ai đúng, ai sai từ phía cô giáo và nhà trường. Tôi được biết việc này thanh tra Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đã vào cuộc và sẽ có câu trả lời rõ ràng cho vụ việc này.

Tôi chỉ quan tâm tới việc có một số người lớn đã lôi học trò vào việc 'đấu tố' cô giáo đang dạy mình. Vậy truyền thống tôn sư trọng đạo ở đâu? Tại sao môi trường sư phạm lại có chuyện phản giáo dục như thế?

Tôi đã được xem clip xuất hiện một em học sinh được cho là học lớp 5 ở trường nơi cô Tuất giảng dạy, nói rằng cô Tuất đã không làm tốt nhiệm vụ, không quản lý lớp để các bạn quậy phá…

Trong clip này tôi được nghe những từ ngữ không thể do một cháu bé học sinh cấp tiểu học nói ra là đã gửi đơn lên Hiệu trưởng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vậy phải làm rõ xem cháu bé này có đúng là học sinh cô Tuất dạy không? Có đúng đây là suy nghĩ của học sinh lớp 5 không hay có ai đó đã chắp bút viết ra cho học sinh đó đọc?

Nếu có ai đó dàn dựng thì phải làm rõ để xử lý nghiêm vì đã làm tổn hại tới hình ảnh nhà trường, và đó cũng là hành vi vu khống, bịa đặt bôi nhọ danh dự người khác và theo Luật đã quy định thì người đăng tải clip này cần được các cơ quan chức năng xử lý, điều tra làm rõ động cơ.

Tôi thấy rằng lôi kéo trẻ nhỏ vào việc này là hành vi vô đạo đức, việc này không nên tồn tại trong nhà trường và xã hội”.

Thầy Nguyễn Văn Ngọc nói rằng, lôi kéo trẻ nhỏ vào sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Sài Sơn B là hành vi vô đạo đức và các cơ quan chức năng cần làm rõ việc này. Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Nguyễn Văn Ngọc nói rằng, lôi kéo trẻ nhỏ vào sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Sài Sơn B là hành vi vô đạo đức và các cơ quan chức năng cần làm rõ việc này. Ảnh: Tùng Dương.

Vụ việc cô Tuất tố đang gây "sóng gió dư luận", phía cô Tuất và nhà trường đã đưa ra những thông tin khác nhau và dù đúng sai thế nào thì việc đưa học trò vào vụ việc là không thể chấp nhận được dù nhìn ở bất kỳ góc độ nào.

"Đây là việc làm rất xấu, nó sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc với những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng còn quá nhỏ chưa kịp nhận ra điều gì đang xảy ra.

Theo tôi cần phải có những hành động mạnh để giữ đoàn kết nội bộ giữa các thầy cô, giữa nhà trường với vợ chồng cô giáo Tuất, việc này nhằm tôn trọng, trả lại danh dự của những người giáo viên, đồng thời cũng ổn định hoạt động dạy và học của trường”, thầy Ngọc chia sẻ.

Theo thầy Nguyễn Phú Cường, nếu đúng là trong ngôi trường này đang xảy ra chuyện học sinh hỗn láo với giáo viên thì phải làm rõ, xử lý dứt điểm. Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Nguyễn Phú Cường, nếu đúng là trong ngôi trường này đang xảy ra chuyện học sinh hỗn láo với giáo viên thì phải làm rõ, xử lý dứt điểm. Ảnh: Tùng Dương.

Đồng quan điểm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng hệ thống Giáo dục Lômônôxốp Hà Nội, cho biết: “Tôi đã dạy học rất nhiều năm nhưng không thể tưởng tượng nổi ngay giữa Thủ đô lại có những em học sinh như vậy, có thể nói là vô giáo dục nếu các em đã thực hiện những hành vi xấu nhằm vào cô giáo của mình.

Một ngôi trường tiểu học, nơi đào tạo những mầm non của đất nước mà lại có những học sinh như vậy sao? Không thể tin nổi! Tôi không bàn đến việc cô giáo ra sao, nhưng nếu học sinh ngỗ ngược và ban giám hiệu không biết thì cũng thật kỳ lạ.

Theo như cô Tuất phản ánh và một số phương tiện truyền thông đăng tải thì sự việc học sinh không chịu học, phá phách trong giờ học đã diễn ra từ lâu, không phải chỉ một lần.

Nếu đúng như vậy thì chất lượng giáo dục ở lớp đó thế nào, liệu các em học sinh trong lớp đó có đủ kiến thức để lên lớp cao hơn hay không? Câu hỏi này để ban giám hiệu Trường Tiểu học Sài Sơn B trả lời là rõ nhất.

Một ngôi trường có những học sinh đánh giáo viên, phá phách, có đạo đức kém như thế thì kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Ban giám hiệu thế nào, có thật tốt, có thật xuất sắc không? Việc này hãy để Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Quốc Oai trả lời”.

Theo thầy Cường: “Chúng ta đang thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, lấy người học làm trung tâm và áp dụng việc kỷ luật tích cực với học sinh, nhưng với những học sinh quậy phá thì cần phải có biện pháp giáo dục mạnh hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên - phụ huynh - nhà trường. Sự việc bùng nhùng như vậy mà để xảy ra quá lâu sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh... cần phải được xem xét thấu đáo, công bằng, công khai, minh bạch để xử lý dứt điểm".

Tùng Dương