Học viện Múa Việt Nam đào tạo “văn hoá” chui?

02/04/2021 07:00
Tùng Dương
GDVN- Học 7 năm nhưng không em nào được cấp bằng tốt nghiệp, không thể học lên cao hơn, không thể xin việc làm vì Học viện Múa đào tạo nhưng không cấp bằng văn hóa.

Năm 2017, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ cho phép trường Cao đẳng múa Việt Nam đào tạo ngành Nghệ thuật biểu diễn kịch múa và Nghệ thuật biểu diễn múa Dân gian dân tộc trình độ trung cấp.

Tuy nhiên, nhà trường đã “tự ý” tuyển sinh và tổ chức đào tạo các lớp hệ cao đẳng liên thông đối với hai ngành đào tạo này. Chính vì vậy, các em học sinh đang theo học tại trường buộc phải thi tốt nghiệp trình độ Trung cấp sau nhiều năm theo học tại trường.

Tháng 01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Học viện Múa Việt Nam. Trường được nâng cấp lên thành Học viện Múa Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chịu sự quản lý về Giáo dục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 2017. Trước đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Trần Văn Hải - Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết: “Giai đoạn Học viện Múa Việt Nam bắt đầu tuyển hệ đào tạo trên đã có sơ suất không đăng ký rõ với Bộ Giáo dục & Đào tạo đây là chương trình tích hợp đầu vào trung cấp, đầu ra cao đẳng, mà chỉ đăng ký với Bộ Giáo dục & Đào tạo hệ cao đẳng". Ảnh: Tùng Dương.

Ông Trần Văn Hải - Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết: “Giai đoạn Học viện Múa Việt Nam bắt đầu tuyển hệ đào tạo trên đã có sơ suất không đăng ký rõ với Bộ Giáo dục & Đào tạo đây là chương trình tích hợp đầu vào trung cấp, đầu ra cao đẳng, mà chỉ đăng ký với Bộ Giáo dục & Đào tạo hệ cao đẳng". Ảnh: Tùng Dương.

Ban giám hiệu mới đổ lỗi cho “quá khứ”?

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 1/4, ông Trần Văn Hải - Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết: “Học viện đã xác định nhóm sinh viên học "hệ liên thông trung cấp cao đẳng" không lấy được bằng trung cấp chuyên nghiệp là 273 em. Cộng cả các em đang theo học là 325 học viên”.

Theo ông Hải: “Từ năm 2012, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch đã phê duyệt chương trình đặc thù "hệ liên thông trung cấp và cao đẳng" tích hợp đào tạo cả chuyên môn và kiến thức văn hóa. Giai đoạn một là trung cấp, giai đoạn hai là cao đẳng.

Thí sinh được tuyển vào từ lứa 11, 12 tuổi được đào tạo liền đến năm 18 tuổi và được cấp bằng cao đẳng luôn. Cách đào tạo nói trên khác với quy trình thông thường học sinh phải tốt nghiệp trung cấp, có bằng trung cấp mới được thi vào hệ cao đẳng.

Ông Hải cho biết vào giai đoạn Học viện Múa Việt Nam bắt đầu tuyển hệ đào tạo trên đã có sơ suất không đăng ký rõ với Bộ Giáo dục & Đào tạo đây là chương trình tích hợp đầu vào trung cấp, đầu ra cao đẳng, mà chỉ đăng ký với Bộ Giáo dục & Đào tạo hệ cao đẳng. Do đó Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ cấp phôi bằng cao đẳng cho học viện và không cấp phôi bằng trung cấp.

Giải pháp Học viện Múa Việt Nam đưa ra là đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép Học viện Múa in phôi bằng trung cấp chuyên nghiệp cấp bù cho 273 em chưa được cấp bằng.

Với bằng này các em có thể học lên đại học tại các trường trong hệ thống Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch, ngoài ra những bằng này không có giá trị khi các em thi vào các trường đại học khác, thậm chí xin vào trường mần non để dạy múa cũng không được.

Ngoài ra những học viên khác muốn có bằng Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để có thể thi vào các trường đại học khác, theo nghề khác, Học viện Múa sẽ liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên để học viên theo học tiếp lấy bằng văn hóa.

Còn với trường hợp 273 em học theo hệ đào tạo cũ, hướng giải quyết của Học viện Múa Việt Nam là xin phép Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép học viện cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và cho phép 273 em dùng giấy này đi đăng ký học bù những môn học viện dạy còn thiếu so với cấu trúc của Trung tâm Giáo dục thường xuyên để lấy bằng Trung học phổ thông quốc gia.

Nhưng tất cả việc xin phép các Bộ trên mà ông Hải đưa ra mới chỉ là dự định, còn khi được hỏi kết quả ra sao, có được các Bộ này đồng ý hay không, bao giờ có thì ông Hải không trả lời. Tham dự cuộc gặp gỡ báo chí này có bà Nguyễn Thúy Nga - Chủ tịch Hội đồng trường và ông Lê Hải Minh - Phó giám đốc Học viện Múa Việt Nam.

Phụ huynh và học viên nói gì?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em H.N.V sinh năm 2001 là học viên Học viện Múa Việt Nam, hệ cao đẳng chính quy, lớp diễn viên múa khóa 2 cho biết:

Trong 7 năm học tại Học viện Múa (từ 2013 tới 2020), V. hoàn thành mọi chương trình học theo yêu cầu của nhà trường, bao gồm cả chương trình học văn hóa và học chuyên ngành múa. Em cũng đưa ra đầy đủ bản điểm tổng kết các môn học văn hóa tại học viện làm bằng chứng cho việc chấp hành đầy đủ các môn học.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Múa Việt Nam, H.N.V được nhà trường trao cho tấm bằng tốt nghiệp hệ Cao đẳng chính quy chuyên ngành múa. Em H.N.V thi tiếp vào Trường Đại học Sân khấu điện ảnh đạt được điểm cao, đủ tiêu chuẩn đỗ vào ngành Biên đạo múa. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng theo học ở đây, H.N.V được nhà trường thông báo hồ sơ của em không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông nên em không đủ điều kiện để tiếp tục theo học tại trường này.

Giấy triệu tập và giấy báo nhập học của Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Giấy triệu tập và giấy báo nhập học của Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Đó chỉ là 1 trong số hàng trăm học viên đã tốt nghiệp Học viện Múa Việt Nam bị rơi vào tình cảnh như vậy. Các em ra trường nhưng không có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dẫn đến không đủ điều kiện để cấp bằng Cao đẳng nghề.

Chị Phạm Thị Thanh Thủy, phụ huynh có con theo học tại Học viện Múa Việt Nam, tại buổi gặp báo chí chiều 1/4, cho biết: Con chị và các bạn cùng khóa khi ra trường không nhận được bằng tốt nghiệp văn hóa cấp 2, cấp 3 phổ thông, thậm chí có nhiều em không nhận được bằng chuyên môn. Chưa có bằng phổ thông thì làm sao có bằng Cao đẳng?

Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các học viên, phần lớn các con sau khi ra trường nếu không có bằng sẽ không thể tiếp tục theo học lên cao hơn nữa, không có bằng chuyên môn cũng đồng nghĩa không tìm được việc làm. Đây là vấn đề rất bức xúc cho các học viên và gia đình các em theo học tại Học viện Múa Việt Nam.

"Không có bằng cấp các con sẽ rất thiệt thòi so với các bạn có bằng, nếu tham gia vào các vũ đoàn, các nhà hát…thì theo Luật lao động các con phải có bằng văn hóa mới được ký hợp đồng hoặc vào biên chế. Ngoài ra thực tế khi tham gia hoạt động chuyên môn các con chỉ nhận được tiền thù lao như những lao động phổ thông. Nếu các con đi dạy múa thì chỉ được tính thù lao theo giờ ”, chị Thủy nói.

Trách nhiệm thuộc về Ban giám hiệu Học viện Múa Việt Nam

Có con theo học và đã tốt nghiệp tại Học viên Múa Việt Nam, ông Hoàng Mạnh Cường cho biết: “Khi vào học tại Học viện Múa Việt Nam thì hầu hết các con đã học hết lớp 6 tại các trường phổ thông công lập, khi vào học theo yêu cầu của Học viện Múa các con phải rút toàn bộ hồ sơ học bạ… của lớp 6 để nộp vào Học viện Múa.

Điều đó đồng nghĩa các con sẽ học văn hóa trong Học viện Múa vì tất cả học bạ, hồ sơ các trường bên ngoài đã rút rồi thì các con không thể theo học các trường phổ thông bên ngoài được nữa. Trong phiếu báo chiêu sinh và nhập học tại Học viện Múa Việt Nam có ghi rõ các con sẽ học song song cả văn hóa và chuyên môn.

Còn nếu như Học viện Múa Việt Nam thông báo rõ các con học ở đây sẽ không có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì chúng tôi sẵng sàng cho các con học văn hóa ở các trường phổ thông công lập và chỉ theo học chuyên môn tại Học viện Múa. Đó chính là cái mập mờ của Ban giám hiệu Học viện Múa Việt Nam”.

Chị Phạm Thị Thanh Thủy cho biết: "Nếu không có bằng cấp thì thực tế khi tham gia hoạt động chuyên môn các con chỉ nhận được tiền thù lao như những lao động phổ thông. Nếu các con đi dạy múa thì chỉ được tính thù lao theo giờ ”. Ảnh: Tùng Dương.

Chị Phạm Thị Thanh Thủy cho biết: "Nếu không có bằng cấp thì thực tế khi tham gia hoạt động chuyên môn các con chỉ nhận được tiền thù lao như những lao động phổ thông. Nếu các con đi dạy múa thì chỉ được tính thù lao theo giờ ”. Ảnh: Tùng Dương.

Tại buổi gặp gỡ Báo chí, chị Nguyễn Hồng Nhung có con theo học tại Học viện Múa Việt Nam bức xúc nói:

“Ban giám hiệu Học viện Múa quá vô trách nhiệm, con em chúng tôi 18 tuổi và đã làm cái gì từ năm 2013 cho đến nay mà để bây giờ năm 2021 quay trở lại học văn hóa lớp 7? Bị hủy toàn bộ kết quả học văn hóa vì không có mã định danh. Vậy con chúng tôi “chui” ở đâu, làm cái gì trong suốt thời gian đó? Tôi nghe ông Hải nói như vậy thực sự là “choáng” luôn.

Chúng tôi vô cùng hoang mang và lo lắng, không thể chấp nhận sự tắc trách này của Ban giám hiệu Học viện Múa Việt Nam. Rõ ràng các con đã mất đi quyền lợi chính đáng, đặc biệt ảnh hưởng đến tương lai, không đủ điều kiện tiếp tục đăng ký thi và học chuyên nghành ở các trường đại học khác.

Trong khi toàn bộ chương trình văn hóa các học viên đã và đang học đầy đủ theo quy định của Học viện Múa Việt Nam nên giải pháp học "học lại" mà Học viện Múa Việt Nam đưa ra là không khả thi và không thể chấp nhận. Không thể vì sự "vô tình" làm sai quy định của ban giám hiệu đã chôn vùi cả một thế hệ học sinh bằng việc học lại toàn bộ chương trình văn hóa 6 năm nữa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Điều mà các học viên cần bây giờ là bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia chứ không phải là bằng văn hóa của Học viện Múa cấp cho có, học trong ngành dọc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì được, thi vào trường khác thì bằng này không có giá trị ”.

Tùng Dương