Hội phụ huynh học viên từ khóa 40 đến khóa 43 đang học hệ trung cấp, và sinh viên từ K2 đến K6 đang học hệ cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam đã kêu cứu về vấn đề bằng cấp của 325 học viên, sinh viên này sau khi tốt nghiệp Học viện Múa Việt Nam
Các phụ huynh cho biết con em họ học xong lớp 6 tại các trường trung học cơ sở công lập đã được Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) tuyển sinh vào hệ trung cấp, cao đẳng.
Khi nhập học, trường này đã cam kết sẽ đào tạo cả chuyên môn múa và chuyên môn văn hóa cho con em của họ. Nhưng vào tháng 5/2020, Học viện Múa Việt Nam thông báo tới học viên, sinh viên sẽ phải thi trung cấp để ra trường.
Những phụ huynh đang có con học cao đẳng đều rất ngỡ ngàng khi con em của họ đang học hệ cao đẳng lại phải quay lại thi tốt nghiệp trung cấp. Nhưng sau đó các gia đình này bất ngờ hơn nữa khi biết không những con của họ không thể lấy được bằng trung cấp, mà còn không có bằng Trung học cơ sở cũng như bằng Trung học phổ thông.
Hàng trăm học viên đã tốt nghiệp Học viện Múa Việt Nam nhưng không thể lấy được bằng trung cấp, mà còn không có bằng Trung học cơ sở cũng như bằng Trung học phổ thông. Ảnh: Tùng Dương. |
Anh Hoàng Mạnh Cường có con đã tốt nghiệp khóa diễn viên múa K1, khi thi vào Trường Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội và cháu mới học được 1 tháng thì nhà trường thông báo cháu không đủ điều kiện theo học bởi không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Anh Cường quay trở lại Học viện Múa Việt Nam và sau rất nhiều lần mới được Ban giám hiệu nhà trường thông báo đó là sự thật và nhà trường cũng không biết phải giải quyết thế nào?
Được biết từ năm 2012 đến 2017, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (tại Hà Nội) liên tục tuyển sinh các lớp Cao đẳng liên thông ngành Diễn viên múa, thời gian đào tạo 6,5 năm các lớp Nghệ thuật Biểu diễn kịch múa và 4,5 năm với các lớp Nghệ thuật biểu diễn múa Dân gian dân tộc.
Hàng trăm học sinh đã trúng tuyển và đang theo học tại trường. Vì đặc thù đào tạo ngành năng khiếu, bởi vậy thí sinh trúng tuyển có tuổi đời còn nhỏ từ 12 tuổi, học hết lớp 6. Các em học song song chương trình đào tạo văn hóa bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và các môn chuyên ngành múa.
Nhưng trớ trêu thay, đến tháng 5/2020, khi các lớp Nghệ thuật biểu diễn kịch múa khóa 4 (2015 - 2022) còn gần 2 năm nữa mới kết thúc, thì nhà trường thông báo học sinh buộc phải thi tốt nghiệp trình độ Trung cấp và ra khỏi trường (không được học lên bậc cao đẳng tại Học viện).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Cung Thị Hải có con theo học Học viện Múa Việt Nam và chị cũng là đại diện cho 325 phụ huynh của học viện về sự việc này, cho biết:
“Tất cả con chúng tôi gồm 325 học sinh, sinh viên đã tham gia thi và trúng tuyển vào trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) từ năm 2013 đến nay theo đúng quy trình mà học viện quy định, với kết quả tuyển sinh được công bố trên Website của Học viện Múa Việt Nam và giấy triệu tập trúng tuyển tới từng học sinh, sinh viên.
Khi học sinh, sinh viên nhập học nhà trường yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có học bạ tối thiểu hết lớp 6 hoặc hồ sơ học sinh, sinh viên bản gốc để tiếp tục thực hiện việc đào tạo song song văn hóa và chuyên môn múa theo ngành học trúng tuyển.
Toàn bộ học sinh nhập học tại Học viện Múa Việt Nam chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở, trung học phổ thông được tổ chức đào tạo tiếp tục về văn hóa tiếp theo trình độ trong học bạ đã nộp với hình thức đào tạo song song các môn chuyên ngành múa và các môn văn hóa tại học viện.
Qua theo dõi các con học, chúng tôi nhận thấy việc đào tạo văn hóa tại học viện rất bài bản không khác gì các trường phổ thông công lập trước đó các con đã học với đầy đủ các môn văn hóa. Việc tổ chức học khá quy củ, có thời khóa biểu, có kiểm tra, có thi học kỳ, có báo điểm đầy đủ về cho phụ huynh học sinh.
Những em có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu học viện đều cho ôn thi lại và xét duyệt lên lớp hàng năm. Cuối năm lớp 9 khi kết thúc bậc học Trung học cơ sở, Học viện Múa Việt Nam đều tổ chức cho các học sinh thi chuyển cấp với hai môn Văn - Toán. Những học sinh đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được đào tạo lớp 10.
Sau khi học hết lớp 12, Học viện Múa Việt Nam tổ chức các kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với ba môn Văn - Sử - Địa. Tuy nhiên, tất cả học sinh đều không nhận được Bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở, trung học phổ thông?”.
Anh Hoàng Mạnh Cường có 2 con cũng theo học tại Học viện Múa Việt Nam cho biết: “Toàn bộ hồ sơ tuyển sinh và giấy báo triệu tập học sinh, sinh viên khi trúng tuyển tại học viện đều ghi rõ hệ đào tạo Trung cấp hoặc Cao đẳng theo chuyên ngành và số năm đào tạo tương ứng (từ 3-6,5 năm).
Trong quá trình học tại Học viện Múa Việt Nam học sinh, sinh viên học đầy đủ các môn chuyên môn múa: Ba-lê, dân gian, đương đại, kỹ thuật biểu diễn, xướng âm, … theo quy định có thời khóa biểu, có tổ chức kì thi (2 lần/năm), có Hội đồng chấm thi, có bảng điểm đầy đủ cho từng môn thi. Trước khi kết thúc chương trình học, học sinh, sinh viên phải tham gia buổi thi tốt nghiệp với các môn nhà trường quy định.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay toàn bộ học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo vẫn chưa được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng chuyên nghiệp”.
Bảng điểm và các môn học văn hóa của học sinh tại Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương. |
Ban giám hiệu Học viện Múa Việt Nam nói gì?
Theo anh Cường: “Ngày 16/1/2021 Học viện Múa Việt Nam triệu tập toàn bộ phụ huynh học sinh đến trường để trao đổi về vấn đề văn hóa phổ thông. Ông Nguyễn Hải Minh - Phó giám đốc Học viện cho biết lý do học sinh sinh viên không được cấp bằng vì: Ngày 14/12/2017 Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ra giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với Học viện Múa Việt Nam chỉ được đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp không có đào tạo văn hóa.
Mặc dù vậy do sơ xuất từ năm 2017 Học viện Múa Việt Nam không liên kết với các cơ sở đào tạo văn hóa đủ điểu kiện mà vẫn tự tiếp tục đào tạo bình thường như trước đây và không thông báo tới phụ huynh học sinh.
Hậu quả toàn bộ học sinh phổ thông học tại Học viện Múa Việt Nam không có mã định danh được theo dõi trong phần mềm quản lý giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hà Nội, dẫn tới việc tất cả các học sinh này không được cấp bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Do đó không đủ điều kiện để được cấp bằng bằng Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng chuyên nghiệp hoặc Cao đẳng chuyên nghiệp như đăng ký thi tuyển đầu vào của học viện.
Giải pháp của Học viện Múa Việt Nam đưa ra là toàn bộ học sinh khi nhập học tại học viện chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đều phải học quay đầu về văn hóa, tức là học lại toàn bộ chương trình văn hóa từ khi học sinh bắt đầu vào học tại Học viện Múa Việt Nam với một đơn vị liên kết đủ điều kiện đào tạo về văn hóa”.
Chi Hải nói: “Là bố mẹ, chúng tôi vô cùng hoang mang và lo lắng. Chúng tôi không thể chấp nhận sự tắc trách của một đơn vị đào tạo nghệ thuật Múa đầu ngành, được hưởng các chế độ đãi ngộ ưu tiên của nhà nước mà một tầm bằng Trung học cơ sở tối thiểu không có.
Rõ ràng các con chúng tôi đã mất đi quyền lợi chính đáng, đặc biệt ảnh hưởng đến tương lai học tập của các con. Bởi không đủ điều kiện tiếp tục đăng kí thi và học chuyên nghành khác với trình độ tương đương hoặc cao hơn, không đủ điều kiện nhập học dù thi đỗ tại các trường đại học với trình độ cao hơn ở các chuyên ngành tương đương cùng khối văn hóa nghệ thuật”.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm cho bạn đọc về sự việc này!
Trước năm 2018, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông (học 7 môn văn hóa bắt buộc). Người học sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để nhận bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Ngoài ra, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông (4 môn) cũng được tham dự kỳ thi đại học.
Tuy nhiên kể từ năm 2019, Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật giáo dục năm 2019, để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học được.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc thêm văn hóa cho học sinh của mình, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.