Bài thi Ngữ văn tốt nghiệp lớp 12 phải trúng, đúng, đủ ý, tránh lan man

14/04/2021 08:37
Tùng Dương
GDVN- Văn học bắt nguồn từ đời sống xã hội, khi làm văn đừng nghĩ rằng chỉ là những câu từ trên trang giấy mà cần phải đưa nó trở lại với cuộc sống, phục vụ đời sống.

Sắp bước vào kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, để giúp học sinh có phương pháp ôn tập tốt và làm bài thi hiệu quả môn Ngữ văn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Trịnh Thị Hà Giang - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Cô Giang đã có gần 19 năm ôn luyện cho học sinh môn Ngữ văn.

Cô Trịnh Thị Hà Giang: "Hãy tin vào năng lực và suy nghĩ của chính mình chứ đừng quan niệm chỉ những bài văn mẫu, bài văn của giáo viên dạy mới được điểm cao. Quan trọng là nắm chắc kỹ năng làm bài thì bất kể một đề thi nào các em đều có thể làm tốt”. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Trịnh Thị Hà Giang: "Hãy tin vào năng lực và suy nghĩ của chính mình chứ đừng quan niệm chỉ những bài văn mẫu, bài văn của giáo viên dạy mới được điểm cao. Quan trọng là nắm chắc kỹ năng làm bài thì bất kể một đề thi nào các em đều có thể làm tốt”. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Giang cho biết: “Dựa vào đề thi tham khảo môn Ngữ văn tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay của Bộ vừa công bố, có thể nói giáo viên và các em học sinh lớp 12 cần ôn tập, bám sát vào cấu trúc của đề thi đó.

Phần đọc hiểu theo đề thi mà Bộ đưa ra ở mức rất cơ bản, những học sinh trung bình cũng đều có thể làm được. Kiến thức phần đọc hiểu cũng không đòi hỏi các em phải vận dụng quá nhiều kiến thức về Tiếng Việt và làm Văn. Chỉ xoay quanh câu hỏi mang tính nhận biết về thể thơ, về từ ngữ, thể hiện nội dung của bài.

Hoặc những câu hỏi thông hiểu. Ví dụ trong câu 3 của đề đọc hiểu thì "những dòng thơ sau giúp anh chị hiểu gì về mảnh đất và con người miền Trung", nó chỉ đòi hỏi độ thông hiểu của học sinh ở mức cơ bản.

Ngay như ở câu 4 cũng là vận dụng kết hợp với thông hiểu nhưng cũng ở mức độ cơ bản. Nói chung ở phần đọc hiểu học sinh cũng cảm thấy yên tâm, quan trọng là phải biết kỹ năng nhận biết các dạng câu hỏi và xác định đúng yêu cầu của câu hỏi để trả lời cho trúng.

Tôi có hơn 18 năm dạy môn Ngữ văn lớp 12 và cũng luôn theo dõi, phân tích qua nhiều năm thấy cấu trúc đề thi không thay đổi, bao gồm hai phần. Phần thứ nhất là đọc hiểu, đề thi đưa ra ngữ liệu ngoài chương trình có thể là thơ hoặc Văn xuôi. Sau đó sẽ có 4 câu hỏi yêu cầu trả lời, 4 câu này được sắp xếp theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Phần này học sinh lưu ý phải nắm được những đơn vị kiến thức Tiếng Việt và làm văn cơ bản. Phải nắm được các phương thức biểu đạt, các phong cách ngôn ngữ, các thao tác lập luận, nhận biết và phân tích được tác dụng của các biện pháp tu từ thường gặp.

Ví dụ các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, phép liệt kê, câu hỏi tu từ…đó là những biện pháp tu từ thường gặp. Học sinh cần phải biết cách trả lời những dạng câu hỏi trong phần đọc hiểu.

Ngoài những câu hỏi về nhận biết các biện pháp nghệ thuật hay phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ thao tác lập luận thì còn phải biết cách trả lời những dạng câu hỏi theo cấu trúc "Anh hay Chị hiểu như thế nào". Với dạng câu hỏi hiểu như thế nào về một ý kiến nào đó thì các em chú ý bao giờ cũng phải vận dụng thao tác lập luận giải thích để giải quyết câu hỏi này.

Nếu là một câu yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm như thế nào thì các em cần giải thích qua hai bước. Thứ nhất phải giải thích các từ khóa, từ quan trọng. Thứ hai giải thích khái quát ý nghĩa của cả câu đó.

Trong phần đọc hiểu cũng hay xuất hiện những câu hỏi như tại sao, vì sao. Khi có dạng câu hỏi này các em phải vận dụng thao tác lập luận chứng minh để giải quyết, đưa ra những lý lẽ để làm sáng tỏ vấn đề câu hỏi tại sao.

Cũng rất hay có những câu hỏi: "Theo văn bản tác giả cho rằng…là như thế nào?" Với những câu hỏi dựa vào văn bản hay theo tác giả, hay trong văn bản thì học sinh phải lấy câu trả lời ở chính văn bản đó. Còn nếu với câu "theo Anh, Chị vì sao?", lúc này học sinh cần đưa ra quan điểm cá nhân của mình.

Trong 4 câu phần đọc hiểu có một câu thường xuyên xuất hiện trong đề, câu số 4. Là câu học sinh phải vận dụng, nêu ra quan điểm của mình và liên hệ với thực tế. Câu hỏi phần này thường có dạng: Anh chị có đồng tình với quan niệm A hay không? Vì sao?

Với dạng câu hỏi như thế, học sinh có thể đưa ra 3 quan điểm như đồng tình, đồng tình một phần và không đồng tình. Quan trọng ở đây không phải là quan điểm đồng tình hay không, mà học sinh phải đưa ra được những quan điểm của mình, lý lẽ thuyết phục người chấm bài khi đưa ra quan điểm đó.

Dung lượng trình bày phần đọc hiểu chỉ nên khoảng một mặt giấy thi. Câu đồng tình hay không cũng chỉ từ 8 đến 10 dòng là đẹp, quan trọng nhất phần này là trả lời trúng yêu cầu câu hỏi, đúng về mặt kiến thức, phải đầy đủ các ý, trình bày rõ ràng mạch lạc”.

Cô Trịnh Thị Hà Giang và học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: GVCC.

Cô Trịnh Thị Hà Giang và học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: GVCC.

Lưu ý phần làm bài Văn

Cô Giang nói: “Câu hỏi nghị luận xã hội quan trọng nhất học sinh phải có những kỹ năng viết đoạn văn, phần này yêu cầu viết khoảng 200 từ. Khi ôn tập các em phải luyện viết thường xuyên.

Đoạn văn nghị luận xã hội thường có cấu trúc, có khung để học sinh dựa vào đó để triển khai ý. Câu hỏi ở phần này là: Anh chị hãy bày tỏ suy nghĩ về một vấn đề nào đó của xã hội, và thường những vấn đề đó mang tính thời sự.

Ví dụ đề tham khảo năm nay có một chủ đề quen thuộc nhưng vẫn vô cùng mới mẻ, nóng hổi, đó là sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách. Vậy nên học sinh cũng cần để ý vấn đề thời sự của đất nước.

Cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội về hình thức cũng giống như những đoạn văn khác, có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Trong phần mở đoạn các em cần phải giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, ví dụ đề thi yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về sức mạnh của tình người trong hoạn nạn khó khăn…vậy trong phần mở đoạn học sinh có dẫn dắt thế nào cũng phải nêu được vấn đề cần nghị luận đó vào trong phần mở đoạn, nhớ là dung lượng đoạn văn có hạn nên không được dẫn dắt dài dòng, hoặc có thể mở đoạn trực tiếp luôn.

Phần thân đoạn cần giải thích vấn đề, đầu tiên giải thích những từ khóa. Nếu đưa ra một nhận định thì cần nếu ý nghĩa cả câu rồi sau đó đưa ra quan điểm của mình về vấn đề đó, có đồng tình hay không thì đều phải đưa ra lý lẽ thuyết phục, kết hợp với dẫn chứng điển hình, cụ thể.

Để làm được việc này khi ôn tập các em phải chuẩn bị cho mình vài dẫn chứng, những con người, những vụ việc mới nhất, càng thời sự càng ăn điểm. Tránh những dẫn chứng quá cũ mòn mặc dù vẫn đúng nhưng cũng không nên dùng nữa.

Sau khi nêu lý lẽ, các em cần mở rộng nâng cao vấn đề và không thể thiếu trong đoạn văn đó phải nêu ra được những bài học, những giải pháp cho vấn đề đó. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần có giải pháp loại bỏ khỏi đời sống và ngược lại nếu tốt thì cần lan tỏa. Đó là trả lời cho câu hỏi: Cần phải làm gì”.

Theo cô Giang: “Kết đoạn là phần quan trọng để tạo dư âm, ấn tượng cho đoạn văn đối với người chấm bài, học sinh có thể kết bằng một thông điệp nào đó, có thể nêu một câu hỏi tu từ, một lời kêu gọi hoặc một câu danh ngôn.

Trong đoạn văn nghị luận xã hội ngoài phần trình bày cần đủ dung lượng tầm 200 từ, đi vào đúng trọng tâm, không quá dài. Ví dụ “Thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần xây dựng đất nước vững mạnh”, vậy các em nêu tập trung vào các biện pháp cụ thể, đó chính là trọng tâm, 1 là gì và 2 là gì, tránh tả lan man.

Đây là đoạn văn thể hiện quan điểm cá nhân của học sinh, vậy nên càng nêu được rõ quan điểm nhưng vẫn đúng với đạo đức, chuẩn mực và pháp luật là đạt yêu cầu.

Lưu ý khi hành văn các em nên đan xen nhiều kiểu câu để thay đổi giọng văn, nên tưởng tượng có một người đang trò chuyện với mình, không chỉ dùng toàn những câu trần thuật mà cần thêm những câu hỏi tu từ, những câu cầu khiến, câu cảm thán…để người chấm thấy đoạn văn hấp dẫn hơn, tránh đều đều một chiều”.

Với bài văn nghị luận văn học, cô Giang nói: “Đây là câu chiếm số điểm nhiều nhất, các em có đạt điểm cao hay không đều phụ thuộc rất lớn ở câu này.

Ngoài phần kiến thức giảm tải, đề thi vẫn có sự phân hóa học sinh với sự phân tích một đoạn trích A rồi từ đó nhận xét về vấn đề B, C liên quan đến một khía cạnh trong tác phẩm về nội dụng hoặc nghệ thuật. Đối với dạng đề này thì nội dung kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 12.

Học sinh cần ôn tập đọc kỹ văn bản, với thơ thì cần học thuộc, truyện thì cần tóm tắt được cốt truyệt. Đối với tác phẩm văn xuôi cần nắm chắc nội dung, các luận điểm quan trọng vậy nên cần đọc thật kỹ để nắm được từng chi tiết, biết được trong tác phẩm đó những đoạn nào là quan trọng vì không phải đoạn nào cũng như nhau.

Những kiến thức cơ bản cần học thuộc vì nó đòi hỏi sự chính xác về năm sáng tác, về đặc điểm, về phong cách nghệ thuật tác giả. Phần phân tích các em có thể dựa trên ý chính để bày tỏ quan điểm của mình”.

Cô Trịnh Thị Hà Giang và học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô trong giờ học Ngữ văn phân tích tác phẩm "Vợ nhặt". Ảnh: GVCC.

Cô Trịnh Thị Hà Giang và học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô trong giờ học Ngữ văn phân tích tác phẩm "Vợ nhặt". Ảnh: GVCC.

Làm bài nghị luận văn học

Cô Giang chia sẻ: “Đối với dạng bài phân tích một đoạn trích văn xuôi rất cần học sinh nắm chắc văn bản, đoạn đó có quan hệ thế nào với cả cấu trúc trong cả bài văn.

Khi làm bài phải đầy đủ kết cấu những luận điểm cơ bản của bài văn. Mở bài các em có thể dẫn dắt về đề tài rồi mới dẫn vào tác phẩm. Còn nếu không dẫn dắt từ đề tài thì cũng có thể dẫn dắt từ nhận định về cá tính sáng tạo hoặc phong cách nghệ thuật của tác giả…Nhưng quan trọng nhất trong mở bài là phải nêu được vấn đề cần bàn luận.

Phần thân bài khi triển khai thường có ba luận điểm chính. Thứ nhất là khái quát về tác phẩm, trước khi phân tích đoạn cần đặt đoạn đó trong chỉnh thể tác phẩm.

Thứ hai là luận điểm trung tâm cần phân tích chi tiết đoạn trích ở đề, phân tích đoạn đó làm sáng tỏ yêu cầu của đề, bám sát vào từ ngữ câu văn trong đoạn trích đó và tuyệt đối không được phân tích các đoạn khác trong tác phẩm.

Các em thường có một lỗi khi đề ra phân tích một đoạn văn thì lại phân tích cả bài văn, cả những đoạn khoác không nằm trong đề bài. Hết sức chú ý chỉ phân tích những gì có trong đoạn trích mà thôi.

Các em nên nhớ văn học bắt nguồn từ đời sống và chức năng của văn học cũng là phục vụ đời sống xã hội. Học tác phẩm văn học cũng như thế, vậy khi học văn đừng nghĩ rằng nó chỉ là những câu từ trên trang giấy mà cần đưa nó trở lại với đời sống.

Bằng kinh nghiệm sống của mình để vận dụng và phân tích tác phẩm, học sinh có thể liên hệ đến những vấn đề có trong đời sống, như vậy bài làm sẽ có chiều sâu và thuyết phục người chấm điểm.

Hãy tin vào năng lực và suy nghĩ của chính mình chứ đừng nghĩ chỉ những bài văn mẫu, bài văn của giáo viên dạy mới được điểm cao. Quan trọng là nắm chắc kỹ năng làm bài thì bất kể một đề nào các em đều có thể làm tốt”.

Tùng Dương