Cô giáo nhiều lần bật khóc trên hành trình đi tìm hạnh phúc của “sỏi, đá”!

30/03/2021 10:13
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Trên hành trình ấy, có lúc tôi thấy bế tắc, khủng hoảng, đã khóc, thậm chí nghĩ đến chuyện bỏ nghề vì nhiều rắc rối, khó khăn ập đến", cô Vân Khánh nhớ lại.

Cô giáo trẻ không kiềm được cảm xúc, nước mắt cứ trào ra: "Sao lớp mình lại như thế chứ, các con không biết thương cô à? Cô rất mệt mỏi và cảm thấy tất cả những cố gắng của cô với lớp đều như đổ xuống sông. Cô rất áp lực và thấy mình không phù hợp với lớp nữa". Và ngay lúc ấy, những đứa trẻ đã chủ động nói chuyện với nhau, chúng nhận ra lỗi lầm, rồi cùng nhau đoàn kết, cố gắng chăm ngoăn, mong cô đừng rời xa chúng!

Đó là câu chuyện mang đến rất nhiều cảm xúc mà cô Đào Vân Khánh - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12D Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) nhớ lại trên hành trình cùng học sinh của mình đi tìm yêu thương, hạnh phúc.

Xưa, các cụ đã có câu "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" - mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang cá tính khác nhau và khi bước vào lứa tuổi vị thành niên, theo xu hướng phát triển tâm lý, nhiều học sinh có sự "nổi loạn". Những học sinh mang cá tính mạnh luôn có chỉ số cảm xúc rất cao, có thể làm được những việc rất khó nếu yêu thích và ngược lại thì sẽ có xu hướng "chống đối".

Vấn đề đặt ra là các thầy, cô làm thế nào để trở thành những người vừa đóng vai trò trao truyền kiến thức, vừa trở thành người bạn thân thiết để các em sẵn sàng bộc lộ, chia sẻ và hạnh phúc thật sự mỗi ngày đến trường?

Cô Vân Khánh kể: “Mấy năm trước, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 11D8, đây là lớp thứ 19 của khối và cũng là lớp tuyển bổ sung mở mới hoàn toàn. Chưa bao giờ Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có tiền lệ như vậy sau nhiều lần điều chỉnh nhiệm vụ.

Nhớ nhất là ánh mắt tha thiết, câu nói đầy chân tình của thầy hiệu trưởng 'Tôi xếp cô Khánh vào lớp này là vì chuẩn bị cho những dự định xa hơn và nhất là chỉ có cô hợp với lớp đó'. Tôi đã xác định hành trình phía trước của mình sẽ thật nhiều chông gai và cả sự mong đợi của biết bao người, biết bao gia đình.

Lớp này có 30 thành viên đến từ 30 trường khác nhau, 30 cá tính, phong cách và cả sự nổi loạn khác nhau. Khi đọc những tờ đơn xin học của cha mẹ các em, điều tôi chú ý đến nhất là “lý do chuyển trường”, hầu hết đều là xem chương trình vì một trường học hạnh phúc nên rất yêu mến trường, mong muốn con được học ở môi trường hạnh phúc.

Tuy nhiên 30 con học sinh lại là 30 “viên sỏi, viên đá cuội” ở các trường khác nhau tập hợp tại đây, chúng mang những cá tính, đặc trưng văn hóa riêng. Tôi vẫn nói vui đây là một lớp liên hợp quốc, cho nên sẽ là thử thách lớn”.

Xuất phát từ tình yêu thương, cô Đào Vân Khánh đã cùng các em học sinh hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc khi tới trường. Ảnh: Tùng Dương.
Xuất phát từ tình yêu thương, cô Đào Vân Khánh đã cùng các em học sinh hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc khi tới trường. Ảnh: Tùng Dương.

Cô Khánh chia sẻ: “Với kinh nghiệm 16 năm làm công tác chủ nhiệm, tôi nhận ra có những con nhút nhát không muốn mở lòng. Lại có những con quá bạo dạn, thậm chí là mất kiểm soát. Có con không thể học được Toán, Anh, Văn và có con thì không thích học, chuyển trường vì vấn đề tâm lí hay vấn đề bạn bè.

Làm thế nào để biến một tập thể lớp 'hỗn loạn' trở thành một lớp học hạnh phúc đây? Câu hỏi đặt ra và rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, tôi bình tĩnh ngồi nghĩ lại và vạch những mục tiêu đầu tiên, nhớ đến câu nói được xem là tôn chỉ của nhà trường “Chăm lo đến từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ”, tôi đã có cho mình phương án.

Tôi tìm hiểu cá tính của từng học sinh, suy nghĩ và cả những dự định của các con sắp tới bằng những tờ phiếu thăm hỏi. Chú ý quan sát và quan tâm đến biểu hiện của từng học sinh diễn ra từng ngày. Cử một học sinh nhỏ bé nhất và cũng có vấn đề nhất làm lớp trưởng. Cử một học sinh nam có xu hướng thích hướng ngoại làm Bí thư của lớp.

Đồng thời gửi phiếu gửi đến phụ huynh mục đích để nhận diện học sinh đó có hay tâm sự với ba mẹ hay không, cha mẹ có hiểu con mình hay không, đồng thời cũng nhận diện đúng cá tính của từng con.

Một mặt tôi đưa ra những quy định, nội quy học sinh được làm và không được làm. Chia sẻ thẳng thắn về cá tính, phong cách,thói quen tốt và cả những thói quen xấu của mình mong các con chấp nhận như cách cô đang chấp nhận những mặt chưa tốt của con để đi đến thống nhất: Cô trò cùng sửa những mặt chưa tốt và tôn trọng những gì là cá tính, thói quen tốt của nhau”.

Những “sóng gió” đầu tiên

Cô Khánh cho biết: “Đầu tiên là học sinh nữ đánh nhau, quay clip và phát tán trên mạng. Em đó có dáng người nhỏ bé mà đánh bạn rất khủng khiếp, rồi phụ huynh của em nữ sinh đánh bạn cũng từng có vướng mắc có liên quan đến pháp luật.

Khi tìm hiểu thì tôi thấy em ấy rất thông minh, nhanh nhạy và đầu óc tính toán hơn người, lại giao du rộng với rất nhiều học sinh bên ngoài nhà trường. Với triết lí giáo dục đầy tính nhân văn, thầy chủ tịch trường vẫn cho con cơ hội để thay đổi, vì thế dù bị ra hội đồng kỷ luật nhưng con tiếp tục được theo học tại lớp.

Mong muốn bằng tình yêu thương, bằng trách nhiệm và tấm lòng của người mẹ, sự chân thành và niềm tin rằng mọi đứa trẻ đều là tờ giấy trắng, tôi đã làm nhiều cách khác nhau để giúp con thay đổi. Tuy nhiên, tôi lại vướng phải một vấn đề nan giải và khó khăn đó là mẹ của con không hợp tác với tôi.

Mẹ của nữ sinh đã nói thẳng với tôi rằng “Cô còn quá trẻ để làm chủ nhiệm và cô không tâm lí vì cô đã có con đâu mà hiểu tâm lí của một đứa trẻ”. Tôi bị tổn thương và cả hụt hẫng. Nén mọi sự tôi đã nói chuyện và giải thích cho chị biết rõ mục đích, quan điểm giáo dục của mình cũng như của nhà trường, chỉ cho chị thấy những nguy cơ, mối lo có thể xẩy đến với con.

Bên cạnh đó, tôi cũng mời chị đến nói chuyện thêm với ban giám hiệu để hiểu rõ hơn về nhà trường, về con của mình. Chị đã hiểu và xin lỗi, hứa sẽ quan tâm, sát sao hơn đến con. Và, tôi càng có thêm nhiều quyết tâm để giúp tập thể lớp 11D8 thay đổi.

Trên hành trình ấy, có lúc tôi thấy bế tắc, khủng hoảng, đã khóc, thậm chí nghĩ đến chuyện bỏ nghề vì nhiều rắc rối, khó khăn ập đến. Trong suốt một năm học đó có lẽ tôi là giáo viên được ra “Hội đồng kỷ luật” nhiều nhất vì học sinh của lớp mình.

Tôi hỏi các con lớp 11D8 “Sao lớp mình lại như thế chứ, các con không biết thương cô à?”. Tất cả học sinh đều im lặng, mọi ánh mắt đều hướng đến các học sinh gây chuyện. Tôi tâm sự với Bảo Linh là lớp trưởng: "Cô rất mệt mỏi và cảm thấy tất cả những cố gắng của cô với lớp đều như đổ xuống sông. Cô rất áp lực và thấy mình không phù hợp với lớp nữa".

Lúc ấy, tôi không kiềm được cảm xúc, nước mắt cứ trào ra!

Bảo Linh nhìn thấy tôi như vậy đã nói: Con thưa cô, con mời cô sang văn phòng nghỉ chúng con cần họp lớp và nói chuyện thẳng thắn với nhau ạ!

Không biết các con đã nói chuyện gì với nhau, nhưng ngày hôm sau tôi thấy chúng có vẻ ngoan hơn mọi khi, thay đổi và nề nếp hơn, thậm chí các thầy cô giáo giảng dạy trong lớp cũng nhận thấy điều này.

Tôi hỏi con Bảo Linh: Con đã nói điều gì với các bạn vậy? Con chia sẻ thành thật: Con nói với cả lớp: Cô chán lớp mình quá rồi, cô muốn xin nhà trường không chủ nhiệm nữa, chuyển cho cô khác, vì thế mỗi người hãy bớt cái tôi của mình xuống để vì cái chung, vì tập thể lớp.

Chúng ta chuyển đến trường này để học, để được hạnh phúc, để được yêu thương, vậy các bạn đã cảm nhận được hạnh phúc chưa? Biết yêu thương và tôn trọng thầy, cô chưa? Trong khi thầy, cô dành trọn tình cảm, sự quan tâm, yêu thương hết lòng cho các bạn. Cô Khánh không chủ nhiệm nữa, ai sẽ vào lớp mình đây? Các bạn mong muốn điều đó không?”.

Trời ơi! Một đứa trẻ 17 tuổi mà suy nghĩ chín chắn, biết lo cho người khác như vậy khiến tôi phải suy nghĩ: Liệu mình đã làm đúng, làm tròn trách nhiệm, hết lòng và yêu thương chúng chưa, liệu đã đem lại hạnh phúc thật sự cho các con của mình hay chưa?.

Và nhất là tôi nhận được cuộc điện thoại của mẹ Bảo Linh, chị nói chuyện với tôi vừa như để an ủi, vừa như động viên và cũng như giao hẳn trọng trách: “Cô Khánh ơi, Bảo Linh lo lắng quá, gọi cầu cứu mẹ vì cô Khánh bảo không muốn chủ nhiệm lớp nữa. Bảo Linh sẽ ra sao đây cô, cô cố gắng thêm chút nữa vì các con, cô nhé”.

Cô Vân Khánh nói rằng, tình yêu thương, trách nhiệm và tấm lòng của người mẹ, sự chân thành và niềm tin sẽ giúp mọi đứa trẻ trưởng thành. Ảnh minh họa học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tùng Dương.

Cô Vân Khánh nói rằng, tình yêu thương, trách nhiệm và tấm lòng của người mẹ, sự chân thành và niềm tin sẽ giúp mọi đứa trẻ trưởng thành. Ảnh minh họa học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tùng Dương.

Suy nghĩ và hành động đã thay đổi

Cô Vân Khánh tiếp tục câu chuyện: “Thay vì trách mắng, tôi kiên nhẫn lắng nghe, phân tích cái đúng, cái sai, cái lợi cái thiệt đến các con. Và đặc biệt nghiêm khắc hơn trong việc uốn nắn từ lời ăn, tiếng nói, nề nếp đến việc chỉ cho các con cách học sao cho hiệu quả đối với từng môn.

Tôi sẵn sàng dành hàng tiếng đồng hồ nghe các con tâm sự hoặc cần mình nhất. Đặc biệt tôn trọng cá tính và sự khác biệt của mỗi con, khuyến khích các con phát huy, khen thưởng và động viên kịp thời. Trước mỗi kỳ thi tôi thường tạo bất ngờ bằng cách đặt một số đồ uống các con yêu thích kèm theo một lời động viên.

Chính sự thay đổi của tôi, của tất cả các thành viên trong tập thể lớp cùng sự giúp đỡ của các thầy cô giáo giảng dạy trong lớp, của bán giám hiệu nhà trường và nhất là sự tin tưởng, ủng hộ hết mình từ cha mẹ học sinh mà 11D8 đã có những “trái ngọt”, trở thành những học sinh ngoan có thành tích học tập tốt”.

Cô Khánh nhớ lại: “Tôi không quên được học sinh Đ.H.Đ của lớp đó, chàng trai nói tiếng Anh còn giỏi hơn cả giáo viên, nhưng cũng là người khiến tôi phải dành khá nhiều thời gian. Con có hoàn cảnh rất đặc biệt nên dẫn tới việc bị trầm cảm, trong lớp luôn thu mình vào 1 góc, không muốn giao du với ai, không muốn nói chuyện và không thích các môn khác, trừ tiếng Anh.

Ở trường cũ con thường bị bắt nạt, bị trêu chọc, bị xa lánh vì tính cách có phần khác biệt. Con luôn biết cách che dấu cảm xúc của bản thân, tự tạo cho mình một cái bao vô hình ngăn cách mình với cả tập thể. Biết vậy nên tôi giao việc cho con là dạy các bạn IELTS, con vui vẻ nhận lời nhưng 2 ngày sau con đã nói với tôi: Con không thể dạy các bạn vì không biết dạy thế nào do chúng nó mất gốc hết rồi. Con trả lại cho cô!

Tôi cố gắng động viên con tiếp tục nhưng nhìn ánh mắt như muốn van xin của con, tôi đành đồng ý. Tôi lại khuyến khích con tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh toàn quốc và con đã giúp đội thi của trường lọt vào vòng trong.

Đã có thời gian con bị khủng hoảng do mẹ bị thêm bệnh đột quỵ, huyết áp cao, con chơi vơi, mất phương hướng. Một hôm, thầy dạy Toán có gọi tôi ra ngoài và nói: Chị đừng trao đổi về tình hình học tập của Đ.H.Đ với mẹ bạn ấy nữa, vì chuyện đó mà mẹ em đột quỵ.

Tôi đã rất hụt hẫng và cảm thấy áy náy, hối hận, chẳng lẽ vì cuộc trao đổi Đ. học tập sa sút mà mẹ em lại đột quỵ hay sao?.

Tôi quyết định nói chuyện thẳng thắn với Đ.H.Đ lần thứ 2, nói đến những tổn thương của mình khi nghe những điều ấy từ thầy dạy Toán. Tôi xin lỗi con và mẹ con nếu đã khiến con áp lực! Tôi nói đến chuyện hy sinh của mẹ con với con, với gia đình và chốt lại: Con có nghĩ đến một hoặc hai tháng nữa nếu mẹ con không còn thì con sẽ thế nào không?

Còn cô khi nghĩ đến điều đó thôi thì đã thấy đau lòng và thương con, giá cô được làm mẹ của con thì tốt quá vì con chẳng khác nào một y tá, một người bạn, người con tốt. Tôi đã khóc, Đ. nhìn tôi rất lâu và cố gắng kìm nén cảm xúc của mình.

Con nói: Mẹ con bị đột quỵ là do căn bệnh ung thư tái phát và không ngủ được do phải canh chừng con do con chơi điện tử quá nhiều, không phải vì những trao đổi của cô đâu ạ. Con xin lỗi cô. Tôi xúc động khi nghe được chia sẻ chân thành của Đ".

Ngày hôm sau, tôi thấy con cắt tóc, thay đổi và không còn ủ rũ như trước nữa và những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi muốn bỏ nghề nhất thì chính Đ. đã ôm lấy tôi và nói: "Đây là điều cô cần lúc này!". Cảm ơn con về những quan tâm nhỏ bé, cảm ơn về sự tinh tế của con. Tôi thầm cảm phục con khi có thể viết được 10 trang kỷ yếu bằng tiếng Anh hay những bài luận dài để gửi đi xin học bổng.

Và giờ đây tôi đã có được Đ.H.Đ hoàn hảo, cá tính, tình cảm mà tinh tế, đặc biệt con đang cố gắng để có chứng nhận IELTS 8.0 và hơn hết đến thời điểm này tôi không còn phải thúc giục con học nữa. Đ. đúng là viên “đá cuội” đã toả sáng.

Có thể nói lớp 11D của tôi tuy chưa xuất sắc, chưa giỏi, nhưng các con đã rất đoàn kết, thay đổi, con nào cũng tiến bộ, sống tình cảm, có trách nhiệm và cảm nhận được niềm hạnh phúc mỗi ngày đến trường”.

Tùng Dương