Học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo, trách nhiệm không riêng của giáo viên

15/04/2021 06:40
Tùng Dương
GDVN- Nếu đổ lỗi cho cháu bé đó vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không theo học được nên dẫn đến tình trạng hổng kiến thức, nói như vậy là ngụy biện, vô trách nhiệm.

Em N.V.K đang học kỳ 1 của lớp 6 tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp nhưng nhất quyết đòi nghỉ học vì em không biết chữ nên mặc cảm với bạn bè. Qua lời kể của gia đình em K., năm học lớp 1 và lớp 2 em K. vẫn biết mặt chữ, ghép vần được. Tuy nhiên, sang lớp 3 thì K. bị chậm lại so với các bạn.

Đến lớp 5, K. đọc chữ rất khó khăn. Có chữ em đọc được, chữ đọc sai, những từ ghép có nhiều âm tiết thì em hoàn toàn không biết đọc. Chỉ riêng Trường Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ đã có 6 học sinh lớp 6 chưa đọc được chữ, hiện có 2 em bỏ học vì mặc cảm vì không theo kịp bài.

Sự việc này tiếp tục khiến xã hội dậy sóng bởi theo chương trình giáo dục phổ thông, kết thúc lớp 1 học sinh phải đọc thông, viết thạo…Dư luận đang đặt ra câu hỏi rất lớn về nguyên nhân do chất lượng giáo viên, do áp lực tâm lý chủ quan của việc chạy theo thành tích, làm đẹp học bạ...?

Một quyển vở của em N. nhưng viết sai khá nhiều. Ảnh: N.TÀI.

Một quyển vở của em N. nhưng viết sai khá nhiều. Ảnh: N.TÀI.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo V.A - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội cho biết: “Để một học sinh khi lên đến lớp 6, qua bậc tiểu học rồi mà vẫn chưa đọc thông viết thạo thì các giáo viên đã dạy em đó qua các lớp phải có trách nhiệm.

Mỗi một lớp học, cấp học, từng môn học đều có những yêu cầu, những tiêu chí cụ thể để đánh giá học sinh có hoàn thiện được phần kiến thức của lớp đó hay không. Trong quá trình một năm học có từng phân đoạn, từng học kỳ sẽ có những yêu cầu cụ thể, vậy tại sao học sinh lên đến lớp 6 mà không đạt được những điều đó?

Từng khoảng thời gian của năm học đều có những yêu cầu theo quy định, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phải báo cáo với tổ trưởng bộ môn để có biện pháp hỗ trợ cho học sinh này. Trong các cấp quản lý từ lớp cho đến nhà trường thì các cấp này bắt buộc phải nắm được từng học sinh vì hết mỗi học kỳ đều phải có báo cáo xem từng học sinh có lực học ra sao, nắm kiến thức đến đâu. Nhưng đó là lý thuyết.

Còn trong thực tế người giáo viên và các cấp quản lý trong trường có làm được đầy đủ các bước như vậy hay không? Phần đánh giá từng kỹ năng có làm được nghiêm túc hay không, hay có làm nhưng chỉ là qua loa mà đã đồng ý để cho học sinh đó được lên lớp?

Cứ theo một lộ trình như vậy hết lớp 1 mà vẫn chưa đạt được tất cả yêu cầu đó thì lên các lớp tiếp theo sẽ bị thiếu kỹ năng và kiến thức. Khả năng đọc của trẻ bắt đầu từ lớp nhỏ, nhưng chưa đạt mà lên lớp lớn thì dần dần kiến thức sẽ bị mai một đi, càng ngày càng hổng khiến cho bản thân học sinh sẽ lo lắng vì không thể theo kịp chương trình”.

Quy định rõ ràng, thầy cô có thực hiện hay không?

Theo cô V.A: “Quy định trong việc lên lớp của học sinh, hết một năm học nếu như học sinh đó không đạt được yêu cầu về kiến thức thì giáo viên chủ nhiệm phải bổ sung kiến thức cho học sinh đó vào dịp hè. Khi hết hè phải kiểm tra lại xem có đạt hay không thì mới được lên lớp.

Vậy vấn đề đặt ra là học sinh đó có được giáo viên chủ nhiệm bổ sung kiến thức trong dịp hè hay không? Nhiệm vụ của giáo viên là phải bổ túc kiến thức cho học sinh chưa đạt. Và cũng theo quy định học sinh không đạt yêu cầu về kiến thức sẽ bị lưu ban nhưng không quá 2 năm trong cùng một cấp học.

Giáo dục phổ thông là đồng tâm, nếu trong trường hợp học sinh lên lớp 2 nhưng về mặt kiến thức, kỹ năng nào đó chưa đạt thì khi đó người giáo viên lớp 2 sẽ phải bổ túc thêm, chứ không phải không đạt là việc của giáo viên lớp 1, còn việc của tôi là dạy lớp 2.

Nguyên tắc về chương trình giáo dục là có sự phân hóa học sinh và ở bậc tiểu học một giáo viên được đào tạo để dạy tất cả các môn từ lớp 1 cho đến lớp 5, trừ các môn năng khiếu. Có thể nói trường hợp em N.V.K Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ là thiếu sự sát sao của giáo viên, thiếu sự bàn giao học sinh của giáo viên các lớp.

Giáo viên được đào tạo rất kỹ nên tất cả sự phát triển của học sinh trong phần kiến thức, năng lực… giáo viên hoàn toàn có thể nắm được với kỹ năng đọc ở thời điểm này học sinh phải đạt ra sao, đọc được bao nhiêu từ trong bao nhiêu phút.

Đã có tiêu chí rõ như vậy thì giáo viên hoàn toàn có thể biết được học sinh đã đạt được tiêu chí hay chưa, hoặc đạt bao nhiêu % tiêu chí đó, ở tất cả các môn khác cũng như vậy. Vậy thì lý do gì lại để có một số em học sinh lên hết bậc tiểu học vẫn chưa đọc thông viết thạo?”

Trường tiểu học Tân Mỹ 1, nơi học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học nhưng chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu. Ảnh: N.TÀI.

Trường tiểu học Tân Mỹ 1, nơi học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học nhưng chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu. Ảnh: N.TÀI.

Cần “xử lý” muộn còn hơn không

Cô V.A đưa ra giải pháp: “Việc làm ngay là cần kiểm tra trình độ của những học sinh đó đang ở mức độ nào trong chương trình, lớp mấy? Tiếp đó cần sự đồng thuận của gia đình kết hợp với nhà trường để bổ sung kiến thức cho học sinh.

Tùy vào mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh đến đâu sẽ cho các em học ở mức độ đó. Trong trường hợp cho đến giờ phút này trình độ của những học sinh đó bị thấp quá, không thể theo được thì không còn cách nào khác là để các em trở về đúng lớp phù hợp khả năng, như vậy sẽ tốt hơn cho học sinh.

Hiện nay khả năng đọc, viết chưa đạt mà lại đặt các con vào vị trí lớp 6, theo cả một tập thể nhưng lại bị lạc lõng về kiến thức, kỹ năng thì điều đó khiến con bị mặc cảm, bị các bạn chê cười thì đó là phản giáo dục, không tốt cho các con.

Trong quy định thì các con không được học sớm trước tuổi còn học muộn thì vẫn được, điều đó hoàn toàn phù hợp với một số học sinh có nhận thức chậm hơn các bạn cùng lứa.

Có thể nói các em học sinh đó chưa “hoàn thành” chương trình tiểu học mà vẫn để theo học lớp 6 như hiện nay sẽ làm hỏng các em, trong khi bậc trung học cơ sở các con cần rất nhiều kiến thức nền tảng thì mới có thể theo được. Cái “nền” chưa đạt mà lại bắt các em đó gánh nặng thêm phần kiến thức cao hơn thì cũng bằng không, không thể theo được”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, nhà giáo nhân dân N.N.H - Chủ tịch Hội đồng quản trị một Trường Tiểu học ở Hà Nội cho biết: “Với hiện tượng như vậy theo quan điểm của tôi thì trách nhiệm trước hết là của tổ trưởng bộ môn, ban giám hiệu nhà trường bởi công tác thanh kiểm tra hàng năm ở đâu mà để xảy ra tình trạng như vậy?

Từng học kỳ, kết thúc năm học đều có báo cáo về tình hình học tập của học sinh, với những học sinh như vậy mà lên được đến tận lớp 6 thì không thể đổ lỗi cho một mình giáo viên chủ nhiệm, mà hiệu trưởng trường đó, Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo ở nơi đó cũng phải có trách nhiệm. Tôi cho đây cũng là một vấn nạn của bệnh ngụy thành tích.

Nếu đổ lỗi cho cháu bé đó vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không theo học được nên dẫn đến tình trạng hổng kiến thức, nói như vậy là ngụy biện, vô trách nhiệm. Còn có ý kiến cho rằng em học sinh đó có tính cách “đặc biệt” có khó khăn về nhận thức thì Phòng Giáo dục và chính quyền địa phương cần hướng dẫn để em đó được vào theo học tại các trường chuyên biệt vì đó là quyền trẻ em, chứ không thể coi đó là chuyện đã rồi”.

Tùng Dương