Lớp 27 học sinh và hơn 50 giáo viên dự giờ
Một số giáo viên bậc tiểu học quê tôi đi dự giờ về than phiền, học sinh trong lớp chưa tới 30 em mà thầy cô dự giờ tới hơn 50 người thì sao các em tự nhiên học được?
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn. |
Không chỉ thế, chương trình mới đã áp dụng được 1 năm nhưng phòng giáo dục vẫn liên tục tổ chức dự giờ cấp thị xã theo mô hình trường học mới VNEN (mô hình đã bị bỏ ở nhiều tỉnh thành).
Cô giáo H. (xin được giấu tên cho biết): “Giáo viên ngồi dự giờ đông như nêm, chỉ nhìn thầy cô giáo cũng đủ ngợp. Do tiết học được chuẩn bị trước chỉ như diễn lại chứ dạy thực tế chắc các em cũng không học nổi”.
Không ít giáo viên chia sẻ, dự giờ mà không học hỏi được gì, những thắc mắc về chuyên môn cũng không ai dám tổng kết như trước kia do yêu cầu phải để giáo viên tự chủ. Vì thế, chúng tôi nghĩ không nên tổ chức dự giờ liên miên như thế này.
Giáo viên đang bội thực dự giờ, học sinh đang quay cuồng tập diễn
Một năm học, giáo viên có ít nhất hàng chục tiết dạy dự giờ và dự giờ đồng nghiệp. Nào là dạy cho Ban giám hiệu dự giờ đầu năm, dự giờ cấp tổ, dự giờ cấp trường, dự giờ cấp liên trường, dự giờ các hội thi…
Nếu như với học sinh cấp trung học cơ sở hay trung học phổ thông thì việc dự giờ đôi khi không phải tập dợt nhiều, còn bậc tiểu học gần như tiết dự giờ nào giáo viên cũng phải đầu tư cho phần tập dợt.
Nếu là cấp tổ, giáo viên thường dạy tự nhiên, cấp trường mức độ tập được tăng lên một ít nhưng dạy cấp liên trường, cấp huyện/thị xã thì việc tập dợt gấp nhiều lần.
Sao không tập dợt cho được vì một người dạy đến dăm chục người dự luôn nhìn xăm xoi để góp ý. Một tiết dạy mà bị góp ý nhiều không chỉ bản thân giáo viên dạy mệt mỏi mà ảnh hưởng đến sự đánh giá của cấp trên với chuyên môn trường.
Bởi thế, dù không muốn giáo viên và nhà trường ấy cũng phải đầu tư chuẩn bị cho tiết dạy “đem chuông đi đánh xứ người” một cách hoàn hảo nhất.
Tiết dự giờ kết thúc là lúc giáo viên ngồi lại góp ý. Một tiết dạy 35 phút chuẩn nhưng bắt buộc vài chục trường dự giờ phải lên tiếng góp ý. Thôi thì chín người mười ý tiết dạy dù chuẩn bị kỹ đến đâu, dù hay đến mức nào cũng trở nên te tua, banh chành.
Dự giờ liên miên có cần thiết nữa không?
Khác với những năm trước đây, sách giáo khoa là pháp lệnh, giáo viên phải giảng dạy y chang những gì sách viết (kể cả những điều đang tranh cải vì chưa đúng), giảng dạy theo đúng phương pháp chuyên môn của nhà trường đưa ra.
Hiện nay, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Trong dạy học, giáo viên có quyền sáng tạo.
Việc thầy cô sử dụng phương pháp dạy học gì, hình thức tổ chức lớp học ra sao để phù hợp với trình độ học sinh của mình không ai có quyền can thiệp.
Bởi thế, việc cứ tổ chức dự giờ liên miên từ cấp nọ sang cấp kia (cấp tổ, cấp trường, cấp thị xã) đã không còn phù hợp với giáo dục hiện nay.
Dự giờ mà chẳng ai dám tóm lại vấn đề vì nếu tổng kết sẽ vi phạm yêu cầu chuyên môn của sự đổi mới. Vậy tổ chức dự giờ để làm gì vừa mất thời gian của giáo viên, vừa mất thời gian của học sinh chưa nói đến việc lại tập cho học sinh tính gian dối, đối phó?
Mô hình dạy học VNEN đã bị bỏ ở nhiều tỉnh thành và chương trình mới hiện đang triển khai. Việc cứ liên tục yêu cầu dự giờ theo cách dạy của VNEN có còn phù hợp?
Giáo viên hiện nay đang quay cuồng với biết bao công việc như dạy học, kèm học sinh yếu kém, học chứng chỉ, học các modun chương trình mới. Vậy mà, liên tục vẫn phải dành thời gian cho việc dự giờ chẳng để làm gì vào mỗi sáng thứ bảy như thế có nên không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.