Báo Thanhnien.vn từng đề cập trường hợp học sinh lớp 5 (năm cuối cùng của bậc tiểu học) tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang như sau:
“Dù đang học lớp 5, nhưng gia đình phát hiện Vịnh chỉ có thể viết được tên của mình, tên trường, tên lớp và một vài chữ cái khác”. [1]
Năm 2006, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam “Phát hiện thêm 15 trường hợp học sinh "ngồi nhầm lớp", có trường hợp học sinh lớp 6 Trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt – thành phố Tam Kỳ chưa biết đánh vần”. [2]
Năm 2007, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kontum đã quyết định chi 19 tỷ đồng đào tạo lại cho gần 9.000 học sinh “ngồi nhầm lớp”. [3]
Đầu năm 2021, tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp phát hiện một số học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo.
Từ các thông tin đã dẫn, có thể thấy tình trạng học sinh phổ thông “ngồi nhầm lớp” diễn ra tại nhiều địa phương, trong nhiều năm và chủ yếu ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này tồn tại dai dẳng và cho đến tận đầu năm 2021 vẫn còn xuất hiện?
(Ảnh minh hoạ: daotao.kansaiviet.com) |
Có ba nhóm ý kiến liên quan đến chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp”:
Một là “Bệnh thành tích” trong giáo dục, do phải bảo đảm “thành tích” nên lãnh đạo các trường, các cơ quan quản lý giáo dục và nhà giáo không thể để học sinh lưu ban quá nhiều.
Đây là nhóm ý kiến được nêu nhiều nhất, không chỉ từ các cá nhân mà còn từ đại diện của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, các phóng viên, nhà báo,…
Vì sao ngành giáo dục cần “thành tích”?
Thành tích giáo dục cao sẽ chứng tỏ sự ưu việt của nền giáo dục mới, chứng tỏ đội ngũ những người làm việc trong ngành có năng lực vượt trội, chứng tỏ chủ trương, quyết sách là rất đúng đắn,…
Vậy còn hệ lụy kèm theo “thành tích” ấy?
Hai là nhóm ý kiến “quy tội” cho nhà giáo, rằng để học sinh lớp 6 không đọc thông viết thạo thì phải xem xét trách nhiệm của các giáo viên dạy từ lớp 1 đến lớp 5, đặc biệt là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm,…
Ba là nhóm ý kiến quy trách nhiệm cho Ban Giám hiệu, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội trong trường và cơ quan quản lý giáo dục trong việc kiểm tra, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá chất lượng dạy của nhà giáo, chất lượng tiếp thu của học trò, số ý kiến này không nhiều.
Đại diện cho nhóm ý kiến này là phát biểu của một nhà giáo nhân dân:
“Với hiện tượng như vậy theo quan điểm của tôi thì trách nhiệm trước hết là của tổ trưởng bộ môn, ban giám hiệu nhà trường bởi công tác thanh kiểm tra hàng năm ở đâu mà để xảy ra tình trạng như vậy?”.
Báo Nhandan.com.vn trong bài “Hàng loạt vụ học sinh “ngồi nhầm lớp - Đừng đổ lỗi cho học sinh và nhà trường!” đưa ra kết luận:
“Ngồi nhầm lớp” là sản phẩm tất yếu của quan điểm xa rời thực tế hiện nay… Phải khảo sát trình độ nhận thức, điều kiện sống và học tập của học sinh ở các vùng khó để xây dựng chương trình giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó là thay đổi quan điểm về đánh giá, bồi dưỡng giáo viên để có thể thực hiện các phương pháp linh hoạt với nhiều đối tượng, trình độ học sinh trong cùng một lớp... Việc đó, lẽ ra phải làm từ lâu!”. [4]
Hai vấn đề được nhấn mạnh trong bài báo nêu trên là “quan điểm giáo dục xa rời thực tế” và cần phải “thay đổi quan điểm về đánh giá, bồi dưỡng giáo viên”.
Người viết hoàn toàn tán thành nội dung nêu trên báo Đảng và do đó xin phân tích cụ thể hơn về hai nhận định này.
Thứ nhất, quan điểm giáo dục xa rời thực tế.
Xa rời thực tế có nghĩa là không phù hợp với những đòi hỏi (một cách) khoa học, hợp lý, của nền kinh tế, của các biến động xã hội, không hòa đồng, thậm chí là trái ngược với mong mỏi, đề xuất của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng xã hội,….
Theo các nghiên cứu quốc tế, những người được đánh giá là thông minh chỉ chiếm tối đa 16% dân số (chỉ số IQ từ 115 trở lên) trong khi những người kém thông minh cũng chiếm tỷ lệ đúng bằng 16% (IQ <=85), số còn lại (68%) là người bình thường (IQ trong khoảng từ 86-114).
Mỗi năm Việt Nam có khoảng xấp xỉ một triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông:
Năm 2018 là 925.792 người, năm 2019 là 887.173 người, năm 2020 là 900.152 người,…
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông các kỳ thi quốc gia năm 2018 là 97,57%, năm 2019 là 94,06%, năm 2020 là 98,34%,…
Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy năm học 2017-2018 số sinh viên đại học tuyển mới là 437.156 người, năm học 2018-2019 là 413.277 người. [5]
Con số nêu trên là sinh viên đại học, không bao gồm sinh viên cao đẳng, như vậy khoảng 50% số người tốt nghiệp trung học phổ thông đã tiếp tục theo học đại học.
Do số học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến từ mọi vùng miền, thuộc đủ mọi thành phần nên có thể xem như đây là bộ phận thu nhỏ của dân cư cả nước.
Trong số 50% học sinh theo học đại học, cứ cho là bao gồm toàn bộ 16% số người được đánh giá từ thông minh trở lên (IQ>=115), 34% còn lại phải tuyển chọn trong số người không được xếp vào nhóm “thông minh”. Vì nhóm này chiếm 68% “dân cư” nên có thể thấy một nửa trong số “thông minh bình thường” đã tiếp tục theo học bậc đại học.
Và như vậy, liệu có phải bậc đại học tại Việt Nam đang dần trở thành đại trà?
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ điểm sàn tuyển sinh (trừ khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe) và điều này được dư luận cho là động tác “tháo cống” để các cơ sở giáo dục đại học tha hồ vét cho đủ chỉ tiêu mà không cần quan tâm đến chất lượng đầu vào.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Văn Dũng cho rằng “Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn áp dụng điểm sàn chung thì các trường đại học lâu nay khó tuyển sinh phải tự hạ điểm chuẩn để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu. Việc này cũng dễ hiểu bởi nếu không tuyển sinh được, trường sẽ không có nguồn thu và sẽ khó tồn tại”.
Ngoại trừ một số trường thuộc top trên, với chính sách tuyển sinh mới, hiện tượng “tát vét” thí sinh sẽ có xu hướng mở rộng từ khối trường sư phạm sang gần như toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học.
Phải chăng đây là một trong các lý do khiến ngân hàng thế giới WB đánh giá chất lượng giáo dục đại học Việt Nam không cao?
Ví dụ khác của “Quan điểm giáo dục xa rời thực tế” là từ những khuyến cáo hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, những người có quyền ban hành chính sách đã vội vã áp dụng kiểu dạy và học Vnen cho 5.000 trường trên phạm vi toàn quốc mà kết quả được xem như là "thất bại toàn tập”.
Liệu có nên dũng cảm thừa nhận một quan điểm mang tính triết học:
“Bất kỳ bộ môn khoa học nào cũng có thể dạy song không phải bất kỳ người nào cũng có thể học”.
Thứ hai, cần thay đổi quan điểm về đào tạo, đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
Chính xác thì quan điểm nêu trong bài báo [4] chỉ nói về “đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo” chứ không nói về “đào tạo đội ngũ nhà giáo”.
Tuy nhiên, nói đến “đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo” mà quên quá trình “đào tạo nhà giáo” thì lại rơi vào chuyện “xa rời thực tế” và đó là điều cần tránh.
Chính những quy định về chế độ, tiêu chuẩn dành cho nhà giáo, cách thức mà không ít phụ huynh đối xử với nhà giáo, cách thức truyền thông đưa tin một vài hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ thày cô giáo,... đã khiến nhiều thế hệ học sinh quay lưng với nghề dạy học.
Nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Thiệu Tùng phát biểu: “Nguyện vọng giáo viên sống được bằng lương là nguyện vọng xứng đáng và rất tối thiểu trong khi đó “mấy đời Bộ trưởng của ngành quốc sách hàng đầu chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được”. [6]
Chính sách như thế thì làm sao thu hút được người tài làm nhà giáo.
Ít thày giỏi thì làm sao có được nhiều trò giỏi?
Vừa ít thày giỏi vừa ít trò giỏi thì dựa vào đâu để có được nền giáo dục “giỏi”?
Không có thày giỏi thì chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” liệu có phải là hệ quả tất yếu?
Nhà giáo nhiều năm trở lại đây được tuyển chọn vào trường sư phạm gần như bởi những chuyến “tát vét” sát điểm sàn, chẳng bao giờ có chuyện điểm trúng tuyển trường/khoa sư phạm lại ngang bằng với Y, Dược, Ngoại Thương,…
Để thu hút học sinh tốt nghiệp phổ thông theo học ngành sư phạm, có thời sinh viên sư phạm được miễn học phí, được vay ưu đãi từ ngân hàng, được ưu tiên bố trí sống ở ký túc xá,…
Ngoại trừ một điều là giáo sinh ra trường muốn kiếm việc làm nếu không thuộc diện “4C” hay “5 ệ” hoặc không có phong bì thì vui lòng về nhà chờ đợi,…
Một vị độc giả viết: “Sức ép dư luận lên ngành Giáo dục, lên người thầy đã khiến học sinh và phụ huynh ngày càng ngộ nhận rằng họ luôn là đối tượng cần được bảo vệ, giáo viên không có quyền trừng phạt, họ làm gì cũng đúng, giáo viên làm gì cũng sai”. [7]
Có phải vị độc giả cho rằng chẳng có bất kỳ ai nghĩ đến chuyện bênh nhà giáo?
Hay tại vì nhà giáo được đào tạo ra rất “rẻ” nên chuyện lương thấp, bị đối xử không công bằng, bị áp lực từ nhiều phía hình như không trái quy luật thị trường cho lắm.
Và liệu đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu sản xuất các sản phẩm giáo dục cao cấp?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-lop-5-van-chua-doc-viet-thao-501712.html
[2] https://thanhnien.vn/giao-duc/quang-nam-phat-hien-them-15-truong-hop-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-95340.html
[3] https://vnexpress.net/19-ty-dong-dao-tao-lai-cho-gan-9-000-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-2078342.html
[4] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/dung-do-loi-cho-hoc-sinh-va-nha-truong-586802/
[5] https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=6636
[6] https://anninhthudo.vn/chuyen-roi-nuoc-mat-cua-nhung-giao-vien-hop-dong-post153260.antd
[7] https://vtc.vn/du-luan-gop-phan-lon-gay-ngo-nhan-hoc-sinh-khong-bao-gio-sai-khong-duoc-phat-ar597600.html