4 giải pháp chống ngồi nhầm lớp ngành giáo dục cần làm ngay

16/04/2021 07:02
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chúng ta kiểm soát tốt chất lượng học sinh từ lớp 1 sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh lên đến lớp 5, lớp 6 vẫn không biết đọc.

Một số học sinh lớp 6 tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp không biết đọc và đọc quá yếu khiến báo giới bất ngờ, nhưng không làm dư luận giáo giới quá ngạc nhiên. Bởi, đây chính là hậu quả của việc chạy theo chỉ tiêu thành tích dẫn đến chất lượng ảo tràn lan trong giáo dục.

Nhiều Ban giám hiệu Nhà trường không đồng ý cho học trò lưu ban vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích của trường. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)Nhiều Ban giám hiệu Nhà trường không đồng ý cho học trò lưu ban vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích của trường. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Học sinh lên lớp 6 không biết đọc, viết không phải hiện tượng cá biệt

Điều đáng buồn, đây không phải hiện tượng cá biệt chỉ xảy ra tại Đồng Tháp. Trước đó, Phụ huynh ở thành phố Sóc Trăng "té ngửa" khi được giáo viên thông báo con họ học đến lớp 6 mà không biết đọc, viết. Có em bị trả về học lại chương trình lớp 1.

Trường hợp của Vũ không phải là cá biệt ở thành phố Sóc Trăng, thầy cô giáo ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong cũng đang đau đầu vì trường này có 8 em học lớp 3 mà không biết đọc, hơn 10 em đọc chữ còn phải đánh vần.

Hồi đầu năm học, nhiều học sinh được lên lớp 2 ở trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cũng không biết đọc, viết nên phụ huynh làm đơn xin cho con ở lại lớp 1. [1]

Người viết bài cũng từng có một học sinh lớp 5 nhưng không biết một chữ cắn đôi.

Để tình trạng học sinh học hết lớp 5 nhưng vẫn không biết đọc viết lỗi thuộc về ai?

Nhà giáo V.A - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội cho biết: “Để một học sinh khi lên đến lớp 6, qua bậc tiểu học rồi mà vẫn chưa đọc thông viết thạo thì các giáo viên đã dạy em đó qua các lớp phải có trách nhiệm.

Phát biểu của nhà giáo V.A - Phó hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội như thế này có khách quan? Có hợp lý không?

Trả lời câu hỏi này, người viết bài sẽ kể lại câu chuyện học sinh lớp 5 của mình không biết đọc và giáo viên đã phải dạy dỗ thế nào để thấy được quy trách nhiệm hoàn toàn cho tất cả giáo viên dạy từ lớp 1 đến lớp 5 như thế liệu có đúng không?

Vừa dạy kiến thức lớp 5 vừa dạy học vần cho em lớp 1

Dù học lớp 5 nhưng em L.U. của lớp tôi không biết mặt chữ. Không biết chữ nên em không thể học được các môn học khác trừ một số môn âm nhạc, mỹ thuật, thủ công…

Mỗi buổi dạy, sau khi giảng bài cho cả lớp xong, tôi ngồi bên em hướng dẫn em học lại âm vần của học sinh lớp 1. Tuy thế, lớp học đông, kiến thức nặng dù cố gắng lắm tôi cũng chỉ ngồi bên em mỗi lần chỉ vài phút.

Có giáo viên em còn đọc, cô đứng lên giảng bài hoặc đến chỗ học sinh khác em lại ngồi chơi. Giờ ra chơi, giờ học các tiết chuyên, giáo viên chủ nhiệm dạy kèm riêng vài chục phút nhưng em vẫn khó tiếp thu.

Giá như đọc yếu, em sẽ được ở lại ngay từ lớp 1 thì có lẽ em không đến nỗi lên đến lớp 5 vẫn mù chữ. Học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 không có tiết học vần mà là tiết tập đọc. Vì thế, các em phải đọc thông viết thạo mới có thể học được.

Không biết đọc nên các tiết học ở lớp không thể giúp em thêm kiến thức nếu không muốn nói những kiến thức ít ỏi em có được từ khi học lớp 1 sẽ ngày mai một dần.

Không có tiết học vần, giáo viên sẽ dạy em thế nào đây? Chăm bẵm mình em lại phải bỏ bê vài chục học sinh khác hay sao? Học sinh lớp 1 nhưng không biết đọc, có ngồi học lớp 2 vài năm cũng khó mà cải thiện được việc đọc chứ nói gì đến lớp 4, lớp 5?

Nếu em đã lưu ban ở lớp 2 một năm thì năm học tiếp theo buộc phải cho lên lớp 3 dù em vẫn chưa thể đọc được. Học lớp 3 thì dù lưu ban thêm một năm lớp 3, lớp 4, hay lớp 5...cũng rất khó để học sinh cải thiện khả năng đọc. Và theo quy định ở điều lệ trường học trước đây học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học nên nhà trường tiếp tục phải cho em lên lớp.

Vậy sao có thể quy kết tất cả giáo viên đã dạy những học sinh này (từ lớp 1 đến lớp 5) phải chịu trách nhiệm được khi học sinh không thể đọc được?

Bởi thế, trong chuyện học sinh lớp 6 không biết đọc, viết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về:

Thứ nhất, giáo viên dạy lớp 1 phải chịu trách nhiệm lớn nhất khi học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỷ năng mà vẫn cho lên lớp.

Dù nhà trường có gây sức ép nhưng giáo viên lớp 1 cương quyết không cho học sinh yếu kém lên lớp vẫn được.

Thứ hai, cùng với giáo viên lớp 1, Ban giám hiệu cũng là người chịu trách nhiệm chính khi để học sinh yếu kém lên lớp. Không thể lấy lý do không biết, không nghe báo cáo…như một số phát biểu của Ban giám hiệu trường có học sinh ngồi nhầm lớp để phủi trách nhiệm.

Nếu nói nhà trường không biết việc học sinh học xong lớp 1 mà không biết đọc, viết là hoàn toàn giả dối.

Bởi, hàng tháng họp chuyên môn, không chỉ giáo viên mà tổ trưởng chuyên môn lúc nào cũng phải báo cáo về tình hình những học sinh cá biệt trong tổ,cùng với đó là việc nêu biện pháp giúp đỡ hàng tuần, hàng tháng…và kết quả đạt được theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên trong thực tế, không ít trường học Ban giám hiệu thường làm khó giáo viên khi có ý định cho học sinh ở lại lớp vì sợ sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu.

Không ít Ban giám hiệu còn buộc giáo viên phải bổ sung kiến thức cho học sinh chưa hoàn thành vào dịp hè. Khi hết hè phải kiểm tra lại, kiểm tra lần 1 chưa đạt thì tiếp tục kiểm tra lần 2…

Dạy cả năm, giáo viên có 2 tháng hè nghỉ phép để nạp năng lượng. Nhiều giáo viên xa quê sẽ về nhà. Thế mà, học sinh yếu lại quy định buộc giáo viên phụ đạo trong hè điều này đã buộc giáo viên không dám cho các em ở lại.

Giải pháp nào chấm dứt được tình trạng hoàn thành xong chương trình tiểu học vẫn không biết đọc, viết?

Thứ nhất, Ban giám hiệu nhà trường cần thành lập riêng một lớp học sinh đọc quá yếu, tiếp thu quá chậm để phân công giáo viên dạy phụ đạo thêm môn học vần. Chính Ban giám hiệu cũng sẽ là người vào dạy phụ đạo hàng tuần cho các em.

Thứ hai, xóa bỏ các chỉ tiêu về tỷ lệ lên lớp thẳng, chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi, chỉ tiêu về hiệu quả đào tạo…tuyệt đối cấp trên không tuyên dương, khen thưởng nhà trường có những chỉ tiêu đẹp (100%) cũng như không nhắc nhở, chất vấn những trường học có nhiều học sinh lưu ban để tránh gây áp lực cho nhà trường.

Thứ ba, mở hộp thư tiếp nhận sự phản ánh chất lượng thật của học sinh trong trường. Kỷ luật thật nghiêm Ban giám hiệu trường học nào có học sinh ngồi nhầm lớp. Rà soát thật kỹ chất lượng học sinh lớp 1.

Tuyệt đối không để lọt trường hợp nào đọc viết yếu ở lớp 1 được lên lớp. Dù học sinh ấy đã có 2 năm ngồi lớp 1 nhưng học không tiến bộ vẫn cương quyết tiếp tục cho ở lại lớp đến khi đọc thông viết thạo mới thôi.

Thứ tư, bỏ các quy định học sinh kiểm tra lần 1 không đỗ thì kiểm tra lần 2, lần 3 và buộc giáo viên phải kèm dạy học sinh yếu trong thời gian nghỉ hè.

Bởi, giáo viên đã dạy học cả năm mà học sinh không biết đọc thì có kèm thêm thời gian trong hè chắc chắn các em cũng không thể đọc được. Đã thế, quy định như này chẳng khác nào sợi dây trói giáo viên nên nhiều thầy cô giáo sợ phải cho học sinh lên lớp.

Nếu chúng ta kiểm soát tốt chất lượng học sinh từ lớp 1 sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh lên đến lớp 5, lớp 6 vẫn không biết đọc. Có thế mới giúp các em tiếp tục con đường học tập thay vì phải nhanh chóng kết thúc việc học hành khi mới bước qua bậc trung học cơ sở như một số học sinh ở Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/hoc-sinh-lop-6-bi-tra-ve-lop-1-o-mien-tay-3475970.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên