Dạy-học theo tín chỉ rất phù hợp với chương trình phổ thông mới, nên thử

18/04/2021 06:54
BÙI NAM
GDVN- Bất cập lớn nhất của việc đánh giá theo chương trình hiện hành chính là việc học sinh học yếu một vài môn phải ở lại lớp.

Sau bài viết “Không dạy - học bậc trung học phổ thông theo tín chỉ, đổi mới còn nửa vời” của tác giả Lê Minh đã nêu quan điểm nên thí điểm dạy học theo tín chỉ ở bậc học từ trung học cơ sở trở lên để hạn chế những bất cập của chương trình hiện hành.

Đây là một ý kiến rất hay, rất đáng được nghiên cứu một cách toàn diện trong thời gian tới vì những lợi ích tích cực của việc dạy học theo tín chỉ mà tác giả Lê Minh đã nêu ra trong bài viết.

Dạy học theo tín chỉ là gì?

Hiện nay, việc học theo tín chỉ được thực hiện ở bậc đại học, qua quá trình dạy học nhiều năm đã cho thấy hình thức dạy học theo tín chỉ là hợp lý.

Nhờ học tập theo tín chỉ sinh viên được linh hoạt đăng ký môn học, linh hoạt đăng ký thời gian tốt nghiệp, sinh viên giỏi rút ngắn thời gian học tập, giảm chi phí trong học tập,…

Việc dạy và học theo tín chỉ sẽ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và tư duy sáng tạo của sinh viên. Đối với hình thức này người học tự học, tự nghiên cứu, giảm sự nhồi nhét kiến thức của người dạy, và do đó, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.

Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay gọi tắt là Hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nó còn được gọi là học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước nó như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Tại Việt Nam, một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.

Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.

Ý kiến đề nghị thí điểm cho học sinh học theo tín chỉ là một ý kiến hay. (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Ý kiến đề nghị thí điểm cho học sinh học theo tín chỉ là một ý kiến hay. (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường. Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ. Một tiết học được tính bằng 50 phút.

Trước đây cũng có một số luồng ý kiến khác nhau về việc đưa việc đào tạo theo tín chỉ cho học sinh từ trung học cơ sở trở lên (từ lớp 6 trở lên) để áp dụng cái ưu việt của việc học theo tín chỉ thành công của bậc tiểu học, hạn chế những thiếu sót của việc đào tạo hiện hành.

Học sinh học không đạt một vài môn phải học lại tất cả các môn là quá vô lý

Bất cập lớn nhất của việc đánh giá theo chương trình hiện hành chính là việc học sinh học yếu một vài môn phải ở lại lớp và điều này có nghĩa là học sinh phải học lại tất cả các môn học của lớp đó trong đó có các môn học sinh học rất tốt nhưng vẫn phải học lại.

Ví dụ một học sinh lớp 8 học khá, tốt gần như các môn, trong đó chỉ có một môn Địa lý em học rất yếu, học không thể tiếp thu được, nếu cuối năm em đó đạt điểm trung bình môn dưới 2,0 thì em đó phải ở lại hẳn hoặc từ 2,0 đến 3,4 thì em phải thi lại, nếu thi lại không đạt thì xem như em phải ở lại, phải học lại cả năm lớp 8, học lại các môn mà năm học trước có môn em đó đạt 9.0, 8.0,… và phải tốn một thời gian học lại là cả năm học, vô cùng bất cập, vô lý.

Đó chính là điều vô lý của việc đánh giá theo Thông tư 26/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2011 đánh giá xếp loại học sinh phổ thông hiện nay.

Chương trình hiện hành một môn học phải học cả năm học điều này làm học sinh học trước quên sau. Trong một tuần có rất nhiều môn đều này là học sinh không có thời gian đào sâu kiến thức, và phát sinh nạn dạy thêm tràn lan.

Nên thí điểm dạy học theo tín chỉ từ lớp 6

Đồng quan điểm với tác giả Lê Minh, theo cá nhân tôi, ở khối 6-9 và 10-12 nên tổ chức thí điểm cho học sinh học theo tín chỉ ở một số trường có điều kiện.

Hiện nay, việc học theo tín chỉ đã được tổ chức ở các trường đại học tuy nhiên ở phổ thông ở nước ta chưa tổ chức dạy học theo hình thức này. Dạy học theo tín chỉ có nhiều lợi ích.

Chương trình giáo dục theo tín chỉ sẽ phù hợp với nhu cầu của tất cả học sinh. Học sinh được lựa chọn các môn học mà mình yêu thích để theo học (bên cạnh những môn bắt buộc).

Tùy theo học lực của mỗi học sinh các em sẽ được lựa chọn học bao nhiêu môn trong một học kỳ, nếu học sinh có học lực tốt thì có thể tốt nghiệp sớm để lên học chương trình cao hơn.

Nếu em có học lực yếu có thể kết thúc muộn hơn.

Học tín chỉ không có khái niệm ở lại lớp như hiện tại, cũng không có khái niệm học sinh “ngồi nhầm lớp” gây bức xúc gần đây.

Học sinh học yếu môn nào sẽ phải học lại môn đó các môn đã đạt rồi thì không cần học lại.

Như trường hợp ví dụ ở trên, học sinh lớp 8 trên chỉ có một môn Địa lý không đạt thì em vẫn được tiếp tục học lên lớp 9, tuy nhiên đối với tín chỉ môn địa em phải học hoàn thành số tín chỉ của lớp 8 cho đạt thì mới được học tín chỉ môn Địa lý lớp 9 (nếu nó có liên thông, còn nếu không liên thông thì vẫn có thể cho học sinh học tín chỉ Địa lý 9 dù vẫn chưa đạt Địa lý 8), do đó học sinh học yếu có thể tốt nghiệp muộn hơn, nhưng học lại thì chỉ học môn đó mà không phải học lại tất cả các môn.

Việc học sinh chưa đạt môn học nào đó chỉ được xem là điều kiện để được cấp chứng nhận hoàn thành bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Nếu các em đã hoàn thành hết các bộ môn ở lớp 9, 12 tuy nhiên vẫn còn nợ môn nào thì phải hoàn thành học môn đó để có thể cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. Việc cấp giấy chứng nhận này do hiệu trưởng cấp và được cấp linh hoạt.

Nếu học theo tín chỉ thì học sinh chỉ cần lại thời gian chỉ ngắn, nếu học theo chương trình hiện hành thì học sinh phải học lại cả năm, vì mỗi tuần học chỉ học 1,2 tiết, trong khi học theo tín chỉ là học liên tục hết học phần môn này sẽ được học học phần môn khác.

Tôi cho đây là việc đổi mới rất hay, tiến bộ, một số nước có nền giáo dục tiến bộ đã áp dụng và có hiệu quả từ bậc phổ thông.

Học sinh học tốt có thể học vượt và ra trường sớm. Việc tốt nghiệp sớm hay muộn phụ thuộc vào sức học của học sinh.

Cũng sẽ hạn chế tối đa việc giáo viên dùng quyền o ép để dạy thêm, vì học sinh có thể lựa chọn được học với giáo viên khác hoặc học lại học phần đó với giáo viên khác miễn sao việc kiểm tra đủ điều kiện để kết thúc học phần, đạt yêu cầu tín chỉ.

Dạy học theo tín chỉ yêu cầu người học phải có tinh thần tự học cao. Thời gian lên lớp rút ngắn học sinh có điều kiện tự học, có điều kiện tham gia rèn luyện thể lực, sinh hoạt đoàn hội phát triển kỹ năng sống cho học sinh.

Dạy học theo tín chỉ học sinh được lựa chọn môn học được lựa chọn giáo viên. Điều này tạo áp lực giáo viên phải không ngừng học tập, đổi mới phương pháp, rèn luyện chuyên môn để thu hút học sinh học lớp của mình.

Học theo tín chỉ thì kiến thức học sinh sẽ được tích lũy qua các môn học. Việc đánh giá học sinh dựa trên điểm tích lũy cả quá trình học điều này giúp đánh giá tốt học lựa của người học. Không có việc phân biệt giữa môn chính môn phụ, việc học theo tín chỉ giúp phân hóa học sinh tốt hơn.

Nếu việc dạy học theo tín chỉ được nghiên cứu và triển khai thí điểm là rất tốt, nếu chưa thực hiện được rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi quy định về điều kiện lên lớp nếu học sinh học yếu chỉ 1 và môn mà phải học lại tất cả các môn. Chỉ nên quy định học sinh học yếu, chưa đạt môn nào phải được học bổ sung kiến thức của môn đó (hình thức tập trung, trực tuyến hoặc tự học).

Ý kiến về dạy học theo tín chỉ ở bậc phổ thông là một quan điểm mới. Thông qua bài viết, tác giả rất mong nhận được sự đóng góp, trao đổi của các thầy công đồng nghiệp và bạn đọc xa gần ngõ hầu làm sáng tỏ những lợi ích cũng như khó khăn, giải pháp khi tổ chức dạy học theo tín chỉ ở bậc phổ thông.

Mọi thư từ đóng góp xin được gửi về địa chỉ email toasoan@giaoduc.net.vn.

BÙI NAM