Không dạy - học bậc trung học phổ thông theo tín chỉ, đổi mới còn nửa vời

17/04/2021 06:48
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên chăng, Bộ sẽ thí điểm cho học sinh phổ thông ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông học theo tín chỉ giống như sinh viên các trường đại học, cao đẳng...

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (năm 2000) ở các cấp học phổ thông chủ yếu là các môn học bắt buộc. Nghĩa là học sinh phải học tất cả các môn theo kế hoạch của nhà trường, của ngành giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số thay đổi so với chương trình hiện hành, đó là chương trình học có những môn môn bắt buộc đan xen với môn học tự chọn nhưng cách dạy, cách học cũng sẽ không có nhiều thay đổi.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc học sinh phải học tuần tự các môn học theo từng lớp, từng tháng, từng học kỳ. Vì thế, tất cả học sinh giỏi hay dở cũng đều phải học các môn học như nhau. Không khuyến khích được một số em có năng khiếu, học giỏi kết thúc chương trình học sớm như sinh viên các trường đại học.

Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Lã Tiến/ GDVN.

Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Lã Tiến/ GDVN.

Bắt đầu từ năm học 2021-2022 tới đây thì chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 6 và năm học 2022-2023 sẽ là lớp 10. Chương trình mới được đánh giá là “chương trình mở” nhưng nếu vẫn học như hiện nay thì thực ra nó vẫn… “đóng”.

Nên chăng, Bộ sẽ thí điểm cho học sinh phổ thông ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông học theo tín chỉ giống như sinh viên các trường đại học, cao đẳng đang triển khai sẽ phát huy được rất nhiều lợi thế từ học trò mà áp lực thi cử sẽ giảm bớt đi.

Điều quan trọng là tạo được tính cạnh tranh giữa các giáo viên, học sinh ở các nhà trường để thúc đẩy chất lượng giảng dạy và học tập đi lên.

Những bất cập của việc dạy và học hiện nay ở bậc phổ thông

Hiện nay, chương trình hiện hành (còn gọi là Chương trình 2000 / Chương trình 2006) học từ lớp 6 đến lớp 12 có trên 10 môn học đều có lịch học tập giống nhau. Mỗi năm có 35 tuần thực học và nội dung, kiến thức học tập đều chung một bộ sách giáo khoa như nhau. Thời điểm bắt đầu và kết thúc năm học, cấp học của học sinh giống nhau.

Chính vì thế, chúng ta thấy đang xảy ra một số bất cập ở các nhà trường phổ thông.

Thứ nhất: trong quá trình học trên lớp vì chương trình được tổ chức theo hình thức tuần tự nên học sinh giỏi, có năng khiếu không thể kết thúc sớm chương trình phổ thông.

Nhưng học sinh học yếu 1 vài môn, nhất là môn Toán, Văn, Anh phải ở lại lớp và điều này có nghĩa là học sinh phải học lại tất cả các môn học của lớp đó. Cho dù, có những môn học, học sinh học rất tốt nhưng vẫn phải học lại thêm một lần nữa.

Thứ hai: theo chương trình hiện hành thì đa phần một môn học, học sinh phải học cả năm. Chỉ có môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 9 là kết thúc ở cuối học kỳ I.

Trong khi, nhiều môn học mỗi tuần chỉ có bình quân 1 tiết, 1,5 tiết, 2 tiết…dễ khiến học sinh học trước quên sau bởi trong một tuần thì học sinh đang phải học rất nhiều môn cùng lúc. Vậy nên, dẫn đến việc nhiều học sinh không có thời gian xuyên suốt để nghiên cứu, đào sâu kiến thức.

Cũng vì thế mà một số học sinh học trước, quên sau, lơ mơ về kiến thức, nhất là đến khi kiểm tra học kỳ, thi tuyển cần huy động kiến thức cả học kỳ, cả năm học, thậm chí là cả cấp học. Vì thế nên đã phát sinh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan- nhất là đối với học sinh cuối cấp.

Thứ ba: từ nhiều năm qua, Bộ đã đang hướng tới việc đổi mới việc kiểm tra, đánh giá chất lượng người học nhưng giáo viên, nhà trường đều chịu áp lực về điểm số, tỉ lệ học sinh lên lớp, tỉ lệ đậu khi chuyển cấp.

Vì thế, giáo viên hiện nay vẫn cơ bản dạy học theo phương pháp truyền thống nhiều. Chưa dám đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và kiểm tra, đánh giá theo phẩm chất, năng lực của học trò.

Thứ tư: trình độ của giáo viên cùng khối, cấp học hiện nay không có sự đồng đều. Có thầy cô giỏi nhưng cũng có những thầy cô chưa giỏi, chưa có nhiều đầu tư trong dạy học.

Vì thế, có những giáo viên khi được phân công chủ nhiệm, dạy lớp thì học sinh, phụ huynh thích thú nhưng cũng có giáo viên không nhận được sự ủng hộ.

Nhưng, học sinh không có sự lựa chọn, Ban giám hiệu phân công giáo viên nào là giáo viên nào là học sinh phải chịu giáo viên đó.

Cũng từ đây có tình trạng phụ huynh chạy lớp, chạy thầy và giáo viên cũng có người tạo ảnh hưởng để dạy những lớp điểm, lớp mũi nhọn trong trường.

Dạy theo tín chỉ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả thầy và trò ở các nhà trường

Hiện nay, việc học theo tín chỉ đã được tổ chức ở các trường đại học tuy nhiên ở phổ thông ở nước ta chưa tổ chức dạy học theo hình thức này. Nếu được triển khi dạy học theo tín chỉ có thể sẽ phát huy được nhiều lợi thế.

Theo quan điểm cá nhân chúng tôi, đối với học sinh từ lớp khối 6 đến lớp 12 thì có thể Bộ triển khai dạy thí điểm ở một số nhà trường.

Chương trình giáo dục theo tín chỉ sẽ phù hợp với nhu cầu của đa phần học sinh. Học sinh được lựa chọn các môn học mà mình yêu thích để theo học (bên cạnh những môn bắt buộc).

Tùy theo học lực của mỗi học sinh, các em sẽ được lựa chọn học bao nhiêu môn trong một học kỳ, nếu học sinh có học lực tốt thì có thể tốt nghiệp sớm để lên học chương trình cao hơn. Nếu em có học lực yếu có thể kết thúc muộn hơn.

Học tín chỉ không có khái niệm ở lại lớp như hiện tại. Học sinh học yếu môn nào sẽ phải học lại môn đó các môn đã đạt rồi thì không cần học lại.

Học sinh học tốt có thể học vượt và ra trường sớm. Việc tốt nghiệp sớm hay muộn phụ thuộc vào sức học của học sinh.

Dạy học theo tín chỉ sẽ phát huy được tính chủ động, tinh thần tự học cao hơn của học trò. Thời gian lên lớp rút ngắn học sinh có điều kiện tự học, có điều kiện tham gia rèn luyện thể lực, sinh hoạt đoàn hội phát triển kỹ năng sống cho học sinh.

Học theo tín chỉ thì kiến thức học sinh sẽ được tích lũy qua các môn học. Việc đánh giá học sinh dựa trên điểm tích lũy cả quá trình học điều này giúp đánh giá tốt học lực của người học. Không có việc phân biệt giữa môn chính môn phụ. Việc học theo tín chỉ giúp phân hóa học sinh tốt hơn.

Một môn học sẽ được học trong một học kỳ, một học kỳ có thể học nhiều môn. Như vậy tránh được tình trạng chương trình kéo dài lê thê như hiện nay.

Việc đánh giá hạnh kiểm như hiện nay sẽ bị thay bằng điểm rèn luyên. Nếu học sinh tích cực rèn luyện đạo đức lối sống, tích cực tham gia phong trào thì điểm rèn luyện sẽ cao. Điều này cho thấy học sinh giỏi chưa chắc điểm rèn luyện cao nên sẽ kích thích cho học sinh năng động hơn.

Hơn nữa, dạy học theo tín chỉ thì học sinh được lựa chọn môn học và có thể được lựa chọn giáo viên. Điều này tạo áp lực giáo viên không ngừng học tập, đổi mới phương pháp, trau dồi chuyên môn để thu hút học sinh học lớp của mình.

Nhưng, ở chiều ngược lại thì giáo viên cũng không nhất thiết mỗi tuần phải dạy bao nhiêu tiết bắt buộc theo định mức như hiện nay mà có thể giáo viên sẽ hoàn thành tổng định mức trong năm trong theo quy định ở nhiều thời điểm khác nhau.

Từ đó, sẽ tạo cho giáo viên một khoảng thời gian chủ động sắp xếp mọi công việc, không phải gò bó quá vào giờ giấc như hiện nay.

Tuy nhiên, việc học tín chỉ thì các nhà trường sẽ phải quản lý học sinh vất vả hơn. Nhưng hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, việc quản lý học sinh cũng không phải là vấn đề nan giải nếu được triển khai đồng bộ.

Cái gì bắt đầu cũng có thể sẽ khó, áp lực nhưng theo chúng tôi, nếu ngành giáo dục triển khai học theo tín chỉ ở bậc phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 sẽ phát huy được nhiều lợi thế nhất định.

Nó không dẫn đến sự nhàm chán của việc học hiện nay mà cơ bản nó sẽ tạo tiền đề tốt cho các em học tập ở các bậc học cao hơn hay đi học nghề thì cũng sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, trong đó có sử dụng một phần thông tin, lập luận thể hiện quan điểm của nhà giáo Phúc Hậu gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

LÊ MINH