“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo năm 2021 tất cả các môn thi trong đó có môn Giáo dục công dân. Đây là cơ sở rất tốt để các em học sinh bám vào ma trận đề tham khảo ôn tập một cách hiệu quả và đúng trọng tâm nhất cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới.
Đề tham khảo năm nay có chút thay đổi với 10% câu hỏi ở lớp 11 với các bài 1, 2, 3, 4 tương đương với 4 câu hỏi. Và 90% rơi vào kiến thức lớp 12 với 36 câu nhưng có thêm câu hỏi ở bài 1 và bài 5. Số câu hỏi nhiều nhất nằm ở bài 2, bài 6 và bài 7 của lớp 12”, thầy Trần Văn Năng - Giáo viên môn Giáo dục công dân Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, đã cho biết khi trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Thầy Năng cho biết: "Khi làm xong bài nên dành thời gian để kiểm tra bài làm cho thật kĩ. Và một điều tuyệt đối phải ghi nhớ là khi làm bài thi trắc nghiệm phải điền hết đáp án các câu hỏi, không được để trống kể cả những câu hỏi khó nhất”. Ảnh: Tùng Dương. |
Từ những căn cứ vào cấu trúc đề năm nay, theo thầy Năng: “Đối với môn Giáo dục công dân, học sinh cần chú trọng ôn luyện kiến thức bám sát vào đề tham khảo, từ cấu trúc này căn cứ vào bài nào nhiều hay ít câu hỏi để từ đó phân bổ thời gian, dành nhiều thời gian cho bài có nhiều câu hỏi trong đề tham khảo.
Theo tôi, ma trận đề thi tham khảo và ma trận đề thi chính thức nó cũng gần như nhau, không có nhiều khác biệt. Thứ hai, những phần đã giảm tải cũng giống như các môn học khác thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra một số hướng dẫn ôn thi, trong đó có một số nội dung kiến thức được giảm tải, các em không ôn những phần này.
Đặc biệt là các bài 2, 4, 6, 7, 8 những phần về ý nghĩa của quyền, các nhóm quyền thì thường các câu hỏi không rơi vào nhóm này, ở phần về trách nhiệm công dân cũng vậy, cho nên các em học sinh có thể hạn chế khoanh vùng kiến thức.
Trong ôn tập kiến thức môn Giáo dục công dân, học sinh cần tập trung ôn phần khái niệm và nội dung của các quyền là đã đầy đủ, đặc biệt là các bài có nhiều câu hỏi như bài 2, bài 6 và bài 7 ở lớp 12.
Các em cần chú ý vào một số chuyên đề “Thực hiện pháp luật”, đây là chuyên đề có nhiều câu hỏi nhất trong đề thi chính thức năm 2020 và trong hai đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021, trong chuyên đề này, chúng ta chú ý hơn vào một số chuyên đề: Khi nào vi phạm hành chính chuyển thành vi phạm hình sự, phân biệt những việc làm vi phạm hành chính, dân sự, hình sự, kỉ luật. Các hình thức thực hiện pháp luật. Những dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Công dân với các quyền dân chủ:Học sinh cần nắm vững và phân biệt được ba nhóm quyền:
- Những biểu hiện vi phạm quyền bầu cử, ứng cử, trường hợp không được quyền bầu cử.
- Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội: Ở phạm vi cả nước, ở phạm vi cơ sở, phân biệt những việc "dân biết", "dân bàn", "dân làm", "dân kiểm tra".
- Phân biệt quyền khiếu nại và tố cáo.
Các em cần ôn và nắm thật vững kiến thức, hiểu sâu xa vấn đề ở những phần này".
Thầy Trần Văn Năng - Giáo viên dạy môn Giáo dục công dân và các em học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC. |
Đặc biệt lưu ý khi làm bài thi
Thầy Năng lưu ý: “Thường là những câu hỏi vận dụng cao rất khó và sẽ lấy mất điểm của học sinh. Nhưng nhiều bạn lại vô tình để mất điểm vào những câu hỏi rất dễ ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Do tâm lí chủ quan cho rằng câu hỏi này dễ nên chỉ đọc lướt qua và lựa chọn nhanh dẫn đến sự lựa chọn sai. Đối với câu hỏi dễ, học sinh phải đọc kỹ câu hỏi và đáp án trước khi điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
Ví dụ câu hỏi về khái niệm: Có 4 hình thức thực hiện pháp luật như sử dụng, thi hành, tuân thủ, áp dụng. Có những đề bài rất ngắn nên học sinh đọc lướt qua dẫn đến nhầm giữa tuân thủ pháp luật với thi hành pháp luật.
Phần này rất đơn giản nhưng nếu không chú ý rất dễ bị nhầm. Thi hành pháp luật là cá nhân, cơ quan, tổ chức chủ động làm những gì mà pháp luật quy định phải làm. Còn tuân thủ pháp luật lại là: Cá nhân, cơ quan, tổ chức không làm những điều pháp luật cấm. Nhiều em nhầm lẫn giữa hai khái niệm đó dẫn đến mất điểm.
Đối với những câu hỏi vận dụng thường rất khó, học sinh cần tái hiện lại những kiến thức đã học, đã được ôn và nếu như vẫn không chọn được đáp án đúng thì cần dùng phương pháp loại trừ 50/50 rồi loại tiếp phương án không hợp lý để còn lại đáp án đúng.
Với những câu hỏi khó dạng này thì kinh nghiệm trong khi ôn tập học sinh cần trao đổi với thầy cô, với bạn để có thể nhớ lâu hơn kiến thức đã học”.
Thầy Năng chia sẻ thêm: “Các em cần tập trung ôn luyện và phân bố thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Ôn thi phải bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ, không ôn thi vào những phần đọc thêm và giảm tải.
Ngoài kiến thức, tâm lý bước vào phòng thi cũng vô cùng quan trọng, khi bước vào phòng thi phải có được tâm thế thoải mái và tự tin. Khi làm bài cần căn giờ hợp lí cho các câu hỏi, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Với 40 câu hỏi làm trong 50 phút đồng hồ mà các em cứ mải làm, không căn giờ thì sẽ bị cuống khi hết thời gian làm bài, việc này dẫn đến việc dễ lựa chọn vào đáp án sai
Khi làm xong nên dành thời gian khoảng 5 phút đồng hồ để kiểm tra bài làm, xem lại từng câu cho thật kĩ. Và một điều tuyệt đối phải ghi nhớ khi làm bài thi trắc nghiệm, học sinh phải điền hết đáp án các câu hỏi, không được để trống một câu nào, kể cả những câu hỏi khó nhất chưa thể tìm ra đáp án đúng thì cũng nên tích vào 1 đáp án mà các em cho là có khả năng nhất”.