Lòng bao dung đã cứu vớt những đứa trẻ từng cầm dao giải quyết mâu thuẫn

17/04/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần thật sự tôn trọng học trò, coi các em là bạn, là đồng hành, thầy cô là người hỗ trợ, dìu dắt thì giáo dục sẽ thành công.

Hiện nay việc xử lý học sinh vi phạm tại một số trường rất qua loa, hời hợt, dẫn tới tình trạng "nhờn thuốc", vi phạm ngày càng nhiều cả về mức độ, tần suất và hậu quả để lại.

Có ý kiến cho rằng nhiều giáo viên vì áp lực và quy định nên “ngại” nhắc nhở, kỷ luật học sinh, sợ mất việc và điều này dẫn đến trạng thái vô cảm, thu mình lại?

Thầy Hòa nói: “Có ý kiến về việc giáo viên làm ngơ trước vi phạm kỷ luật của học trò vì ngại quy định, việc giáo dục đạo đức trong nhà trường bị xem nhẹ dẫn đến học sinh vô kỷ luật, không nên người… theo tôi đó chỉ là cách nghĩ, cách nói". Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Hòa nói: “Có ý kiến về việc giáo viên làm ngơ trước vi phạm kỷ luật của học trò vì ngại quy định, việc giáo dục đạo đức trong nhà trường bị xem nhẹ dẫn đến học sinh vô kỷ luật, không nên người… theo tôi đó chỉ là cách nghĩ, cách nói". Ảnh: Tùng Dương.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại: “Tôi làm công tác chủ nhiệm tại một trường ở quận Ba Đình cách đây cũng nhiều năm rồi. Năm đó, học sinh lớp tôi có xảy ra mâu thuẫn rồi đánh nhau, mấy em cầm dao đuổi nhau ở trên đường, và rồi bị Công an bắt về đồn.

Sau đó, thầy hiệu trưởng mời tôi lên và nói những đứa trẻ này là học sinh của thầy, các em đã vi phạm pháp luật, thầy xử lý kỷ luật đuổi học nhé vì đây là vi phạm nghiêm trọng.

Trước khi ra quyết định kỷ luật mấy học sinh đó, tôi tìm đến từng nhà để tìm hiểu xem các em được gia đình giáo dục thế nào, tại sao các em lại xử sự như vậy?

Nơi các em ở mà tôi tìm đến đó là một xóm lao động nghèo với nghề làm bánh đa nem, tôi nhận ra bố mẹ các em là những người siêng năng, cần mẫn suốt ngày đêm nên không có thời gian quan tâm đến các con. Họ có suy nghĩ cho con đi học là trăm sự nhờ thầy cô.

Và vì thiếu đi sự giáo dục, quan tâm của gia đình khiến cho các em tự do phát triển theo cá tính. Tôi suy nghĩ nếu như cho các em này nghỉ học thì sao? Câu hỏi này day dứt tôi mãi vì hôm nay các em đó mới chỉ cầm dao vì chưa có ý thức, nhưng nếu bị đuổi học không nơi nào nhận nữa thì các em này sẽ thành người cầm dao thường xuyên hơn và trở thành trẻ hư.

Biết hoàn cảnh gia đình các em, tôi cân nhắc và đến đồn Công an bảo lãnh cho các em về. Chỉ riêng chuyện tôi đến nhà và đứng ra bảo lãnh là các em đó đã rung động rồi, lại còn không thông báo với gia đình, tôi nhận lỗi với thầy hiệu trưởng và thầy đồng ý không kỷ luật, chuyện này coi như không nhắc lại. Các em đó được tiếp tục đi học bình thường.

Chính sự bao dung, chân tình, yêu thương học trò của tôi đã khiến cho các em cảm động. Tôi chinh phục học sinh ở chỗ đó, sau đấy trở đi tôi không cần phải nói nhiều, lớp đi vào nề nếp, chăm chỉ hơn, biết nghe lời và sau này ra đời khá thành đạt.

Tôi cho rằng sự bao dung, chia sẻ và không đặt địa vị mình là người thầy để bắt học sinh phải thế này, thế kia mà luôn chăm lo giáo dục các em, chinh phục bằng chính sự yêu thương, bằng trái tim của mình thì chắc chắn học sinh sẽ thay đổi”.

Thầy Hòa nói: “Có những ý kiến về việc giáo viên làm ngơ trước sự vi phạm kỷ luật của học trò vì ngại quy định, việc giáo dục đạo đức trong nhà trường bị xem nhẹ dẫn đến học sinh vô kỷ luật, không nên người…Theo tôi đó là cách nghĩ, cách nói chứ tôi không coi đó là cái chung cho tất cả.

Trước hết nói về áp lực và bạo lực. Áp lực lên giáo viên về chương trình dạy, về học sinh không tuân thủ kỷ luật, học sinh bị áp lực về điểm số và thành tích… Bạo lực trong cách ứng xử giữa học sinh với nhau, giữa giáo viên với học trò cũng như các thành phần xã hội khác với học trò. Vậy nên tôi cho rằng áp lực và bạo lực trong nhà trường nó là vấn đề thường xuyên.

Nhà trường là nơi tập hợp tất cả các em học sinh không phân biệt trò ngoan hay không ngoan, không phân biệt đối tượng giàu nghèo. Đã đến tuổi đi học thì tất cả đều được đến trường và được đối xử bình đẳng như nhau.

Các em đang ở lứa tuổi trưởng thành, đang hình thành nhân cách nên những giá trị về phẩm chất, những ứng xử… chưa được tốt, ở lứa tuổi đó dễ xảy ra rất nhiều chuyện, vì thế mới cần nhà trường.

Nhà trường là nơi chăm lo, giáo dục từ những em còn ngây ngô, phát triển tự nhiên từ khắp các gia đình có truyền thống bản sắc khác nhau để khi vào trường tất cả đều đi theo những định hướng của nền giáo dục. Nhà trường phải làm được những việc đó, phải chấp nhận một “tập hợp” như vậy chứ không được quyền chọn toàn học sinh chuẩn.

Và đã chấp nhận như vậy thì chuyện áp lực, chuyện bạo lực là thường xuyên. Chỉ có điều chúng ta quan niệm về nguyên nhân của bạo lực, của áp lực từ đâu mà ra, để giải quyết nguyên nhân, giảm dần những việc đó để thầy cô cũng cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, học sinh cũng vậy thôi”.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm không dạy học vì điểm số, vì thành tích học bạ đẹp mà vì con người, vì sự phát triển và tiến bộ, vì hạnh phúc của mỗi đứa trẻ. Ảnh: Tùng Dương.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm không dạy học vì điểm số, vì thành tích học bạ đẹp mà vì con người, vì sự phát triển và tiến bộ, vì hạnh phúc của mỗi đứa trẻ. Ảnh: Tùng Dương.

Cần những suy nghĩ và cách làm khác của thầy cô

Thầy Hòa cho biết: “Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của chúng tôi cũng không nằm ngoài quy luật, cũng có tất cả mọi chuyện “vui buồn” vì tôi cũng đâu được lựa chọn học sinh, nên chuyện áp lực và bạo lực phải nói thật là có. Nhưng chúng tôi đã tự “xử lý” những việc đó bằng phương pháp giáo dục tích cực để những việc đó chỉ là cái “mầm” và bị “diệt” ngay từ lúc mới manh nha, chưa kịp phát tác.

Trên cơ sở thầy cô xác định học trò là những người mà mình phải có trách nhiệm giáo dục, yêu thương, chăm lo, kiên trì để giúp trò thay đổi thành người. Thầy cô không coi đó là những “đối tượng” mà mình cần phải răn đe, cần phải kỷ luật…

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của chúng tôi làm được việc đó bởi chúng tôi xác định không dạy học vì điểm số, vì thành tích học bạ đẹp. Chúng tôi với mục tiêu giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 là vì con người, vì sự phát triển và tiến bộ, vì hạnh phúc của mỗi đứa trẻ.

Vì những mục tiêu như thế thì các thầy cô phải tự thay đổi mình, phải có tình yêu thương và đặc biệt nhất là phải có phương pháp giáo dục, nhưng chúng tôi không coi đó là phương pháp giáo dục của giáo viên giỏi mà yêu cầu thầy cô phải là những nhà tâm lý, nhà giáo dục tài năng, có tâm.

Chuyện áp lực và bạo lực không chỉ là vấn đề kỷ luật, không chỉ là đạo đức mà theo như chúng tôi nghiên cứu đó là vấn đề tâm lý lứa tuổi, tâm lý tuổi học đường cũng như tâm lý thầy cô. Vậy nên giáo viên muốn giảm bớt áp lực, bạo lực đưa về số tối thiểu và bằng không thì nếu chỉ là giáo viên giỏi vẫn chưa đủ, mà phải là nhà tâm lý, người truyền cảm hứng tài năng.

Học sinh không tuân theo kỷ luật, mỗi em mỗi kiểu vì đang ở lứa tuổi “phải” như thế, tuổi quậy phá…nên sinh ra đủ chuyện. Nếu như giáo viên hiểu đó là tính tất yếu của tuổi này, sẽ có điểm này điểm kia, bực tức thậm chí chửi bới ầm ỹ… tất cả những cái đó là vì tuổi dậy thì, bột phát, chưa ổn định. Nếu thầy cô là nhà tâm lý, nắm vững được thì đó là quy luật.

Các thầy cô theo phương pháp yêu thương mà giúp đỡ, hỗ trợ học trò quản lý cảm xúc làm chủ bản thân, đồng thời tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện để các em được chia sẻ, để trẻ được lắng nghe, để trẻ được là chính bản thân nó thì các em sẽ tự thay đổi. Làm được tất cả những điều trên thì công phu lắm.

Trong giờ học nếu muốn học sinh không quậy phá thì các thầy cô phải biết chinh phục học trò, phải truyền được cảm hứng qua các bài dạy, tạo ra hứng thú thì học sinh mới thích, mới nghe. Có thể nói các giáo viên của trường tôi được đào tạo để thành nhà tâm lý, có tâm, có tầm để thuyết phục giúp học sinh thay đổi”.

Nếu thầy cô theo cách nghĩ cũ và không chịu thay đổi, cứ dùng kỷ luật mạnh, dùng giáo dục đạo đức…một cách máy móc như xưa nay là luân lý thuyết giảng thì sẽ không thể đầy lùi bạo lực học đường mà còn tự tạo áp lực cho chính bản thân giáo viên, đó là điều phản giáo dục. Ảnh: Tùng Dương.

Nếu thầy cô theo cách nghĩ cũ và không chịu thay đổi, cứ dùng kỷ luật mạnh, dùng giáo dục đạo đức…một cách máy móc như xưa nay là luân lý thuyết giảng thì sẽ không thể đầy lùi bạo lực học đường mà còn tự tạo áp lực cho chính bản thân giáo viên, đó là điều phản giáo dục. Ảnh: Tùng Dương.

Giáo viên sợ “bắt lỗi” học trò?

Thầy Hòa chia sẻ: “Chuyện áp lực, bạo lực là tất nhiên và giáo viên phải đương đầu hàng ngày. Nhưng lâu nay chúng ta hay “xử lý” theo cách chúng ta phải là người duy trì kỷ luật, thầy cô tự biến mình thành người "phán xét", tự trao cho mình "quyền" sát phạt học sinh và cách nghĩ và hành xử như vậy đã thành “đường mòn”.

Nhưng giờ đây là trường học hạnh phúc, kỷ luật tích cực thì không nghĩ theo cách đó. Học sinh là trẻ con và tất cả những vi phạm của trẻ là tất yếu. Các thầy cô phải chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận đôi khi trẻ hỗn láo với mình, nên coi đó là trẻ con chưa biết suy nghĩ và mình cần phải dạy dỗ các em. Có như vậy thì mọi áp lực sẽ tan biến.

Bố mẹ dạy và nuôi con cực kỳ công phu, không có đứa trẻ nào vừa sinh ra là ngoan ngay cả, chẳng có bố mẹ nào trơn tru không cần dạy gì mà các con nên người. Bố mẹ công phu như vậy thì các thầy cô hãy làm như bố mẹ các em.

Hãy kiên trì, hãy dạy trẻ bằng tất cả tình yêu thương như cha mẹ các em. Nhưng tình yêu thương như cha mẹ sẽ rất khác, còn tình yêu thương của những nhà giáo dục cũng sẽ khác nữa bởi nó có nguyên tắc và trình độ học vấn, có nhận thức và khả năng chinh phục làm thay đổi học trò.

Vậy nên các thầy cô cần phải được đào tạo lại, phải được hỗ trợ về mặt tâm lý học, phải được trao cho những phương pháp mới về tâm lý, những cái đã cũ cần thay đổi. Các thầy cô cần phải thay đổi trước, đó là điều quan trọng nhất.

Nếu thầy cô theo cách nghĩ cũ và không chịu thay đổi, cứ dùng kỷ luật mạnh, dùng giáo dục đạo đức…một cách máy móc như xưa nay là luân lý thuyết giảng thì sẽ không thể đầy lùi bạo lực học đường mà còn tự tạo áp lực cho chính bản thân giáo viên, đó là điều phản giáo dục.

Thầy cô phải xác định vị trí của mình, không phải là người luôn luôn phán học sinh bảo sao nghe vậy, về khía cạnh nào đó mình là con người, học sinh cũng là con người nên cần phải đối xử với nhau như một con người. Lâu nay các thầy cô cứ nghĩ mình được quyền sát phạt nên tự thấy bức xúc, cảm thấy học trò không nghe lời. Nói một cách khác là thầy cô giáo dục không thành công ”.

Thầy Hòa chia sẻ thêm: “Vấn đề dân chủ trong giáo dục thì thế giới làm lâu rồi, bản thân trường tôi cũng đã áp dụng trên 20 năm nay.

Cần đối xử với học trò như một người trưởng thành, coi các em là bạn, là người đồng hành và thầy cô chỉ là người hỗ trợ, dìu dắt và trên cả là phải chinh phục được học trò. Như vậy giáo dục mới thành công”.

Tùng Dương