Thầy giáo trẻ quyết bỏ nơi lương hơn 20 triệu, đi làm giáo viên vùng cao

07/05/2021 06:40
Trần Phương
GDVN- Thầy giáo trẻ Dương Quang Công lấy gương Giáo sư Nguyễn Lân Dũng để vượt khó, công hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Sơn Động (Bắc Giang)

Bên lề cuộc hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0” được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tại trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 (Sơn Động, Bắc Giang), phóng viên đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với thầy giáo Dương Quang Công (sinh năm 1995), giáo viên Hóa kiêm Bí thư chi đoàn của nhà trường.

Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm tỉnh lỵ 80 km về phía Đông Bắc, trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 cũng là một trong những ngôi trường có tuổi đời non trẻ của tỉnh Bắc Giang khi chỉ mới 15 năm thành lập.

Cũng chính vì vậy, đội ngũ giáo viên của nhà trường có rất nhiều các thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ nhưng các thầy cô lên công tác trên vùng cao của tỉnh Bắc Giang với tâm niệm “cho đi”, “cống hiến hết mình”, các thầy cô giáo trẻ đã luôn nỗ lực từng ngày, từng giờ cho sự nghiệp giáo dục và từng ngày tự trau dồi kiến thức của mình để góp phần vào xây dựng những lớp người mới ở Sơn Động.

Mở đầu câu chuyện với phóng viên, thầy Công cho biết, mình đặc biệt ấn tượng với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Quả thật sức khỏe, nhiệt huyết của thầy khiến chúng em quá ấn tượng. Dù biết thầy là một nhà giáo nổi tiếng và đầy nhiệt huyết nhưng không nghĩ thầy lại có sức khỏe, sức làm việc tốt như vậy.

Thầy là tấm gương cho những người trẻ cho chúng em học tập và cống hiến”, thầy Công mở đầu.

Thầy giáo trẻ Dương Quang Công và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Thầy giáo trẻ Dương Quang Công và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Tốt nghiệp đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 2017, chuyên ngành giáo viên Hóa học và từng thi đậu vào công ty công nghệ của nước ngoài và nhận mức lương chuyên gia hơn 20 triệu đồng/tháng nhưng thầy Dương Quang Công quyết chọn cho mình con đường theo sự nghiệp giáo dục.

“Nói thật, quê em cũng ở Hiệp Hòa, Bắc Giang này nhưng từ nhỏ em chưa hình dung ra Sơn Động sẽ như thế nào. Nghe lời người lớn nói, Sơn Động là vùng núi, xa lắm. Vậy thôi.

Khi nhận được quyết định lên Sơn Động công tác, dù chưa biết vùng đất này như thế nào, học sinh nơi đây sẽ ra sao nhưng em vẫn quyết tâm đi”, thầy Công chia sẻ.

Khi được hỏi về việc có luyến tiếc mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng để đi làm giáo viên vùng cao không? Thầy Công cho biết không lăn tăn thì không phải nhưng lúc đó em đã chọn và không bao giờ luyến tiếc về việc chọn con đường giáo dục.

Mới về trường công tác được chưa đầy 4 năm (từ năm 2017) nhưng thầy giáo Dương Quang Công cho rằng mình là người may mắn khi được lên vùng cao Sơn Động công tác khi còn trẻ bởi thầy Công quan niệm “tuổi trẻ là cho đi”.

Là một giáo viên Hóa học, môn học dường như không dễ với học sinh vùng cao như Bắc Giang, thầy Công cho biết, đây cũng là một khó khăn lớn nhưng thầy giáo trẻ này vẫn đang tìm cách ngày ngày giúp các em không còn sợ với môn học này.

“Rất nhiều khó khăn phải vượt qua như làm sao để thuyết phục học sinh rằng hóa học không khó khăn như các em vẫn nghĩ, thậm chí rất thú vị.

Từ những ngày đầu về trường, bản thân em nghĩ mình phải luôn cố gắng học hỏi từng ngày từ các thầy cô đi trước, từ những người bạn ở khắp mọi miền tổ quốc, trau dồi chuyên môn, chỉ mong làm sao để mỗi ngày các em sẽ tiến bộ hơn một chút, một chút thôi cũng là tốt rồi. Làm sao để các em ấy cảm thấy yêu thích môn học, không bị mệt mỏi sợ hãi môn này là em nghĩ mình đã thành công.

Để các em có hứng thú với môn hóa bản thân người làm thầy như em cũng phải tự học học thêm rất nhiều điều từ kiến thức đến phương pháp giảng dạy để truyền đạt cho các em. Rất may mắn cho em là đã luôn được các thầy cô trong tổ dìu dắt, động viên, khích lệ. Số em chọn học các môn tự nhiên chỉ cần năm sau cao hơn năm trước một chút thôi là vui lắm rồi”, thầy Công chia sẻ về những khó khăn gặp phải.

Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy giáo trẻ Dương Quang Công còn kiêm là Bí thư đoàn Thanh niên nhà trường. Cũng nhờ làm công tác đoàn, thầy Công có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các em ngoài giờ lên lớp.

Với lợi thế là thầy giáo trẻ, hoạt động đoàn càng làm cho thầy Công hiểu học trò của mình hơn để đưa ra những chương trình, hoạt động có ý nghĩa gần gũi với các em hơn.

Để giáo dục được các em mình phải là người thầy tốt, bạn tốt thì việc học của các em mới hiệu quả, thầy Công chia sẻ thêm.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3.

Trong buổi hội thảo do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, thầy giáo Dương Quang Công rất tâm đắc với những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi Giáo sư cho rằng mỗi người có một mục đích học tập khác nhau, có người học để làm nghề, để kiếm tiền, có người học để hoàn thiện bản thân, để dạy con cái... Còn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng luôn quan niệm "học để thành người".

Đây là ấn tượng đặc biệt với thầy giáo trẻ Dương Quang Công.

Cùng với đó, thấy các em lắng nghe "ông giáo già" thuyết trình, dù trời nắng nhưng các em vẫn che ô và im lặng nghe thầy nói chuyện trong suốt 2-3 giờ liền.

Thầy Công cho rằng, điều đó chứng tỏ các em sẽ không thể ngồi im khi chỉ nghe những lời diễn giảng, răn dạy sáo rỗng, ngược lại các em lại chấp nhận ngồi và dễ dàng tiếp thu một cách hứng thú khi nghe kể chuyện về những điều mà các em chưa biết và muốn biết.

Đây cũng là điều mà thầy Công cho rằng mình và các đồng nghiệp trẻ tuổi khác của mình phải học tập.

“Mình cũng không có tham vọng trở thành thế này thế kia nhưng tấm gương của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sẽ là động lực để mình tiếp tục sự nghiệp giáo dục của mình”, thầy giáo Dương Quang Công cho biết.

Trần Phương