Người trong cuộc nói về bất cập khi tách bậc cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học

24/05/2021 06:53
Thanh Sơn
GDVN- Đơn cử như hiện nay, một Tiến sĩ ở trường cao đẳng đủ điều kiện được phong hàm phó giáo sư, giáo sư nhưng chưa hề có quy định về vấn đề này.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết về việc hệ thống giáo dục các nước không tách đại học ra khỏi cao đẳng chính quy. Còn ở Việt Nam thì kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên). Chính điều này đã và đang gây nên nhiều bất cập.

Sau gần 4 năm, tháng 5/2021, lãnh đạo một trường cao đẳng trong lĩnh vực sức khỏe (đề nghị không nêu tên) trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, từ năm 2017 khi chuyển quản lý nhà nước bậc đào tạo cao đẳng về Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã làm đứt gãy hệ thống giáo dục quốc dân mà cụ thể là khiến quá trình liên thông từ cao đẳng lên đại học, sau đại học không thống nhất trong mục tiêu đào tạo, buộc các nhà trường phải xây dựng lại chương trình đào tạo.

Ảnh minh họa: nguồn Tạp chí Mặt trận

Ảnh minh họa: nguồn Tạp chí Mặt trận

Cụ thể, theo vị này, 3 mục tiêu đào tạo xuyên suốt của bậc cao đẳng chuyên nghiệp bao gồm kiến thức – kỹ năng và thái độ được kết hợp hài hòa nhưng kể từ khi chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý thì mục tiêu kỹ năng được chú trọng hơn cả.

“Nếu từ năm 2017 trở về trước, các nhà trường xây dựng phương pháp giảng dạy dựa trên 3 mục tiêu đào tạo kia thì từ năm 2017 đến nay chúng tôi phải kết cấu, điều chỉnh lại để kỹ năng được chiếm quỹ thời gian đào tạo nhiều hơn”, vị này nói.

Trong khi đó, kỹ năng giáo dục nghề nghiệp thường đòi hỏi thuần thục không chỉ một kỹ năng nhất định nào đó mà linh hoạt để còn thay đổi với thực tế. Hơn nữa, vì phương pháp giảng dạy thay đổi nên phương pháp đánh giá cũng phải thay đổi theo.

Chưa kể, vì không cùng hệ thống giáo dục đại học nên khi học sinh học liên thông sẽ không được bảo lưu những kết quả ở bậc học thấp hơn đã gây tốn kém thời gian và tiền bạc để hoàn thiện theo chương trình của đại học.

Đặc biệt, đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp như hiện nay thì buộc cơ cấu tổ chức bộ máy trong cơ sở giáo dục cũng phải thay đổi, không thể nào giữ nguyên như trước đây.

Đó còn chưa kể vấn đề phong học hàm, học vị đối với bậc cao đẳng từ khi chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đang bị bỏ ngỏ, chưa được hướng dẫn.

Hiện nay dù một Tiến sĩ ở trường cao đẳng đủ điều kiện được phong hàm phó giáo sư, giáo sư nhưng chưa hề có quy định về vấn đề này.

Thanh Sơn