Vừa qua Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về kiến nghị này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ - Trần Đức Cảnh để lắng nghe quan điểm của ông.
Phóng viên: Thưa ông, ông có đồng ý với quan điểm của Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị không?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị này. Cá nhân tôi cũng đã phản ánh rất nhiều lần về tính bất hợp lý của việc tách hệ cao đẳng ra khỏi đại học.
Đưa cao đẳng trở lại hệ đại học là đúng với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW đó là, “đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.
Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”.
Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ - Trần Đức Cảnh (ảnh: nguồn website Trường Đại học Hoa Sen) |
Ở các nước họ đều thiết kế chương trình cao đẳng là một phần của hệ giáo dục đại học, mục đích là cấu trúc cấp học và xây dựng chương trình học hiệu quả, tạo tính mở và liên thông cần thiết trong giáo dục và đào tạo.
Chương trình cao đẳng 2-3 năm ở các nước, như hệ cao đẳng của Việt Nam trước đây. Cao đẳng có thể liên thông trực tiếp lên đại học theo chương trình 2+2, hay 2+3 (hệ đào tạo chuyên môn/kỹ thuật). Có nghĩa là chương 2 năm hay 3 năm (tín chỉ/môn) của cao đẳng được cấu trúc và công nhận tương đương với bậc đại học khi liên thông.
Bản thân chương trình cao đẳng rất thực tiễn và hiệu quả kinh tế không riêng ở Việt Nam mà cả thế giới từ trước đến nay, cung cấp nguồn lực có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cấp dưới bậc đại học. Riêng với nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu đào tạo cấp học này rất lớn, cũng như khả năng nâng cấp trình độ lâu dài của người học.
Khi trường đã có kiểm định chất lượng và công nhận thì việc liên thông giữa các đại học và với cao đẳng phải xem là việc đương nhiên, còn trường nhận sinh viên (chuyển trường) hay không còn tùy thuộc vào tiêu chí và chuẩn của mỗi trường.
Theo cấu trúc chương trình cao đẳng và đại học hiện nay thì rất khó hay không thể liên thông, vì cao đẳng hướng theo hệ nghề, không tương đương với trình độ 2 hay 1 năm đại học nói trên.
Cũng xin nói rõ là hệ đào tạo nghề cần được khuyến khích, nhưng không phù hợp với chương trình cao đẳng thuộc hệ đại học như đã đề cập.
Do đó quan điểm tôi là nên đưa cao đẳng, bậc 5 của Khung trình độ quốc gia, về hệ đại học (higher education).
Ông nghĩ gì về vai trò của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đối với hệ đào tạo nghề?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Ở các nước họ phân biệt giáo dục đại học và đào tạo nghề rất rõ. Nếu là nghề thì không thể liên thông lên cao đẳng hay đại học.
Chương trình đạo tạo nghề, chuyên môn thì có nhiều cấp khác nhau, có thể từ 3 tháng đến 2 năm, tùy theo nhu cầu công việc và của người học.
Thị trường lao động trong nước chưa thực sự hoạt động hiệu quả, một phần do cơ chế thiếu sự linh hoạt, thường áp dụng các biện pháp hành chính cứng trong các loại chương trình; định hướng ngành nghề gắn với phát triển kinh tế chưa rõ nét; thiếu thông tin. Một khi các vấn đề này được giải quyết thì cơ chế thị trường sẽ là lực thúc đẩy và điều chỉnh các nguồn lực kinh tế, trong đó có kinh tế lao động.
Tôi nghĩ vai trò cũa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rất lớn trong việc xây dựng chính sách lao động, quản lý các chương trình đào tạo nghề, chuyên môn các cấp, đồng thời điều phối nguồn lực lao động qua việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo và cung cấp thông tin cần thiết cho thị trường lao động.
Phân luồng sau trung học cơ sở đã được báo chí đề cập nhiều trong những năm gần đây, nhưng việc tiến triển lại rất chậm. Ông nghĩ sao về việc này?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Theo tôi thì việc phân luồng sau trung học cơ sở lẽ ra phải làm từ hàng chục năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được gì mấy, thậm chí còn có phần lạc hướng.
Phân luồng sau trung học cơ sở là hoàn toàn hợp lý, quan trọng là nó đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề song song với học văn hóa trong cùng chương trình, hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực cho từng cấp học.
Theo tôi ước tính thì hiện nay có khoảng 36% (494.000) học sinh hoàn tất chương trình trung học cơ sở nhưng không tiếp tục học lên trung học phổ thông vì nhiều lý do, một số chọn theo học các chương trình nghề.
Nếu cấu trúc chương trình trung học nghề/chuyên môn, kỹ thuật hợp lý, song song với hệ trung học phổ thông với tỷ lệ 30/70, thì trong 5-10 năm tới số học sinh theo hệ này có thể lên đến khoảng 300 đến 350 ngàn học sinh/năm. Đến năm 2030, chúng ta có khoảng 1 triệu học sinh theo học hệ này, xã hội sẽ có số tay nghề rất lớn được đào tạo từ loại hình trường này.
Quan trọng là học sinh tốt nghiệp trung học nghề/kỹ thuật vẫn đạt trình độ văn hóa để có thể tiếp tục học lên cao đẳng hay đại học theo hướng giáo dục mở, chứ không bị “mắc kẹt” ở hệ nghề, tạo động lực rất lớn cho việc theo học hệ trung học nghề/chuyên môn, và hướng phát triển lâu dài.
Vậy làm sao phát huy vai trò của giáo dục vào đào tạo trong thời đại công nghệ trong phát triển đất nước ?
Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Với tốc độ và tác động chuyển đổi của công nghệ thông tin, số hóa và tự động hóa .. của thế giới hiện nay, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh chóng. Ngành nghề, công việc .. cũng theo thế. Do đó, giáo dục và đào tạo cần linh hoạt, chủ động thay đổi cho phù hợp mới mong tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ hệ giáo dục đại học và nghề trong chính sách, cấu trúc chương trình và chuẩn chất lượng, để không bị lúng túng trong liên thông cũng như hội nhập quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông.